Loài ếch mới có tên khoa học là Gracixalus quangi được đặt theo tên Giáo sư Hoàng Xuân Quang, nhà nghiên cứu bò sát ếch nhái – Trường Đại học sư phạm Vinh. Theo bản mô tả trên Tạp chí ZOOTAXA số 3125 ngày 09/12/2011, thì xét về mặt hình thái và di truyền phân tử, ếch cây G. quangi có nhiều đặc điểm tương đồng và cùng nhánh tiến hóa với các loài G. gracilipes, G. supercornutus và G. quyeti.
Tuy nhiên, có thể phân biệt được loài này nhờ một số đặc điểm nổi bật như: thân hình nhỏ bé (kích thước cơ thể con đực chỉ dưới 25mm); da màu xanh nhạt; phía sau chi trước và phía trước của đùi, bẹn chi sau có màu vàng đục, có các đốm đen hai bên sườn, bụng và đùi; mõm nhọn hình tam giác, xương chày lộ rõ.
Ếch cây Gracixalus quangi (Ảnh: Phạm Thế Cường/Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật)
Ếch cây Gracixalus quangi đực (Ảnh: Jodi J. L. Rowley/Viện Bảo tàng Australia)
Điểm đặc biệt là trong khi các loài ếch cây đực khác đều phát ra một tiếng gọi đặc trưng lặp đi lặp lại để thu hút bạn tình, thì tiếng kêu của ếch cây G. quangi lại có những dạng âm thanh khác nhau.
Trao đổi với Mongabay.com, TS. Jodi Rowley cho biết: “Các tiếng kêu mà chúng tôi ghi lại được rất khác nhau, khi thì pha trộn tiếng lách cách, khi lại như tiếng huýt gió và cả tiếng líu lo. Đó là những âm thanh đa sắc nhất mà tôi từng nghe thấy ở loài ếch, nó giống tiếng chim hót hơn là tiếng kêu của ếch”.
Ếch cây Gracixalus quangi đực nhìn từ bên dưới (Ảnh: Jodi J. L. Rowley/Viện Bảo tàng Australia)
Ếch cây G. quangi thuộc họ Rhacophoridae, hiện vẫn còn khoảng trên 300 loài thuộc 13 giống, phân bố khắp vùng châu Phi cận Sahara, Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản, Đài Loan, Philippin và quần đảo Sunda lớn. Nhiều loài trong số ấy theo thời gian cũng phát triển một hệ âm thanh giao tiếp phức tạp hơn, nhưng vẫn chưa thể sánh với tiếng kêu biến đổi cao về cả cấu trúc, biên độ, trường độ và tần số của loài ếch cây mới. Tới giờ, nhóm nghiên cứu vẫn đang đi tìm lời giải vì sao những con ếch cây G. quangi lại phát ra những âm thanh đa dạng đến vậy.
“Tất nhiên, dù lúc này vẫn chỉ là suy đoán, song một số đoạn trong tiếng kêu của ếch G. quangi, như tiếng lách cách, có lẽ nhằm mục đích giao tiếp với những con đực khác, một số đoạn khác, như tiếng huýt gió, có thể là nhằm thu hút những con cái” – bà Rowley đặt giả thiết.
Nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định loài ếch mới trên có đang ở trong tình trạng bị đe dọa hay không, nhưng vì là loài mới phát hiện và được tìm thấy ở một khu vực khá biệt lập, nên nhóm tin rằng hiện nó vẫn an toàn, ít nhất là tại nơi cư trú của mình.
Ếch cây G. quangi cũng là một trong rất nhiều trường hợp những loài ếch Đông Nam Á bị liệt vào danh sách “Thiếu dữ liệu” (DD) trong Sách Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Ếch cây Gracixalus quangi cái (Ảnh: Jodi J. L. Rowley/Viện Bảo tàng Australia)
Ông Nguyễn Thiên Tạo thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – thành viên nhóm nghiên cứu- cho hay, mẫu vật loài này được phát hiện trong các chuyến nghiên cứu thực địa của nhóm tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt hồi tháng 6 năm ngoái và tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên tháng 11/2011.
Được biết, các quần thể lưỡng cư trên thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng với ít nhất 120 loài lưỡng cư được cho là tuyệt chủng trong vòng 30 năm qua. Sách Đỏ của IUCN cũng ghi nhận 41% trong số 7.000 loài lưỡng cư được biết đến trên toàn cầu đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Phá rừng, mất các vùng đất ngập nước, ô nhiễm, tình trạng khai thác quá mức, nạn buôn bán “thú cưng”, loài xâm lấn, bệnh dịch và biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân dẫn tới việc số lượng quần thể các loài sinh vật nhạy cảm có khả năng hiển thị mức độ suy thoái môi trường này bị thu hẹp.
Nằm giáp biên giới Lào, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt trải rộng 67.934ha trên địa bàn hai huyện miền núi Quế Phong và Quỳ Châu thuộc Tây Nghệ An có một hệ động, thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loài đặc hữu đã được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Cùng hai vùng lõi khác là Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, nơi đây đã hợp thành Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An được thế giới công nhận vào tháng 9/2007. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt được chia thành ba loại hình cư trú: rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi cao hỗn giao cây lá rộng với lá kim, rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình và rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp. Từng là ngôi nhà của các loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti), voi châu Á (Elephas maximus) và một loài chỉ mới được khám phá gần đây là sao la (Pseudoryx nghetinhensis), được giới bảo tồn cho là đã tuyệt chủng tại khu vực này, hiện nay Pù Hoạt vẫn là ngôi nhà của bò tót (Bos gaurus), khỉ mốc (Macaca assamensis), sa mộc quế phong (Cunninghamia konishii)… và rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm khác. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) nằm tiếp giáp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, trên vùng rừng thượng nguồn sông Chu, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, được thành lập tháng 12/1999 với tổng diện tích 27.668ha. Đây cũng là nơi có đặc tính đa dạng sinh học cao so với nhiều khu bảo tồn khác ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Rừng trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng đầu nguồn sông Chu.
|
NVC
Nguồn: https://www.thiennhien.net/2011/12/15/phat-hien-loai-ech-cay-moi-tai-viet-nam/