Người sở hữu 2.500 gốc sa mu, pơ mu quý hiếm ở Nghệ An

PHO
Sở hữu hơn 1.000 gốc pơ mu và 1.500 gốc sa mu nhưng cựu chiến binh người Mông Vừ Chả Chống ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) vẫn chưa muốn dừng lại, ông đang ý định tiếp tục trồng, khoanh nuôi loài cây gỗ quý này.

Những cây Pơ mu lớn được cựu chiến binh người Mông, Vừ Chả Chống trồng nay đã lớn. Ảnh: Xuân Hòa

Sinh ra trong một gia đình đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Huồi Tụ, năm 1984 trước tình hình phỉ hoạt động gây nhiều phức tạp trên vùng biên giới quê hương, Vừ Chả Chống viết đơn tình nguyện nhập ngũ, mong muốn góp sức mình bảo vệ sự yên bình cho quê hương, làng bản.

Năm 1988, xuất ngũ trở về, Vừ Chả Chống nhận thấy cuộc sống đồng bào Mông và gia đình mình nhiều đói khổ. Đời sống vật chất, hạ tầng lúc bấy giờ ở Huồi Tụ là không điện, không đường, không trường, không trạm y tế...

Là một người lính, được rèn luyện từ trong quân đội, ông quyết không để cho điều kiện thực tế bẻ gãy ý chí của mình. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Và Chả Chống mạnh dạn làm đơn xin chính quyền nhận 8ha đất trống đồi trọc để xây dựng trang trại. Vốn liếng duy nhất vợ chồng ông có lúc đó là sức lao động, vì vậy cả hai hàng ngày đều bám trên rẫy trồng chè tuyết shan, nuôi gà, lợn...

Cựu chiến binh Vừ Chả Chống giới thiệu một cây sa mu vừa ươm. Ảnh: Xuân Hòa

Rồi đất cũng không phụ công người khi trang trại vườn đồi của ông ngày càng xanh tốt, chè thu nhập khá, chăn nuôi hàng năm cũng cho ông cả trăm triệu đồng. Từ số vốn đó ông đã nuôi 4 người con ăn học trưởng thành. Nay người con gái đầu của ông đã là giáo viên ngay trên quê hương Huồi Tụ, người con gái thứ 2 hiện đang học Đại học Y Dược Huế, hai người con còn lại đang học tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh.

Ông Vừ Chả Chống luôn băn khoăn là từ khi sinh ra, đã thấy những cánh rừng pơ mu, sa mu ngút ngàn quanh bản làng nhưng vì cái đói, cái rét mà người ta đã đốn hạ. Chả Chống quyết tự mình khôi phục lại rừng sa mu và pơ mu để con cháu đời sau biết được loài cây đã ôm ấp bản làng mình từ xa xưa.

Nhưng nguồn vốn hạn hẹp, cây giống thì khan hiếm nên giấc mơ của Vừ Chả Chống vẫn ấp ủ mãi. Đến những năm 2000 khi tình trạng phá rừng ngày khốc liệt, qua thông tin đài báo ông biết sa mu và pơ mu đã có nguy cơ tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ để bảo vệ.

Vậy là vượt qua nhiều khó khăn, ông bàn với vợ con đi tìm và mua giống cây sa mu, pơ mu về trồng xen kẽ trong những đồi chè của gia đình. Ông đi hết các xã có nhiều cánh rừng sa mu, pơ mu như: Tây Sơn, Na Ngoi, Na Loi … (huyện Kỳ Sơn) và ra cả những tỉnh phía Bắc để tìm cây giống. Để có nhiều giống ông “đặt hàng” những người dân đi rừng tìm được cây con bán ông sẽ mua hết.

