HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT, GIAI ĐOẠN 2013 - 2018

PHO

 Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt được thành lập trên cơ sở sát nhập diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của huyện Quế Phong theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/04/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Hiện nay Khu BTTN Pù Hoạt có tổng diện tích 85.257,29 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa giới hành chính của 9 xã của huyện Quế Phong. Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế được thành lập theo Quyết định số 90/QĐ-BQL.KBT, ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt trên cơ sở chuyển đổi từ phòng Kỹ thuật của Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong và có chức năng, nhiệm vụ như sau:

Chức năng: Tham mưu và giúp Giám đốc trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển rừng, hợp tác quốc tế.

Nhiệm vụ:

(1). Tham mưu cho Ban giám đốc trong công tác xây dựng, quản lý, giám sát thực hiện và thực hiện công tác nghiên cứu khoa học của Khu bảo tồn, của các cơ quan thực hiện nghiên cứu tại Khu bảo tồn.

(2). Trao đổi hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về khoa học kỹ thuật, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế vùng đệm, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

(3). Thực hiện công tác xây dựng, chăm sóc vườn thực vật ngoại vi, vườn ươm, xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu về các loài động, thực vật trong Khu bảo tồn.

(4). Hợp tác giúp đỡ các tổ chức, các nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học trong Khu bảo tồn theo quy chế tổ chức quản lý rừng đặc dụng hiện hành.

(5). Tìm hiểu, đề xuất các chính sách đầu tư cho rừng đặc dụng và hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vùng đệm.

(6). Tham mưu xây dựng báo cáo chuyên đề trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Biên chế cán bộ của Phòng KH&HTQT được điều động, bố trí từ tổng biên chế cán bộ công chức, viên chức được cấp trên phân bổ và tuyển dụng cho đơn vị. Số lượng cán bộ biên chế trong 5 năm qua có sự biến động từ 4-10 người, 100% có trình độ Đại học. Tính đến nay đã từng có 5 cán bộ đã và đang giữ chức vụ Trưởng và Phó trưởng Phòng, trong số đó có những cán bộ đã được điều động, luân chuyển sang công tác ở bộ phận khác và đơn vị khác như đồng chí Lê Văn Nghĩa hiện nay là Trưởng phòng TC-HC, đồng chí Nguyễn Thành Chung chuyển về công tác tại Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An.

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chuyên trách của Phòng nhằm tham mưu cho Ban giám đốc trong công tác xây dựng, quản lý, giám sát thực hiện và thực hiện công tác nghiên cứu khoa học của Khu bảo tồn, của các cơ quan thực hiện nghiên cứu tại Khu bảo tồn. Trong 5 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học rất được quan tâm và dưới đây là kết quả tổng hợp các đề tài đã được thực hiện:

- Điều tra nghiên cứu sự phân bố của loài Sa mu dầu trong khu BTTN Pù Hoạt. Kết quả đã điều tra được tỉ mỉ về số lượng, chất lượng, phạm vi phân bố các quần thể cây Sa mu dầu trên diện tích rừng Khu BTNT Pù Hoạt. Xây dựng được cơ sở dữ liệu hoàn thiện về các quần thể cây Sa mu dầu như số liệu thống kê, bản đồ phân bố.....

- Điều tra đa dạng sinh học trong khu BTTN Pù Hoạt. Kết quả điều tra nghiên cứu đã khẳng định Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong số ít khu bảo vệ có tính đa dạng sinh học cao. Về thực vật bước đầu đã xác định được 1.248 loài thực vật của 603 chi, 174 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao. Trong số đó có 94 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và 45 loài trong sách đỏ IUCN. 1.248 loài thuộc 603 chi, 174 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao; 102 loài/dưới loài vi tảo và 1093 loài động vật, bao gồm 125 loài thú, 372 loài chim, 107 loài lưỡng cư và bò sát, 70 loài cá và 419 loài côn trùng.

- Điều tra, nghiên cứu trữ lượng và sự phân bố của loài cây Lùng trong rừng đặc dụng và đề xuất phương án bảo tồn loài tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Kết quả điều tra cho thấy khu vực phân bố cây Lùng tại BQL Khu BTNT Pù Hoạt xuất hiện trên những đai cao so với mặt nước biển từ 200m đến dưới 800m, phân bố trong những lâm phần rừng thuần loài hoặc hỗn giao, thường tập trung trên những khu vực thung lũng ẩm ướt, có độ dốc thấp 8-250 và hai bên khe suối; chúng phân bố từ dưới chân lên đến lưng chừng đỉnh; mọc thành bụi, số lượng cây dưới 100 cây/bụi.

- Điều tra phân bố và đặc tính sinh học các loài Hạt trần làm cơ sở bảo tồn tại Khu BTTN Pù Hoạt. Kết quả đã ghi nhận được có 10 loài Hạt trần phân bố trong khu vực nghiên cứu. Xây dựng được bộ tiêu bản cho 10 loài Hạt trần đã được ghi nhận với 59 tiêu bản. Gồm các loài sau như: Pơ mu, Bách xanh, Tuế lá dài, Gắm múi, Du sam núi đất, Thông nàng, Kim giao, Thông tre lá dài, Dẻ tùng Vân Nam, Sa mộc dầu.

