Còn nhớ dịp chuẩn bị cho ngày lễ ra mắt BQL Khu BTTN Pù Hoạt, tôi được các đồng chí lãnh đạo BQL Khu BTTN Pù Hoạt mời tham gia một vài nội dung cho công tác chuẩn bị. Sau này do làm công tác tư vấn phát triển cộng đồng, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Quế Phong và có một số cán bộ đồng nghiệp làm công tác Lâm nghiệp - Bảo tồn rừng đặc dụng nên tôi có được một số thông tin về Khu BTTN Pù Hoạt và mười năm xây dựng, phát triển của Khu Bảo tồn.
Trong 3 khu rừng đặc dụng lớn của Tỉnh làm nên hạt nhân của Khu DTSQ Thế giới Tây Nghệ An (VQG Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống) thì Khu BTTN Pù Hoạt là đơn vị ra đời muộn hơn cả. Dẫu vậy, mười năm đầu đơn vị đã làm nên nhiều thành tích rất đáng tự hào, phấn khởi. Nổi bật trên các mặt đó là:
Thứ nhất: Sớm hình thành, ổn định tổ chức, bộ máy, cán bộ và tham mưu đề xuất các chủ trương, tầm nhìn dài hạn
Trong bối cảnh cải cách hành chính, giảm biên từ Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong thực hiện chuyển đổi sang BQL Khu BTTN Pù Hoạt, để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ mới của mình, Khu BTTN Pù Hoạt đã tham mưu tốt để được bố trí tốt nhất về tổ chức, bộ máy. Đến nay Ban quản lý đã có Ban Giám đốc gồm Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, 03 phòng chức năng tham mưu, 01 đơn vị trực thuộc là Hạt Kiểm lâm và 09 Trạm QLBVR trực thuộc Hạt Kiểm lâm địa bàn. Về đội ngũ cán bộ hiện có 64 cán bộ, nhân viên gồm 11 công chức, 24 viên chức, 29 viên chức hợp đồng lao động. Tuyệt đại đa số là trẻ, khỏe, được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản gồm 01 tiến sỹ, 12 thạc sỹ, 48 kỹ sư và 3 trung cấp.
Ban quản lý đã kịp thời xây dựng trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Phương án Quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022 - 2030 theo Quy chế quản lý rừng bền vững đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Thứ hai: Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ
BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tranh thủ được nhiều nguồn lực đầu tư, tài chính từ các chương trình, dự án, ngân sách tỉnh để sớm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đến nay tất cả các trạm QLBVR ở các địa bàn vùng sâu, vùng cao và Văn phòng của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã được quy hoạch, thiết kế, xây dựng kiên cố, đồng bộ, khang trang, sạch đẹp, đảm bảo cho cán bộ công chức viên chức có nơi sinh hoạt, công tác thuận tiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao
- Từng bước nhận diện, nắm được tài nguyên rừng được giao quản lý bảo vệ.
Diện tích Khu BTTN Pù Hoạt được giao quản lý bảo vệ 86.414 ha, trong đó có 34.780 ha rừng đặc dụng, 50.044 ha rừng phòng hộ phân bố tại 9 xã của huyện Quế Phong, nhiều nơi giáp ranh tỉnh Thanh Hóa, nước bạn Lào. Cán bộ nhân viên BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã từng bước nắm vững tài nguyên rừng, diễn biến rừng hàng năm và tài nguyên đa dạng sinh học.
Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, đã ghi nhận sự đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, đa dạng về loài của Khu BTTN Pù Hoạt: Hệ thực vật rừng đã xác định được 2.425 loài và dưới loài thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch là Khuyết lá thông (Psilotophyta), Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Equisetophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta).Trong đó 130 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, gồm 112 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 25 loài trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ (2006) và 15 loài trong IUCN (2017).Hệ động vật rừng đã xác định được 1.315 loài thuộc 221 họ, 56 bộ. Đã thống kê được 199 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong đó: có 91 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 123 loài trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, 42 loài trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ và 110 loài trong IUCN (2021).
Đặc biệt đã phát hiện và đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 2 quần thể cây di sản Việt Nam đó là: Quần thể cây Săng vì và Quần thể cây Sa mu dầu thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
- Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.
Theo tài liệu của Ban quản lý, mười năm qua BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức 3.141 cuộc tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, xây dựng 131 bảng truyền thông cố định, thành lập 417 lượt tổ PCCCR trong cộng đồng, 7.077 cuộc tuần tra rừng trên thực địa, tổ chức 43.564 lượt hộ cam kết BVR, PCCRR, xử lý 217 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 727 m3 gỗ, thu phạt, bán lâm sản tịch thu 5,1 tỷ đồng, thả 3 đợt động vật hoang dã vào rừng.
- Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tham gia phát triển KTXH vùng đệm, từng bước tham gia nghiên cứu khoa học.
Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện giao khoán BVR cho 49 tổ chức, cộng đồng với diện tích giao khoán bảo vệ rừng hàng năm đều đạt trên 55 nghìn ha, tổng số tiền chi trả cho các tổ chức, cộng đồng được hưởng lợi 142,3 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hỗ trợ các dịch vụ cung cấp cây giống, thiết kế trồng rừng sản xuất cho người dân vùng đệm. Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây Quế Qùy trên địa bàn huyện Quế Phong. Xây dựng và thực hiện nhiều quy định hợp tác BVR với cộng đồng, chính quyền địa phương các xã vùng đệm. Thực hiện 13 đề tài nghiên cứu khoa học.
Với những cố gắng chung, 10 năm qua rừng Pù Hoạt đã được bảo vệ khá tốt, các vụ vi phạm đã được phát hiện kịp thời, không xẩy ra các vụ việc, điểm nóng lớn về BVR.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích đã đạt được, trong 10 năm qua đã có rất nhiều tập thể, cá nhân trong đơn vị được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Nghệ An và nhiều tổ chức, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen và mới đây nhất là Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Đảng bộ đơn vị nhiều năm được công nhận là tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu và đã được Tỉnh ủy Nghệ An tặng Bằng khen.
Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tựu, kết quả cơ bản trên đây, việc Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Hoạt vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Khu BTTN Pù Hoạt có 44 thôn bản thuộc 5 xã với 1.846 hộ, 8.674 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số, đại bộ phận là hộ nghèo, sống lệ thuộc vào rừng nên áp lực sinh kế lên tài nguyên rừng rất lớn. Trong khi yêu cầu bảo vệ rừng đặc dung theo quy định của pháp luật ngày càng lớn nhưng việc xác định mốc giới trên thực địa, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho Khu Bảo tồn chưa được thực hiện. Việc chia sẻ lợi ích để sống chung bền vững trong môi trường rừng đặc dụng là yêu cầu tự nhiên, cấp thiết cho đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi nhưng chưa được pháp luật hướng dẫn, cụ thể hóa. Khu BTTN Pù Hoạt cũng cần tăng cường thu hút các nguồn lực tài trợ quốc tế nhất là bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển KTXH, phát triển du lịch sinh thái cho vùng đệm.
Chia vui với những kết quả phấn đấu trưởng thành qua 10 năm xây dựng, phát triển. Chúc tập thể đơn vị BQL Khu BTTN Pù Hoạt luôn luôn đoàn kết, thống nhất, tiếp tục vươn lên đạt được nhiều thành tích, kết quả trong giai đoạn mới.
Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm TV phát triển Lâm nghiệp Nghệ An