Hiện nay CCB Vừ Chả Chống đã trồng hơn 5 hecta với 1.000 gốc pơ mu, hơn 1.500 gốc sa mu. Ảnh: Xuân Hòa

“Cây sa mu và pơ mu là cây bản địa đã có từ lâu đời ở vùng đất Huồi Tụ. Nhưng cũng vì đốt nương làm rẫy và nạn phá rừng bừa bãi nên chẳng còn nữa. Tôi muốn giống cây quý này lưu giữ lại như một nét bản sắc riêng của bản làng đồng bào người Mông ở Huồi Tụ quê tôi. Phần nữa để con cháu mai sau không quên được loài cây đã che chở cho đồng bào tôi bao đời nay” - ông Vừ Chả Chống chia sẻ.

Kết quả thật mỹ mãn khi hơn hai mươi cây sa mu, pơ mu ban đầu nhanh bén đất và phát triển mạnh. Thừa thắng xông tới, suốt từ năm 2005 đến 2008 Chả Chống lặn lội đèo sâu, núi cao đi tìm cây giống về trồng thêm. Rồi trong những lần vào rừng tìm cây giống ông phát hiện, hạt của hai loại cây này khi già rụng xuống đất được phủ mùn kín nên nhanh mọc mầm. Thế là từ số cây trồng trước đó ông tìm cách tự nhân giống tại vườn đồi nhà mình. Những hạt sa mu, pơ mu ông gom tập trung lại rồi xới đất mùn cho cây đâm chồi. Từ cách làm đó, đến nay ông đã không cần phải đi khắp nơi để tìm cây giống nữa.

Những đồi sa mu của gia đình CCB Vừ Chả Chống. Ảnh: Xuân Hòa

Cầm trên tay một cây giống ông Vừ Chả Chống hớn hở khoe: “Qua nhiều lần vào rừng tôi phát hiện hạt của hai loại cây này rất dễ nảy mầm khi được tấp mùn lá cây dày. Thế là tôi về thử áp dụng và hiệu quả không ngờ. Các quả già rụng xuống tôi lại xới đất ngay dưới gốc vùn vào rồi lấy lá cây tấp lại. Sau khi cây nở mầm cao tầm 15cm thì đào thành bầu cho vào túi. Chăm sóc thêm thời gian cây bắt đầu bén rễ non trong bầu là đưa ra trồng được”.

Đến nay trong số 8 hecta nhận trồng rừng ông Chả Chống đã có 5 hecta trồng xen cây samu, pơ mu. Số lượng samu ông đã trồng được là hơn 1.500 gốc và hơn 1.000 gốc pơ mu. Những diện tích còn lại ông cũng đang tiếp tục trồng xen canh hai loại cây này cùng các loại cây ngắn ngày khác.

Để nhân rộng diện tích rừng cây samu, pơ mu, ông Chả Chống còn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều gia đình khác trong vùng. Giờ đây đi từ xa hàng cây số giữa núi đồi trùng điệp của vùng đất Huồi Tụ, đồi cây sa mu, pơ mu của người cựu chiến binh Vừ Chả Chống đã lớn bằng thân vài người ôm, ngọn cây dựng lên như những tòa tháp ở vùng đất trống đồi trọc một thời.

NVC

Xuân Hòa (Báo Nghệ An)

  • (Baonghean.vn) - Rừng măng đắng có diện tích hàng trăm héc ta thuộc khe Kìm, tiểu khu 36 thuộc sự quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Những cây tre đắng mọc thẳng đứng với khoảng cách đều nhau cao tít tắp như thể được sắp xếp tạo nên vẻ đẹp của khu rừng.
  • Nghệ An có đa dạng sinh học rất cao; đặc biệt vùng miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tiềm tàng cho phát triển cây dược liệu.
  • Chiều ngày 14/10, BQL Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Trung tâm giáo dục Môi trường phối hợp với Trường THPT Quế Phong tổ chức cuộc thi Tìm hiểu khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
  • Ngày 24/09/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Đây là chính sách mới nhằm làm thay đổi nhận thức của cả bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách ngân sách Nhà nước đầu tư công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Sáng 29/6, tại kỳ họp thứ nhất - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, các đại biểu đã bầu ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An giữ chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII với 89/90 phiếu đồng ý.
lên đầu trang