Kiểm lâm viên liên tục xin nghỉ việc

PHO
Công việc quá vất vả, thu nhập lại thấp, lực lượng kiểm lâm ở Phú Yên liên tục xin nghỉ việc, trong khi việc tuyển người mới vô cùng khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên nhận nhiều đơn xin nghỉ việc của kiểm lâm địa bàn ở các huyện Sơn Hòa và Tuy An.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đưa chúng tôi xem một lá đơn xin nghỉ việc của một kiểm lâm viên (xin giấu tên) công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa.

Một lá đơn của kiểm lâm địa bàn ở tỉnh Phú Yên xin nghỉ việc vì áp lực trách nhiệm giữ rừng nặng nề. Ảnh: KS.

Theo đơn trình của kiểm lâm viên này, hiện ông đang được phân công kiểm lâm địa bàn 3 xã Sơn Nguyên, Sơn Hà và Suối Bạc. Ông nhận thấy trách nhiệm trước pháp luật về nhiệm vụ công tác, năng lực bản thân không thể hoàn thành được nhiệm vụ khi được phân công địa bàn 3 xã nên đã làm đơn rất mong lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa xem xét tạo điều kiện để được nghỉ việc trong thời gian sớm nhất.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ông Bé nhận đơn xin nghỉ việc của lực lượng kiêm lâm viên vì áp lực trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, mà đã có rất nhiều lá đơn tương tự như thế. Chẳng hạn như nhiều kiểm lâm địa bàn xin nghỉ việc trước tuổi, chuyển ngành, bởi không còn yêu ngành, yêu nghề nữa. Từ đó, khiến lực lượng kiểm lâm địa bàn vốn từ nhiều năm nay đã thiếu, nay càng thiếu trầm trọng hơn.

Theo ông Bé, toàn tỉnh Phú Yên có khoảng 250.000 ha rừng. Sở NN-PTNT giao Chi cục Kiểm lâm 142 biên chế công chức. Tuy nhiên tính đến hiện tại, Chi cục chỉ có 114 biên chế, tức còn 28 biên chế chưa tuyển dụng được và có 2 biên chế làm đơn xin nghỉ việc, hiện chưa giải quyết.

Ngành kiểm lâm Phú Yên đang thiếu lực lượng kiểm lâm địa bàn khắp các đơn vị trực thuộc. Ảnh: KS.

“Từ năm 2019, chúng tôi đã thiếu 18 biên chế. Nhưng qua các năm, các kiểm lâm địa bàn liên tục xin nghỉ việc nên giờ đã thiếu 28 người. Thế nhưng vài tháng nữa lại có thêm 2 người nữa xin nghỉ việc theo quy định”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên than vãn và cho biết thêm, do thiếu người nên hiện trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn quản lý 3 - 4 xã, thậm chí còn hơn nữa. Nếu quản lý không xuể sẽ bị quy trách nhiệm, dẫn đến anh em nhụt chí cứ xin nghỉ dần, trong khi tìm người để tuyển dụng không có.

Vừa qua, tỉnh có văn bản đăng ký xét tuyển từ viên chức sang công chức, thế nhưng qua tham khảo nhiều đơn vị, không có người muốn vào ngành. Bên cạnh đó, các trường chuyên ngành đào tạo lâm nghiệp, sinh viên theo học cũng rất khan hiếm và không có người chịu về địa phương.

Ông Bé cho biết, thời gian qua do thiếu người, đã gây áp lực tư tưởng đến kiểm lâm địa bàn, vì người ít, công việc nhiều, trách nhiệm lại nặng nề. Mặt khác việc thiếu người cũng khiến nguy cơ tiềm ẩn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra rất cao, vì thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong khi đất lâm nghiệp ngày càng có giá nên dân cứ vào lấn chiếm thường xuyên.

Người cũ xin nghỉ, người mới tìm không ra

Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện hầu hết các đơn vị kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đều thiếu kiểm lâm địa bàn. Có nhiều đơn vị thiếu kiểm lâm địa bàn trầm trọng phải “ôm” quản lý diện tích rừng quá quy định. Chẳng hạn như tại Hạt Kiểm lâm Thị xã Sông Cầu hiện quản lý 28.000 ha rừng, song chỉ có 6 người, trong đó có 2 kiểm lâm địa bàn.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng rất vất vả tuần tra rừng cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Sông Cầu cho biết, từ nhiều năm nay đơn vị luôn trong tình trạng thiếu người nên anh em phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Khổ nhất là 2 kiểm lâm địa bàn phải quản lý 13 xã, phường (một người quản lý 7 xã phường, một người quản lý 6 xã) nên không thể nào đi khắp được.

“Thị xã Sông Cầu có diện tích rừng đứng thứ 3 của tỉnh. Theo quy định 28.000 ha rừng phải phân bổ 28 biên chế kiểm lâm viên (1.000 ha/người) nhưng chúng tôi mong sao được 15 người là mừng”, ông Hiếu giọng buồn buồn nói.

Anh Phạm Thanh Vân, kiểm lâm địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm Thị xã Sông Cầu có 29 năm trong ngành tâm sự: Nhà anh ở TP Tuy Hòa cách Thị xã Sông Cầu 60 km. Trước đây anh làm ở đơn vị gần nhà, sau đó được điều động ra Thị xã Sông Cầu từ năm 2016. Nhiều năm nay anh được phân công quản lý tới 7 xã, phường với diện tích rừng khá lớn. Rừng lại nằm rải rác nhiều khu vực, xa dân cư, đường sá đi lại đồi dốc rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bản thân làm việc ở đơn vị xa nhà nên anh rất mong muốn các cấp, ngành quan tâm tăng cường kiểm lâm xuống địa bàn, để công tác quản lý bảo vệ rừng được tốt hơn.

