Cá thể Mèo báo (Prionailurus bengalensis) được bẫy ảnh ghi nhận trong đêm khuya.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, qua đợt lắp đặt máy bẫy ảnh của các trạm quản lý và bảo vệ rừng Thông Thụ 1, Thông Thụ 2, Đồng Văn 2 và Na Chạng (huyện Quế Phong), ghi nhận nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN sinh sống trong khu bảo tồn.
Hai cá thể Voọc xám (Trachypithecus phayrei) được bẫy ảnh chụp lại.
Có thể kể đến các loài như: mang thường (muntiacus vagialis), lợn rừng (sus scrofa), nhím đuôi ngắn (hystrix brachyura), khỉ mốc (macaca assamensis), khỉ vàng (macaca mulatta), sơn dương (capricornis sumatraensis), mèo báo (prionailurus bengalensis), cầy giông sọc (viverra megaspila)… Các loài này được bẫy ảnh ghi nhận ở những thời điểm khác nhau trong ngày.
Trong số các loài trên, các loài nguy cấp quý, hiếm theo các quy định hiện nay gồm cầy giông sọc (viverra megaspila) thuộc nhóm nguy cấp; sơn dương (capricornis sumatraensis), khỉ cộc (macaca arctoides) thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên đặt bẫy ảnh.
Cá thể Mang thường (Muntiacus vagialis) được bẫy ảnh ghi nhận.
Cũng theo ông Sinh, phương pháp khảo sát bằng bẫy ảnh không gây hại cho động vật, được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về đa dạng sinh học gần đây ở Việt Nam. Phương pháp này đặc biệt thích hợp để phát hiện các loài quý, hiếm, khó phát hiện và nghiên cứu bằng phương pháp quan sát trực tiếp.
Bẫy ảnh có thể tự động ghi lại hình ảnh của tất cả loài động vật có trọng lượng lớn hơn 500 gram di chuyển trước cảm biến của bẫy ảnh. Do vậy rất phù hợp trong giám sát sự phân bố cùng những đặc tính của cộng đồng động vật có vú hoang dã và các loài chim cỡ lớn trú ngụ trên mặt đất.
Cá thể Gà lôi trắng (Lophura nycthemera) được bẫy ảnh ghi nhận vào buổi sáng.
Ngoài ra, khảo sát bẫy ảnh có lợi thế với khả năng tích lũy lượng lớn dữ liệu thích hợp cho khảo sát ở khu vực xa xôi, nơi có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận. Kết quả từ nhiều nghiên cứu khác nhau có sử dụng bẫy ảnh cho thấy phương pháp này có thể cung cấp thông tin về phân bố, tập tính và tương quan giữa loài với các yếu tố con người và tự nhiên.
Dữ liệu từ khảo sát bẫy ảnh còn có thể sử dụng để tính toán nhiều thông số khác nhau của quần thể và quần xã, giúp ích cho các nghiên cứu về biến động quần thể.
Kết quả đã thu được những hình ảnh cho thấy sự tồn tại của nhiều loại động vật hoang dã, động vật quý hiếm xuất hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Kết quả đợt khảo sát bẫy ảnh này cung cấp dữ liệu quan trọng tại khu vực nghiên cứu từ đó tìm ra đặc điểm sinh thái về phân bố thời gian, từ phân bố theo các giờ trong ngày, các ngày trong tháng, đến các tháng trong năm của các loài động vật trong khu vực khảo sát. Đồng thời đánh giá xu hướng của quần thể động vật hoang dã theo thời gian, cung cấp chỉ số, dữ liệu quan trọng giúp xác định biện pháp bảo tồn cũng như quyết định quản lý phù hợp.
Cá thể Cầy móc cua (Urva urva) được bẫy ảnh ghi nhận vào buổi sáng.
Khu bảo tồn ghi nhận hơn 2.420 loài và dưới loài thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Thống kê được 130 loài nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 112 loài có trong Sách đỏ Việt Nam, 25 loài trong Nghị định 32 của Chính phủ và 15 loài trong Sách đỏ IUCN.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ với sự xuất hiện của nhiều loài động vật quý, hiếm. Một số loài được xác nhận có xuất hiện ở Pù Hoạt gồm: vượn má trắng Bắc (nomascus leucogenys), cầy vằn Bắc (chrotogale owstoni), mang lớn (muntiacus vuquangensis) và mang roosevelt (muntiacus rooseveltorum)…
Việc bẫy ảnh ghi lại các loài động vật quý hiếm nhằm cung cấp tư liệu giúp quảng bá, tuyên truyền về những loài động vật cần được bảo vệ và cấm săn bắt. Đặc biệt, bẫy ảnh sẽ giúp hạn chế săn, bắn trái phép, khai thác rừng bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, từ năm 2013 đến nay, đơn vị phối hợp các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trong nước, quốc tế thực hiện thành công 13 đề tài nghiên cứu khoa học về động, thực vật rừng.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn tập trung vào việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu, nhằm bảo tồn các loài quý hiếm và đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, như các loài thực vật (sa mu dầu, pơ mu...) và động vật (vượn đen má trắng, sơn dương…). Đồng thời, Ban cũng sẽ quy hoạch khu bảo vệ đặc biệt và sưu tầm, trồng bổ sung cây bản địa vào Vườn thực vật ngoại vi.
Cá thể Mèo báo (Prionailurus bengalensis) được bẫy ảnh ghi nhận trong đêm khuya.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nằm gần 3 khu vườn quốc gia và khu bảo tồn quan trọng phía Bắc dãy Trường Sơn, bao gồm Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An) và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa).
Đây cũng là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007, với diện tích hơn 85.000 ha, trải dài qua 88 tiểu khu ở 9 xã thuộc huyện Quế Phong.
Khu bảo tồn Pù Hoạt được nhiều tổ chức quốc tế và các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tính đa dạng sinh học, với sự hiện diện của nhiều loài động thực vật quý hiếm và nguy cấp.
Nguồn: suckhoedoisong.vn/phat-hien-hang-loat-dong-vat-quy-hiem-o-khu-bao-ton-thien-nhien-pu-hoat-169241021092845507.htm