Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT. Đơn vị có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý 85.257,29 ha, nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã phía Tây và Tây Bắc huyện Quế Phong, thuộc một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghê An. Diện tích rừng được giao quản lý rất lớn, chủ yếu nằm ở vị trí vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với 73 km biên giới Việt - Lào, 63 km với ranh giới tỉnh Thanh Hóa. Vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt có 9 xã với tổng số 74 thôn bản (sau khi sáp nhập), trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới Việt Lào. Đời sống của nhân dân trên địa bàn vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt còn gặp nhiều khó khăn.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ổn định tình hình Quốc phòng - An ninh trên địa bàn. BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tập trung thực hiện một số nội dung chiến lược quan trọng sau:
- Một là: Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Sở ban ngành cấp tỉnh, đặc biệt là Sở NN&PTNT Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Huyện uỷ và UBND huyện Quế Phong; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị chức năng, cấp uỷ và chính quyền nhân dân các xã trên địa bàn để thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng.
- Hai là: Tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Ba là: Xây dựng các mô hình phát triển nghề rừng tạo lập sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đồng thời có sự chia sẽ lợi ích từ rừng cho công đồng dân cư địa phương, nhằm gắn chặt giữa quyền lợi với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của công đồng địa phương với rừng.
Đảng ủy BQL Khu BTTN Pù Hoạt làm việc với Đảng ủy xã Thông Thụ
Từ chủ trương, định hướng chiến lược nêu trên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2020, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã triển khai cụ thể các hoạt động và đạt được kết quả như sau:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp uỷ và chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia QLBVR và Phát triển rừng, bảo tồn Đa dạng sinh học.
Đầu năm 2020, Đơn vị đã xây dựng chương trình công tác năm và xây dựng lịch làm việc với Đảng uỷ các xã trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng tập trung vào các xã có diện tích rừng quản lý lớn, các xã còn khó khăn trong công tác QLBVR. Trong năm 2020, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức 04 cuộc làm việc với Đảng uỷ 04 xã: Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải và Tri Lễ. Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo của Huyện uỷ để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác QLBVR và Bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các thôn bản người Mông của xã Tri Lễ.
BQL Khu BTTN Pù hoạt đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác QLBVR và PCCCR với các đơn vị chức năng trên địa bàn huyện Quế Phong và với UBND các xã vùng đệm. Trên cơ sở quy chế phối hợp, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung phối hợp theo quy định, thường xuyên có trao đổi thông tin, họp giao ban để báo cáo tình hình liên quan đến lĩnh vực phối hợp.
Chỉ đạo các trạm QLBVR đã chủ động xây dựng các chương trình kế hoạch phối kết hợp với các ban ngành ở cơ sở, tham mưu cho UBND các xã tổ chức phối hợp các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ QLBVR ở địa phương. Đơn vị đã phân chia địa bàn cụ thể cho 09 Trạm QLBVR để bảo vệ diện tích rừng được giao và gắn trách nhiệm của các trạm với địa bàn các thôn bản để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, đồng thời nắm bắt thông tin, tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Đặc biệt, đơn vị đã chỉ đạo các Trạm QLBVR và cán bộ phụ trách địa bàn hàng tháng phối hợp với BQL thôn bản thường xuyên tham dự các buổi họp thôn bản và các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở thôn bản để nắm tình hình phản ánh của quần chúng nhân dân đồng thời tuyên truyền, phổ biến các nội dung cần triển khai thực hiện liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng, chống khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, cấp uỷ và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2020, đơn vị đã tổ chức được 216 cuộc tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với 11.880 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết PCCCR cho 3.883 hộ gia đình trong vùng đệm thuộc 09 xã. Triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017 và các nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT sau khi Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt và các trạm QLBVR đã xây dựng phương án PCCCR cụ thể cho từng địa bàn. Tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức lực lượng thường trực: Thành lập 11 đội PCCCR: 195 thành viên; 82 tổ PCCCR: 936 thành viên. Kết quả trong năm 2020 không có cháy rừng xẩy ra trên địa bàn quản lý.
Đơn vị đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt phong trào Dân vận khéo để vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật, nắm tình hình bảo vệ rừng qua thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Đảng uỷ, UBND xã Tri Lễ xây dựng 02 mô hình dân vận khéo trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại bản Huồi mới 1 và Huồi xái 2.
Tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc
3. Công tác phối kết hợp tuần tra kiểm tra rừng và xử lý các vi phạm trong công tác QLBVR.
Trong 2020, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 734 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn có sự tham gia của các nhóm hộ, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng, trong đó có 40 cuộc tuần tra dài ngày và 489 cuộc ngắn ngày. Ngoài ra, các Trạm QLBVR và các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên đi kiểm tra khu vực rừng mình được giao khoán bảo vệ. Thông qua công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng, người dân đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn.
Từ các thông tin phản ánh của nhân dân trên địa bàn cung cấp và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trên địa bàn, năm 2020, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tịch thu lâm sản: 10.624 m3 gỗ các loại và 7.792,0 kg lâm sản ngoài gỗ; tịch thu 04 xe máy. Thu nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền 200.000.000 đồng. So với năm 2019 giảm 04 vụ.
4. Hỗ trợ người dân nâng cao đời sống; Xây dựng các mô hình sinh kế bền vững.
Năm 2020, đơn vị phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương các xã để hỗ trợ, xây dựng 04 công trình đường giao thông cho 04 thôn bản của xã Hạnh Dịch và Nậm Giải góp phần vào việc xây dựng hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của các thôn bản. Đơn vị đã nhận 09 hộ gia đình nghèo tại các bản thuộc địa bàn quản lý để giúp họ phát triển kinh tế hướng tới thoát nghèo. Đặc biệt xây dựng 03 mô hình cải tạo vườn tạp để trồng các loài cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao.
Tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng thôn bản để bảo vệ theo các chính sách của Nhà nước hiện hành để nhân dân được hưởng lợi tiền công giao khoán. Thông qua hoạt động giao khoán bảo vệ rừng để vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng chống khai thác lâm sản và bảo vệ rừng. Năm 2020, đơn vị đã tổ chức giao khoán với tổng diện tích 63.440,90 ha cho 56 công đồng dân cư bao gồm 3.441 hộ gia đình tham gia nhận khoán trên địa bàn 8 xã. Triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo lập sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn. Đơn vị đã hỗ trợ cho người dân vùng đệm trồng hơn 40.000 cây Quế Quỳ phục vụ cho công tác trồng rừng băng cây gỗ lớn; tổ chức chăm sóc, bảo vệ hơn 500 ha rừng trồng đặc dụng và phòng hộ.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở NN&PTNT, BTV huyện uỷ Quế Phong, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã làm tốt công tác phối hợp, vì vậy tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trong vùng quản lý được kiểm soát chặt chẽ, ý thức trách nhiệm của người dân đã từng bước được nâng cao, tạo được động lực trong việc tham gia bảo vệ rừng, không có hiện tượng phá rừng làm nương rẫy, không có hiện tượng cháy rừng xẩy ra. Các vụ vi phạm đã được xử lý kịp thời góp phần làm giảm các vụ vi phạm về Lâm luật. Các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng không xảy ra trên địa bàn quản lý. Những kết quả đạt được trong công tác QLBVR và phát triển rừng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định Quốc phòng – An ninh trên địa bàn.
Đảng ủy BQL Khu BTTN Pù Hoạt làm việc với Đảng ủy xã Hạnh Dịch
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn trong thời gian tới, BQL Khu BTTN đã đề ra một số giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện như sau:
- Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực vào công tác QLBVR, PCCCR và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.
- Tăng cường phối hợp, trao đổi, nắm bắt thông tin giữa các cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương về các nội dung liên quan đến các hoạt động khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái phép.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cấp uỷ và chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đặc biệt là xử lý kịp thời và dứt điểm các vụ việc phức tạp, đối tượng vi phạm có dấu hiệu chống đối, manh động.
- Tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương để thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để giúp cộng đông địa phương nâng cao đời sống, có sinh kế bền vững qua đó giảm áp lực vào rừng.
Với những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thời gian qua, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở NN&PTNT, Huyện uỷ Quế Phong. Trong thời gian tới, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại BQL Khu BTTN Pù Hoạt sẽ dần ổn định và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và Quốc phòng – An ninh trên địa bàn.
Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt