Khu BTTN Pù Hoạt là một trong 03 vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển Miền tây Nghệ An; là một trong những khu Bảo tồn Thiên nhiên có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với tổng diện tích quản lý là 85.761,43 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là khu vực còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chiụ tác động của con người và được xem như là đại diện của kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Khu BTTN Pù Hoạt được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Qua các kết quả điều tra nghiên cứu, đến nay hệ thực vật khu BTTN Pù Hoạt đã ghi nhận được 2.425 loài và dưới loài thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 129 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau chiếm 5,32% tổng số loài của khu hệ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được phân bố ở dọc biên giới Việt - Lào trên những sườn núi thấp đến núi cao với đỉnh cao nhất là Pù Hoạt 2.457 m. Cánh cung Pù Hoạt được xem như là điểm giao thoa của các luồng thực vật Himalaya – Vân Nam Quý Châu, Ấn Độ - Mianma, Malaisia-Indonesia với Đông Nam Á nên thành phần thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Đặc biệt trong khu vực có nhiều loài thực vật được sử dụng để làm dược liệu. Theo kết quả thống kê trong khu BTTN Pù Hoạt, nhóm cây được sử dụng làm dược liệu có 1.103 loài chiếm 45,48% tổng số loài của khu hệ thực vật. Trong đó, các công trình nghiên cứu đã ghi nhận được 412 loài thường được người dân sử dụng để làm chữa các bệnh trên địa bàn. Do đó, việc đánh giá tính đa dạng các loài cây dược liệu phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển tại Khu BTTN Pù Hoạt là điều rất cần thiết.
1. Đa dạng các taxon trong ngành.
Từ các kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học tại Khu BTTN Pù Hoạt đã công bố từ trước đến nay cho thấy, số loài cây dược liệu thường được người dân trong khu vực sử dụng làm thuốc đã thống kê được tại Khu BTTN Pù Hoạt gồm 412 loài, 296 chi và 115 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch.
Sự phân bố của các taxon sử dụng làm dược liệu trong các ngành thực vật tại Khu BTTN Pù Hoạt được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 01: Phân bố các loài thực vật làm dược liệu ở Khu BTTN Pù Hoạt
Qua kết quả bảng 01 chúng ta thấy, cây dược liệu thường được sử dụng của Khu BTTN Pù Hoạt khá phong phú và đa dạng với sự xuất hiện của 5/6 ngành chính của thực vật bậc cao có mạnh. Sự phân bố của các taxon trong các ngành không đồng đều, chủ yếu tập trung trong nghành hạt kín (Magnoliophyta) với 390 loài (chiếm 94,66%), 283 chi (chiếm 95,61%) và 104 họ (chiếm 90,43%) tổng số các loài, chi và họ của toàn hệ. Ngành Thông đất (Lycopodiophyta) là ngành chiếm vị trí tương đối với 12 loài (chiếm 2,91%), 4 chi (chiếm 1,35%), 04 họ (chiếm 1,35%) tổng số các loài, chi và họ toàn khu hệ. Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) là ngành chiếm ưu thế về số loài, chi, họ so với các ngành còn lại và phù hợp với quy luật tiến hóa của thực vật.
Các ngành còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể về số họ, chi và loài. Đặc biệt chúng ta thấy, ngành Equisetophyta chỉ có duy nhất 01 họ, 01 chi và 01 loài. Đây là ngành có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn và cần phải có những ưu tiên để bảo vệ.
2. Đa dạng về phân loại các taxon dưới ngành.
2.1. Đa dạng ở bậc họ.
Để thấy được tính đa dạng các loài cây thuốc ở Khu BTTN Pù Hoạt, Nghệ An, kết quả được thống kê về các họ đa dạng nhất được thể hiện ở bảng 02.
