Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được thành lập năm 2013. Các nghiên cứu về thực vật nói chung và thực vật Hạt trần nói riêng tại đây còn rất hạn chế. Theo các số liệu cập nhật về danh lục thực vật, hiện nay KBT có 763 loài thuộc 427 chi, 124 họ. Trong đó ngành Hạt trần có 6 họ, 9 chi, 13 loài gồm: Bách tán (họ Bách tán); Bách xanh, Pơ mu, Trắc bách (họ Hoàng); Thiên tuế đá vôi, Thiên tuế lược, Vạn tuế (họ Tuế); Gắm núi (họ Gắm núi); Thông lông gà, Kim giao, Kim giao wallich, Thông tre lá dài (họ Kim giao); Sa mộc dầu (họ Bụt mọc). Việc bảo tồn thực vật Hạt trần tại Việt Nam nói chung và của khu BTTN Pù Hoạt nói riêng là hết sức cần thiết. Để làm rõ hiện trạng các quần thể thực vật Hạt trần tại khu BTTN Pù Hoạt, phục vụ cho công tác bảo tồn loài tại KBT và bổ sung thêm các dữ liệu phân loại, khu vực phân bố và đặc điểm sinh thái học của Hạt trần cho khu KBT và cả nước nói chung, nên năm 2016 BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tiến hành: “Điều tra phân bố đặc tính sinh thái các loài cây Hạt trần làm cơ sở lập kế hoạch bảo tồn tại Khu BTTN Pù Hoạt” và đã thu được kết quả như sau:
Kết quả điều tra trên 21 tuyến với tổng số chiều dài tuyến trên 207,18 km, và điều tra khoanh lô triên tuyến với tổng diện tích 2.000,72ha, đã ghi nhận được có 10 loài Hạt trần phân bố trong khu vực nghiên cứu. Xây dựng được bộ tiêu bản cho 10 loài Hạt trần đã được ghi nhận với 59 tiêu bản.
Tất cả các loài phát hiện trong đợt nghiên cứu này đều là những loài Hạt trần quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Trong đó có 4 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007 là: Pơ mu, Bách xanh, Sa mộc dầu và Du sam núi đất. Trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP có 5 loài: Pơ mu, Bách xanh, Sa mộc dầu, Du sam núi đất và Tuế lá dài. Tất cả các loài đều có trong Danh lục đỏ của IUCN, cấp EN 1 loài (Sa mộc dầu), cấp VU 3 loài (Pơ mu, Du sam núi đất, Dẻ tùng vân nam), cấp NT 3 loài (Bách xanh, Tuế lá dài, Kim giao), cấp Lc 3 loài (Thông nàng, Thông tre và Gắm núi). Trong Công ước Cites có 1 loài được ghi nhận trong Phụ lục 2 là Tuế lá dài.
Nón đực và nón cái Samu dầu
Lá cây Pơ Mu
Một số hình ảnh cây Kim giao
Lá cây Pơ Mu
Loài Gắm núi
Thân cây Pơ Mu
Loài Tuế lá dài
Từ các kết quả điều tra thực địa, cho thấy các loài Hạt trần tập chung chủ yếu ở khu vực Tây và Tây Bắc của Khu BTTN Pù Hoạt. Đây là khu vực giáp với biên giới Việt Lào, địa hình hiểm trở và rừng còn nguyên vẹn, ít bị con người tác động. Chúng thường phân bố ở đai từ 700m trở lên, đây thường là kiểu rừng nhiệt đới thường xanh cây lá rộng hỗn giao lá kim hoặc một số khu vực mang tính chất rừng á nhiệt đới thường xanh.
Đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn thực vật Hạt trần tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Giải pháp bảo tồn tại chỗ
- Bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng tài nguyên rừng tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của KBTTN Pù Hoạt như: Khu vực Tri Lễ - Nậm Giải - Hạnh Dịch và Đồng Văn - Thông Thụ. Tập trung trọng điểm bảo vệ các khu vực có nhiều loài thực vật Hạt trần nguy cấp quý hiếm phân bố như vùng cao của Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch và đặc biệt là quần thể Sa mộc dầu tại Hạnh Dịch đã được Nhà nước công nhận là quần thể cây di sản của Việt Nam.
- Kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép. Đặc biệt chú ý ngăn chặn việc mở rộng diện tích canh tác hoặc sử dụng lửa trái phép tại các khu vực các loài Hạt trần quý hiếm phân bố như: Tri Lễ (Bách xanh, Sa mộc dầu, Du sam núi đất), Nậm Giải (Sa mộc dầu, Pơ Mu, Tuế lá dài), Hạnh Dịch (Sa mộc dầu, Pơ mu), Thông Thụ, Đồng Văn (Pơ mu).
- Cần ưu tiên thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về các loài thực vật Hạt trần quý hiếm đang có số lượng rất ít hoặc phân bố rất hẹp tại Khu bảo tồn như: Sa mộc dầu, Du sam núi đất, Pơ mu, Bách xanh, Tuế lá dài, nhằm xây dựng các giải pháp khả thi bảo tồn và phát triển bền vững các loài này.
- Xúc tiến tái sinh của một số loài Hạt trần ít gặp cây tái sinh như: Sa mộc dầu, Bách xanh…Trồng dặm vào các khu vực phù hợp với đặc tính sinh học, sinh thái của loài.
- Kiểm tra phân bố của các loài thực vật Hạt trần đã được ghi nhận trong danh lục của Khu BTTN Pù Hoạt, tuy nhiên trong nghiên cứu này chưa gặp là: Thiên tuế đá vôi (Cycas balansae Warb.), Thiên tuế lược (Cycas pectinata Griff.), Kim giao wallich (Nageia wallichiana (C.Presl) Kuntze).
Giải pháp bảo tồn chuyển chỗ
- Thử nghiệm nhân giống và trồng bảo tồn một số loài Hạt trần quý hiếm trong phân khu dịch vụ hành chính, nơi có điều kiện phù hợp với nơi sống của loài hoặc trong khu vực dự kiến xây dựng vườn thực vật, nhằm bảo tồn nguồn gen thực vật Hạt trần.
- Xây dựng hệ thống phòng tiêu bản, lưu trữ mẫu vật của tất cả các loài thực vật phân bố tự nhiên tại Khu BTTN Pù Hoạt phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học và bảo tồn nguồn gen.
- Hiện nay một số hộ dân tại xã Hạnh Dịch đã nhân giống và gây trồng thành công Sa mộc dầu và Pơ mu. Đây là hướng bảo tồn rất có hiệu quả và bền vững các loài Hạt trần quý hiếm. Tuy nhiên tại địa phương hoạt động này chủ yếu là tự phát. KBT cần phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh và địa phương hỗ trợ người dân: kỹ thuật và giống vốn đểbảo tồn chuyển chỗ các loài thực vật Hạt trần quý hiếm tại các khu vực vườn rừng, nương rẫy bỏ hoang... Cần có chính sách thống nhất trong chia sẻ lợi ích từ các hoạt động này.
Giải pháp xã hội
- Huy động các nguồn lực của địa phương và nhà nước để hỗ trợ cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Khu BTTN Pù Hoạt nói chung và tài nguyên thực vật Hạt trần quý hiếm nói riêng tại đây.
- Tuyên truyền cho ngươi dân địa phương về lợi ích cũng như các quy định của nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen các loài thực vật Hạt trần quý hiếm.
- Xây dựng các chương trình phát triển kinh tế vùng đệm của Khu BTTN Pù Hoạt theo Nghị định 117 và các văn bản có liên quan của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND tỉnh Nghệ An. Một số khu vực có cảnh quan đẹp, KBT kết hợp với địa phương mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch làng bản để tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho các cộng đồng địa phương, từ đó giảm thiểu các tác động đến rừng.
- Huy động người dân địa phương cùng tham gia các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, để người dân cũng được hưởng lợi từ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, từ đó sẽ hạn chế các mối đe dọa từ người dân đến các loài quý hiếm.
- Phối hợp với cơ quan có liên quan thực thi có hiệu quả các chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nướctrong lĩnh vực quản lý bảo về rừng và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật Hạt trần quý hiếm.
Lê Xinh - Phòng Khoa học HTQT