Một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2018 ở Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Thời gian qua, công tác dân vận luôn được Đảng ủy BQL Khu BTTN Pù Hoạt quan tâm triển khai, với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực gắn với việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn về việc thực hiện chỉ thị 05 của Bộ chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Những năm qua, đơn vị tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Huyện uỷ, UBND huyện Quế Phong , Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, các sở, ngành cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, xây dựng hệ thống chính trị. Sau đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, đội ngũ cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tiếp tục được tăng cường, củng cố; tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức, người lao động được đổi mới, đã góp phần quan trọng tạo ra sự đồng thuận trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Nhờ sự đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các mô hình, điển hình cụ thể, tiêu biểu đã góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn đơn vị được giao quản lý, chính trị nội bộ ổn định và ngày càng được củng cố vững chắc.
Các mô hình, điển hình của tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” xuất hiện ngày càng nhiều, tạo sức lan toả trong toàn cơ quan, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động học tập, làm theo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra cơ bản được thực hiện đúng lộ trình, tạo bước đột phá mạnh trong thu hút đầu tư, làm thay đổi căn bản cơ sở hạ tầng. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngày càng được nâng cao. Có thể khẳng định các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát của Đại hội đảng bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đã được thực hiện đúng theo lộ trình. Phong trào thi đua dân vận khéo đã được triển khai trên tất cả các lĩnh vực và góp phần trực tiếp vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cơ quan được giao trong thời gian qua.
Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được duy trì và nằm trong tầm kiểm soát; nhiều mô hình bảo vệ rừng có hiệu quả được xây dựng; phát huy vai trò then chốt trong sự nghiệp bảo vệ màu xanh của núi rừng huyện nhà. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ngoài việc mỗi cán bộ kiểm lâm thường xuyên bám bản, bám địa bàn quản lý để tuần tra, kiểm tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức phối hợp cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc được nhân dân ủng hộ tích cực. Từ việc tham gia bảo vệ rừng, các hộ dân đã tham gia ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng và đã trở thành việc làm thường xuyên hàng năm. Việc các hộ gia đình, tổ chức xây dựng kế hoạch phối hợp cùng cán bộ kiểm lâm tuần tra, kiểm tra rừng, ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng đã thành phong trào. Đến nay đã thành lập được 9 đội, 65 tổ gồm 695 thành viên, ký cam kết đối với 3.057 hộ dân của 32 thôn bản thuộc 09 xã huyện Quế Phong tham gia các mô hình bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chính quyền từ Huyện đến cơ sở cùng các đơn vị nghiệp vụ của huyện và người dân vào cuộc một cách mạnh mẽ, triệt phá được nhiều vụ khai thác, buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt đã đưa ra được các đối xử lý hình sự. Do vậy, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm đi một cách đáng kể.
Bên cạnh việc quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có được Nhà nước giao, phong trào “Dân vận khéo” cũng đã từng bức làm thay đổi , nhận thức của người dân về công tác phát triển rừng. Nhiều mô hình, cách làm “dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư, điển hình như mô hình trồng cây phân tán, trồng giổi lấy hạt đã có sức lan tỏa sâu rộng. Từ đó người dân đã nhận thức và tích cực hưởng ứng tham gia mô hình trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đặc biệt là mô hình trồng rừng sản xuất. Các cộng đồng thôn bản cùng người dân sinh sống gần khu vực vùng đệm đã hiểu rõ tầm quan trọng, tham gia tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Chính quyền địa phương từ Huyện đến cơ sở cùng người dân vào cuộc một cách mạnh mẽ nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao đời sống kinh tế, người dân ý thức hơn với nghề rừng, gắn bó với rừng hơn. Kết quả giai đoạn 2016-2018, đơn vị đã hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg cho các hộ gia đình trên địa bàn 09 xã của huyện Quế Phong là 1.200 ha; trồng Quế Quỳ là 27 ha; trồng rừng gỗ lớn 504,48 ha; vận động nhân dân tham gia trồng rừng phòng, đặc dụng diện tích là 367 ha; tham gia chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng với tổng diện tích là 1.040 ha.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực QLBV và PT rừng, cài cắm thông tin, phát hiện, tố giác, xử lý vi phạm về bảo vệ phát triển rừng đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ kiểm lâm địa và của toàn dân. Để đạt được kết quả đó Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng mô hình mỗi cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách từng tiểu khu, thôn bản, đồng thời thường xuyên bám cơ sở, cài cắm thông tin, kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý vi phạm trong bảo vệ rừng; bên cạnh đó lồng ghép với các cuộc sinh hoạt của thôn bản để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng đến nhân dân. Từ mô hình đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Người dân đã tự giác giám sát, phát hiện, tố giác các đối tượng, hành vi vi phạm đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Công tác tiếp dân, thực hiện quy chế quy chế dân chủ cơ sở, chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt. Cùng với công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác dân vận của hệ thống chính trị; công tác dân vận chính quyền được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Đảng ủy quan tâm lãnh đạo góp phần tạo sự đồng thuận trong toàn cơ quan. Trong những năm qua, Đảng bộ luôn được Huyện xếp loại đảng bộ trong sạch vững mạnh, bên cạnh đó có những chi bộ đạt TSVM nhiều năm liền như chi bộ Kế hoạch - Tổ chức, chi bộ Kiểm lâm - Khoa học và hợp tác quốc tế, chi bộ Thông Thụ; Đảng bộ được Huyện ủy tặng Giấy khen trong việc “triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”; chi bộ Kế hoạch - Tổ chức được Huyện ủy tặng Giấy khen về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với Đề án “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo”.