Bảng 02: Các họ cây thuốc đa dạng nhất ở Khu BTTN Pù Hoạt
Từ kết quả ở bảng 02 cho thấy, 10 họ đa dạng nhất chỉ chiếm 8,70% tổng số họ trong khu hệ, nhưng có 162 loài cây dược liệu chiếm tới 39,32% tổng số loài cây dược liệu được người dân ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt ghi nhận và sử dụng. Các họ đa dạng gồm: Ô rô (Acanthaceae) với 25 loài chiếm 6,07%; Cà phê (Rubiaceae) với 22 loài chiếm 5,43%; Cúc (Asteraceae) với 20 loài chiếm 4,85%. Các họ còn lại có từ 11 đến 19 loài chiếm từ 2,67%-4,61%..
2.2. Đa dạng ở bậc chi
Để thấy rõ mức độ đa dạng bậc chi, kết quả thống kê các chi có nhiều loài cây thuốc (từ 3 loài trở lên) được thể hiện ở bảng 03.
Bảng 03: Thống kê các chi cây dược liệu đa dạng nhất
Từ kết quả trên cho thấy, với 10 chi đa dạng nhất có từ 4 - 7 loài chiếm 2,38% tổng số chi của các cây dược liệu và chiếm 11,65% tổng số loài cây dược liệu được người dân vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt ghi nhận và sử dụng. Điều này chứng tỏ thực vật được sử dụng làm dược liệu ở Pù Hoạt khá đa dạng và phong phú cả về số lượng các taxon bậc họ, chi và loài. Các chi đa dạng gồm Ficus với 7 loài chiếm 1,70%; Selaginella và Litsea cùng với 6 loài chiếm 1,46%; Senna với 5 loài chiếm 1,21%. Các chi Ardisia, Tabernamontana, Schefflera, Blumea, Polygonum, Camellia cùng với 4 loài chiếm 0,97% tổng số loài làm thuốc.
2.3. So sánh cây dược liệu ở Pù Hoạt với cây dược liệu của Việt Nam
Để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về giá trị đa dạng hệ thực vật sử dụng làm dược liệu ở Khu BTTN Pù Hoạt, Nghệ An, kế quả nghiên cứu đã được so sánh với hệ cây thuốc Việt Nam (bảng 04).
Bảng 04: So sánh hệ cây thuốc của Pù Hoạt với hệ cây thuốc Việt Nam
Từ kết quả bảng 04 cho thấy, so với diện tích cả nước Việt Nam thì diện tích của Khu BTTN Pù Hoạt và vùng đệm chỉ chiếm tỉ lệ 0,05% nhưng số họ thực vật sử dụng làm dược liệu chiếm tới 37,46%, số chi chiếm 14,57%, số loài chiếm 10,70% trong tổng số họ, chi, loài cây dược liệu của cả nước. Từ đó, cho thấy hệ thực vật sử dụng làm dược liệu được người dân tộc Thái ở vùng đệm khu BTTN Pù Hoạt sử dụng cũng khá là đa dạng và phong phú (Hình 01)
Hình 01. So sánh cây thuốc vùng đệm ở Pù Hoạt với Việt Nam
3. Đa dạng về dạng thân của loài cây dược liệu
Dựa vào “Tên cây rừng Việt Nam (2000)”, đã phân chia các dạng thân của các loài thực vật được người dân sử dụng làm dược liệu ở Khu BTTN Pù Hoạt chia thành 4 nhóm chính là: cây thân thảo, cây thân leo, cây thân bụi và cây thân gỗ (bảng 05 và hình 02).
Bảng 05: Dạng thân của các cây thuốc ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt
Như vậy, loài cây dược liệu ở Khu BTTN Pù Hoạt có 4 dạng thân chính, trong đó nhóm cây thân thảo có số lượng lớn nhất với 150 loài, chiếm 36,41% so với tổng số loài cây thuốc điều tra được. Những loài này thường sống trong rừng, dưới tán rừng, ven rừng, ven đường, ven suối, vườn nhà. Các họ cây dược liệu có nhiều loài thân thảo như Asteraceae, Lamiaceae, Poaceae, Zingiberaceae, …; tiếp đến là các loài thuộc nhóm cây bụi với 122 loài, chiếm 29,61% tổng số loài tập trung ở các họ Fabaceae, Rutaceae, Rubiaceae, Malvaceae, Araliaceae, Verbenaceae,... Nhóm cây thân gỗ có 75 loài, chiếm 18,20% tổng số loài chủ yếu thuộc các họ Lauraceae, Fabaceae, Moraceae,…; nhóm cây thân leo với 65 loài, chiếm 15,78% tổng số loài, các họ điển hình là Menispermaceae, Cucurbitaceae, Fabaceae, Polygonaceae,...
