MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA DU LỊCH QUẾ PHONG

PHO
Huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An là huyện có đường biên giới dài nhất của tỉnh Nghệ An với nước bạn Lào anh em. Là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước, lại nằm ở vị trí ngã ba giữa tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và các dãy núi liên tiếp vùng biên giới nước bạn Lào, Quế Phong có đầy đủ những đặc trưng miền sơn cước Tây Bắc bộ và là nơi có nhiều di tích, danh thắng đẹp đến nức lòng.

 Huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An là huyện có đường biên giới dài nhất của tỉnh Nghệ An với nước bạn Lào anh em. Là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước, lại nằm ở vị trí ngã ba giữa tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và các dãy núi liên tiếp vùng biên giới nước bạn Lào, Quế Phong có đầy đủ những đặc trưng miền sơn cước Tây Bắc bộ.

Đền Chín gian, Thác Sao Va, thác Bảy tầng, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Lòng hồ Thủy điện Hủa Na, hang Mẹ Mòn và vùng trung tâm huyện là 7 điểm đến hấp dẫn được UBND huyện Quế Phong khai thác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

Thiên nhiên và con người đã ưu đãi cho huyện Quế Phong nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp: Đền Chín gian, làng Thái cổ, các lễ hội truyền thống, Thác Sao Va, thác bảy tầng, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, hang Mẹ mòn, Lòng hồ thủy điện Hủa Na,... Ngoài ra, Quế Phong còn là vùng đất hội tụ nhiều đồng bào dân tộc: Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Tày, Nùng, Mường, với nhiều nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, địa phương chưa khai thác được tiềm năng này để phát triển ngành du lịch.

Nhằm phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch huyện Quế Phong, giai đoạn 2016 - 2020".

Đến với Quế Phong, du khách không thể không ghé thăm các điểm du lịch hấp dẫn gồm:

Đền chín gian:

Lễ hội Đền Chín Gian là một lễ hội cổ xưa với hơn 700 năm lịch sử. Lễ hội lưu giữ đầy đủ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Thái huyện Quế Phong nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá ở địa phương; còn góp phần làm giàu về mặt vật chất, cổ vũ về mặt tinh thần cho người dân, tạo không khí phấn khởi tác động vào sản xuất. Ngày 12/3/2017, Lễ hội Đền Chín Gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Lễ hội đền Chín gian (Ảnh Interenet)

Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức 3 năm một lần vào tháng 8 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân 9 bản 10 mường vùng Phủ Quỳ cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Làng Thái cổ:

Mường Đán là tên gọi chung dành cho hai bản Na Sái và Hủa Mương (Xã Hạnh Dịch, Quế Phong). Bản cổ Mường Đán của đồng bào Thái ở mạn 'Chín bản mười mường' này còn lưu giữ được rất nhiều nét đặc sắc về văn hóa. Mường Đán còn là một trong số ít các bản làng ở miền Tây xứ Nghệ có những ngôi nhà sàn lợp bằng mái Sa mu.

Bản người Thái cổ Hủa Mương - xã Hạnh Dịch (ảnh Hồ Phương)

Làng Thái cổ Mường Đán, xã Hạnh Dịch là một trong những nơi được huyện Quế Phong chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Đến đây khách tham quan sẽ được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ qua sự hướng dẫn của các bà, các mẹ. Ngoài ra du khách còn được giã gạo bằng tay, được tự mình vào bếp để chế biến các món ăn dân giã của đồng bào Thái, đặc biệt, được hoà mình trong điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng và ngây ngất trong men rượu cần nồng nàn.

Thác Sao va:

Đây là một di sản thiên nhiên đang nằm trong quy hoạch điểm du lịch hàng đầu của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Một trong những điểm lý tưởng từ lâu đã cuốn hút du khách. Chẳng ai nghĩ ngọn thác, cái hang quanh năm bám lấy bản làng hay những nếp nhà sàn họ vẫn sống, vẫn ngày lại ngày lên xuống lại có thể trở thành điểm du lịch để những người (tạm gọi là du khách) mãi tận đâu tìm đến, thưởng ngoạn, ngắm nghía, chụp ảnh và cả sự trầm trồ.

Thác Sao Va (ảnh internet)

Cách thành phố Vinh khoảng 160 km, du khách chỉ cần đi ngược quốc lộ 1, sau đó rẽ trái vào quốc lộ 48, từ đó thẳng tiến đến “Thác Camly của xứ Nghệ” và bắt đầu chuyến thám hiểm thú vị của mình cùng bè bạn hoặc gia đình.

Từ lâu thác đã là nơi sinh hoạt cộng đồng của các bản người Thái xung quanh đó, nơi các cô gái thỏa sức hòa mình vào dòng nước trong lành, khung cảnh rừng núi đại ngàn hoang sơ mà đậm chất trữ tình khiến bao chàng trai phải ngây ngất trước vẻ đẹp của tạo hóa ban cho người con gái dân tộc Thái vùng này.

