Đa dạng khu hệ Thú (Mammalia) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

PHO
Qua các kết quả điều tra nghiên cứu về đa dạng Khu hệ Thú (mammalia) tại Khu BTTN Pù Hoạt đến nay đã ghi nhận 101 loài thuộc 68 giống, 28 họ và 10 bộ

 Khu BTTN Pù Hoạt được thành lập năm 2013 với diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý là 85.761,43 ha. Đây là khu vực còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chiụ tác động của con người và được xem như là đại diện của kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Khu BTTN Pù Hoạt được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học vốn có, trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học cơ bản về động thực vật, nhằm đánh giá, cũng cố các dữ liệu khoa học và khẳng định các giá trị bảo tồn của mình. Đặc biệt, năm 2020, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với Viện Lâm nghiệp và đa dạng sinh học nhiệt đới thuộc trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức điều tra, nghiên cứu về đa dạng khu hệ Thú (mammalia) tại Khu bảo tồn.

Gà lôi trắng

Qua các kết quả điều tra nghiên cứu về đa dạng khu hệ Thú (mammalia) tại Khu BTTN Pù Hoạt, đến nay đã ghi nhận 101 loài thuộc 68 giống, 28 họ và 10 bộ. Trong số 10 bộ thú ghi nhận được ở KBTTN Pù Hoạt cho thấy: bộ Ăn Thịt (Carnivora) là bộ thú đa dạng nhất với 27 loài (chiếm 27,27 % tổng số loài) thuộc 6 họ (chiếm 21,43% tổng số họ); bộ Dơi (Chiroptera) có 25 loài (chiếm 25,25%) thuộc 5 họ (chiếm 17,86%); bộ Gậm nhấm (Rodentia) có 24 loài (chiếm 24,24%) thuộc 4 họ (chiếm 14,29%); bộ Móng guốc chẵn (Artiodactyla) có 9 loài (chiếm 9,09%) thuộc 4 họ (chiếm 14,29%); bộ Linh trưởng (Piciformes) có 9 loài (chiếm 9,09%) thuộc 3 họ (chiếm 10,71%); bộ Chuột chù (Strigiformes) có 3 loài (chiếm 3,03 %) thuộc 2 họ (chiếm 7,14%). Ba bộ thú còn lại chỉ có 1 loài (chiếm 1,01%) thuộc 1 họ (chiếm 3,57%).

Trong 101 loài thú ghi nhận được có 34 loài ghi nhận được trong môi trường tự nhiên (bao gồm nhìn thấy trực tiếp, nghe thấy tiếng kêu, dấu vết thú để lại trên nền rừng và phân tích khuôn hình bẫy ảnh, mẫu thú bẫy bắt được); 21 loài ghi nhận qua phân tích mẫu vật trong dân; 29 loài ghi nhận qua phỏng vấn & tham khảo tài liệu; 33 loài chỉ ghi nhận qua tài liệu. Từ kết quả này cho thấy, tần suất bắt gặp các loài thú trong tự nhiên tại Khu BTTN Pù Hoạt khá cao và các dữ liệu khoa học về các loài ghi nhận được có độ tin cậy cao. Mặt khác, số lượng loài thú ghi nhận được chưa phải là danh lục đầy đủ, vì các nhóm thú nhỏ (dơi, chuột voi, chuột chù, gậm nhấm,...) còn ít được nghiên cứu. Tuy nhiên, danh lục này đã bao gồm những loài thú cơ bản của các hệ sinh thái ở KBTTN Pù Hoạt. Như vậy, so với khu hệ thú hoang dã trên cạn của toàn quốc (Nguyễn Xuân Đặng và Lê Xuân Cảnh, 2009), khu hệ thú ở Khu BTTN Pù Hoạt chiếm 33,78% tổng số loài, 43,87% tổng số giống, 73,68% tổng số họ và 76,92% tổng số bộ thú trên cạn của Việt Nam. Tính bình quân toàn quốc có 0,000009 loài thú/ha thì tại KBTTN Pù Hoạt là 0,001178 loài thú/ha. Các tỉ lệ này là khá cao, cho thấy tầm quan trọng của KBTTN Pù Hoạt đối với công cuộc bảo tồn tính đa dạng sinh học của khu hệ thú Việt Nam.