Hình 02. Dạng thân của các loài cây thuốc ở Khu BTTN Pù Hoạt
4. Đa dạng về số bộ phận được sử dụng của loài cây dược liệu
Trong việc sử dụng cây dược liệu theo kinh nghiệm của người dân trong khu vực vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt, tùy theo cách sử dụng ở các bài thuốc khác nhau để chữa bệnh của các ông lang, bà mế mà có sự phối trộn các loài cây dược liệu. Có loài cây dược liệu được sử dụng toàn cây (rễ, thân, lá, quả, hạt...), 3 bộ phận, 2 bộ phận hoặc 1 bộ phận trong cây. Kết quả được thống kê qua bảng 06 và hình 03.
Bảng 06. Bộ phận được sử dụng làm thuốc ở Khu BTTN Pù Hoạt
Qua bảng 06 cho ta thấy, khi sử dụng các bộ phận làm thuốc thì người dân ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt thường lấy 1 bộ phận là nhiều nhất với 189 loài, chiếm 45,87% tổng số loài cây dược liệu; cả cây với 105 loài, chiếm 25,49 %; 2 bộ phận với 95 loài, chiếm 23,06%; 3 bộ phận với 23 loài, chiếm 5,58% (Hình 03).
Hình 03. Bộ phận được sử dụng làm thuốc ở Khu BTTN Pù Hoạt
5. Đa dạng về bộ phận được sử dụng của loài cây dược liệu
Trong sử dụng cây dược liệu của đồng bào dân tộc Thái ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt, thì người dân đã sử dụng các bộ phận khác nhau của các loài thực vật để chế biến thành các bài thuốc khác nhau dùng chữa bệnh. Kết quả đã thống kê các bộ phận sử dụng của các loài cây thuốc ở bảng 07.
Bảng 07: Bộ phận sử dụng của các loài cây thuốc ở vùng đệm Pù Hoạt
Hình 04. Bộ phận sử dụng của cây thuốc ở vùng đệm Pù Hoạt
Từ kết quả bảng trên cho thấy, trong các bộ phận được người dân ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt sử dụng thì Lá được sử dụng nhiều nhất với 158 loài chiếm 38,35%; tiếp đến là Thân với 117 loài chiếm 28,40%; Cả cây với 105 loài chiếm 25,49%; Rễ với 84 loài chiếm 20,39%; Vỏ 20 loài chiếm 4,85%; Quả với 14 loài chiếm 3,40%; Hạt với 11 loài chiếm 2,67%; Hoa với 10 loài chiếm 2,43%; ngọn với 5 loài chiếm 1,21% và nhựa với 4 loài chiếm 0,97%. Như vậy, người dân ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt sử dụng các bộ phận của các loài thực vật vào mục đích chữa các bệnh khác nhau cũng rất là đa dạng và phong phú. Có thể do tập quán cũng như đặc thu của điều kiện tự nhiên là ở vùng núi cao, tiếp cận với cơ sở y tế khó khăn,…
6. Các loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở Khu BTTN Pù Hoạt
Kết quả nghiên cứu cây dược liệu ở Khu BTTN Pù Hoạt theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), có 10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng (bảng 08).
