Đó là ý tưởng của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam tham gia khảo sát xây dựng luận chứng Kinh tế kỹ thuật và Dự án đầu tư các khu rừng đặc dụng - Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát, các Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống, Pù Hoạt - khi gặp những quần thể Samu dầu (SMD) cực lớn, có những cây có thể coi là khổng lồ với đường kính 4-5m, chiều cao 60-70m.
Samu dầu chưa phải là loài cây đặc hữu của Việt Nam, bời nó còn xuất hiện ở tỉnh Hủa Phăn (Lào), Đảo Hải Nam và Đài Loan (Trung Quốc), thuộc vòng cung Pù Hoạt (về địa chất và cổ sinh học, Pù Hoạt là một khối núi lớn hình thành từ Kỷ Permian cách đây hơn 200 triệu năm, khối núi này hình thành như một cầu nối giữa tỉnh Hủa Phăn (Lào) với khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam với Đảo Hải Nam và Đài Loan (Trung Quốc), còn gọi là vòng cung Pù Hoạt. Tại Việt Nam, chúng chỉ phân bổ hẹp tại Nghệ An, tập trung khá nhiều ở huyện Quế Phong, nên có tên chỉ dẫn địa lý là Sa mộc Quế Phong.
Mẫu Sa mu dầu đầu tiên thu thập được là tại núi Pha Ca Tủn (huyện Quế Phong) do Đoàn cán bộ bộ môn Thực vật - Viện Điều tra quy hoạch rừng (FIPI) tiến hành thu thập trong chương trình "Điều tra tài nguyên phục vụ xây dựng khu Kinh tế lâm nghiệp Sông Hiếu" vào năm 1965.
Năm 1991, FIPI và Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã khảo sát và xây dựng Vườn quốc gia Pù Mát, gặp quần thể Sa mu dầu phân bổ trên giông núi Pù Nhông ở độ cao 1.400m, trên đầu nguồn Khe Choang (huyện Con Cuông). Tại đây, quần thể Sa mu dầu tại vành đai cao hơn vành đai phân bổ của quần thể Pơ mu, tạo thành những đám cây vượt tán có đường kính bình quân khoảng 45cm và chiều cao trên 50m. Đặc biệt, tại khu vực thượng nguồn Khe Bu (huyện Con Cuông) có một cá thể Sa mu dầu có đường kính 5,4m và chiều cao 70m đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp “Bằng” công nhận là "Cây di sản Việt nam”.
Năm 1997, trở lại Quế Phong khảo sát xây dựng Khu BTTN Pù Hoạt, Đoàn đã gặp những quần thể Sa mu dầu thuần loài trên độ cao 1.600-2.000m. Những quần thể này từ hàng chục đến hàng trăm cây Sa mu dầu trên các giông núi. Đoàn đã tiếp xúc và chụp hình được 1 cây Sa mu dầu có đường kính 2,8m và chiều cao dưới cành là 50m, chiều cao vút ngọn là 60m. Đoàn được người bản địa dẫn đường (ông Xuyền ở bản Pục, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong) chỉ cho một cây Sa mu dầu do ông mới chặt để chuẩn bị làm nhà, có đường kính gốc 3m, cùng khoảng 1000 tấm gỗ Sa mu dầu có kích thước 1,7cm x 35cm x 107cm. Nhân dân ở đây có tập quán vào rừng để tìm những cây Sa mu dầu tầm cỡ lớn như thế cưa xẻ gỗ làm đủ một cái nhà sàn. Tại thời điểm lúc bấy giờ, điểm qua 2 xã Thông Thụ và xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) thì có trên 100 nhà được lợp mái bằng gỗ Sa mu dầu. Như vậy đã có hàng trăm cây Sa mu dầu cực lớn bị biến mất.
Hiện nay, cây sa mu dầu đường kính 5,4m tại thượng nguồn Khe Bu, Vườn quốc gia Pù Mát và quần thể cây sa mu (với 36 cây) ở Khu BTTN Pù Hoạt đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Điều này làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, nỗ lực bảo tồn quần thể cây lớn nhất tại Việt Nam hôm nay và mai sau.
Rừng Sa mu dầu tại Khu BTTN Pù Hoạt
Tại các VQG và Khu BTTN, người ta thường tìm những cây có tầm vóc lớn làm tiêu điểm các tuyến tham quan rừng cho du khách như: Ở VQG Cúc Phương có Cây Sấu (Dracontomelum dupereanam), Cây Chò ngàn năm và Cây Chò chiến thắng (Terminalia myriocarpa); Ở VQG Ba Bể có Cây Thung (Tetrameles nudiflora); Ở VQG Nam Cát Tiên có Cây Gõ đỏ (Pahudia cochinchinensis); Ở VQG Phong Nha Kẻ Bàng có Cây Gừa (Ficus callosa). Đó đều là những loài cây có tầm vóc lớn nhưng thường chúng có bạnh vè to, vượt lên khỏi bạnh vè thì đường kính thực của thân cây cũng chỉ đạt 1,2-2m, không thể so sánh được với Cây Sa mu dầu - Di sản từ VQG Pù Mát và Khu BTTN Pù Hoạt của chúng ta.
Những cây Sa mu dầu của Nghệ An thân cây không có bạnh vè, lừng lững một cột hình trụ từ gốc lên tới độ cao 40-50m, vượt tán rừng đến 20-35m, tạo nên một cảnh hùng vĩ chưa từng thấy ở nơi nào trên mảnh đất hình chữ S - Việt Nam. Nếu như trên thế giới có chừng 10 cây khổng lồ, từng là tiêu điểm cho khách du lịch, tham quan quốc tế, như: Cây Cù Tùng, Cây Vương Tùng (Sequoia sempervirens) của Bang California, Mỹ có đường kính 8,5m, chiều cao là 102m; Cây Bạch đàn chúa (Eucalyptus regnan) ở Melbourne, Australia có đường kính 9,7m, chiều cao 101m; Cây Cum-pát (Koompassia exeelse) ở Sarawarl, Indonesia có chiều cao 84m; Cây Bạch quả (Ginko biloba) của Trung Quốc có chu vi 16m, chiều cao 25m; Cây Bách (Cedrus deodra) ở dãy Hy Mã lạp Sơn (Hymalaya), Ấn Độ có chu vi là 12m v.v…
Những cây Sa mu dầu của chúng ta đã biết và còn tiếp tục khảo sát thêm sẽ không thua kém một số loài cây được coi là lớn nhất của quả đất nói trên. Sa mu dầu là loài cây đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc biết cả về kinh tế và cả cảnh quan môi trường và cần có chế độ nghiên cứu bảo vệ đặc biệt. Chúng tôi hoan nghênh Sở Nông nghiệp & PTNT - Chi cục Kiểm lâm Nghệ An có chủ trương khảo sát, xây dựng Đề án bảo tồn "Cây Di sản" và "Rừng Di sản", trong đó loài Sa mu dầu là đối tượng được quan tâm. Nếu những cây Sa mu dầu cực lớn, rừng Sa mu dầu thuần loài được xác định là di sản, được bảo tồn và phát triển theo chế độ di sản thì có thể coi là điểm nhấn trong việc tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và nền Kinh tế xanh ở Nghệ An và Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, nếu bảo vệ được, nên lấy loài Sa mu dầu làm biểu tượng cho thực vật nhiệt đới Việt Nam./.
Nguyễn Đình Võ
Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An