BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt: Tích cực hỗ trợ giảm nghèo bền vững

PHO
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN&PTNT đóng trên địa bàn huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng…

Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đặc biệt, thời gian qua BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã triển khai một số hoạt động, mô hình, giúp đỡ người dân trong việc phát triển kinh tế có hiệu quả, giúp cho không ít gia đình vươn lên thoát nghèo. Những kết quả đạt được trong thời gian qua của đơn vị đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự ghi nhận của chính quyền. Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt.

PV: Xin ông cho biết khai quát về BQL Khu BTTN Pù Hoạt, cũng như địa phương mà đơn vị đang đứng chân trên địa bàn?

Ông Nguyễn Văn Sinh: Quế phong là một huyện miền núi nằm phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 188.822,58 ha. Diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp 174.333,07 ha chiếm 92,33% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất có rừng là 141.409,01 ha. Tỷ lệ độ che phủ của rừng chiếm 75%. Tài nguyên rừng ở huyện Quế Phong giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng – An ninh; bảo vệ thiên nhiên và gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học.

Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An. Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 84.616,82 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (chiếm 48,53% tổng diện tích rừng của huyện), được phân bố trên địa bàn 09 xã, huyện Quế Phong. Diện tích rừng chủ yếu chủ yếu được phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với 73 km biên giới Việt – Lào, 63 km giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, 33 km tiếp giám với huyện Quỳ Châu và Tương Dương và hơn 400 km ranh giới tiếp giáp với rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Quế Phong quản lý. Vùng đệm của Khu BTTN Pù Hoạt có 9 xã với tổng số 74 thôn bản, trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới Việt – Lào; tổng dân số 47.609 nhân khẩu với thành phần dân tộc đa dạng bao gồm: Thái, Kinh, Khơ mú, Thổ và Hmông. Đời sống của Nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện sản xuất và thu nhập chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Vì vậy, đây là một áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đối với Khu BTTN Pù Hoạt.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Xác định được nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ổn định tình hình Quốc phòng - An ninh trên địa bàn, trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chất chiến lược, trong đó xác định phải làm tốt việc tạo ra sinh kế bền vững, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng đệm là một trong những giải pháp quan trọng, then chốt, bền vững, hiệu quả. Từ đó, đơn vị đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai sâu, rộng các mô hình sinh kế cho người dân và tạo được sự hài hòa giữa quyền lợi của cộng đồng dân cư với Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

PV: Trong những năm qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có những mô hình, chính sách cụ thể như thế nào để giúp đỡ, hỗ trợ bà con nhân dân các xã huyện Quế Phong?

Ông Nguyễn Văn Sinh: Trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các Chương trình, chính sách lâm nghiệp và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Thứ nhất, triển khai đồng bộ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các công đồng dân cư: Để tạo công ăn, việc làm, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho người dân từ nghề rừng, trong những năm qua, đơn vị đã tranh thủ các nguồn lực, các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho người dân và vận động người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Thông qua các hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra rừng để người dân nhận thức rõ hơn về giá trị, nguồn lợi từ rừng mang lại, từ đó mọi người có trách nhiệm và tự nguyện để bảo vệ rừng. Hàng năm, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng hơn 65.000 ha cho 44 công đồng thôn bản với hơn 7.000 hộ gia đình tham gia với thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/hộ gia đình/năm.

Cán bộ QL Khu BTTN Pù Hoạt tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ hai, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững từ việc thu hút các chương trình dự án đầu tư, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và áp dụng vào trong sản suất phát triển các cây trồng vật nuôi phù hợp từ đó nâng cao được năng xuất cây trông, vật nuôi góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân. Trong giai đoạn từ 2018 – 2023, đơn vị đã thực hiện việc thiết kế và chỉ đạo trồng tổng diện tích rừng tập trung là 354,91 ha, trong đó trồng rừng sản xuất bằng cây Quế Quỳ là 27,00 ha; trồng rừng gỗ lớn được 327,91 ha; xây dựng các mô hình trồng cây Dược liệu dưới tán rừng cho người dân; thực hiện 06 mô hình cải tạo vườn tạp; xây dựng mô hình trồng cây Khoai sọ tại 02 xã Nậm Giải và Hạnh Dịch; hỗ trợ và hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây Lùng bền vững trên địa bàn xã Đồng Văn và Thông Thụ....

Thông qua việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và đầu tư phát triển sản xuất kinh kinh tế cây và con phù hợp, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, dần thay đổi tập quán trong sản xuất, nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi.

Hướng dẫn người dân khai thác Lùng.

Kiểm tra kết quả hỗ trợ Nhân dân thực hiện mô hình trồng Khoai sọ.

Hỗ trợ và trồng cây ăn quả thực hiện mô hình hỗ trợ Nhân dân cải tạo vườn tạp.

Kiểm tra cây Quế Quỳ tại xã Thông Thụ.

Thứ ba, xây dựng các công trình phát triển công đồng từ năm 2018 - 2023, đơn vị đã hỗ trợ 24 công trình như: Làm đường nông thôn, tu sửa nhà văn hoá cộng đồng, công trình nước sạch .... cho các công đồng vùng đệm góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và cải thiện đời sống sinh hoạt cho Nhân dân. Dự kiến trong năm 2024, với việc triển khai Chương trình ERPA, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ 44 công trình phát triển nông thôn cho 44 công đồng thôn bản.

Hỗ trợ và giúp Nhân dân làm đường giao thông nông thôn.

PV: Vậy xin ông cho biết, với những mô hình nêu trên đã mang lại hiệu quả như thế nào và hiệu ứng của việc đó đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quế Phong?

Ông Nguyễn Văn Sinh: Với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách, các mô hình sinh kế cho người dân trên địa bàn huyên Quế Phong thì thu nhập từ nghề rừng của người dân từng bước được cải thiền và ổn định, nhiều hộ gia đình đã từng bước vươn lên thoát nghèo; nhận thức của người dân; các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép đã được kiểm soát chặt chẽ; ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được nâng cao, tạo được động lực trong việc tham gia bảo vệ rừng, không có hiện tượng phá rừng làm nương rẫy, không có hiện tượng cháy rừng xẩy ra.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua của đơn vị đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự ghi nhận của chính quyền.

Các vụ vi phạm đã được xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng không xảy ra trên địa bàn quản lý. Diện tích rừng được giao cho BQL Khu BTTN Pù Hoạt từng bước đi vào ổn định.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn

lên đầu trang