Công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2013 - 2017 của Khu BTTN Pù Hoạt

PHO
Là một Đơn vị mới được thành lập, nguồn cơ sở dữ liệu về lý lịch rừng còn đang thiếu hụt. Trong thời gian qua, Đơn vị đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn và từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

 Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được chuyển đổi từ Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND, ngày 02/04/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, với mục tiêu nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và các loài động thực vật đặc trưng cho khu vực, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An. Là một trong 3 khu rừng đặc dụng nằm trong “Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An” đã được UNESCO công nhận ngày 20-9-2007. Có giá trị đa dạng sinh học cao chứa đựng nhiều hệ sinh thái, cảnh quan, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen cao.

Là một Đơn vị mới được thành lập, nguồn cơ sở dữ liệu về lý lịch rừng còn đang thiếu hụt. Trong thời gian qua, Đơn vị đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn và từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Một số nội dung nghiên cứu khoa học đã được triển khai trong thời gian qua tại Đơn vị, kết quả cụ thể như sau:

1. Dự án Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

- Thời gian thực hiện: Năm 2013.

- Kết quả: Dự án điều tra lập danh lục khu hệ động thực vật, đây là cơ sở quan trọng cho việc định loại và xác định các nguồn gen quý hiếm hiện có trong khu bảo tồn, cũng như xác định danh lục các loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Về động vật kết quả điều tra Lớp thú Mammalia: 118 loài, 30 họ, 12 bộ; Lớp chim Aves: 372 loài, 54 họ, 17 bộ; Lớp Bò sát Reptilia: 62 loài, 16 họ, 2 bộ;Lớp Ếch nhái Amphibia: 37 loài, 7 họ, 2 bộ.Về thực vật đã được xây dựng danh lục Thực vật trong Khu BTTN Pù Hoạt phân bố trong 5 ngành, với 140 họ, 397 chi và 676 loài được ghi nhận

2. Chương trình Điều tra và giám sát đa dạng sinh học tại Khu BTTN Pù Hoạt

- Thời gian thực hiện: 2015 - 2016

- Kết quả: Hoạt động đã đánh giá, giám sát được tình trạng quần thể một số loài có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao, nhạy cảm với tác động của con người và dễ nhận dạng trên hiện trường. Giám sát các tác động chính của con người đến tài nguyên sinh vật của Khu BTTN Pù Hoạt như khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng, chăn thả gia súc và các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và rừng. Bước đầu hỗ trợ cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt thiết lập và tiến hành chương trình giám sát các loài động thực vật quý hiếm, nâng cao năng lực cán bộ trong công tác giám sát đa dạng sinh học và bảo tồn.

3. Điều tra, nghiên cứu trữ lượng và sự phân bố của loài cây Lùng trong rừng đặc dụng và đề xuất phương án bảo tồn loài tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

- Thời gian thực hiện: 2015

- Kết quả: Điều tra, khảo sát được hiện trạng phân bố, bảo tồn của loài cây Lùng ở Khu BTTN Pù Hoạt, làm cơ sở để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức của cộng đồng và năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ và góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển loài cây Lùng có giá trị tại Khu BTTN Pù Hoạt.

4. Điều tra nghiên cứu và lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận quần thể Sa mu dầu, Phay Sừng là quần thể cây di sản Việt Nam.

- Thời gian thực hiện: 2015

- Kết quả: Điều tra được tỉ mỉ về số lượng, chất lượng, phạm vi phân bố các quần thể cây Sa mu dầu và cây Phay sừng trên địa bàn BQL Khu BTNT Pù Hoạt. Xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thiện về các quần thể cây Sa mu dầu, cây Phay Sừng (Số liệu thống kê, bản đồ phân bố, đánh số hiệu các cây, đóng biển..). Đề xuất thành công việc công nhận được 56 cây Sa mu dầu và 05 cây Phay Sừng tại Khu BTTN Pù Hoạt trở thành cây di sản Việt Nam.

5. Chương trình nghiên cứu phân bố, đặc tính sinh thái và đề xuất bảo tồn các loài cây hạt trần tại khu BTTN Pù Hoạt.

- Thời gian thực hiện: 2016

- Kết quả: Điều tra trên 21 tuyến với tổng số chiều dài tuyến trên 207,18 km, và điều tra khoanh lô triên tuyến với tổng diện tích 2.000,72ha, đã ghi nhận được có 10 loài Hạt trần phân bố trong khu vực nghiên cứu. Xây dựng được bộ tiêu bản cho 10 loài Hạt trần đã được ghi nhận với 59 tiêu bản. Gồm các loài sau như: Pơ mu, Bách xanh, Tuế lá dài, Gắm múi, Du sam núi đất, Thông nàng, Kim giao, Thông tre lá dài, Dẻ tùng Vân Nam, Sa mộc dầu.

Qua 4 năm thành lập, công tác nghiên cứu khoa học bước đầu được thực hiện và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống thông tin, giữ liệu khoa học về đa dạng sinh học của khu hệ động, thực vật đã từng bước được hoàn thiện, bổ sung thêm những cơ sở dữ liệu khoa học quý giá về giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn so với thời gian đầu mới thành lập. Những kết quả bước đầu đã tạo tiền đề cho các công tác nghiên cứu khoa học những năm tiếp theo.

Văn Mạnh - Phòng KHHTQT

lên đầu trang