Pù Hoạt là địa danh được đưa vào danh mục quy hoạch rừng đặc dụng cả nước theo Quyết định số 184/QĐ- HĐBT năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ với quy mô 50.000 ha cùng các khu rừng khác như Pù Huống, Thanh Thủy, Cao Vều của tỉnh Nghệ An. Không có duyên may như VQG Pù Mát được thành lập năm 1995 tiền thân là Khu BTTN Pù Mát hay Khu BTTN Pù Huống thành lập năm 2003. Khu BTTN Pù Hoạt mãi đến năm 2013 mới được thành lập.
Là người làm công tác lâm nghiệp - QLBVR trên địa bàn tỉnh, có nhiều dịp qua lại trao đổi cùng các anh Lữ Đình Thi - Chủ tịch, anh Lang Văn Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong thấy rằng lãnh đạo UBND huyện Quế Phong luôn đau đáu nỗi niềm làm sao sớm ra đời được Khu BTTN Pù Hoạt để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng quý báu trên địa bàn, còn cứ để rừng giao chung chung không có chủ thì gay go quá.
Thấy được sự cần thiết phải hình thành Khu BTTN Pù Hoạt để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng vùng Tây bắc Nghệ An, trong bối cảnh thắt chặt biên chế, bộ máy, UBND tỉnh đã có quyết định số 1109 QĐ- UBND ngày 2/4/2013 thành lập Ban quản lý trên cơ sở kế thừa, phát triển Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong.
Nhớ lại giai đoạn 2010 Quế Phong đang phát triển như một công trường xây dựng: Bên cạnh Thủy điện Cửa Đạt, Thủy điện Hủa Na và các thủy điện nhỏ khác trên địa bàn, di dời tái định cư thủy điện cho hơn 1300 hộ đang được triển khai gấp rút, mở mang đường tuần tra biên giới, đường Miền Tây được triển khai ào ạt. Theo đó là việc lợi dụng khai thác rừng diễn ra rầm rộ, dai dẳng. Trong khi lực lượng QLBVR của BQL rừng phòng hộ Quế Phong chỉ khoảng 14-15 người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc quá nghèo nàn, là áp lực quá lớn cho công tác QLBVR của đảng bộ, nhân dân và lực lượng BVR Quế Phong. Trong bối cảnh đó sự ra đời của BQL Khu BTTN Pù Hoạt là giải pháp quan trọng, cấp bách để giữ rừng Tây Bắc Nghệ An. Thắm thoắt thoi đưa, mới nghĩ hôm nao mà nay Khu BTTN Pù Hoạt đã kỷ niệm 5 năm thành lập.
Năm năm qua (2013-2018), thời gian chưa dài song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong, sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân địa phương và cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên chức, Khu BTTN Pù Hoạt đã triển khai và làm được rất nhiều việc, nổi bật là:
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy, lực lượng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao: Tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định thành lập Ban quản lý, thành lập Hạt Kiểm lâm và quyết định số 590/QĐ- UBND ngày 19/02/2014 phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng Pù Hoạt giai đoạn 2013-2020. Nhanh chóng tham mưu bổ sung nhanh lực lượng QLBVR để tương thích với nhiệm vụ mới, từ chỗ chỉ có 14-15 cán bộ, nhân viên, Khu BTTN Pù Hoạt nay đã có 65 cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng, đầy đủ bộ máy các phòng ban, Trạm BVR. Đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, hầu hết có trình độ đại học lâm nghiệp, QLBVR; cán bộ quản lý có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ. Quá trình tự đào tạo trong thực tiễn công tác được Ban quản lý khu BTTN Pù hoạt hết sức chăm lo.
- Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là các trạm QLBVR địa bàn, sau đó là văn phòng ban quản lý khang trang, đồng bộ, đảm bảo chất lượng.
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn: QLBVR, phát triển rừng, tiếp cận các chương trình dự án, nghiên cứu khoa học và thu hút đầu tư. Nổi bật là việc tuần tra bảo vệ chống chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, thực hiện giao khoán BVR cho các chương trình 30a, dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, lưu vực. Có thể nói cùng với sự tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Khu BTTN Pù Hoạt, phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện Quế Phong đã phát triển vượt bậc, vươn lên một dấu ấn mới. Nghề rừng đang được khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Các điểm nóng, tụ điểm lớn, phức tạp về khai thác rừng trái phép đã được xóa bỏ. Các chương trình, dự án, nghiên cứu khoa học cùng các cơ quan như Đại Học Vinh, Đại học Lâm nghiệp, Dự án Rừng và Đồng bằng, Hồ sơ cây di sản....đã được Ban quản lý nhanh chóng tiếp cận phối hợp triển khai thực hiện.
