Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt tăng cường công tác Dân vận góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn

PHO

BQL Khu BTTN Pù Hoạt được thành lập ngày 02/4/2013 theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, gồm có 03 phòng chuyên môn: Tổ chức - Hành chính, Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Hợp tác quốc tế và 01 đơn vị trực thuộc là Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt.

Với 64 đồng chí công chức, viên chức và người lao động có chức năng là: Bảo tồn tính đa dạng sinh học của 86.414,38 ha rừng và đất Lâm nghiệp (bao gồm cả diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ); xây dựng và phát triển vốn rừng; tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường; chủ các dự án trồng rừng, sản xuất giống cây lâm nghiệp; tổ chức thực hiện dịch vụ du lịch góp phần cùng cấp ủy chính quyền địa phương phát triển bền vững kinh tế vùng đệm. Khu BTTN Pù Hoạt rất vinh dự, tự hào khi được mang tên của đỉnh núi cao nhất sườn phía bắc của dãy Trường Sơn là đỉnh Pù Hoạt với độ cao 2.457m (tiếng thái là Phà Cà Tủn) để đặt tên cho Khu Bảo tồn. Khu Bảo tồn có chức năng quản lý diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn thuộc 09 xã của huyện Quế Phong (bao gồm các xã: Tri Lễ, Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn và Châu Thôn), ngoài sự tiếp giáp với địa giới hành chính của các huyện trong tỉnh như: Quỳ Châu, Tương Dương.. còn có sự tiếp giáp với địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa và có 74,793 km đường biên giới tiếp giáp với hai huyện Mường Quắn và huyện Xăm Tảy, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Với nhiệm vụ quản lý địa bàn rộng; nhân lực mỏng; điều kiện giao thông, phương tiện tuần tra, kiểm soát, bảo vệ khó khăn. Đứng trước những khó khăn thách thức đó, Đảng ủy, Tập thể lãnh đạo và các đoàn thể của BQL Khu BTTN Pù Hoạt xác định muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoài nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của cơ quan thì phải biết dựa vào dân, huy động nguồn lực và sức dân, phải có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của địa phương, các đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn để cùng nhau góp thành lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chức năng được giao.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” và “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, điều đó đã chứng minh và khẳng định sức mạnh, tầm quan trọng của Nhân dân, một bài học vô cùng quý giá đã được đúc kết kể cả chiều sâu và bề dày của dân tộc chúng ta. Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận và xác định nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận nói chung và dân vận chính quyền, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với chức năng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của cơ quan. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của cơ quan đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện về công tác dân vận mà trong tâm là tăng cường công tác “dân vận chính quyền”, coi công tác “dân vận chính quyền” là khâu đột phá trong các giải pháp thực hiện nhiệm vụ gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, coi việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” là chìa khóa vạn năng, là yếu tố quan trọng trong việc quyết định thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; vai trò làm chủ, tinh thần, sức sáng tạo và huy động mọi nguồn lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Đề án số 04-ĐA/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 -2025 và những năm tiếp theo; Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 01/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về xây dựng các mô hình, điển hình, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo và Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025, công tác dân vận trong đó có dân vận chính quyền và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả cụ thể quan trọng.

Các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch… của các cấp về công tác dân vận đã được cấp ủy kịp thời cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tế của địa phương thuộc vùng quản lý rừng của Khu Bảo tồn, được công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đồng tình cao. Việc thực hiện công tác “Dân vận chính quyền” và xây dựng điểm sáng về công tác “Dân vận chính quyền” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ được duy trì và đẩy mạnh, đi vào nề nếp. Công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức, công vụ, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan được duy trì thường xuyên; việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của cán bộ, công chức… và Nhân dân được thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Trong 10 năm qua, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 01 đơn thư của công dân. Chế độ tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan với CCVC-NLĐ và Nhân dân được duy trì; kịp thời giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, những vấn để bức xúc ngay từ khi mới nẩy sinh; từ năm 2013 đến nay thông qua Hội nghị CCVC-NLĐ hàng năm đã tổ chức được 10 cuộc với 539 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm đơn vị tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, đối thoại, giải quyết các vấn đề thắc mắc, kiến nghị của Nhân dân trên địa bàn Huyện gắn với các đợt tổ chức chi trả tiền công giao khoán bảo vệ rừng, không để xẩy ra trường hợp nào người dân có ý kiến thắc mắc, kiến nghị kéo dài.

