Khởi tố 6 bị can trong vụ 13 cây pơ mu ở Khu BTTN Pù Huống bị đốn hạ

PHO
(Baonghean.vn) - Ngày 10/9/2017, tại các khoảnh 9 và 13 Tiểu khu 148, Khu BTTN Pù Huống xẩy ra vụ việc có 13 cây gỗ quý pơ mu bị đốn hạ. Thực hiện điều tra xác minh, đến nay Công an huyện Quế Phong xác định được 6 đối tượng có liên quan.

 6 đối tượng liên quan vụ việc đốn hạ 13 cây pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong ra quyết định khởi tố bị can gồm: Lô Văn Tùng (SN 1990); Lô Văn Pánh (SN 1987); Lô Văn Tứ (SN 1986), Lô Văn Nhất (SN 1989); Lô Văn Bé (SN 1996) và Vi Văn Truyền (SN 1986). Cả 6 đối tượng này đều trú tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong.

Việc điều tra, khởi tố 6 bị can nêu trên được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong làm rõ như sau:

Ngày 10/9/2017, tổ công tác Trạm Bảo vệ rừng Cắm Muộn (Khu BTTN Pù Huống) gồm các ông Nguyễn Viết Phòng, Võ Văn Nghĩa, Lô Văn Cháu tổ chức tuần tra rừng tại tiểu khu 148, trên địa bàn xã Quang Phong. Đến 12h cùng ngày, phát hiện có 2 nhóm đang có hành vi sử dụng cưa xăng cắt hạ cây pơ mu.

Đối tượng bị tổ công tác Trạm bảo vệ rừng Cắm Muộn ghi lại hình ảnh. Ảnh PV

Tổ công tác tiến hành vây bắt nhóm thứ nhất, bắt được một đối tượng, còn một đối tượng bỏ trốn. Đối tượng bị bắt có tên là Lô Văn Phương, trú tại bản Cắm Cáng, xã Cắm Muộn (đối tượng Phương sau đó cũng bỏ trốn). Với nhóm thứ hai, tổ công tác đã ghi hình được đối tượng thực hiện cắt cây; các đối tượng đã bỏ trốn. Tại hiện trường, tổ công tác thu giữ được 2 chiếc cưa xăng, xác định có 11 cây pơ mu bị đốn hạ.

Trong các ngày 20/9/2017 và ngày 26/10/2017, Công an huyện Quế Phong đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Hạt Kiểm lâm Quế Phong và Kiểm lâm Khu BTTN Pù Huống tiến hành khám nghiệm hiện trường, tiến hành lấy mẫu thực hiện giám định. Qua đó, xác định có tất cả 13 cây pơ mu bị đốn hạ, với tổng khối lượng là 15,4m3.

Một gốc cây pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống bị đốn hạ trong ngày 10/9/2017. Ảnh PV

Ngày 26/9/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đã ra quyết định số 78: “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” xảy ra tại xã Quang Phong, huyện Quế Phong. Qua điều tra xác định có một số đối tượng trú tại xã Cắm Muộn. Công an huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban công an xã Cắm Muộn triệu tập đối tượng; vận động tuyên truyền ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Từ ngày 26 đến ngày 30/9/2017, cả 6 đối tượng nêu trên đều đã tự đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đầu thú về hành vi khai thác gỗ trái phép ở Khu BTTN Pù Huống.

Kiểm tra xác minh vùng rừng pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: PV

Ngày 1/11/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong quyết định trưng cầu giám định để xác định nhóm gỗ các đối tượng khai thác trái phép. Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã xác định các mẫu gỗ được trưng cầu giám định là gỗ pơ mu, thuộc nhóm IIA trong “Nhóm II, thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại” tại “Danh mục động, thực vật nguy cấp, quý hiếm” ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

Với kết quả giám định này, ngày 7/11/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong thực hiện khởi tố 6 bị can nếu trên tại các quyết định số 116, 117, 118, 119, 120, 121; tiếp tục mở rộng điều tra để đấu tranh làm rõ các đối tượng có liên quan đến vụ án./.

Đ.Đ.C

Nhật Lân - Đào Tuấn (Báo Nghệ An)

  • Sở hữu hơn 1.000 gốc pơ mu và 1.500 gốc sa mu nhưng cựu chiến binh người Mông Vừ Chả Chống ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) vẫn chưa muốn dừng lại, ông đang ý định tiếp tục trồng, khoanh nuôi loài cây gỗ quý này.
  • (Baonghean.vn) - Rừng măng đắng có diện tích hàng trăm héc ta thuộc khe Kìm, tiểu khu 36 thuộc sự quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Những cây tre đắng mọc thẳng đứng với khoảng cách đều nhau cao tít tắp như thể được sắp xếp tạo nên vẻ đẹp của khu rừng.
  • Nghệ An có đa dạng sinh học rất cao; đặc biệt vùng miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tiềm tàng cho phát triển cây dược liệu.
  • Chiều ngày 14/10, BQL Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Trung tâm giáo dục Môi trường phối hợp với Trường THPT Quế Phong tổ chức cuộc thi Tìm hiểu khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
  • Ngày 24/09/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Đây là chính sách mới nhằm làm thay đổi nhận thức của cả bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách ngân sách Nhà nước đầu tư công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
lên đầu trang