Năm 1997, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã phối hợp với Viện Điều tra, quy hoạch rừng Việt Nam tiến hành khảo sát, điều tra và nghiên cứu dự án khả thi đầu tư xây dựng Khu BTTN Pù Hoạt. Kết quả khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Pù Hoạt có đủ điều kiện để thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên. Diện tích của Khu BTTN Pù Hoạt được đề xuất là 67.934 ha, trong đó diện tích có rừng tự nhiên là 56.231,7 ha chiếm 82% diện tích tự nhiên của Khu Bảo tồn (Nguyễn Ngọc Chính và cộng sự, 1997), nằm trên địa giới hành chính của 06 xã: Đồng Văn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong và Tri Lễ của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau của điều kiện lịch sử tại thời điểm đó, Ban quản lý Khu Bảo tồn chưa được thành lập, diện tích rừng của Khu Bảo tồn được giao cho Hạt Kiểm lâm Quế Phong trực tiếp quản lý và bảo vệ.
Năm 2012, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới tổ chức ngành Lâm nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các Trung tâm nghiên cứu, Phân viện điều tra, quy hoạch Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ tiến hành điều tra, khảo sát lập Đề án chuyển đổi Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề án được đề xuất và xây dựng trên cơ sở sát nhập diện tích quy hoạch của rừng đặc dụng Pù Hoạt do Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong quản lý với diện tích quy hoạch rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong quản lý. Ngày 02/4/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND về việc chuyển đổi Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An. Ngày 23/6/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã tổ chức Lễ ra mắt Khu BTTN Pù Hoạt và từ đây Khu Bảo tồn chính thức đi vào hoạt động.
BQL Khu BTTN Pù Hoạt được thành lập với các chức năng là: Bảo tồn tính đa dạng sinh học của 90.741,10 ha rừng và đất rừng (bao gồm cả diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ); xây dựng và phát triển vốn rừng; tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường, chủ các dự án trồng rừng, sản xuất giống cây lâm nghiệp, tổ chức thực hiện dịch vụ du lịch góp phần cùng cấp ủy và chính quyền địa phương phát triển bền vững kinh tế vùng đệm.
Khu BTTN Pù Hoạt nằm trên sườn Bắc của dãy Trường Sơn về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, có độ cao tuyệt đối biến động từ 200m đến 2.457m, nằm trọn trong địa giới hành chính của huyện Quế Phong và lấy tên đỉnh núi cao nhất trong khu vực là đỉnh Pù Hoạt cao 2.457m (tiếng Thái là Phà Cà Tủn) để đặt tên cho Khu Bảo tồn. Nơi đây không những là kho tàng về đa dạng sinh học, nơi lưu giữ các nguồn gen quý hiếm mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, giữ và cung cấp nguồn nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. Hệ sinh thái Pù Hoạt hiện nay được đánh giá đang rất phong phú và đa dạng, nhiều nơi vẫn còn tương đối nguyên vẹn; tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu như: Pơ mu, Sa mu dầu, Bách xanh, Lan Kim tuyến, Voọc xám, Vượn má trắng, Gà lôi vằn, Mang lớn, Mang Pù Hoạt ... Với những giá trị về thiên nhiên và văn hóa lịch sử, Pù Hoạt là nơi có tiềm năng lớn trong nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.
I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BQL KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT
Trong 10 năm xây dựng và phát triển, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn, tranh thủ sự ủng hộ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và vận dụng sáng tạo những điều kiện thực tiễn khách quan, phát huy các tiềm năng, lợi thế để ổn định, xây dựng và phát triển đơn vị như ngày hôm nay. Mặc dù, chỉ mới trải qua thời gian ngắn, nhưng quá trình xây dựng và phát triển của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã gắn liền với 3 dấu mốc lịch sử như sau:
1. Từ ngày đầu chuyển đổi thành Khu BTTN Pù Hoạt đến tháng 9 năm 2013
Ngày 02/4/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND về việc chuyển đổi Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An. Ngày 23/6/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã tổ chức Lễ ra mắt BQL Khu BTTN Pù Hoạt.
Tổng số công chức, viên chức, người lao động ban đầu của đơn vị là 24 người, được chuyển nguyên trạng từ Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong sang. Giai đoạn này, cơ cấu tổ chức của BQL Khu Bảo tồn gồm:
- Đồng chí Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc.
- Đồng chí Phan Thanh Quang - Phó Giám đốc.
