Bài 1: Rừng nguyên sinh kêu cứu

PHO

  

Năm 2014, vùng rừng sa mu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt từng “chảy máu” vì các đối tượng bản địa. Từ đầu năm 2019 đến nay, vùng rừng nguyên sinh biên giới quý hiếm này đã lại tiếp tục chịu những tác động xấu, nhưng các đối tượng gây hại lại đến từ bên kia biên giới…

Trần thuật của những người giữ rừng

 

Trên đường từ cửa khẩu Thông Thụ sang huyện Xăm Tảy, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, gợi lại vụ đối tượng người Lào xâm nhập, khai thác trái phép cây Sa mu dầu hồi tháng 3/2019, anh Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt giới thiệu: “Trên xe có Thành (Lưu Nhật Thành – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Hoạt) và Tuấn (Quang Văn Tuấn – Đội phó Đội kiểm lâm cơ động và PCCR Pù Hoạt) là hai người trực tiếp cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Hạnh Dịch trinh sát và phục bắt các đối tượng người Lào trong vụ việc. Gian nan vất vả lắm. Bắt đã khó, xử các đối tượng cũng khó. Bắt giữ từ cuối tháng 3 nhưng nghe đâu cuối tháng 7 này mới đưa ra xét xử!…”.

Hỏi chuyện Thành và Tuấn, các anh kể: Dịp cuối tháng 3/2019, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt nhận được nguồn tin báo của nhân dân có nhóm đối tượng khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 59. Đây là khu vực biên giới nên lãnh đạo Ban đã chỉ đạo Trạm QLBVR Nậm Giải xây dựng kế hoạch để phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và UBND xã Nậm Giải thực hiện tuần tra, kiểm tra.

Rừng sa mu dầu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Sáng ngày 28/3/2019, Đoàn công tác xuất phát tại bản Piêng Lâng (Nậm Giải), do 2 người dân bản địa làm hướng dẫn đường đi. Cắt rừng theo tuyến Huồi Gium (thuộc Tiểu khu 92), từ đó, đoàn ngược lên đỉnh núi giáp ranh với Tiểu khu 59 để xác định vị trí có khai thác rừng trái phép theo thông tin. Để đến vị trí được định vị, đoàn tiếp tục cắt rừng đến khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày. Ở đây, phát hiện có tiếng cưa xăng xẻ gỗ. Lợi dụng sự ồn ào của tiếng nổ máy xẻ gỗ, đoàn công tác di chuyển, tiếp cận nơi các đối tượng đang xẻ gỗ. Khi khoảng cách với các đối tượng chỉ còn khoảng 200m thì đoàn hội ý nhanh, chia thành 2 tổ (một tổ 6 người, một tổ 7 người) bao vây các đối tượng.

 

Đến khoảng hơn 12h thì cả 2 tổ áp sát vị trí xảy ra vụ việc. Quan sát kỹ, phát hiện nhóm khai thác gỗ gồm có 3 đối tượng. Nghe tiếng nói, xác định chúng là đối tượng người Lào. Sau khi vây bọc các lối mà các đối tượng có thể thoát thân, đoàn phát tín hiệu yêu cầu chúng dừng ngay việc khai thác rừng. Dù biết đã bị vây chặt nhưng các đối tượng vẫn liều lĩnh chống trả, hung hãn dùng dao nhọn để đâm, chém nhằm mở vòng vây trốn chạy. Chỉ đến khi đoàn công tác nổ súng chỉ thiên mới khống chế được 2 đối tượng, đối tượng còn lại lợi dụng địa hình hiểm trở chạy thoát về bên kia biên giới…

Quang Văn Tuấn kể thêm: Khi bọn tôi tiến vào, chúng dùng dao đâm, chém luôn. May không ai việc gì. Các đối tượng này đều là người Mông ở Lào, sống tại bản Nậm Bống, huyện Xăm Tảy. Nơi bắt chúng là khu vực biên giới Việt – Lào, địa hình hiểm trở, lại rất gần với các bản của Lào, tình hình an ninh phức tạp. Vì vậy việc bắt giữ người của họ là điều không hề đơn giản. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các thành viên tham gia, ngay sau đó Đoàn công tác quyết định rút nhanh về sâu trong khu vực nội địa…

Lực lượng bảo vệ rừng Khu BTTN Pù Hoạt và bộ đội biên phòng bắt giữ hai đối tượng người Mông Lào khai thác trái phép gỗ sa mu dầu dịp tháng 3/2019.

Ngày 26/6/2019, tại Quyết định số 2387/QĐ.UBND, UBND tỉnh Nghệ An cử đoàn cán bộ của tỉnh sang làm việc với chính quyền huyện Xăm Tảy và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào để trao đổi thông tin, nắm tình hình khai thác, vận chuyển, kinh doanh chế biến lâm sản và làm nương rẫy khu vực biên giới Việt Nam – Lào.

