Trồng thử nghiệm cây Gáo vàng (NAUCLEA ORIENTALIS) trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

PHO

 Ngày 05/3/2020, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ đã phối hợp với UBND huyện Quỳ Châu tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả xây dựng mô hình sản xuất và trồng thử nghiệm cây Gáo vàng (Nauclea orientalis) trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những dự án trong chương trình nghiên cứu khoa học thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp thường xuyên của Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Nghệ An.

Gáo vàng thuộc họ Cà phê (Rubiaceace), là cây gỗ thường xanh hoặc nửa rụng lá, thân cao tới 35 mét, đường kính ngang ngực tới trên 100 cm, thân tròn, thẳng đứng. Cây Gáo vàng có vùng phân bố tương đối rộng, có mặt ở các nước như: Việt Nam, Trung Quốc, Srilanka, Philipin, Ấn Độ, Indonexia, Mianma, Thái Lan…Hiện nay, Cây gáo vàng (Nauclea orientalis) đã được trồng nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Qua kết quả bước đầu cho thấy rừng trồng Gáo vàng có tốc độ phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng. Sau 10 năm trồng có thể đạt 600 - 700 m3/ha.

                                                                   

Ở Nghệ An, cây Gáo vàng (Nauclea orientalis) phân bố tương đối phổ biến trong tự nhiện, tuy nhiên chưa có mô hình rừng trồng nào được thực hiện bằng loài cây này. Mô hình sản xuất và trồng thử nghiệm cây Gáo vàng (Nauclea orientalis) trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An là một trong những sáng kiến mới của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, nhằm đánh giá khả năng thành rừng của loài cây trên các điều kiện lập địa khác nhau. Với sự thành công của mô hình trồng rừng bằng loài cây Gáo vàng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung nguồn gen cho tập đoàn cây trồng của tỉnh Nghệ An, đồng thời mở ra hướng đi mới cho mục tiêu mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng cây bản địa. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra cho ngành Lâm nghiệp tỉnh nhà trong Chương trình tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Mô hình sản xuất và trồng thử nghiệm cây Gáo vàng (Nauclea orientalis) trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã được tiến hành từ năm 2018. Dự án đã tiến hành trồng thử nghiệm được 5,8 ha. Qua nghiên cứu, theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng của rừng, bước đầu đã cho thấy những kết quả phát triển rất khả quan. Cụ thể đối với rừng trồng sau 08 tháng tuổi: Tỷ lệ sống bình quân đạt 95%; Đường kính gốc bình quân đạt 2,2 cm; Chiều cao bình quân đạt 1,2 m.

                                                       

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện dự án cho thấy một số khó khăn đặt ra trong việc mở rộng mô hình trồng rừng đối với cây Giáo Vàng đó là:

- Điều kiện lập địa đáp ứng cho loài cây này phải là những khu vực có tầng đất dày, tương đối bằng phẳng, độ ẩm của đất tương đối cao. Mặt khác, nguồn hạt giống hiện tại còn khó khăn và kỹ thuật tạo giống, trồng và chăm sóc những năm đầu đòi hỏi tương đối cao.

- Suất đầu tư ban đầu cho trồng rừng tương đối cao so với trồng rừng bằng cây Keo là một thử thách khá lớn cho người dân nghèo ở vùng miền núi.

Với việc thành công bước đầu của mô hình trồng rừng bằng cây Gáo vàng (Nauclea orientalis) tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đang là những dấu hiệu tích cực để chính quyền địa phương các cấp, ngành Lâm nghiệp tỉnh nhà tiếp tục nghiên cứu, xem xét để phát triển loài cây này, nhằm đa dạng hoá tập đoàn cây trồng và phát triển kinh tế trên địa bàn các huyện miền núi. Đồng thời, đây cũng là cơ hội mở ra triển vọng mới cho ngành Lâm nghiệp trong việc thúc đẩy trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng cây bản địa, một vấn đề đang gặp khó khăn trong thực tiễn hiện nay.

Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt

lên đầu trang