- Đồng chí Lê Phùng Diệu - Phó Giám đốc.
- 02 Phòng chuyên môn được chuyển từ BQL rừng phòng hộ Quế Phong sang, nhưng chưa có lãnh đạo phòng.
- 04 Trạm QLBVR trực thuộc BQL Khu BTTN Pù Hoạt:
+ Trạm QLBVR Thông Thụ thuộc xã Thông Thụ.
+ Trạm QLBVR Kìm thuộc xã Đồng Văn.
+ Trạm QLBVR Na Chạng thuộc xã Tiền Phong.
+ Trạm QLBVR Châu Thôn thuộc xã Châu Thôn.
Trụ sở BQL Khu Bảo tồn được chuyển đổi nguyên trạng từ Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong và đặt tại thôn Lâm Trường, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị đều sử dụng nguyên trạng từ Ban quản lý Rừng phòng hộ. Trong đó, các Trạm QLBVR của Ban quản lý Rừng phòng hộ đã bị xuống cấp nhiều.
Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là: Thành lập, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế của BQL Khu Bảo tồn theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND, ngày 02/4/2013 của UBND tỉnh Nghệ An; Tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư Khu BTTN Pù Hoạt theo Quyết định số 1596/QĐ-SNN.KHTC, ngày 30/12/2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An về việc phê duyệt Dự án bảo vệ và phát triển rừng Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong giai đoạn 2012 - 2020.
Trong giai đoạn này, ngoài việc kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định đơn vị sau chuyển đổi, Chi ủy, Tập thể lãnh đạo đã xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Do đơn vị mới được thành lập, lực lượng bảo vệ rừng còn yếu và mỏng; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Vì vậy, công tác QLBVR nói riêng và các hoạt động của đơn vị nói chung đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cùng với sự quan tâm giúp đỡ của UNBD tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, các hoạt động của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã từng bước đi vào ổn định; Công tác QLBVR trên địa bàn đã có những chuyển biến mới, các vụ vi phạm lâm luật đã giảm dần, trật tự kỷ cương trong công tác QLBVR trên toàn lâm phần đã dần được thiết lập lại.
2. Giai đoạn từ tháng 9 năm 2013 đến năm 2018
Trước yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đang đặt ra, đồng thời để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/4/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Nghệ An cho phép thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc BQL Khu Bảo tồn để thực hiện nhiệm vụ QLBVR, bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi pháp luật. Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3836/QĐ -UBND về việc thành lập Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt. Đây được xem là dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển biến lớn về cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL Khu BTTN Pù Hoạt, là cơ sở pháp lý quan trọng để đơn vị triển khai thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.
Sau khi Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn được thành lập, đơn vị đã được bổ sung thêm 02 Phó Hạt trưởng và 03 công chức Kiểm lâm từ Chi cục Kiểm lâm sang. Tháng 8 năm 2014, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn được bổ sung thêm 07 biên chế công chức Kiểm lâm từ nguồn viên chức bảo vệ rừng của đơn vị. Như vậy, Hạt kiểm lâm đã có 12 công chức Kiểm lâm theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 3836/QĐ-UBND, ngày 30/8/2013 của UBND tỉnh Nghệ An.
Cùng với việc thành lập Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn, thì các Phòng chuyên môn của Khu Bảo tồn cũng được sắp xếp, kiện toàn lại. Ngày 16/9/2013, Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt đã ký các Quyết định thành lập các Phòng chuyên môn của Khu Bảo tồn. Giai đoạn này, cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL Khu BTTN Pù Hoạt như sau:
- Đồng chí Nguyễn Danh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc đồng thời Hạt trưởng.
- Đồng chí Lê Phùng Diệu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc.
- Đồng chí Cao Quốc Cường - Chủ tịch Công đoàn, Phó giám đốc.
- 03 Phòng chuyên môn: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế và 01 đơn vị trực thuộc là Hạt Kiểm lâm.
- 08 Trạm QLBVR trực thuộc.
+ Trạm QLBVR Tri Lễ.
+ Trạm QLBVR Châu Thôn.
+ Trạm QLBVR Nậm Giải.
+ Trạm QLBVR Hạnh Dịch.
+ Trạm QLBVR Na Chạng.
+ Trạm QLBVR Đồng Văn.
+ Trạm QLBVR Thông Thụ 1.
+ Trạm QLBVR Thông Thụ 2.