Công tác chăm lo quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động được Đảng ủy, Công đoàn cơ sở hết sức quan tâm. Bởi vì đặc thù của ngành lâm nghiệp luôn gắn bó với rừng, các đơn vị đóng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các đơn vị Trạm QLBVR đều nằm ở cửa rừng, khu vực dân cư khó khăn, hoặc cách xa khu dân cư, kinh tế xã hội chậm phát triển, quá trình lưu thông, buôn bán hàng hóa chậm phát triển. Cuộc sống của cán bộ gặp nhiều khó khăn, không có chợ không có quán xá. Để cải thiện đời sống cho cán bộ công chức, viên chức Khu bảo tồn, Đảng ủy đã phát động phong trào “thi đua tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động”; triển khai đến các chi bộ, tổ chức, đơn vị trong toàn Đảng bộ. Nhận thức được ý nghĩa của phong trào, trong quá trình công tác, sinh hoạt mỗi cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn luôn xác định ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì phải dành thời gian để tăng gia sản xuất nhằm một phần tự túc được nguồn cung thức ăn tại chỗ hàng ngày, cải thiện đời sống. Chính vì vậy đã xuất hiện nhiều mô hình hay được thực hiện như mô hình trồng nấm trong nhà, mô hình nuôi gà, lợn thả rông, mô hình vườn rau xanh khép kín, mô hình chăn nuôi dê… bước đầu mang lại hiệu quả, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, bữa ăn cho cán bộ nhân viên.
Mô hình chăn nuôi lợn, gà sạch của Trạm QLBVR Đồng Văn 2
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo nên sức lan tỏa trong cơ quan, cộng đồng dân cư, đặc biệt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Khu bảo tồn. Điển hình như mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng và chăm sóc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất điển hình của Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Chi bộ Trạm Hạnh Dịch. Mô hình vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc của Trạm QLBVR Thông Thụ 2. Mô hình tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, cài cắm thông tin tố giác, phát hiện, xử lý vi phạm về khai thác, tập kết, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép của Văn phòng Hạt Kiểm lâm. Cùng với đó, mô hình tổ chức thực hiện quy chế quy chế dân chủ cơ sở và chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Phòng Tổ chức - Hành chính và mô hình thực hiện phong trào thi đua tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho công chức, viên chức và người lao động của Trạm QLBVR Đồng Văn 1 đã có sức lan tỏa sâu rộng.
Mô hình trồng nấm bào ngư với 450 phôi nấm của Trạm QLBVR Đồng Văn 1
Cùng với các mô hình của tập thể, phong trào thi đua dân vận khéo thời gian qua cũng xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân làm tốt công tác dân vận khéo. Điển hình như đồng chí Nguyễn Đức Tính, Trạm trưởng Trạm QLBVR Hạnh Dịch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất từ đó đã tích cực góp phần làm tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân huyện nhà. Giai đoạn 2016-2018 đã vận động nhân dân xã Hạnh Dịch tham gia trồng 47 ha rừng sản xuất, 79,5 ha cây gỗ lớn, đặc biệt đã vận động bà con nhân dân xã Hạnh Dịch tham gia trồng, chăm sóc 56ha rừng trồng đặc dụng, 5ha rừng trồng phòng hộ. Các diện tích rừng trồng được chăm sóc đúng quy trình, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Điển hình về mô hình vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc có đồng chí Nguyễn Bá Hưng, Trạm trưởng Trạm QLBVR Thông Thụ 2. Đã tuyên truyền, vận động và thành lập được 54 nhóm hộ của 11 thôn bản xã Thông Thụ tham gia phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Đây là 02 điển hình tiêu biểu trong số những điển hình “Dân vận khéo” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân, các tổ chức trên địa bàn huyện nhà thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là trong công tác Quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng; tham gia trồng, chăm sóc rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm áp lực lên tài nguyên rừng, từng bước đưa việc xã hội hóa nghề rừng đến với nhân dân; góp phần làm tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân huyện nhà.
Với những kết quả đạt được nêu trên, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác đã góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, đồng thời làm cho kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân huyện nhà có nhiều khởi sắc. Các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua rất đáng trân trọng, các tấm gương đó đã thực sự lan toả trong tâm tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt./.
VĂN CƯƠNG