Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực Lâm nghiệp, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môt trường tỉnh Nghệ An. Đơn vị được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý là 85.257,29 ha, nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã phía Tây và Tây Bắc huyện Quế Phong, thuộc một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghê An. Diện tích rừng được giao quản lý lớn, chủ yếu phấn bố ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dọc theo biên giới Việt Nam - Lào. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng đang đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho đơn vị.
1. Thực trạng về công tác quản lý bảo vệ rừng vùng biên giới tại BQL Khu BTTN Pù Hoạt
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có 73 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào thuộc địa giới hành chính của 04 xã gồm: Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch và Thông Thụ của huyện Quế Phong, với tổng diện tích rừng được giao quản lý là 29.389 ha (gồm 17 tiểu khu), giáp ranh với các huyện Sầm Tớ và Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Diện tích rừng bên phía Việt Nam phân bố xa các thôn bản, địa hình đi lại rất khó khăn, phức tạp; đối diện bên kia biên giới phía nước bạn Lào dân cư sinh sống chủ yếu là người H’mông, có nhiều nơi các bản người H’mông của Lào định cư rất gần với Khu BTTN Pù Hoạt. Địa hình phía bên Lào khá bằng phẳng, có tuyến đường tuần tra dọc biên giới cách đường phân giới 01 km, rất thuận lợi cho các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã.
Diện tích rừng của Khu BTTN Pù Hoạt phân bố dọc với biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là rừng nguyên sinh có trữ lượng lớn với các loài cây có giá trị kinh tế cao và có ý nghĩ lớn về mặt đa dạng sinh học. Đặc biệt, tại các tiểu khu rừng thuộc địa bàn của 2 xã Nậm Giải và Hạnh Dịch, một phần rải rác dọc theo biên giới ở xã Tri Lễ, Thông Thụ. Diện tích rừng ở các khu vực dọc theo biên giới Việt - Lào có 2 loài cây gỗ quý hiếm là Pơ mu và Sa mu dầu phân bố từ đai cao 1.000,0 m trở lên, trong đó có quần thể 56 cây Sa mu dầu được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, tài nguyên động vật rừng cũng rất phong phú như các loài Khỉ, Vượn, Lợn rừng, Mang và rất nhiều loài thú khác.
2. Khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng biên
Về phân bố tài nguyên rừng và địa hình: Khu vực rừng Khu BTTN Pù Hoạt dọc tuyến biên giới đang còn rất giàu về tài nguyên gỗ và động vật rừng, nhưng phân bố ở các khu vực xa dân cư, hẻo lánh và địa hình hiểm trở nên việc tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn.


Rừng cây Samu dầu trong Khu BTTN Pù Hoạt dọc tuyến biên giới Việt - Lào
Phía bên kia biên giới của nước bạn Lào, chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc đã bị người dân sử dụng canh tác nương, rẫy lâu năm. Hiện nay, nhiều khu vực người dân Lào canh tác nương, rẫy chỉ cách biên giới Việt - Lào và rừng do BQL Khu BTTN Pù Hoạt quản lý khoảng 500 - 1.000 m (01km). Địa hình tương đối bằng phẳng và đặc biệt có tuyến đường tuần tra biên giới của Lào chạy dọc theo khu vực phân bố rừng của Khu BTTN Pù Hoạt rất thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp tuyên truyền và ngăn chặn đối với công dân nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn như: khó tiếp cận, bất đồng ngôn ngữ và quy định qua vùng biên giới.
Về thời tiết, khí hậu: Thời tiết giữa Việt Nam và Lào thường có sự đối lập giữa mùa khô và mùa mưa. Trong thời gian phía bên nước bạn Lào đang là mùa khô và thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển lâm sản thì ở Việt Nam đang là mùa mưa, rất khó khăn, bất lợi cho việc triển khai thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt các khu vực dọc tuyến biên giới ở những khu vực có địa hình núi cao, dốc, khe suối hiểm trở.
Đời sống của người dân vùng biên giới: Hiện nay đời sống của người dân ở các bản giáp biên đang hết sức khó khăn do ảnh hưởng, tác động suy thoái kinh tế ở nước bạn Lào. Vì vậy, áp lực tác động lên tài nguyên rừng dọc biên giới rất cao.
Một số yếu tố khác gây khó khăn cho công tác QLBVR: Hiện nay, phía Lào đang thực hiện cấp Cô ta (Quota) cho một số doanh nghiệp (trong đó có cả Doanh nghiệp của Việt Nam) để khai thác tận thu gỗ từ lòng hồ thuỷ điện Nậm Sum 1 và Nậm Sum 3 rất gần với khu vực rừng của Khu BTTN Pù Hoạt; Cấp các giấy phép khai thác, thăm dò khoáng sản trên địa bàn huyện Sầm Tớ và Mường Quắm. Vì vậy, nguy cơ đe doạ đến tình hình an ninh rừng khu vực dọc tuyến biên giới Việt - Lào đối với Khu BTTN Pù Hoạt đang rất lớn.
3. Một số giải pháp đã triển khai để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực vùng biên giới
Trước những thực trạng, khó khăn và thách thưc đặt ra đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR khu vực vùng biên nêu trên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Chủ động tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện Quế Phong đưa nội dung về tình hình an ninh rừng khu vực biên giới thành nội dung trong chương trình làm việc thường niên giữa huyện Quế Phong với huyện Sầm Tớ, Mường Quắn nước bạn Lào. Đặc biệt trong thời điểm có nguy cơ cao đe doạ tình hình an ninh rừng dọc biên giới, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyên gửi Công văn sang cho các huyện Mường Quắn và Sầm Tớ để phối hợp, trao đổi.
Hai là, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để tổ chức tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến diện tích rừng dọc biên giới. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng để thực hiện bảo vệ rừng khu vực biên giới gắn với đảm bảo tình hình an ninh biên giới.


Phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc dọc tuyến biên giới Việt - Lào
Ba là, Tăng cường tuyên truyền cho người dân các thôn bản trong khu vực biên giới để nâng cáo ý thức bảo vệ rừng, PCCCR đồng thời cung cấp thông tin cho lực lượng Kiểm lâm Pù Hoạt, lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng trên địa bàn về các khu vực, thời điểm có người dân Lào có tác động đến diện tích rừng dọc biên giới.
Bốn là, Trong các thời gian cao điểm, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, đặc biệt là các Đồn Biên phòng và cộng đồng các thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng để tổ chức lập chốt canh gác, tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng yếu.
Nhờ triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ rừng và PCCCR ở khu vực biên giới. Đến nay, tình hình an ninh rừng ở khu vực vùng biên cơ bản đã được kiểm soát tốt, dần đi vào ổn định; các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trong vùng giáp biên đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Trên các khu vực vùng biên không còn xuất hiện các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã; ý thức trách nhiệm của người dân, của chính quyền địa phương từng bước được nâng cao, tạo được động lực trong việc tham gia bảo vệ rừng ở khu vực vùng biên. Những kết quả đạt được trong công tác QLBVR ở khu vực vùng biên đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định Quốc phòng - An ninh trên địa bàn.
Nguyễn Văn Sinh