Kết quả hoạt động Khoa học và Hợp tác quốc tế tại Khu BTTN Pù Hoạt giai đoạn 2013 - 2023

PHO

Khu BTTN Pù Hoạt được biết đến là một trong 3 khu rừng đặc dụng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, có vị trí địa lý nằm giáp danh với biên giới Việt - Lào trên những sườn núi thấp đến cao, đỉnh cao nhất là Pù Hoạt với 2.457 m so với mặt nước biển. Khu BTTN Pù Hoạt được đánh giá là một trong những Khu Bảo tồn có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, có các giá trị đa dạng sinh học cao chứa đựng nhiều hệ sinh thái, cảnh quan đẹp, đa dạng các loài với nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu.

Với những tiềm năng và lợi thế như trên, trong thời gian qua Khu BTTN Pù Hoạt đã đặc biệt coi trọng và đã tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu Khoa học và hợp tác quốc tế một cách thường xuyên và liên tục nhằm đáp ứng được các mục tiêu là bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan trên diện tích đất rừng được giao quản lý.

Có thể thấy rằng, sau 10 năm thành lập và phát triển, hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế tại Khu BTTN Pù Hoạt đã thu được nhiều kết quả nổi bật góp phần không nhỏ vào việc đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, kết quả của sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu đã góp phần đưa Khu BTTN Pù Hoạt trở thành địa danh được biết đến với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều sinh cảnh đẹp.

1. Nghiên cứu khoa học

Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), ngay từ những ngày đầu được thành lập, Khu BTTN Pù Hoạt luôn nỗ lực, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động NCKH, thường xuyên đổi mới phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận trong hoạt động NCKH nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và quản lý tài nguyên rừng một cách có hiệu quả. Các chương trình NCKH được thực hiện bởi cán bộ Khu Bảo tồn, nòng cốt là đội ngũ cán bộ phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, cùng với sự trợ giúp của các nhà Khoa học, các chuyên gia đến từ các trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Vinh…

Đến nay, sau 10 năm thành lập, Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức triển khai thực hiện được 13 đề tài NCKH. Cụ thể, về thực vật đã thực hiện các điều tra nghiên cứu cơ bản như: Các loài thực vật Hạt trần, Ngành Thông đất, Ngành Dương xỉ, Bộ Ngọc lan, Một lá mầm, Bộ Hoa tán, các loài Lâm sản ngoài gỗ và Nấm Lớn…về động vật cũng đã thực hiện các điều tra nghiên cứu cơ bản như: khu hệ Thú, khu hệ Cá, khu hệ Chim, khu hệ Lưỡng cư - Bò sát, khu hệ Côn trùng…và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Về hệ sinh thái đã xác định có 6 kiểu thảm, gồm: Kiểu rừng kín thường xanh, mưa nhiệt đới (<700m); Kiểu rú kín lá cứng hơi ẩm nhiệt đới (<700m); Kiểu trảng cây to, cây bụi, cỏ cao khô nhiệt đới (<700m); Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh, mưa á nhiệt đới núi thấp (700 - 1800m); Kiểu rừng kín hỗn giao cây lá rộng, và lá kim, ẩm, á nhiệt đới núi thấp; Kiểu quần hệ lạnh vùng cao (đỉnh núi >1800m). Trong đó, có 3 kiểu thảm chiếm diện tích chủ yếu là: Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh, mưa á nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng kín thường xanh, mưa nhiệt đới và Kiểu rừng kín hỗn giao cây lá rộng, và lá kim, ẩm, á nhiệt đới núi thấp. Đặc biệt, trong lâm phần có các quần thể cây Sa mu dầu độc đáo, quý hiếm phân bố trong những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ chạy dọc biên giới Việt - Lào. Các quần thể cây Sa mu dầu với số lượng cây lên đến hàng nghìn cây, trong đó có những cây đường kính lên tới 3,7m, chiều cao 50 - 60 m, được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Về thực vật rừng đã xác định được 2.425 loài và dưới loài (2.367 loài và 58 đơn vị dưới loài) thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Đã thống kê được 130 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong đó: có 112 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 25 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ (2006) và 15 loài trong IUCN (2017).