- Điều tra phân bố và đặc tính sinh học các loài thực vật thuộc bộ Ngọc lan làm cơ sở bảo tồn tại Khu BTTN Pù Hoạt. Kết quả đã ghi nhận được có 41 loài thực vật thuộc bộ Ngọc lan phân bố trong khu vực nghiên cứu, bổ sung 31 loài 6 chi cho Khu bảo tồn Pù Hoạt, nhiều loài bổ sung có giá trị bảo tồn cao. Nghiên cứu đã phát hiện tại KBTTN Pù Hoạt có 5 loài cây quý, hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, 2007. Mức rất nguy cấp (CR) có 1 loài là cây: Giác đế tam đảo - Goniothalamus takhtajanii Ban (họ Na - Annonaceae). Mức sẽ nguy cấp (VU) có 4 loài thuộc họ Ngọc lan (Magnoliaceae): Vàng tâm - Manglietia dandyi (Gagnep.) Dandy; Giổi lông - Michelia balansae (DC.) Dandy; Giổi xương - Paramichelia baillonii (Pierre) S. Y. Hu; Giổi lụa - Tsoongiodendron odorum Chun. Nghiên cứu cũng khẳng định 2 loài Dạ hợp nitida - Magnolia nitida W.W.Sm. và Xăng máu king - Horsfieldia kingii (Hook.f.) Warb. có phân bố tại Việt Nam.

- Điều tra nghiên cứu các loài thực vật một lá mầm. Kết quả điều tra ghi nhận được có 300 loài Một lá mầm gồm có 142 chi và 31 họ phân bố trong khu vực nghiên cứu. So với công trình đã được nghiên cứu trước đây năm 2013 là 120 loài và năm 2016 là 101 loài. Như vậy, kết quả điều tra đã bổ sung thêm, làm phong phú và khẳng định mức độ đa dạng cao của các loài thực vật một lá mầm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

- Điều tra lập hồ sơ trình Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể Sa mu dầu, Phay sừng tại Khu BTTN Pù Hoạt là quần thể cây di sản Việt Nam. Kết quả điều tra đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể 56 cây Sa mu dầu và 05 cây Phay Sừng tại Khu BTTN Pù Hoạt là cây di sản Việt Nam.

2. Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế

Hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài vừa là nhiệm vụ giúp đỡ các tổ chức, các nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học trong Khu bảo tồn theo quy chế quản lý rừng đặc dụng hiện hành, vừa là cơ hội để nâng cao năng lực cho cán bộ Khu bảo tồn và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học. Thông qua nhiều kênh thông tin, trong 5 năm qua nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài đã chọn Pù Hoạt là một trong những điểm đến để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và thực hiện các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể là:

- Hợp tác với BQL Dự án Enrich bảo tồn và phát triển loài cây giổi xanh trên diện tích đất vườn rừng và đất rừng sản xuất đã được giao cho các hộ gia đình theo Nghị định 163/NĐ-CP. Thông qua chương trình hợp tác này đã có 1.315 hộ gia đình, tổ chức đăng ký và trồng được 45.500 cây giống giổi xanh.

- Hợp tác với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga điều tra, nghiên cứu sơ bộ đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

- Hợp tác với BQL Dự án Rừng và đồng bằng Nghệ An thực hiện việc xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học, điều tra giám sát đa dạng sinh học, sử dụng phần mềm công nghệ tin học trong việc điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học cho Khu BTTN Pù Hoạt; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng; Xác định và cắm mốc ranh giới Khu bảo tồn trên thực địa thuộc địa giới hành chính các xã Nậm Giải, Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch; Khảo sát đánh giá nhu cầu sử dụng đất tại 4 thôn bản Na Câng, Huồi Muồng, Piêng Cu 1 và Piêng Cu 2 thuộc xã Tiền Phong; Xây dựng đề án trồng Quế Quỳ trên địa bàn huyện Quế Phong.

- Hợp tác với với Trung tâm môi trường và phát triển thuộc Hiệp hội khoa học kỹ thuật Nghệ An thực hiện các chuyên đề về điều tra Đa dạng sinh học Khu BTTN Pù Hoạt. Đã bổ sung 523 loài cho Pù Hoạt và 03 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam nâng tổng số loài thực vật đã xác định được sự có mặt tại Khu BTTN Pù Hoạt là 1.248 loài thuộc 603 chi, 174 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao; 102 loài/dưới loài vi tảo thuộc 12 bộ, 23 họ, 46 chi của 5 ngành Tảo lam, tảo lục, tảo mắt, tảo giáp và tảo lông roi lệch, trong đó bổ sung 03 loài cho khu hệ tảo Bắc Trung Bộ; 125 loài thú thuộc 29 họ, 10 bộ; 372 loài chim, thuộc 54 họ, trong đó có 226 loài chim quý hiếm; 79 loài lương cơ và bò sát nâng tổng số loài lương cư và bò sát đã ghi nhận được tại Khu BTTN Pù Hoạt là 107 loài; 70 loài cá thuộc 19 họ, trong đó có 17 loài cá quý hiếm; 419 loài côn trùng thuộc 251 giống, 60 họ trong 11 bộ.