Thác bảy tầng:

Nằm ở cuối bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thác 7 tầng là một trong những ngọn thác đẹp nhất ở Nghệ An. Quần thể thác nước nằm trải dài khoảng 7km với 7 tầng nước lớn và hàng ngàn tầng thác nhỏ khác nhau. Chính vì vậy được gọi là thác 7 tầng. Ngọn thác này bắt nguồn từ Lào, chảy vắt qua khu rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Pù Hoạt trước khi tạo ra vẻ đẹp kỳ thú mê hoặc lòng người. Mỗi tầng thác như một nốt nhạc trong khung nhạc khổng lồ.Qua hàng ngàn năm, từ những đứt gãy của địa chất đã góp phần tạo nên nét độc đáo của dòng thác. Những khối đá đã bị dòng nước bào mòn phẳng lỳ khiến khung cảnh trở nên hấp dẫn. Cùng với quần thể rừng nguyên sinh, thác 7 tầng đang được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đề nghị xây dựng thành khu du lịch sinh thái trong tương lai gần.

Thác Bảy tầng (ảnh interet)

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt:

Nằm trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Miền tây Nghệ An, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích hơn 85.000 ha nằm trên 09 xã thuộc huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An. Thảm thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phần lớn nằm sâu trong vùng lõi, ít bị tác động, tính nguyên sinh rất cao. Đến với Pù Hoạt, du khách có thể khám phá thảm thực vật rừng nguyên sinh đã được bảo vệ từ hàng trăm năm, tham quan các cảnh đẹp hoang sơ như thác Bảy tầng, Sao Va, trải nghiệm du lịch mạo hiểm leo núi Pù Hoạt với độ cao 2.400m, tham quan hai quần thể cây Phay sừng và Samu dầu khổng lồ giữa đại ngàn Pù Hoạt đã được công nhận là quần thể cây Di sản Việt Nam năm 2016.

Cây Phay sừng - thuộc Quần thể cây di sản Việt Nam (ảnh Đình Cường)

Lòng hồ thủy điện Hủa Na:

Nằm cách thị trấn Kim Sơn huyện Quế Phong khoảng 70km về phía Đông, là công trình thủy điện Hủa Na – công trình thủy điện lớn thứ 2 tỉnh Nghệ An (tại xã Đồng Văn, Quế Phong). Nằm trong một thung lũng rộng lớn được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi hùng vĩ. Hồ thủy điện Hủa Na không chỉ được biết đến là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp phù hợp với các hoạt động dã ngoại, mà còn là một địa chỉ tìm đến của nhiều du khách. Đến với long hồ thủy điện Hủa Na, du khác có thể tham quan và ngắm cảnh bằng thuyền chạy trên mặt hồ rộng 2.300km2, câu cá trên lòng hồ, thăm thú những mỏm đảo được hình thành từ quá trình ngập nước.

Lòng hồ thủy điện Hủa Na (ảnh internet)

Văn hóa ẩm thực:

Ngoài những danh thắng đẹp mê hoặc lòng người thì khi du khách đến du lịch tại Quế Phong không thể không thưởng thức văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc của con người miền sơn cước nơi đây. Một trong những đặc sản của mảnh đất Quế Phong đó chính là măng đắng, Dù măng đắng có nhiều ở các vùng núi rừng Tây Bắc và Đông Bắc nhưng măng đắng ở Quế Phong, Nghệ An vẫn có sức hút lạ kỳ đối với du khách tham quan. Măng đắng Quế Phong không chỉ là điểm hẹn của những địa điểm du lịch nổi tiếng về các món hải sản mà còn là nơi có nhiều món ăn dân dã, giản dị mà ngon gắn với cuộc sống đời thường của người dân địa phương, nổi tiếng được nhiều du khách biết tới.

Ngoài ra, Quế Phong còn nổi tiếng với những đặc sản văn hóa ẩm thực khác như Khoai sáp vàng, dưa chuột mẹo, nấm Ngọc cẩu, uống rượu cần,…

Đến với Quế Phong, du khách có thể tham gia các tour du lịch hấp dẫn như:

- Tour du lịch tâm linh sinh thái: Gồm tuyến du lịch Đền 9 gian, thác Sao Va, Bản Thái cổ Hủa Mương, xã Hạnh Dịch;

- Tour du lịch nghỉ dưỡng: Bao gồm nghỉ cuối tuần và du lịch nghỉ dưỡng bên hồ Hủa Na, thác Suối Pa, cửa khẩu Thông Thụ;

- Tour du lịch sinh thái: Thăm Thác Sao Va, thác 7 Tầng, du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên môi trường rừng theo tuyến tuần tra biên giới xã Hạnh Dịch;

- Tour du lịch mạo hiểm, leo núi Pù Hoạt kết hợp với du lịch văn hóa: Tổ chức tour du lịch thăm bản người H’Mông Tri Lễ, leo núi Pù Hoạt.

Sơ đồ du lịch huyện Quế Phong (nguồn BQL khu BTTN Pù Hoạt)

Với những nét hoang sơ, kỳ bí, nhằm phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, UBND huyện Quế Phong đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn.

Mục tiêu đến năm 2020, bảo tồn và phát triển khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nâng độ che phủ rừng lên 77%; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên du lịch, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc và di tích danh thắng; bảo tồn các giá trị văn hóa của các lễ hội, văn hóa dân gian của đồng bào trên địa bàn huyện.

Đậu Đình Cường - Khu BTTN Pù Hoạt (Tổng hợp)

lên đầu trang