 

Tìm hiểu từ những người giữ rừng Pù Hoạt, từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài vụ việc nêu trên, còn có những lần loài cây gỗ quý hiếm của vùng rừng giàu nguyên sinh biên giới này “đổ máu”. Điển hình là vụ việc ngày 2/4/2019 xảy ra tại Tiểu khu 95. Trong quá trình tuần tra biên giới, khi đến Tiểu khu 95, thuộc địa bàn xã biên giới Tri Lễ của huyện Quế Phong, đoàn công tác liên ngành gồm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, UBND xã Tri Lễ, Đồn Biên phòng Tri Lễ, Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã phát hiện một nhóm 2 đối tượng đang dùng máy cưa xăng thực hiện hành vi cắt cây gỗ pơ mu. Vị trí chúng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có tọa độ 0467476 – 2180915, thuộc khoảnh 2, chỉ cách biên giới 100m. Khi đoàn công tác tổ chức vây bắt thì 2 đối tượng phát hiện, chúng vứt bỏ máy cưa xăng, lợi dụng địa hình hiểm trở bỏ chạy sang bên kia biên giới. Ghi nhận tại hiện trường, đã có 1 cây pơ mu bị cắt hạ. Cũng tại đây, có một cây sa mu dầu bị hạ từ năm 2014. Quá trình điều tra, đoàn công tác xác định nhóm 2 đối tượng là người Mông, ở bản Huồi Hay, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào)…

Lực lượng chức năng kiểm tra số gỗ sa mu dầu bị khai thác trái phép.

Là cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt bị lâm tặc bất ngờ dùng hung khí đánh gây thương tích đến 9% trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng với Lưu Nhật Thành thì đơn giản đấy là chuyện “sinh nghề tử nghiệp”. Vì như anh nói, có chấp nhận đối diện với hiểm nguy thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Thành trao đổi: “Tình hình trên địa bàn Quế Phong, dù vẫn có lúc này lúc khác, nhưng nói chung cũng không còn quá phải lo ngại. Bên kia biên giới mới là mối lo thực sự. Bọn em tìm hiểu, ở bên ấy mọi sự quá thuận lợi để các đối tượng có thể khai thác rừng biên giới của mình…”.

 

Các cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt cho biết, vùng rừng giàu nguyên sinh biên giới thuộc địa bàn các xã Tri Lễ, Nậm Giải và Hạnh Dịch của huyện Quế Phong hiện đang mất an toàn vì các đối tượng người Lào xâm nhập, khai thác trái phép. Theo tính toán của các anh, địa bàn xã Tri Lễ, tại Tiểu khu 95 có một số cây gỗ pơ mu đã bị khai thác nhiều năm trước đây hiện còn nằm tại hiện trường sát đường biên giới. Khu vực này sát với bản Huồi Hay, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào) nên có nguy cơ bị các đối tượng xâm nhập, cưa xẻ kéo về phía Lào. Khu vực giáp ranh giữa 2 xã Nậm Giải và Hạnh Dịch thuộc Tiểu khu 59 và Tiểu khu 92 thì đã xảy ra tình trạng người Lào sang cưa xẻ một số cây sa mu dầu đã bị chặt hạ nhiều năm trước đây, xong kéo gỗ về phía nước Lào. Qua tuần tra, đã phát hiện thấy đường kéo gỗ và các bìa vỏ, cành, ngọn còn sót lại. Khu vực này địa hình phía Việt Nam dốc và phức tạp, nhưng trữ lượng gỗ rất lớn và là trung tâm phân bố của loài cây sa mu dầu. Trong khi đó, phía nước bạn Lào địa hình tương đối bằng phẳng, lại gần với đường tuần tra biên giới của Lào, là điều kiện thuận lợi cho những kẻ manh tâm làm giàu trái phép từ gỗ rừng… Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt Nguyễn Văn Hiếu trăn trở: “Làm sao khi sang đến đất nước Lào phải thực hiện cho bằng được việc khảo sát thực địa đường tuần tra biên giới của nước bạn…”.

Lực lượng bảo vệ rừng Khu BTTN Pù Hoạt kiểm tra những cây sa mu dầu cổ thụ.

Đã vài lần xuyên rừng vượt núi, nếm trải cái lạnh về đêm thấu xương tủy để đến được vùng biên có độ cao trên 1.000m, nơi quần thể sa mu dầu quý hiếm của Khu BTTN Pù Hoạt được công nhận là Di sản quốc gia, thế nên chúng tôi hiểu tâm tư của những người giữ rừng. Như các anh mô tả, sát rừng nguyên sinh của ta là nhiều các bản làng người Mông Lào, ở đó lại có thêm một tuyến đường thì quả là thuận lợi quá lớn cho các đối tượng xấu xâm nhập, khai thác, vận chuyển trái phép gỗ quý… Nói ra điều này, Trưởng đoàn công tác là anh Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ: “Huyện Quế Phong hàng năm vẫn tổ chức làm việc với các huyện Xăm Tảy và Mường Quắn của bạn Lào. Vì vậy chúng ta sẽ giảm những nội dung không cần thiết, chỉ gặp gỡ trao đổi, nắm bắt thông tin. Sau đó sẽ dành thời gian để khảo sát, đánh giá tình hình thực tế một cách chính xác…”.

• Nội dung: Nhật Lân

• Ảnh: Nhật Lân

• Thiết kế - Kỹ thuật: Hữu Quân

lên đầu trang