Ghi nhận về loài mang bị coi là tuyệt chủng ở Xuân Liên và Pù Hoạt

PHO
Trong năm 2013, các nhà khoa học trong nhóm điều tra thú móng guốc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (CRES) và cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã phát hiện quần thể mang (Muntiacus rooseveltorum: Cervidae), tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là một trong các loài thú ít được biết đến nhất trên thế giới cho đến nay. Thông tin về các mẫu vật sống của loài này chỉ ghi nhận được từ năm 1929 trong chuyến khảo sát của các nhà khoa học Mỹ ở vùng Trung Lào thuộc tỉnh Hủa Phăn.

Ghi nhận cũng khẳng định sự tồn tại của loài này ở Việt Nam cũng như sự cần thiết phải bảo tồn duy trì sự tồn tại và phát triển lâu dài của chúng. Nghiên cứu cho thấy, loài mang rooservelt là loài mang pù hoạt mà trước đây đã được một số nhà khoa học Việt Nam mô tả dựa trên các mẫu sọ thu thập được ở khu vực Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

 Trong hai năm 2012 và 2013, nhóm nghiên cứu về thú lớn của Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường và cán bộ KBTTN Xuân Liên đã triển khai thực hiện Dự án bảo tồn các loài mang Xuân Liên (KBTTN Xuân Liên), Đề tài điều tra khu hệ mang ở Xuân Liên (CRES) và Đề tài nghiên Nghiên cứu tiến hóa và bảo tồn của các loài Mang (Nafosted).

     Kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự tồn tại của hai loài mang đang tồn tại ở Xuân Liên là loài mang thường (Muntiacus muntjak) và mang roosevelt (M. rooseveltorum ). Ngoài ra, các điều tra ở vùng phụ cận của KBTTN Xuân Liên cũng cho thấy cả hai loài mang cũng tồn tại trong KBTTN Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An, là khu vực tiếp giáp với KBTTN Xuân Liên.

     Sự tồn tại của loài mang rooservelt ở Việt Nam cũng đã được ghi nhận từ những năm 90 của thế kỷ XX ở khu vực Pù Hoạt, thuộc huyện Quế Phong (nay là KBTTN Pù Hoạt). Tuy nhiên vào thời điểm đó, loài này được mô tả như một loài mang mới đặt tên là mang pù hoạt (M. puhoatensis) chứ không phải là mang rooservelt. Tuy nhiên, việc mô tả loài mang pù hoạt và thông tin về loài cũng không rõ ràng và mơ hồ nên không được công nhận như một loài mới.

     Trong quá trình điều tra nhóm nghiên cứu học đã phân tích 6 hộp sọ thu được tại KBTTN Xuân Liên với các hộp sọ của mẫu lưu tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Field Chicago (Mỹ). Bên cạnh đó, nhóm cũng phân tích 32 mẫu di truyền của các mẫu mang thu được ở Xuân Liên, Pù Hoạt với các trình tự gen đã được giải đoán của loài mang rooservelt. Dựa trên các thông tin đó để khẳng định sự tồn tài của loài này ở Xuân Liên và Pù Hoạt. Việc so sánh về hình thái và di truyền của các mẫu ở Xuân Liên và Pù Hoạt đã xác định, loài mang roosevelt và mang pù hoạt đã được mô tả trước đây là một loài duy nhất.

     Ghi nhận về sự tồn tại của loài mang rooservelt ở Xuân Liên, Pù Hoạt một lần nữa khẳng định giá trị đa dạng sinh học đặc biệt của khu vực này, nơi được biết đến như là một trong các khu vực phân bố quan trọng nhất của loài vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp và nhiều loài động, thực vật nguy cấp và đặc hữu khác. Ngoài ra, ghi nhận đó cũng khẳng định vùng rừng liền dải Xuân Liên - Pù Hoạt là nơi hiện đang có quần thể mang rooservelt đang tồn tại duy nhất được biết đến tại thời điểm này trên toàn thế giới. Do đó, việc bảo vệ và quản lý được các giá trị thiên nhiên nơi đây cũng là nhằm bảo vệ và bảo tồn loài mang quý hiếm có ý nghĩa bảo tồn đặc biệt này.

      Các hoạt động điều tra và đánh giá về quần thể mang của nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung ở Xuân Liên. Trong 2 năm điều tra và giám sát quần thể mang ở Xuân Liên (trên các tuyến điều tra, giám sát và bằng bẫy ảnh) tổng cộng có 11 cá thể mang rooservelt và hơn 30 cá thể loài mang thường đã được ghi nhận.