Song song với việc thực hiện công tác “Dân vận chính quyền” và xây dựng điểm sáng “Dân vận chính quyền” gắn với công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thì việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” hàng năm được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ quan hết sức quan tâm; lấy kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” làm tiêu chí, thước đo mức độ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các phòng chuyên môn và mỗi cá nhân của của cơ quan, đơn vị; coi việc thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những nhiệm nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động như trong Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết …“Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”, đồng thời khẳng định vai trò to lớn, sức mạnh của nhân dân; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng được thể hiện trong tác phẩm “ Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, trong 10 năm qua cấp ủy đã vận dụng một cách sáng tạo, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, bằng nhiều chủ trương, để ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ để tập trung xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của cơ quan, đơn vị và phối hợp với các phòng, ban, ngành của các cấp trong xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện. Kết quả trong 10 năm qua đã huy động hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình với số tiền 38.313.000 đồng và đã xây dựng được những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị; điển hình như các mô hình nổi bật đó là: Mô hình hỗ trợ cây lâu năm, cây ăn quả cải tạo vườn tạp cho 03 hộ gia đình tại xã: Tiền Phong, Hạnh Dịch, Đồng Văn; mô hình trồng cây khoai sọ ở xã Nậm Giải và xã Hạnh Dịch; mô hình hỗ trợ xây dựng bản nông thôn mới tại bản Mường Hinh, xã Đồng Văn; mô hình bảo tồn và phát triển loài cây gỗ Sa mu dầu quý hiếm gắn với phong trào xây dựng khối đại đoàn kết, tạo cảnh quan môi trường Xanh -Sạch - Đẹp tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải… Đảng ủy đã tổ chức biểu dương, khen thưởng cho 5 tập thể, 64 đảng viên điển hình tiêu biểu, trong đó có những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo và huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân; khai thác được tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu; khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc bị mai một, làm thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi một người dân về cách nghĩ, cách làm trên các lĩnh vực nhất là phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Từng bước làm thay đổi nhận thức tư tưởng trông chờ, ỷ lại các chính sách hộ trợ của Đảng và Nhà nước trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân miền núi.

Với việc tăng cường công tác dân vận chính quyền gắn với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong 10 năm qua, Khu BTTN Pù Hoạt đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; về công tác xây dựng Đảng luôn được Huyện ủy Quế Phong xếp loại “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” và “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: Qua các năm, đơn vị đều được Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”; được cấp trên ghi nhận khen và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ NN&PTNT; Bằng khen của Tổng cục Lâm nghiệp; Bằng khen Đảng bộ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm của BTV Tỉnh ủy; Cờ thi đua của UBND tỉnh; Trướng của UBND tỉnh; Bằng khen của UBND tỉnh và 41 giấy khen của các cấp.

Những kết quả trên đã góp phần thực hiện tháng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tạo ra động lực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức và hàng ngàn lao động; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, CC,VC, NLĐ và nhân dân được nâng lên. Công tác nghiên cứu khoa học, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới đã góp phần làm cho nhiệm vụ và công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đảng, chính quyền; củng cố vững chắc mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Với những kết quả đó, trong những năm qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt luôn được Ban Dân vận Huyện ủy công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dân vận; Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện công nhận là lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” và Ban Chỉ đạo công tác “Dân vận chính quyền” huyện công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là điểm sáng về công tác “Dân vận chính quyền” của huyện.

Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, phát huy mạnh mẽ truyền thống của quê hương Xô Viết đó là “Đoàn kết, vượt khó, vươn lên” góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện miền núi Quế Phong; biết rằng chặng đường phía trước sẽ còn diễn ra nhiều khó khăn, thử thách nhưng đây cũng là những bài học quý giá, bước đệm để BQL Khu BTTN Pù Hoạt vươn lên, khẳng định vị thế của mình trên vùng đất miền Tây Bắc xứ Nghệ.

Nguyễn Minh Hoạt - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong

lên đầu trang