Trong giai đoạn này, tổ chức bộ máy của đơn vị đã được kiện toàn cơ bản theo đúng theo quy định tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/4/2013 của UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đồng thời 02 nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng thì các Trạm QLBVR vẫn được sắp xếp trực thuộc Ban quản lý; chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám đốc.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị là việc kiện toàn lại cơ cấu tổ chức biên chế, bổ sung lực lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Giai đoạn này, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã được Sở Nội vụ và Sở Nông nghiệp và PTNT cho phép tuyển dụng bổ sung 26 viên chức từ nguồn cán bộ hợp đồng lao động của Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong chuyển sang, đồng thời cho phép đơn vị thực hiện tuyển dụng 28 hợp đồng tự trang trải. Sau khi tổ chức biên chế của đơn vị được kiện toàn, BQL Khu BTTN Pù Hoạt có tổng số 66 người. Trong đó, biên chế công chức là 12 người, viên chức là 26 người, hợp đồng lao động đơn vị tự trang trải là 28 người. Số lượng công chức, viên chức và người lao động của đơn vị được duy trì ổn định đến hôm nay.
Công tác Quy hoạch đã được đơn vị quan tâm, BQL Khu Bảo tồn đã tiến hành rà soát, xây dựng Quy hoạch bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng giai đoạn 2013 -2020 và trình UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 19/02/2014. Theo đó, quy mô diện tích Khu BTTN Pù Hoạt được điều chỉnh lại với 85.769,53 ha giảm 4.971,57 ha so với Quyết định số 1109/QĐ-UBND về thành lập Khu Bảo tồn. Đơn vị tiếp tục tiến hành xây dựng Quy hoạch chi tiết phân khu Dịch vụ hành chính BQL Khu BTTN Pù Hoạt, làm cơ sở cho công tác lập các dự án đầu tư, xây dựng và đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại các Quyết định số 4883/QĐ.UBND-XD ngày 01/10/2014; Quyết định số 6647/QĐ-UBND ngày 27/11/2014.
Giai đoạn này cũng đã ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đơn vị đã được đầu tư xây dựng mới thêm 05 Trạm quản lý bảo vệ rừng và sửa chữa, nâng cấp 03 Trạm quản lý bảo vệ rừng. Trụ sở làm việc, hệ thống nhà kho cất giữ lâm sản, nhà ăn tập thể, công trình vệ sinh.... đã được đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp góp phần quan trọng nâng cao đời sống, tinh thần cho công chức, viên chức và người lao động. Các trang thiết bị chuyên dụng, thông tin liên lạc, xe ô tô, dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được trang bị tương đối đầy đủ và hiện đại đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Đồng hành cùng với sự phát triển đi lên của đơn vị, tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng có sự trưởng thành mọi mặt. Số đảng viên mới của Chi bộ luôn được quan tâm bồi dưỡng và phát triển. Từ khi được chuyển đổi Chi bộ có 19 đảng viên, đến năm 2015 có 46 đảng viên. Một trong những dấu ấn chính trị quan trọng nhất của đơn vị trong giai đoạn này là việc nâng cấp Chi bộ cơ sở BQL Khu BTTN Pù Hoạt thành Đảng bộ cơ sở BQL Khu BTTN Pù Hoạt tại Quyết định số 473-QĐ/HU ngày 06/10/2015 của BTV Huyện ủy Quế Phong. Đây được xem là dấu ấn đánh giá sự phát triển và trưởng thành của đơn vị về tổ chức và chính trị. Song hành với tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên đã được nâng cấp từ Chi đoàn cơ sở thành Đoàn cơ sở BQL Khu BTTN Pù Hoạt.
Như vậy, giai đoạn này mặc dù trong thời gian ngắn với những khó khăn, thách thức rất lớn của những ngày đầu thành lập, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết tâm của công chức, viên chức, người lao động và đặc biệt là của Tập thể lãnh đạo đơn vị, Khu BTTN Pù Hoạt đã ghi nhận những dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của một đơn vị non trẻ; dần khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong hệ thống rừng đặc dụng của tỉnh Nghệ An nói riêng và của Việt Nam nói chung.
3. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay
Sau 05 năm xây dựng và ổn định, giai đoạn này đánh dấu những sự thay đổi và phát triển toàn diện của đơn vị. Đặc biệt là sự trưởng thành, phát triển của các đồng chí lãnh đạo cốt cán trong Tập thể lãnh đạo BQL Khu BTTN Pù Hoạt. Đồng chí Nguyễn Danh Hùng đã được UBND tỉnh Nghệ An điều động về làm chuyên viên của UNBD tỉnh (ngày 08/8/2023 được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT); đồng chí Lê Phùng Diệu đã được Sở Nông nghiệp và PTNT điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Quỳ Hợp; đồng chí Cao Quốc Cường đã được UBND tỉnh điều động, bổ nhiệm về làm Chủ tỉnh Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tương Dương; đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An điều động, bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Tương Dương. Tập thể lãnh đạo của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã được kiện toàn mới gồm các đồng chí:
- Đồng chí Nguyễn Văn Sinh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc đồng thời Hạt trưởng.
- Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc.
- Đồng chí Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc.
Sau khi kiện toàn nhân sự của đơn vị, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức hoạt động của bộ máy theo đúng quy định tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/4/2013 và Quyết định số 3836/QĐ-UBND, ngày 30/8/2013 của UBND tỉnh Nghệ An. Theo đó, các Trạm QLBVR đã được điều chuyển về trực thuộc Hạt Kiểm lâm và chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Hạt Kiểm lâm.
Dấu ấn quan trọng của giai đoạn này chính là việc chuyển đổi lực lượng viên chức sự nghiệp đang công tác tại các Trạm quản lý bảo vệ rừng, Đội kiểm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn sang viên chức Kiểm lâm để đảm bảo điều kiện thực thi pháp luật trong lĩnh vực Lâm Nghiệp. Tháng 11 năm 2017, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã tiến hành xét, tuyển dụng bổ sung cho Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt 21 viên chức kiểm lâm từ lực lượng viên chức đang công tác tại các Trạm quản lý bảo vệ rừng, Đội kiểm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn. Như vậy, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn hiện có 33 biên chế công chức, viên chức kiểm lâm.
Thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị công lập; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng tính hiệu lực, hiệu quả. Ngày 28/9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2941/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL Khu BTTN Pù Hoạt. Đến nay, BQL Khu BTTN Pù Hoạt có 62 người, trong đó có 11 biên chế công chức và 20 biên chế viên chức kiểm lâm, 04 biên chế viên chức sự nghiệp và 29 hợp đồng lao động hưởng lương tự trang trải.
Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm:
- Ban Giám đốc gồm: Giám đốc và 02 Phó Giám đốc.
- 03 Phòng chuyên môn: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế và 01 đơn vị trực thuộc là Hạt Kiểm lâm.
Hạt Kiểm lâm gồm: 09 Trạm QLBVR và 01 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR trực thuộc.
+ Trạm QLBVR Tri Lễ.
+ Trạm QLBVR Châu Thôn - Mường Lống.
+ Trạm QLBVR Nậm Giải.
+ Trạm QLBVR Hạnh Dịch.
+ Trạm QLBVR Na Chạng.
+ Trạm QLBVR Đồng Văn 1.
+ Trạm QLBVR Đồng Văn 2
+ Trạm QLBVR Thông Thụ 1.
+ Trạm QLBVR Thông Thụ 2.
Giai đoạn này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nâng cao chất lượng tham mưu và tăng hiệu quả công việc, đơn vị đã quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tính đến thời điểm hiện tại:
- Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ 01 người; Thạc sỹ 12 người; Đại học 48 người; Trung cấp 02 người; Sơ cấp 01 người.
- Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 02 đồng chí; Trung cấp 19 đồng chí; Sơ cấp 25 đồng chí.
- Quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính và tương đương 03 người; ngạch chuyên viên 21 người.
Giai đoạn này, hệ thống Quy chế của Đảng, Chuyên môn, các tổ chức đoàn thể được cập nhật, bổ sung thường xuyên và đầy đủ làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị. Các chế độ, chính sách của công chức, viên chức, người lao động như nâng ngạch, chuyển ngạnh, nâng bậc lương thường xuyên, nâng phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng lương trước thời hạn và phụ cấp thâm niên nghề, thi đua khen thưởng tiếp tục được quan tâm thực hiện đúng thời gian, đảm bảo tính công bằng, đúng theo quy định.