 

Hình ảnh các loài mang được ghi nhận trong KBTTN Xuân Liên

 

     Các nghiên cứu ở Xuân Liên và thông tin thu được ở Pù Hoạt cho thấy, loài mang rooservelt có vùng phân bố hẹp và giới hạn ở một số khu vực nhất định ở các khu vực rừng kín thường xanh ít bị tác động. Các thông tin phỏng vấn, kết quả bẫy ảnh đều cho thấy, loài này chỉ phân bố giới hạn ở khu vực rừng thường xanh, ít bị tác động ở phía Tây Nam của KBTTN Xuân Liên (là khu vực giáp ranh với Pù Hoạt) và khu vực Tây Bắc của Pù Hoạt.

      Tại Xuân Liên, trong diện tích giám sát bẫy ảnh khoảng 1.000ha đã thực hiện, nhóm ghi nhận được khoảng 11 cá thể. Các ghi nhận và thông tin về sự có mặt của loài này cũng cho thấy, chúng xuất hiện ở một khu vực khoảng từ 4.000 tới 5.000 ha rừng kín thường xanh trong KBTTN. Loài này xuất hiện nhiều nơi ở trong KBT Pù Hoạt với quần thể 30 - 50 cá thể, tuy nhiên không đánh giá được hiện trạng của chúng do chưa có các hoạt động điều tra thực tế ở khu vực. Do đó, nếu có các điều tra thêm ở KBT TN Pù Hoạt thì quẩn thể ở hai khu Xuân Liên-Pù Hoạt có thể lớn hơn nhiều so với con số ghi nhận hiện tại.

     Quần thể mang rooservelt ở Xuân Liên và Pù Hoạt vẫn đang chịu nhiều áp lực tự các hoạt động của con người. Hoạt động săn bẫy vẫn được ghi nhận trong vùng sống của mang. Ngoài ra, các thông tin ghi nhận được cũng cho thấy có 2 - 3 cá thể mang bị người dân săn bắn ở Xuân Liên (2011-2013). Việc săn bắn mang và các động vật rừng khác cũng được ghi nhận khá phổ biến ở Pù Hoạt. Ngoài ra, loài này cũng chịu các tác động gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng như nơi sống bị tác động bởi hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp và các hoạt động khai thác cây thuốc, lâm sản khác.

     Hiện tại, mang rooservelt được xếp vào nhóm thiếu thông tin (DD) trong Danh lục đỏ IUCN (2014) và chưa được xếp mức độ đe dọa trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Với quần thể như hiện tại, vùng phân bố hẹp vẫn bị đe dọa bởi săn bắn tình trạng bảo tồn của loài này cần được cập nhật trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của IUCN với mức đe dọa là Rất nguy cấp (CR). Hơn thế, loài này cũng cần được đưa vào danh mục các loài cần được bảo vệ của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP như một loài được ưu tiên bảo vệ, trong đó các hành vi săn bắn, phá hủy sinh cảnh của chúng là bất hợp pháp.

     Việc ghi nhận sự tồn tại của loài mang rooservelt ở Xuân Liên và Pù Hoạt cũng cho thấy, giá trị bảo tồn cao của khu vực này, với nhiều loại có giá trị bảo tồn toàn cầu như mang rooservelt, vượn má trắng, voọc xám... Chính vì sự quan trọng đó, nên cần phải có các hoạt động đầu tư dài hạn hơn cho các hoạt động bảo tồn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư quanh KBT Xuân Liên để giảm các áp lực săn bắn, tác động bất lợi và các hoạt khai thác tài nguyên của KBTTN. Khi các tác động được giảm thiểu sẽ là biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ quần thể cũng như sinh cảnh cho các loài mang, đặc biệt là loài mang rooservelt ở khu vực. Ngoài ra, các hoạt động điều tra về quần thể cần được thực hiện ở Pù Hoạt để cung cấp thông tin rõ hơn về quần thể của loài mang rooservelt ở cả Xuân Liên và Pù Hoạt. Khi có các thông tin đầy đủ về quần thể, hoạt động giám sát biến động quần thể, sinh cảnh và các tác động của loài này cần được thực hiện chung cho cả Xuân Liên và Pù Hoạt. Các thông tin giám sát đó sẽ là cơ sở quan trọng cho việc lập kế hoạch bảo tồn cho loài mang quý hiếm và ít được biết đến này.

lên đầu trang