Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu Khoa học của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Khu BTTN Pù Hoạt) đồng thời giúp cán bộ tiếp cận với nghiên cứu khoa học, đặc biệt với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Sáng ngày 06/7/2019, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm môi trường và phát triển lâm nghiệp bền vững thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức tập huấn phương pháp, quy trình, kỹ thuật điều tra các loài động thực vật cho cán bộ phòng Khoa học và các Trạm quản lý bảo vệ rừng, phục vụ chương trình nghiên cứu khoa học năm 2019.
Năm 2019, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An phê duyệt đề cương kỹ thuật và dự toán nghiên cứu khoa học: Điều tra “Nghiên cứu đặc điểm khu hệ Lưỡng cư (Amphibia), Bò sát (Reptilia) và Điều tra “Nghiên cứu đặc điểm khu hệ Chim (Aves) tại Khu BTTN Pù Hoạt. Hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học loài Chim và Lưỡng cư, Bò sát tại Khu BTTN Pù Hoạt, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ Khu bảo tồn, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là hoạt động khoa học thiết thực nhằm giúp cho các cán bộ Phòng Khoa học và các Trạm QLBVR nắm vững các kiến thức cơ bản về Nghiên cứu khoa học cũng như tạo ra niềm hứng thú nghiên cứu khoa học. Báo cáo viên tại buổi tập huấn là các cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ Trung tâm môi trường và phát triển lâm nghiệp bền vững thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp.
Nội dung tập huấn đã đưa ra các cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai hoạt động điều tra, thu thập số liệu, cũng như hoạt động thu mẫu, bảo quản mẫu động vật. Rèn luyện các kỹ năng ghi chép thông tin vào phiếu điều tra, phiếu mô tả hình thái mẫu vật, cách sử dụng các thiết bị, dụng cụ để bẫy bắt động vật, đo đếm hình thái mẫu vật, cách tra cứu tài liệu để định loại mẫu động vật.
Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định được thành phần loài và xây dựng phương pháp định loại Chim (Aves), Lưỡng cư (Amphibia), Bò sát (Reptilia), xác định đặc điểm phân bố của các loài Chim theo sinh cảnh (kiểu thảm, tầng tán; mức độ nhiễu loạn) tại Khu BTTN Pù Hoạt. Từ đó đưa ra định hướng giải pháp quản lý các loài Chim, Lưỡng cư, Bò sát và sinh cảnh sống của chúng tại Khu BTTN Pù Hoạt.
Một số hình ảnh của hoạt động:
Hướng dẫn nguyên tắc Điều tra Đa dạng sinh học
Hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị, dụng cụ trong Điều tra Đa dạng sinh học
Lê Xinh