- Hợp tác với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam khảo sát đa dạng sinh vật các loài Lưỡng cư và Bò sát tại Khu BTTN Pù Hoạt.

3. Hoạt động triển khai thực hiện các chính sách đầu tư cho rừng đặc dụng và hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vùng đệm

Nhiệm vụ tìm hiểu, đề xuất và triển khai thực hiện các chính sách đầu tư cho rừng đặc dụng và hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vùng đệm là một trong những nhiệm vụ của Phòng trong thời gian vừa qua rất được Ban giám đốc đơn vị và các cơ quan cấp trên quan tâm. Quan điểm và mục đích của hoạt động này nhằm gắn nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng với hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho người dân vùng đệm từ đó tạo động lực thu hút toàn dân tham gia bảo vệ rừng và góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững cho địa phương. Kết quả cụ thể là:

- Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng Ban quan lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt giai đoạn 2012 - 2020; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt giai đoạn 2013 - 2020; Phương án quản lý bảo vệ và khoanh nuôi rừng giai đoạn 2014 - 2020, Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế đã tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật giao khoán bảo vệ rừng trên các nguồn vốn: Chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực thủy điện Hủa Na và lưu vực thủy điện Cửa Đạt; Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế 30a; Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế theo quyết định số 57/2012/QĐ-TTg và quyết định số 24/2012/QĐ-TTg để thực hiện các chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế, xóa đõi giảm nghèo cho người dân các thôn bản nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; Xây dựng và thực hiện đề án án trồng cây Quế Quỳ, đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu và cây bản địa dưới tán rừng.

- Chủ trì và phối hợp với các phòng chuyên môn, các trạm QLBVR của đơn vị thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ cộng đồng thôn bản:

+ Giao khoán bảo vệ rừng: Tổng diện tích là 351.448,31ha cho 8.801 lượt hộ gia đình, nhóm hộ và tổ chức tổ chức đóng chân trên địa bàn huyện Quế Phong. Bình quân mỗi năm giao khoán bảo vệ rừng 70.289 ha.

+ Về công tác phát triển rừng: Trồng rừng tập trung là 2.888,48 ha và 1.521.872 cây phân tán. Trong đó: Trồng rừng đặc dụng: 66,0 ha; Trồng rừng phòng hộ: 491,0 ha; Trồng rừng sản xuất (thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình trồng rừng sản xuất trên đất lâm nghiệp được giao theo Nghị định 163) diện tích 1.827,0 ha và trồng rừng gỗ lớn: 504,48 ha.

+ Về chăm sóc rừng trồng: Tổng diện tích 527,4 ha. Trong đó: Chăm sóc rừng trồng đặc dụng: 66,0 ha; Chăm sóc rừng trồng phòng hộ: 461,4 ha.

+ Về giao tạo cây giống: Chỉ đạo vườn ươm tiến hành gieo tạo trên 4 triệu cây giống các loại đáp ứng đủ tiêu chuẩn để thực hiện các chương trình dự án trồng rừng của đơn vị được cấp trên phê duyệt.

+ Thực hiện chính sách hỗ trợ cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình nghèo tham gia bảo vệ rừng: Cấp phát hỗ trợ 490.629 kg gạo cho 10.384 nhân khẩu và 18 cộng đồng thôn bản xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa, làm mới các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng với định mức 40 triệu đồng/thôn bản.

4. Định hướng công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong giai đoạn 2018 - 2023 và tầm nhìn đến năm 2030

- Tiếp tục thực tham mưu xây dựng, bổ sung các loài thực vật tại Vườn thực vật ngoại vi với các cây bản địa, đồng thời tổng hợp, sưu tầm và trưng bày các mẫu tiêu bản động thực vật nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học và tham quan học tập, giáo dục môi trường.

- Tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đệm gắn với bảo vệ và phát triển rừng như trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng.

- Tham mưu quản lý, sử dụng tài nguyên rừng bền vững theo các quy định của pháp luật và quy chế quản lý rừng hiện hành.

- Tham mưu đề xuất, xây dựng và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm.

Năm năm, một khoảng thời gian chưa dài so với nhiều Vườn quốc gia và Khu bảo tồn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ rất sớm ở trong nước, nhưng được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành các cấp và với sự nỗ lực, hăng say, đoàn kết của đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt huyết hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của Khu BTTN Pù Hoạt giai đoạn 2013-2018 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Để tiếp tục phát huy và có nhiều kết quả đóng góp hơn nữa cho ngành, địa phương và đơn vị trong thời gian tới rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ toàn diện về nhân lực và kinh phí của UBND Tỉnh, các sở ban ngành cấp Tỉnh, Huyện và Ban giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt./.

Tác giả: Nguyễn Văn Cương - Phó trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế

lên đầu trang