Nghệ An: Sau 03 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

PHO
Ngày 24/09/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Đây là chính sách mới nhằm làm thay đổi nhận thức của cả bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách ngân sách Nhà nước đầu tư công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Tại Nghệ An, ngày 16/11/2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 69/2011/QĐ-UBND về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên đến tháng 2 năm 2012 Quỹ mới ổn định tổ chức và chính thức đi vào hoạt động. Qua gần 3 năm triển khai, mặc dù chi trả DVMTR là chính chính sách mới, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, hơn nữa quá trình xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn thi hành chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nên dẫn đến những hạn chế, tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan, đặc biệt là Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An (Quỹ BVPTR) đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

 

Kết quả, tính đến tháng 7/2014, Quỹ đã ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 7 nhà máy thủy điện, 4 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; tổng thu lũy kế đạt trên 107.112 triệu đồng, trong đó thu từ cơ sở sản xuất thủy điện 99.870 triệu đồng, cơ sở sản xuất nước sạch 44 triệu đồng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng 1.612 triệu đồng, lãi tiền gửi ngân hàng 5.586 triệu đồng (tạm tính đến 30/4/2014).

Với kết quả huy động nguồn vốn trên, ngoài việc sử dụng để chi phí quản lý, Quỹ BVPTR đã chi trả cho chủ rừng. Nhờ đó rừng được bảo về tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Để việc sử dụng tiền chi trả DVMTR đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, Quỹ BVPTR tỉnh đã bố trí các đoàn, nhóm công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát các chủ rừng thực hiện công tác chi trả, giao khoán bảo vệ rừng tại các đơn vị chủ rừng là tổ chức trên địa bàn các huyện có lưu vực thủy điện như: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Qua 33 đợt kiểm tra, giám sát, nhìn chung các chủ rừng làm tốt công tác bảo vệ rừng, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, giao khoán bảo vệ rừng và thực hiện chi trả tiền DVMTR đầy đủ đến các hộ và nhóm nhận khoán bảo vệ rừng, đặc biệt là có sự chứng kiến của các cơ quan, phòng ban của huyện và chính quyền địa phương.

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng còn chậm mà nguyên nhân chủ yếu là các Ban quản lý rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm cá huyện chưa hoàn thành việc lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, rà soát xác định cụ thể diện tích, hiện trạng rừng đến từng chủ rừng, chủ quản lý, nhất là phần diện tích do UBND xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn quản lý. Do đó chưa có căn cứ để chi trả đầy đủ cho các chủ rừng và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Đến nay, diện tích đã có hồ sơ phê duyệt mới chỉ đạt gần 90.000 ha/315 ha (khoảng 28,5%) so với diện tích rừng được chi trả trong toàn tỉnh.

Trong khi đó, mức chi trả DVMTR có sự chênh lệch giữa các địa phương và ngay trong một lưu vực cần được xem xét điều chỉnh. Ngay trên địa bàn huyện Quế Phong, đơn giá bảo vệ rừng tại lưu vực thủy điện Hủa Na, Cửa Đạt là 345.000 đ/ha, trong khi đó đơn giá tại lưu vực thủ điện Sao Va, Bản Cốc chỉ có 30.000 đ/ha. Do đó các chủ rừng, hộ dân so bì lẫn nhau, dẫn tới khó khăn trong công tác tuyên truyền, giao khoán bảo vệ rừng, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là một số nhà máy thủy điện tuy công suất nhỏ nhưng lưu vực, diện tích rừng lớn nên đơn giá chi trả trên đơn vị diện tích thấp.

Hiện nay chưa có chế tài đối với việc chậm nộp tiền chi trả DVMTR nên nhiều cơ sở sử dụng DVMTR cố tình nộp chậm, nợ đọng kéo dài, nhất là các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ có công suất dưới 30 MW. Mặc dù Quỹ đã ký Hợp đồng ủy thác với các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch theo Văn bản số 630/UBND-NN ngày 28/01/2013 của UBND tỉnh nhưng một số cơ sở vẫn chưa thực hiện kê khai và nộp tiền về Quỹ theo quy định. Lý do các cơ sở này nêu ra là chưa có tiền DVMTR trong giá thành nước thương phẩm và chưa thu được tiền của dân.

Để khắc phục những tồn tại trên, Chính phủ cần sớm giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu điều chỉnh, bổ sung Nghị định 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 về Quỹ Bảo vệ & phát triển rừng và Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 về Chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ; cho phép Nghệ An sử dụng nguồn tiền DVMTR năm 2011 và 2012 (chưa có đối tượng chi hoặc chủ rừng các năm đó đã được chi trả từ nguồn NSNN hoặc nguồn khác) để thực hiện các đề án, dự án xác định ranh giới, diện tích rừng, chủ rừng để đẩy nhanh tiến độ chi trả DVMTR…

Lương Thị Kim Oanh: Phòng KHTC

Nguồn tin: Nguyễn Thị Kim Dung - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An

lên đầu trang