Khỉ cộc

Kết quả điều tra, nghiên cứu về thành phần loài của khu hệ Thú tại Khu BTTN Pù Hoạt đã được so sánh với hai khu bảo tồn cận kề (Khu BTTN Xuân Liên và Khu BTTN Pù Huống) - nơi mà hệ sinh thái rừng kín thường xanh nhiệt đới và á nhiệt đới cũng chiếm ưu thế như tại Khu BTTN Pù Hoạt cho thấy:

So sánh cấu trúc thành phần phân loại thú ở KBTTN Pù Hoạt  với KBTTN Xuân Liên và KBTTN Pù Huống

Tên Khu BTTNSố họSố giốngSố loài
Pù Hoạt2868101
Pù Huống2765100
Xuân Liên265980

 

 

 

Về cấu trúc thành phần loài, cả 3 khu bảo tồn đều có đặc điểm giống nhau là: bộ Ăn thịt (Carnivora), bộ Dơi (Chiroptera), bộ Gậm nhấm (Rodentia) là các bộ có số họ, số giống và số loài nhiều hơn cả; bộ Voi (Proboscidea), bộ Cánh da (Dermoptera) và bộ Tê tê (Pholidota) là các bộ chỉ có 1 loài thuộc 1 giống và 1 họ (taxon độc nhất); bộ Linh trưởng (Primates), bộ Móng guốc chẵn (Artiodactyla) có số loài, số giống và số họ ở mức trung bình. Cấu trúc thành phần loài thú như vậy là phổ biến đối với các hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới và á nhiệt đới ở nước ta.Như vậy, xét về mặt đa dạng phân loại học; khu hệ thú ở KBTTN Pù Hoạt có tính đa dạng cao nhất so với khu hệ thú ở hai khu bảo tồn lân cận. Điều này cũng dễ hiểu, bởi diện tích Khu BTTN Pù Hoạt lớn hơn Khu BTTN Xuân Liên và Khu BTTN Pù Huống. Mặc dù sự so sánh này có thể không hoàn toàn thỏa đáng vì nỗ lực điều tra nghiên cứu khu hệ thú ở các khu bảo tồn là không giống nhau.

Khỉ mốc

Kết quả điều tra, nghiên cứu về khu hệ Thú năm 2020 tai Khu BTTN Pù Hoạt đã ghi nhận lại 97 loài và bổ sung 04 loài thú mới cho Khu BTTN Pù Hoạt, bao gồm: Dơi đốm hoa, Lửng chó, Rái cá vuốt bé và Dúi má vàng.

Từ kết quả điều tra, nghiên cứu và danh lục thú ở Khu BTTN Pù Hoạt đã xây dựng, cho thấy Khu BTTN Pù Hoạt có 42 loài thú có giá trị bảo tồn cao (chiếm 41,58% tổng số loài thú trong khu bảo tồn). Trong đó: 27 loài trong Danh lục đỏ IUCN (2020); 35 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 40 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP; 23 loài trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Với số loài có giá trị bảo tồn cao nêu trên cho thấy, KBTTN Pù Hoạt đang chứa đựng những nguồn gen thú hoang dã vô cùng quý hiếm không chỉ ở cấp quốc gia mà cả quốc tế. Hầu hết các loài này đều được pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế bảo vệ.

Như vậy, qua các kết quả nghiên cứu cho thấy, Khu BTTN Pù Hoạt có giá trị đa dạng sinh học khá cao cả về số lượng và thành phần loài của khu hệ Thú. Đặc biệt là sự xuất hiện số lượng lớn các loài có giá trị bảo tồn cao (42 loài) cho thấy đây là khu vực cần có sự ưu tiên để quan tâm nghiên cứu bảo vệ và phát triển. Để tiếp tục điều tra, phát hiện thêm các loài và có giải pháp bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của khu hệ thú, cần có thêm sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực cho những nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo.

Một số hình ảnh nghiên cứu:

Dúi má vàng

Dơi đốm hoa

Sóc bụng đỏ

Gà tiền mặt vàng

Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTNT Pù Hoạt

lên đầu trang