HIỆU QUẢ SAU 4 NĂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

PHO
Giai đoạn từ năm 2014 - 2017, Đơn vị bắt đầu thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực nhà máy thủy điện Hủa Na, Cửa Đạt trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Qua hơn 4 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết quả mang lại nhiều tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng

 

Lòng hồ thủy điên Hủa Na - Cửa Đạt

Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là chủ rừng nhà nước được giao quản lý 85.761,43 ha rừng và đất lâm nghiệp (rừng và đất rừng đặc dụng: 34.589,89 ha; rừng và đất rừng phòng hộ: 51.171,54 ha); được phân bố trên địa bàn 9 xã của huyện Quế Phong. Hiện tại, trên diện tích quản lý có 04 lưu vực nhà máy thủy điện đang hoạt động: Sao Va, Bản Cốc, Hủa Na và Cửa Đạt. Đây là tiềm năng lớn cho việc thực hiện các chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên các lưu vực nhà máy thủy điện. Chính sách này đã tạo nguồn thu mới, từng bước trở thành một nguồn tài chính ổn định hỗ trợ thêm chi phí duy trì hoạt động cho Đơn vị trong bối cảnh rừng tự nhiên phải tạm dừng khai thác lâm sản.

Giai đoạn từ năm 2014 - 2017, Đơn vị bắt đầu thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực nhà máy thủy điện Hủa Na, Cửa Đạt trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Qua hơn 4 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết quả mang lại nhiều tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Kết quả cụ thể như sau:

+ Tổng số diện tích đã giao khoán: 150.673,63 lượt ha.

+ Tổng số tổ chức, hộ gia đình tham gia nhận khoán: 3.988 lượt người.

+ Tổng số tiền đã chi trả: 50.390.807.259 đồng.

Người dân phấn khởi nhận tiền khoán bảo vệ rừng

Chính sách DVMTR đã góp phần tạo công văn việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn 2 xã Đồng Văn Thông Thụ. Mức thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR đạt từ 6 đến 7 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, chính sách còn giúp ổn định kinh tế xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đại hội các Đảng các cấp, giữ ổn định an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Bên cạnh những con số đáng ghi nhận về mặt kinh tế, thực tiễn chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy chính sách này đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đơn vị thực hiện việc quản lý rừng được triển khai bài bản hơn, lý lịch rừng được điều tra kỹ hơn, các trạng thái rừng được thống kê chi tiết hơn, các vụ vi phạm lâm luật được phát hiện và xử lý kịp thời, công tác nghiệp vụ giải ngân, chi trả, quyết toán và lưu trữ hồ sơ được nâng lên.

Như vậy, sau 4 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với những kết quả đã đạt được và đang có chiều hướng đi lên. Hiện nay Chính Phủ đã ban hành Nghị định 147/2016/NĐ-CP được ban hành sửa đổi Nghị định 99/2010/NĐ-CP điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh. Đã thể hiện sự đồng thuận lớn của toàn xã hội đối với chính sách, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan được đảm bảo. Điều này không chỉ dừng lại ở việc gia tăng nguồn thu tiền DVMTR hàng năm mà cũng đồng nghĩa với việc số tiền người dân tham gia bảo vệ, cung ứng DVMTR nhận được hàng năm cũng tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện thu nhập, sinh kế nhất là đối với đồng bào dân tộc nghèo vùng núi, giúp họ có thêm động lực tham gia giữ rừng, bảo vệ rừng.

Nguyễn Văn Mạnh - Phó phòng KHHTQT

lên đầu trang