Bữa cơm đạm bạc của những người kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Không chỉ kiểm lâm địa bàn, mà các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng cũng thiếu nhân viên bảo vệ rừng. Ông Đào Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Tây Hòa cho biết, đơn vị được giao quản lý 26.670,8 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 25.898 ha. Tuy nhiện hiện đơn vị chỉ có 26 người, trong đó 13 người biên chế, số còn lại là hợp đồng. Trong khi theo quyết định giao người của đơn vị là 30 người, trong đó có 23 người biên chế và 7 hợp đồng.

Theo ông Dũng, tình trạng thiếu người của đơn vị đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân là do đơn vị không tuyển được người mới. Khi tuyển được người rồi thì họ làm thời gian lại nghỉ vì thấy công việc quá vất vả, nhất là thời điểm mùa khô, lực lượng bảo vệ rừng sáng phải đi tuần tra rừng, trưa ra bìa rừng ngồi canh lửa, còn tối canh chặn lâm tặc, dường như làm việc 24/24 giờ.... Thế nhưng thu nhập lại thấp, chỉ lương ngạch bậc không có phụ cấp gì. Đã thế, nhân viên bảo vệ rừng chịu áp lực về trách nhiệm hình sự nếu để mất rừng. Vì thế, những người mới vào làm lại xin nghỉ, còn những người cũ thường xin nghỉ hưu non.

Trước thực trạng thiếu người, nhiều đơn vị kiểm lâm đã có văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh xem xét bổ sung biên chế. Thế nhưng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đành ngậm ngùi trả lời văn bản với tinh thần động viên anh em vì chưa tuyển đủ số lượng công chức nên không thể cân đối phân bổ biên chế cho các đơn vị.

Mấy ai hiểu được nỗi vất vả của kiểm lâm địa bàn. Ảnh: KS.

Trong thời gian thiếu biên chế, Chi cục yêu cầu thủ trưởng các đơn vị kiểm lâm quán triệt công chức, người lao động giữ vững lập trường tư tưởng, đạo đức lối sống, tác phong lề lối làm việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giao; không để xảy tình hình tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động cùng các ngành, địa phương, chủ rừng xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và điều tra xử lý các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo đúng quy định để kịp thời giáo dục phòng ngừa chung. Cùng với đó kiểm tra, rà soát các khu vực, địa bàn, các đối tượng thường xuyên tác động vào rừng để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, tin báo, tố giác hành vi vi phạm và có biện pháp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định.

Chủ động tìm nguồn ở các trường đào tạo

Về lâu dài, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã có báo cáo Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho cơ chế, chính sách đặc thù để xét tuyển, tức là chọn học sinh ra trường loại khá trở lên có thể cho xét tuyển không qua hình thức tuyển. Bên cạnh đó, kiến nghị cho phép cơ chế tiếp tục thực hiện việc sát hạch viên chức làm việc với các điều kiện, bằng cấp vào ngành kiểm lâm.

Nhiều năm nay, ngành kiểm lâm Phú Yên luôn trong tình trạng thiếu người vì không tuyển được người mới. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, việc tuyển thiếu biên chế trong ngành kiểm lâm của tỉnh đã xảy ra nhiều năm nay với nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều kiểm lâm địa bàn xin nghỉ việc vì công việc làm phức tạp, công tác vùng miền núi khó khăn, nhưng trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại nặng nề.

Trước thực trạng thiếu người bù đắp biên chế, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm động viên anh em giữ vững lập trường, phấn đầu hoàn thành công việc, cùng với đó cố gắng liên hệ các trường chuyên môn để tuyển người.

Về phía Sở NN-PTNT, sẽ kiến nghị tỉnh cho cơ chế đặc thù để tuyển biên chế cho ngành trong thời gian sớm nhất. Về lâu dài, cần nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng tuyển dụng các chuyên ngành về công nghệ thông tin, quản lý đất đai, luật, sinh học…, đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý rừng, đất đai và phòng chống chữa cháy rừng; đào tạo lại để nâng cao trình độ cán bộ quản lý lâm nghiệp hiện có kết hợp đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với tình hình mới.

Tình trạng kiểm lâm xin nghỉ việc ngày càng diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: KS.

Không chỉ có Phú Yên, tình trạng thiếu trước hụt sau lực lượng kiểm lâm cũng đang xẩy ra ở tỉnh Khánh Hòa.

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết, biên chế của đơn vị được giao 152 công chức, song hiện thiếu 27 biên chế. Nguyên nhân do số công chức đã đến tuổi nghỉ hưu; một số nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình.

Do thiếu công chức kiểm lâm, nhất là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã nên có tình trạng một kiểm lâm viên phụ trách nhiều xã. Từ đó có ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng tại cơ sở như công tác tham mưu cho UBND cấp xã, cũng như phát hiện nhanh các vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ông Trần Minh Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho rằng về lâu dài, khó để có thể tăng biên chế cho lực lượng kiểm lâm Khánh Hòa cũng như trong toàn quốc. Nhưng nếu củng cố, nâng cao năng lực tự bảo vệ của các chủ rừng, đặc biệt là các chủ rừng nhà nước (các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng), kiểm lâm sẽ thực thi vai trò thừa hành pháp luật, hỗ trợ chủ rừng, tham mưu tốt cho hệ thống chính trị ở địa phương thì công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ có hiệu quả.

nongnghiep.vn/kiem-lam-vien-lien-tuc-xin-nghi-viec-d326704.html 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

lên đầu trang