Về động vật rừng đã xác định được 1.315 loài thuộc 221 họ, 56 bộ. Đã thống kê được 199 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong đó: có 91 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 123 loài trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, 42 loài trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ và 110 loài trong IUCN (2021).

Ngoài ra, trong khoảng 10 năm qua, qua các kết quả NCKH thì tại Khu BTTN Pù Hoạt đã phát hiện ra được 04 loài thực vật mới cho khoa học, bổ sung 8 loài cho hệ thực vật Việt Nam và đã ghi nhận 10 loài gần đây mới được công bố cho khoa học và bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam phân bố ở Khu BTTN Pù Hoạt.

Từ các kết quả thực hiện các đề tài NCKH, thì Khu BTTN Pù Hoạt cũng đã phối hợp với các chuyên gia đến từ các trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Vinh tổ chức biên soạn, xây dựng và cho xuất bản được 2 cuốn Ấn phẩm sách tham khảo đó là “Đa dạng thực vật rừng tại Khu BTTN Pù Hoạt” và “Đa dạng về động vật rừng tại Khu BTTN Pù Hoạt” làm tài liệu phục vụ cho hoạt động NCKH sau này.

Thời gian tới, Khu BTTN Pù Hoạt sẽ tập trung ưu tiên cho việc thực hiện các đề tài NCKH chuyên sâu, bảo tồn các loài quý hiếm đặc hữu có nguy cơ bị tiêu diệt cao như: thực vật (Sa Mu Dầu, Pơ Mu,..); đồng vật (Vượn đen má trắng, Sơn dương…); Quy hoạch các khu bảo vệ đặc biệt; Tăng cường công tác giám sát đánh giá đa dạng sinh học; xây dựng và bổ sung tiêu bản động thực vật rừng phục vụ cho nhà bảo tàng; Tiếp tục sưu tập trồng bổ sung cây bản địa vào Vườn thực vật ngoại vi…

2. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế

Về hợp tác trong nước: Khu BTTN Pù Hoạt đã hợp tác với các đoàn nghiên cứu đến từ các Trung tâm, Viện, trường Đại học trong nước như Viện Sinh thái và thiên nhiên sinh vật, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm môi trường và phát triển của hiệp hội khoa học Nghệ An, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Vinh, Phân viện điều tra Bắc Trung bộ, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An, Ban quản lý Khu DTSQ Tây Nghệ An, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển CCD, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái...

Về hợp tác quốc tế: Khu BTTN Pù Hoạt hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn đến nghiên cứu động, thực vật, địa chất, văn hóa lịch sử và tranh thủ sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật; hợp tác phát triển du lịch. Điển hình là các chương trình hợp tác với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, Dự án rừng và đồng bằng, Dự án Enrich, Dự án PR, Đại học Tokyo Metropolitan, Nhật Bản để trao đổi về một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học.

Một số kết quả hoạt động hợp tác nổi bật của của đơn vị trong thời gian qua, cụ thể như sau:

- Phối hợp Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An thực hiện các đề tài nhân giống và trồng thử nghiệm mô hình các loài cây dược liệu dưới tán rừng như: Mú từn, Bình Vôi,...

- Phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học trong Khu BTTN Pù Hoạt như đề tài “Ứng dụng phương pháp thông tin địa lý và kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ phát triển loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata)”.

- Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn giống Quế có năng suất vỏ, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cho vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ” và trồng thành công mô hình cây Quế với tổng diện tích 5 ha.

- Phối hợp với dự án Rừng và Đồng Bằng tổ chức điều tra giám sát đa dạng sinh học Khu BTTN Pù Hoạt làm cơ sở xuất các giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật trong Khu Bảo tồn.

