Qua tìm hiểu được biết, thời hoàng kim, Quế Phong có trên 3.000 ha quế, quế còn được chưng cất tinh dầu từ cành, lá để xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu (tuy nhiên chưa được nhiều). Được xem là loài cây trung tính, cây quế vừa có khả năng chịu đựng các loài hình thời tiết cực đoan, vừa không cần quá nhiều ánh sáng và cây phát triển tốt khi được trồng tập trung thành vùng ổn định. Khi chủ trương phát triển cây quế lên đến cao trào, Nghệ An bắt đầu nhập hạt giống từ tỉnh Yên Bái. Sự du nhập của giống quế Yên Bái đã bắt đầu làm thoái trào giống quế Quế Phong. Bên cạnh đó, từ khi trồng đến thời kỳ thu hoạch cây quế cần 10 năm, trong khi đó giá trị mang lại không cao nên diện tích cây quế bị thu hẹp theo thời gian.
Đại diện UBND huyện Quế Phong cho biết: Những năm gần đây, giá vỏ quế tăng cao, người dân và chính quyền địa phương xác định đưa loại cây này vào các dự án trồng rừng gỗ lớn của huyện. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần một nguồn giống tốt, cho năng suất cao để cung ứng cho bà con. Thời gian qua, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản khảo sát cùng bảo tồn giống quế quỳ để ươm giống, nhân rộng diện tích nhằm tạo thu nhập cao cho người dân, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Ông Nguyễn Văn Sinh -Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Từ năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe được đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng xã Tiền Phong. Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội. Giữa hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 30 cây trội dự tuyển, rồi từ đó chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở NNPTTN, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài.
Hiện nay tại vườn ươm giống cây Na Chạng có trên 20 giống cây mẹ quế quỳ đạt tiêu chuẩn được lựa chọn để nhân giống. Hàng năm vườn ươm Na Chạng cung ứng giống trên 3 vạn cây để phục vụ cho bà con Quế Phong trồng từ 50-60 ha. Tính đến thời điểm này toàn huyện có trên 300 ha quế, tuy nhiên bà con chủ yếu trồng manh mún, nhỏ lẻ trong vườn nhà.
Theo đại diện của UBND huyện Quế Phong: Quế Quỳ là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, tinh dầu quế là nguyên liệu quí trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, gỗ quế sau khi bóc vỏ còn được dùng để làm nhà và đóng các đồ mộc gia dụng. Ngoài ra, do có tán lá khá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng trồng Quế còn có tác dụng phòng hộ khá hiệu quả. Vì thế Quế còn được gọi là cây đa mục đích nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa của huyện Quế Phong. Hiện nay giá quế khá cao, đạt từ 300-350 triệu đồng/ha, vì vậy huyện đang nỗ phối hợp các ngành bảo tồn, nhân giống quế quỳ, đồng thời thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế cũng như vận động tuyên truyền người dân trồng quế quỳ để nâng cao cải thiện cuộc sống.
Văn Trường