Khai thác lợi thế của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững

PHO

 Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào tháng 9/2007, trong đó Khu BTTN Pù Hoạt là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được tổ chức UNESCO công nhận là một niềm vinh dự lớn lao của Nhân dân Nghệ An nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm trước công tác bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị di sản nhân loại cho thế hệ mai sau, tạo điều kiện để thu hút các dự án, các chương trình đầu tư quốc tế vào phát triển cho khu vực.

Bản đồ phân vùng của Khu SQTG miền Tây Nghệ An

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được công nhận với các giá trị nổi bật như sau:

- Khu DTSQ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam á với tổng diện tích 1.303.285 ha.

- Đây là một hành lang xanh nối kết 03 vùng lõi của khu DTSQ gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, khu BTTN Pù Huống và khu BTTN Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về habitas và các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc giảm bớt khó khăn về chia cắt nơi sống (habitat fragmentation) do các hoạt động kinh tế của con người tạo ra.

- Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao với 03 vùng lõi là các khu rừng đặc dụng đã đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: Núi đất, núi đá, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Khu vực này là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc theo biên giới Việt Lào. Trong khu vực có 1.297 loài thực vật đã được điều tra và ghi nhận. Một báo cáo gần đầy nhất thì trong khu vực có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có 132 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: Voi, Sao La, Hổ, Thỏ vằn trường sơn...; 361 loài chim; 86 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá, 39 loài dơi và 459 loài bướm.

Ảnh: WWF-Việt Nam​

Đây cũng là khu vực có tính đa dạng về Văn hoá dân tộc lớn nhất trong số các khu DTSQ đã được công nhận ở Việt Nam với 09 dân tộc anh em sinh sống. Đặc biệt có 02 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An và đang trong tình trạng bị suy thoái, mai một nghiêm trọng về bản sắc văn hóa đó là: dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3.000 nhân khẩu ở huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ Đu (Còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương).

- Đây là khu vực nghiên cứu lý tưởng về sự biến đổi khí hâu toàn cầu và tác động của con người với các đỉnh núi cao như: Pù Hoạt, Pa Khăm, Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đin, Pù Mát....

Khu DTSQ Miền tây Nghệ An được Uỷ ban UNESCO công nhận có ý nghĩa rất lớn, đây có thể xem như một sự công nhận “Thương hiệu” về đa dạng sinh học, đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc của miền Tây Nghệ An. Sự công nhận về thành quả trong công tác Quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ mội trường, bảo vệ và giữ gìn truyền thống bản sắc dân tộc trên địa bàn của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Sự kiện này đang mở ra những cơ hội mới đối với công tác bảo tồn của các khu rừng đặc dụng tại Nghệ An.

Khi được công nhận là khu DTSQ nghĩa là chúng ta đã đăng ký với Thế giới một “Thương hiệu” về đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc. Chính vì thế chúng ta sẽ được sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của các nước, các tổ chức, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, đầu tư và hỗ trợ nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của khu DTSQ. Các hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học sẽ có cơ hội được đầu tư nhiều hơn và đi sâu nghiên cứu và tiếp tục tìm ra những cái mới, các giá trị mà chúng ta chưa biết đến, qua đó sẽ làm tăng giá trị của công tác bảo tồn. Khu DTSQ được xem như “Phòng thí nghiệm sống học tập cho phát triển bền vững” cung cấp các dữ liệu để các nhà khoa học dựa vào đó xây dựng các giả thiết mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Các nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành cũng như giám sát lâu dài về các quá trình sinh thái và đa dạng sinh học cũng sẽ được tiến hành.

Khu dự trữ sinh quyển cũng đưa đến một tư duy mới về khoa học bảo tồn, nó không chỉ cho thấy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên bên trong và xung quanh những khu vực đó mà còn thể hiện cách làm sao cho hài hoà, đáp ứng nhu cầu bền vững và tiến tới một tương lai bền vững. Tư duy này hoàn toàn mới so với tư duy về “khu bảo vệ”, “khu bảo tồn”, “bảo vệ nghiêm ngặt”... với những cố gắng tách con người và các hoạt động của họ ra khỏi các khu vực này đang trở nên dễ đổ vở do đảo lộn các mối quan hệ vốn có giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.