Bảng 08: Các loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng
Trong 10 loài cây dược liệu nguy cấp thì ở mức Nguy cấp (EN) có 2 loài là Ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss.) và Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) đây là các loài cây thuốc hiện bị khai thác quá mức không chỉ ở khu vực mà hầu như khắp các vùng trên cả nước. Mức sẽ nguy cấp (VU) có 8 loài là: Khôi tía (Ardisia sylvestris Pitard), Đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f.), Hoàng tinh cách (Disporopsis longifolia Craib), Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson), Du sam núi đất (Keteleeria evelyniana Mast.), Ba gạc vòng (Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill.), Ba gạc cam bốt (Rauvolfia cambodiana Pierre ex Pitard) và Hồi nước (Limnophila rugosa (Roth) Merr.). Đây cũng là các loài cây thuốc quý hiện đang bị người dân khai thác mạnh. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở cho huyện Quế Phong nói chung và Khu BTTN Pù Hoạt cần có chiến lược, chính sách để bảo tồn, khai thác các loài thực vật làm thuốc này một cách hợp lý.
7. Một số giải pháp bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Khu BTTN Pù Hoạt.
Qua các kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, các loài thực vật được sử dụng làm thuốc ở Khu BTTN Pù Hoạt có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn và đời sống của người dân. Đặc biệt hệ thực vật của Khu BTTN Pù Hoạt có nhiều loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao như: Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume), Chè hoa vàng (Camellia chrysantha), Sâm cau (Peliosanthes teta Andr), Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson), Lá khôi tím (Ardisia silvestris Pitard), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria Lour), Đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f), Bồ Cốt toái (Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J. Smith), Bách bộ (Stemona cochinchinonsis Gagnep), Thổ phục linh (Smilax glabra Roxb), Thiên niên kiện lá to (Homalomena gigantea Engl). Sự phân bố của các loài cây dược liệu thường gắn liền với sinh cảnh dưới tán rừng, đặc biệt một số loài dược liệu quý hiếm chỉ phân bố ở những nơi núi cao, dưới các tán rừng già nguyên sinh. Do đó để bảo tồn được đa dạng sinh học của nguồn gen cây dược liệu, chúng ta phải bảo vệ được sinh cảnh sống của chúng.
Hiện nay, một số loài dược liệu có giá trị cao trên thi trường như: Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume), Chè hoa vàng (Camellia chrysantha), Sâm cau (Peliosanthes teta Andr), Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson), Lá khôi tím (Ardisia silvestris Pitard), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria Lour), Đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f), Bồ Cốt toái (Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J. Smith)…đang bị người dân thu hái và bán cho các đầu mối thu gom, vận chuyển đi Trung Quốc. Vì vậy, những loài này đang bị đe doạ thực sự và sẽ cạn kiệt nếu không sớm có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả và bảo tồn chúng…. Mặt khác, với sự tác động của phát triển kinh tế xã hội, áp lực nhu cầu nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng tăng đang là mối đe doạ nghiêm trọng đến đa dạng của hệ thực vật Khu BTTN Pù Hoạt nói chung và các loài cây thuốc nói riêng. Do đó, để bảo tồn tốt đa dạng sinh học ở khu vực này chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu.
7.1. Một số hoạt động về bảo tồn và phát triển cây dược liệu tai Khu BTTN Pù Hoạt
Trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có nhiều nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và cây dược liệu nói riêng. Một số hoạt động trong công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên dược liệu:
- Về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh: Quản lý bảo vệ được 85.761,43 ha rừng và đất rừng với độ che phủ đạt trên 86,50%, không để xẩy ra các điểm nóng về khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã, chấm dứt được tình trạng đốt nương làm rẫy trong KBT.
- Về công tác tuyên tuyền: BQL Khu BTTN Pù Hoạt thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền tại các thôn bản vùng đệm, phát nhiều tài liệu, pano, áp phích tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền tại các thôn bản trọng yếu; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức trong việc khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng, đặc biệt nguồn cây dược liệu.
- Về công tác nghiên cứu khoa học:
+ Thực hiện điều tra cơ bản về thành phần loài cây dược liệu tại KBT, qua đó thống kê được 1.103 loài cây có giá trị sử dụng làm dược liệu, trong số này có đến 412 loài, thuộc 296 chi, 115 họ được cộng đồng dân cư ở vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt sử dụng để chữa bệnh và thương mại.