Những cố gắng trên làm cho Khu BTTN Pù Hoạt, một trong 3 vùng lõi của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An với diện tích 85.769,53 ha trong đó rừng đặc dụng 34.589,89 ha, rừng phòng hộ 51.171,54 ha có độ che phủ đạt 90,6%( 83.057,82 ha/ 85.761,43 ha) thuộc tốp cao nhất trong các khu rừng đặc dụng cả nước. Đặc biệt chất lượng rừng đã được cải thiện nhiều. Qua rà soát xây rựng quy hoạch rừng đặc dụng nhận thấy số lượng rừng giàu tăng lên (11.288,63 ha tăng lên 20.039,13 ha), rừng nghèo giảm đi (từ 20.418,06 ha xuống 14.292,64 ha), rừng phục hồi tăng lên( từ 7.557,91 ha tăng lên 9.516,48 ha), rừng trồng tăng từ 13,76 ha lên 3.559,19 ha, đất chưa có rừng giảm từ 8.826,95 ha xuống còn 2.710,61 ha.
Bên cạnh những thành tích cơ bản, quan trọng mà trong 5 năm qua - một chặng đường ngắn ngủi mà Khu BTTN Pù Hoạt đã đạt được trên đây.Trên chặng đường phát triển sắp tới; yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi Khu bảo tồn, bảo vệ rừng phòng hộ tự nhiên trên địa bàn được giao, phát triển KTXH cho nhân dân vùng đệm, thu hút các nguồn lực đầu tư đang là nhiệm vụ nặng nề, bài toán cần được thực hiện tốt. Xin được đề xuất kiến nghị một số nội dung như sau :
- Theo báo cáo quy hoạch Khu BTTN Pù Hoạt giao đoạn 2013-2020 hiện có 19 thôn bản với 1.381 hộ, 7.706 nhân khẩu sống trong vùng đệm và vùng lõi của Khu BTTN Pù Hoạt trong đó có 6 bản trong vùng lõi, 3 bản vừa trong vùng lõi vừa trong vùng đệm và 10 bản trong vùng phòng hộ. Đây là vùng đồng bào DTTS sinh sống, mà tuyệt đại đa số thuộc hộ nghèo, cuộc sống, thu nhập chủ yếu lệ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng. Vì vậy để QLBVR có hiệu quả trước hết phải nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế cho các thôn bản này để giảm áp lực lên khai thác tài nguyên rừng. Để làm được điều này thì phải xây dựng các dự án phát triển sinh kế bền vững cho nhân dân vùng lõi và vùng đệm. Mong rằng thời gian tới BQL Khu BTTN Pù Hoạt sớm đề xuất để cấp thẩm quyền cho chủ trương và triển khai thực hiện.
- Cần đề xuất nghiên cứu, thử nghiệm cách tiếp cận mở trong công tác QLBVR. Bảo vệ rừng phải gắn chặt với kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao quyền thụ hưởng, chia sẻ lợi ích ngoài tiền nhận khoán BVR cho người nhận khoán, trước hết từ rừng phòng hộ. Nhận khoán BVR, chi trả dịch vụ MTR cần ổn định nhiều năm. Xây dựng các mô hình phát huy tích cực các tri thức truyền thống, bản địa, yếu tố văn hóa của đồng bào DTTS trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng Pù Hoạt.
- Tiếp tục chăm lo cho xây dựng cơ sở vật chất, nhất là các hạng mục đang còn thiếu, cần thiết như Vườn thực vật ngoại vi, phòng tiêu bản thực vật, trang thông tin điện tử... để giáo dục, giới thiệu quảng bá rộng rài Khu BTTN Pù Hoạt ra bên ngoài.
- Tiếp tục thu hút, nâng cao nguồn lực đầu tư, đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ KHKT của Khu bảo tồn. Trong đó thành thạo kỹ năng tiếng Anh để tiếp thu các kiến thức, mở rộng giao lưu, thu hút nguồn lực cho nghiên cứu khoa học vùng lõi và phát triển KTXH vùng đệm là yêu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài.
Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An những năm 2015-2016, khi thực hiện dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP- GEF SGP)" Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững loài cây Bon Bo dựa vào cộng đồng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An" đã nhận được sự phối hợp, hợp tác rất hiệu quả với Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt trong quá trình thực hiện dự án. Hiện nay Trung tâm đang triển khai dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu " Nâng cao năng lực quản lý vảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa cho cộng đồng đồng bào dân tộc Thái huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An". Đây là dịp để 2 đơn vị tiếp tục hợp tác có hiệu quả góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, phát triển KTXH trên địa bàn.
Nhân kỷ niệm 5 năm thành lập, xin được chia vui các thành quả mà Khu BTTN Pù Hoạt đạt được trong thời gian qua và chúc giành được nhiều thành công trong chặng đường phát triển tới.
Nguyễn Thành Nhâm
Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp
Hội KHKT lâm nghiệp tỉnh Nghệ An