Quần thể cây Sa mu dầu, cây Di sản Việt Nam tại Khu BTTN Pù Hoạt

Khu dự trữ sinh quyển mang lại cơ hội cho khu vực trong việc thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ trong nước và quốc tế. Do đó, các cộng đồng địa phương sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, duy trì các giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc của mình và nâng cao nhận thức của mình. Khi các lợi ích được đảm bảo, đời sống kinh tế tăng cao và nhận thức của người dân được cải thiện thì áp lực của cộng đồng địa phương lên tài nguyên rừng ở các khu vực bảo vệ sẽ giảm xuống, giá trị đa dạng sinh học sẽ được duy trì và phát triển.

Nắm bắt được những cơ hội đó, trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo Sở NN&PTNT, Ban quản lý khu DTSQ, các Sở, Ban ngành và các đơn vị liên quan chủ động, tích cực để khai thác các tiềm năng, lợi thế và cơ hội trên thu hút các dự án, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để từng bước hoàn thiện các mục tiêu xây dựng, phát triển khu DTSQ góp phần quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị văn hóa trong khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Với lợi thế Khu dự trữ sinh quyển miền Tây, chúng ta đã thu hút đầu tư và triển khai thành công nhiều dự án trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ rừng, phát triển rừng gắn với giảm nghèo bề vững và các chương trình, dự án phát triển nông thôn trên địa bàn để thực hiện tốt các mục tiêu của Khu dự trữ sinh quyển. Với việc thực hiện các chương trình Bảo vệ và khoanh nuôi rừng giai đoạn 2013-2020; chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng ta đang từng bước hiện thực hóa việc xây dựng ‘‘hành lang xanh’’ nối liện với 03 khu bảo vệ nghiêm ngặt và gắn với phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đây là một mục tiêu hết sức quan trọng mà khu DTSQ đang hướng tới.

Mặt khác, khu DTSQ miền Tây Nghệ An đang là điều kiện tốt để khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch công đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các khu du lịch sinh thái đang dần được hình thành và khai thác hiệu quả như: Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông; khu du lịch sinh thái thác Sao Va, Thác bảy tầng - Quế Phong và Hang Bua, huyện Quỳ Châu.

Thác 7 tầng tại Khu BTTN Pù Hoạt

Trong những năm qua, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan đã có nhiều nổ lực, cố gắng để xây dựng, hoàn thiện và phát triển các mục tiêu đề ra của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, khái niệm về khu DTSQ đang là một vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này. Do đó, việc quản lý khu DTSQ như thế nào để đạt hiệu quả đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp, Sở NN&PTTN, cũng như Vườn quốc gia Pù Mát, các Khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT, BQL Khu dự trữ sinh quyển, Khu BTTN Pù Hoạt và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng quý gia của địa phương, bảo vệ tốt tính đa dạng sinh học và giữ gìn được bản sắc văn hoá của dân tộc trong khu vực; Cần phải có tư duy mới trong chiến lược bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học đó là kết hợp hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, giải quyết hài hoà giữa lợi ích của những người sống trong khu DTSQ. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với BQL Khu dự trữ sinh quyển, khu BTTN Pù Hoạt, vì nhận thức của người dân đối với các quy định của Nhà nước về công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ di sản, bảo vệ danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hoá còn nhiều hạn chế. Mặt khác, BQL các khu rừng đặc dụng và một số ban nghành các cấp chúng ta vẫn mang nặng tư duy quản lý trước đây về các “khu bảo tồn” đó là cố gắng tách con người ra khỏi các khu quản lý này; Khi tham gia mạng lưới Khu DTSQ thế giới nghĩa là chúng ta đã tham gia hội nhập với thế giới nên đội ngũ cán bộ của các Khu rừng đặc dụng cần phải được cũng cố, nâng cao để ngang tầm và đủ điều kiện để hội nhập.

Trước mắt còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT thì khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã và đang đi vào hoạt động, khai thác hiệu quả những cơ hội để góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn gắn với việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt

lên đầu trang