+ Xây dựng được Đề án Trồng cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng tại 3 xã Đồng Văn, Thông Thụ và Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 2593/QĐ-UBND ngày 10/7/2019.
+ Xây dựng mô hình trồng cây Sa nhân tím, cây Quế Quỳ tại vườn thực vật ngoại vi.
7.2. Một số giải pháp bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Khu BTTN Pù Hoạt.
Để bảo tồn, phát triển cây dược liệu tại Khu BTTN Pù Hoạt theo hướng bền vững, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần phải có các định hướng chiến lược nhằm bảo tồn các loài cây dược liệu và nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp vừa đảm bảo công tác bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo sinh kế cho người dân nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Do đó trong thời gian tới BQL Khu BTTN Pù Hoạt xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
- Giải pháp về cơ chế chính sách
+ Ban hành chính sách về một đầu mối điều phối chung giữa các sở, ban ngành trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tại Nghệ An.
+ Cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để các cơ quan, tổ chức tiếp cận được nguồn lực từ ngân sách nhà nước giành cho khoa học công nghệ hàng năm, nhất là đối với ban quản lý các khu rừng đặc dụng, trung tâm khuyến nông của các huyện ... trong bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm nói chung và cây dược liệu nói riêng. Bởi đây là các đơn vị mà nhiệm vụ của họ gắn bó mật thiết với cộng đồng.
+ Thực hiện công tác quy hoạch các vùng trọng điểm bảo tồn, phát triển nguyên liệu cây dược liệu. Thúc đẩy xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu.
+ Lồng ghép phát triển vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu với các chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Khuyến khích người dân đưa các giống cây dược liệu vào sản xuất đại trà kết hợp với thâm canh, mở rộng diện tích gieo trồng phát triển thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn trên cơ sở định hướng của các cơ quan liên ngành để tránh đầu tư theo phong trào.
- - Giải pháp về khoa học và công nghệ
+ Thực hiện chương trình điều tra đánh giá thực trạng tài nguyên cây dược liệu, cũng như nhu cầu sử dụng chúng trên địa bàn vùng lõi và vùng đệm của Khu BTTN Pù Hoạt để làm cơ sở đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững.
+ Xây dựng Vườn bảo tồn chuyển vị cho 10 loài cây dược liệu quý hiếm và các loài có giá trị kinh tế cao ở Khu BTTN Pù Hoạt để bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu quy trình kỹ thuật nhân giống, gây trồng phát triển chúng nhằm phục vụ cho việc xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu tập trung trên quy mô lớn.
+ Xây dựng các mô hình bảo tồn, gây trồng phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao tại cộng đồng để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập và giảm sức ép của người dân vào KBT.
- Giải pháp nâng cao năng lực
+ Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo tồn cây dược liệu trong tự nhiên, nhất là ở các khu rừng đặc dụng.
+ Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn vùng đệm của Khu bảo tồn về phát triển cây dược liệu, trang bị cho họ kỹ năng thu hái sản phẩm cây dược liệu tốt để đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, cây dược liệu vẫn có khả năng tái tạo phát triển, mà không bị làm cạn kiệt trong tự nhiên.
HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI CÂY DƯỢC LIỆU TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT
Kim tuyến đá vôi (Anoectochilus calcareus Aver)
Đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume)
Nấm đất (Balanophora laxiflora Hemsl)
Chè hoa vàng Quế Phong (Camellia quephongensis Hakoda et Ninh)
Chè hoa vàng Pù Hoạt (Camellia puhoatensis)
Gừng Vũ Quang (Zingiber vuquangense)
Bách bộ lá nhỏ (Stemona pierrei Gagnep)
Sa nhân có mỏ (Amomummuricarpum Elmer)
Hoàng tinh cách (Disporopsis longifolia Craib)
Thiên niên kiện lá to (Homalomena gigantea Engl)
Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt