Người dân các huyện miền núi tích cực tham gia trồng rừng và chăm sóc rừng trồng thay thế. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Để thực hiện tốt chương trình trồng rừng thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An luôn tham mưu kịp thời các quy định, hướng dẫn để thực hiện trồng rừng thay thế theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ ngày càng phù hợp và hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng, các địa phương thực hiện tốt các nội dung liên quan đến trồng rừng thay thế. Đôn đốc các đơn vị hoàn thành công tác trồng rừng và giải ngân kinh phí trồng rừng thay thế theo tiến độ thực hiện. Nhờ sự quản lý, chỉ đạo kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các cơ quan liên quan, nên công tác trồng rừng thay thế ở Nghệ An đạt kết quả khả quan.
Thời gian qua, thông qua nguồn vốn tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, UBND tỉnh Nghệ An phân bổ kế hoạch cho 31 lượt dự án triển khai thực hiện tốt công tác trồng rừng thay thế. Tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, khi thực hiện chương trình trồng rừng thay thế, đơn vị triển khai kịp thời, đồng bộ đến tận người dân.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho hay: “Do đặc thù của địa bàn rẻo cao, nên trồng rừng thay thế gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành liên quan và sự nỗ lực rất lớn của đơn vị, công tác trồng rừng thay thế đã được thực hiện tốt. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã trồng hơn 1.218 ha, trong đó có 260 ha rừng sản xuất, hơn 571 ha cây phân tán (quy đổi), hơn 381 ha rừng phòng hộ và 66 ha rừng đặc dụng. Năm 2017, với sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, đơn vị tổ chức 2 đợt ra quân trồng rừng là vào tháng 4 và tháng 8, qua đó trồng mới 61 ha rừng phòng hộ và 56 ha rừng đặc dụng”.
Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành xây dựng vườn ươm cung cấp giống cây keo phục vụ dự án trồng thay thế. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Tại vùng bán sơn địa của huyện Yên Thành gồm các xã Quang Thành, Đồng Thành, Long Thành, Phúc Thành, Thịnh Thành… thông qua việc quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, các chính sách hỗ trợ cho người dân trồng rừng được thực hiện theo đúng quy định, công khai, kịp thời tạo được niềm tin cho người dân, nhờ đó tiến độ trồng rừng thực hiện nhanh. Hiện nay người dân tại Yên Thành đã trồng hơn 246 ha rừng, trong đó có 100 ha rừng sản xuất và hơn 146 ha rừng phòng hộ. Hay tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong,… công tác trồng rừng thay thế cũng đạt được hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho biết: “Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương liên quan, của các dự án bảo vệ và phát triển rừng cùng người dân làm nghề rừng, tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả công tác trồng rừng thay thế. Từ năm 2013 đến nay, tổng diện tích rừng trồng thay thế đạt 4.201,66 ha thông qua thực hiện 31 lượt dự án trên địa bàn tỉnh và tổng số tiền đã chi trồng rừng thay thế hơn 26,3 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã chi trả gần 9,2 tỷ đồng để trồng 266 ha rừng và chăm sóc rừng trồng các năm trước. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục chi trả hơn 14,8 tỷ đồng phục vụ công tác trồng, chăm sóc rừng trồng theo tiến độ thực hiện cho các dự án đã được UBND tỉnh phân bổ kế hoạch và được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt”.
N.V.M
Hoàng Vĩnh (Báo Nghệ An)