- Phối hợp với Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để triển khai hoạt động điều tra, khảo sát và lập hồ sơ công nhận cây Di sản Việt Nam.

- Phối hợp với Phân viện điều tra Bắc Trung bộ khảo sát, điều tra và xây dựng dự án trồng cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng tại 03 xã: Đồng Văn, Thông Thụ và Tiền Phong của huyện Quế Phong.

- Phối hợp với BQL Khu DTSQ Tây Nghệ An thực hiện các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án PR “Lồng ghép các mục tiêu quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”...

- Phối hợp với BQL Diễn đàn thị trường Nông nghiệp tổ chức thực hiện Mô hình trồng cây Khoai sọ tạo sinh kế cho người dân sinh sống xung quanh vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt.

Bên cạnh đó, hàng năm Khu BTTN Pù Hoạt còn tạo điều kiện cho hàng chục đoàn làm phim, nhiếp ảnh, báo chí hoạt động, để viết bài, quảng bá hình ảnh của Pù Hoạt như: Đài truyền hình VTV2, Đài truyền hình VTC, Đài truyền hình Nghệ An, Đài truyền hình Quế Phong, Báo Nghệ An,...

3. Ứng dụng công cụ công nghệ trong quản lý tài nguyên

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là hoạt động vô cùng cần thiết đối với Khu BTTN Pù Hoạt vào phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ rừng nhờ đó góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong toàn Đơn vị.

Những ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nổi bật trong thời gian qua mà Khu BTTN Pù Hoạt đã áp dụng đó là:

- Ứng dụng GIS: Kết quả nổi bật nhất trong việc ứng dụng GIS tại Khu BTTN Pù Hoạt là xây dựng hệ thống giám sát diễn biến tài nguyên rừng và hệ thống bản đồ số của Khu Bảo tồn (Bản đồ thiết kế giao khoán bảo vệ rừng, Bản đồ chi trả DVMTR, Bản đồ các phân khu chức năng, bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng, bản đồ phân bố động vật, thực vật,…).

- Ứng dụng Bẫy ảnh trong hoạt động điều tra, giám sát ĐDSH: Kết quả điều tra bằng bẫy ảnh tại Khu Bảo tồn đã ghi nhận và khẳng định sự có mặt của nhiều loài thú, trong đó có các loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN đã được các chuyên gia nghiên cứu, ghi nhận trước đây và một số loài trong bộ gặm nhấm, bộ guốc chẵn, một số loài chim… Ngoài ra, kết quả thu được từ bẫy ảnh còn xác định được các mối đe dọa và nguy cơ tác động đến ĐDSH tại Khu Bảo tồn; để từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn một cách hiệu quả.

- Ứng dụng SMART trong hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH: Với sự hỗ trợ Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức khóa tập huấn ứng dụng Công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART. Đến nay, tất cả các Trạm QLBVR và Hạt Kiểm lâm đã áp dụng SMART cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH. Việc áp dụng SMART mang lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng tuần tra, giám sát ĐDSH, phản ánh thông tin chính xác về tài nguyên rừng và các tác động, hệ thống này cũng đã phát huy tác dụng khi giám sát được các hoạt động thực thi pháp luật của cán bộ khoa học và kiểm lâm, đồng thời lưu trữ và theo dõi việc giám sát ĐDSH một cách có hệ thống và logic, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH phục vụ cho hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp.

4. Cứu hộ, phát triển sinh vật

Hoạt động cứu hộ và thả vào môi trường tự nhiên các loài thú hoang dã đã được thực hiện từ những năm 2013. Nhiều loài khác như: tê tê, vượn, rùa, trăn, rắn, kỳ đà, khỉ, cầy, chồn… do các tổ chức và cá nhân bàn giao đã được cứu hộ thành công và thả lại rừng. Đặc biệt, Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế thuộc Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát tiếp nhận và tái thả 12 cá thể Khỉ hoang dã thuộc 2 loài gồm: 11 cá thể Khỉ đuôi lợn, 01 cá thể Khỉ mốc đã kiểm tra, kiểm định đảm bảo sức khỏe, đủ điều kiện tái thả về môi trường tự nhiên theo quy định về quản lý động vật hoang dã. Các loài động vật được cứu hộ đến khi đủ sức khỏe và phục hồi được bản năng sẽ được thả về rừng tự nhiên.

Tuy vậy, công tác cứu hộ động vật hoang dã tại Khu BTTN Pù Hoạt còn gặp rất nhiều khó khăn, như Đơn vị vẫn chưa thành lập được trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, không đủ năng lực tiếp nhận cứu hộ với số lượng lớn, các động vật có kích thước lớn do hạn chế về số lượng chuồng trại, trang thiết bị; Nguồn kinh phí để thực hiện công tác từ ngân sách của nhà nước rất hạn hẹp; nhân lực thực hiện công việc còn thiếu.Về chuyên môn, công tác cứu hộ động vật hoang dã rất ít được đào tạo chính quy trong các trường chuyên nghiệp. Thiết nghĩ cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền để công tác Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật ngày càng phát triển như cái tên của nó vậy. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đơn vị luôn cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất có thể trong công tác chuyên môn.

5. Một số khó khăn và đề xuất giải pháp

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng nhưng hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế tại Khu BTTN Pù Hoạt vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn. Các nghiên cứu chưa bao quát được tất cả các lĩnh vực trong bảo tồn thiên nhiên mà mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu cơ bản về ĐDSH là chủ yếu. Đối với hoạt động NCKH mới chỉ tập trung điều tra kiểm kê về thành phần loài, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tập tính sinh thái, tình trạng, phân bố, cấu trúc, mật độ và số lượng cá thể, quần thể để làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn. Nhiều khu vực trong Khu Bảo tồn chưa được điều tra nghiên cứu do địa bàn rộng, phức tạp, hiểm trở nên không có thông tin, dẫn liệu khoa học phục vụ công tác giám sát và quản lý bảo vệ; hiện tại Khu BTTN Pù Hoạt vẫn chưa có được đầy đủ cơ sở dữ liệu đầu vào cho các hoạt động giám sát về ĐDSH và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Hợp tác trong NCKH còn hạn chế do nguồn lực còn chưa đủ mạnh. Nhân lực nghiên cứu còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao; việc tiếp cận huy động nguồn lực bên ngoài chưa đủ mạnh. Hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính liên tục, chuyên sâu; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực này.

Nhằm thúc đẩy và phát huy tốt hơn hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế. Trong thời gian tới, Khu BTTN Pù Hoạt cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu có năng lực chuyên môn giỏi, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đủ trình độ, kỹ năng ƯDCN, ngoại ngữ; có khả năng nghiên cứu độc lập hoặc có khả năng hợp tác với các đối tác nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiếp tục nghiên cứu thực hiện các điều tra cơ bản về thành phần loài đối với các đối tượng ít được nghiên cứu như: khu hệ động vật thủy sinh, khu hệ thực vật bậc thấp; nghiên cứu thực trạng bảo tồn, đặc điểm sinh thái, sinh trưởng và phát triển các loài động thực vật quý hiếm; nghiên cứu nhân giống và gây nuôi các loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao phục vụ cho công tác bảo tồn ĐDSH và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm; thực hiện các nghiên cứu về cảnh quan thiên nhiên phục vụ công tác bảo tồn các giá trị di sản và phát triển du lịch... Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa bộ cơ sở dữ liệu về ĐDSH; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phục hồi các loài nguy cấp, quý hiếm; sưu tập mẫu vật và xây dựng bảo tàng động thực vật. Ngoài ra, cần chủ động thiết lập và xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức NCKH trong và ngoài nước, các tổ chức đã có quan hệ hợp tác với Khu BTTN Pù Hoạt những năm qua, thường xuyên hợp tác với các VQG, KBT, Khu DTSQ, các trung tâm, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu Bảo tồn.

Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế

lên đầu trang