II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC CỦA BQL KHU BTTN PÙ HOẠT GIAI ĐOẠN 2013 - 2023
1. Công tác quản lý bảo vệ rừng
Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với tồn tại và sự phát triển của đơn vị. Vì vậy, Tập thể Đảng ủy, Tập thể lãnh đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực hiện có của đơn vị để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Một số kết quả đạt được cụ thể như sau:
- Đơn vị đã chủ động xây dựng và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt các quy hoạch, chương trình tổng thể theo từng giai đoạn để làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ cụ thể hàng năm: Quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Hoạt giai đoạn 2013 - 2020; Phương án Quản lý, bảo vệ rừng bền vững, giai đoạn 2021 - 2030; Quy hoạch tổng thể phân khu dịch vụ hành chính, vườn thực vật ngoại vi của Khu BTTN Pù Hoạt. Trên cơ sở các chương trình tổng thể được phê duyệt, hàng năm, Đơn vị đã chủ động xây dựng các phương án QLBVR và Phòng cháy, chữa cháy rừng trình Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An phê duyệt để làm cơ sở tổ chức triển khai; Tổ chức giao diện tích rừng quản lý và giao địa bàn quản lý cho từng Trạm QLBVR, phân chia cụ thể từng tiểu khu, khoảnh, địa bàn quản lý cho công chức, viên chức và hợp đồng lao động để gắn trách nhiệm đến từng đồng chí. Đây là một sáng kiến hay, phù hợp với thực tế để làm cơ sở cho việc đánh giá, xếp loại kiểm lâm viên hàng năm và là cơ sở quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của Kiểm lâm viên.
- Hàng năm, đơn vị đã chủ động kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo, các tổ, đội PCCCR ở cơ sở; đồng thời mua sắm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ PCCCR trước mùa cháy, phân công trực chỉ huy, trực PCCCR nghiêm túc, đảm bảo đầy đủ quân số trong suốt thời gian cao điểm khô hanh, nắng nóng dễ xẩy ra cháy rừng. Tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia PCCCR, phối hợp với kiểm lâm địa bàn huyện tổ chức cho 100% số thôn bản, UBND các xã vùng đệm và 43.563 lượt hộ gia đình ký cam kết thực hiện PCCCR. Kết quả trong 10 năm qua trên diện tích rừng được giao quản lý đã không có vụ cháy rừng nào xẩy ra.
- Công tác tuần tra rừng tại gốc được xem là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong 10 năm qua lực lượng Kiểm lâm Pù Hoạt đã tổ chức 7.077 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc và truy quét các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Các cuộc tuần tra, kiểm tra rừng được tổ chức với sự phối hợp giữa cán bộ Kiểm lâm các Trạm QLBVR với các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng của các thôn, bản; phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ và kiểm lâm huyện tuần tra, kiểm tra rừng ở khu vực dọc biên giới Việt Nam - Lào và khu vực giáp ranh với tỉnh Thanh Hoá.
- Trong 10 năm, qua lực lượng Kiểm lâm Pù Hoạt đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực QLBVR góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, giáo dục, răn đe kịp thời các đối tượng vi phạm, tình hình an ninh rừng ngày càng an toàn, ổn định. Tính đến nay, Hạt kiểm lâm Pù Hoạt đã phát hiện và xử lý 271 vụ vi phạm, trong đó xử lý vi phạm hành chính 261 vụ vi phạm và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự 10 vụ vi phạm, tịch thu hơn 726 m3 gỗ các loại cùng nhiều tang vật, phương tiện, dụng cụ vi phạm khác như xuồng ba lá, xe máy, cưa xăng, súng kíp, ... xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 5.136.000.000 đồng.
- Đi đôi với việc tuần tra, phát hiện ngăn chặn các đối tượng vị phạm, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và giáo dục môi trường tại các xã vùng đệm, vùng lõi được đơn vị quan tâm, chú trọng góp phần từng bước đưa hoạt động này vào nề nếp, quy củ, làm thay đổi hành vi và ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác QLBVR. Với tầm quan trọng đó, trong 10 năm vừa qua BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn tổ chức được 3.141 cuộc hội nghị tuyên truyền cấp huyện, xã và thôn bản. Ngoài ra, hàng tháng cán bộ Kiểm lâm địa bàn thường xuyên xuống địa bàn các thôn bản, đến từng gia đình để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến Nhân dân. Tổ chức cho 43.563 lượt hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn bản của 09 xã vùng đệm và vùng lõi của Khu Bảo tồn ký cam kết về chấp hành thực hiện các biện pháp PCCCR. Đơn vị đã tiến hành xây dựng 131 bảng tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học bố trí ở các cửa rừng và dọc các tuyến đường dân sinh để tuyên truyền, nâng cáo nhân thức cho đông đảo quần chúng Nhân dân.
- BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các loài động thực vật. Hàng năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch điều tra, theo dõi và cập nhật kịp thời các số liệu, diễn biến của tài nguyên rừng phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2014, theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh Nghệ An năm 2103, Khu Bảo tồn đã chuyển đổi mục đích sử dụng 4.971,57ha sang quy hoạch rừng sản xuất theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 19/02/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Hoạt giai đoạn 2013 - 2020. Từ năm 2014 đến nay, trên lâm phần quản lý của Khu Bảo tồn không có chuyển đổi rừng đặc dụng, phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác.
- Trong giai đoạn năm 2013 - 2023, Khu Bảo tồn đã tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật giao khoán bảo vệ rừng cho 40.061 lượt hộ gia đình, tổ chức với tổng diện tích là 730.983 ha bằng các nguồn vốn khác nhau. Hỗ trợ 490.629 kg gạo cho 10.384 nhân khẩu thuộc hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng. Hỗ trợ cho 34 lượt thôn bản với kinh phí 40 triệu đồng/thôn bản để phát triển cơ sở hạ tầng, sửa chữa, làm mới các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng như hệ thống giàn mát, đường vào nhà văn hóa, sân nhà văn hóa, cổng chào, cây giống, đường liên thôn thôn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng đối với công tác bảo vệ rừng của Khu BTTN Pù Hoạt.
Trong 10 năm qua, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp và cùng với sự nỗ lực quyết tâm của công chức, viên chức và người lao động, đơn vị đã bảo vệ tốt diện tích 86.414,38 ha rừng và đất lâm nghiệp; duy trì ổn định hệ sinh thái rừng đầu nguồn, độ che phủ của rừng; Trên địa bàn quản lý cơ bản đã ngăn chặn, xóa bỏ các điểm nóng về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép, không để cháy rừng xẩy ra.
2. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
2.1. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Đơn vị được thành lập từ năm 2013, tuy nhiên, đây là giai đoạn đang thực hiện chủ trương chung của Nhà nước về tinh giảm biên chế. Hiện tại, chỉ tiêu biên chế của đơn vị đang ít và phải ưu tiên tập trung bố trí lực lượng cho nhiệm vụ bảo vệ rừng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học đang còn mỏng và thiếu kinh nghiệm thực tiễn; các nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học rất hạn chế, chủ yếu là từ ngân sách thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian qua đơn vị đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn và từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Một số nội dung nghiên cứu khoa học đã được triển khai trong thời gian qua tại đơn vị:
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản về đa dạng sinh học của Khu BTTN Pù Hoạt để cũng cố các số liệu và khẳng định các giá trị đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn. Từ năm 2013 - 2023, đơn vị đã phối hợp với các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế thực hiện được 13 đề tài nghiên cứu về động, thực vật rừng. Song hành với các chương trình điều tra là các hoạt động giám sát, đánh giá đa dạng sinh học; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng để đánh giá bản chất, quy luật và diễn biến tài nguyên rừng qua các năm ở các trạng thái rừng, sinh cảnh khác nhau. Đánh giá sự tác động của người dân lên tài nguyên rừng thông qua cơ sở dữ liệu được kiểm lâm địa bàn thu thập hàng tháng….
Kết quả điều tra nghiên cứu đã khẳng định Khu BTTN Pù Hoạt là một trong số ít khu bảo vệ có tính đa dạng sinh học cao. Về thực vật: bước đầu đã xác định được 2.425 loài thực vật của 885 chi, 208 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao. Trong đó đã thống kê được 130 loài thực vật có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ khác nhau. Cụ thể: 112 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 25 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ -CP của Chính phủ (2019); 15 loài nằm trong danh lục IUCN (2017). Về động vật: Kết quả nghiên cứu đã xác định được 1.315 loài động vật của 221 họ, 56 bộ thộc 06 lớp. Trong đó đã thống kê được 199 loài động vật có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Cụ thể: 91 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 123 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ -CP của Chính phủ (2019), 42 loài trong Nghị định 64/2019/NĐ -CP của Chính phủ (2019) và 110 loài trong IUCN (2021). Các giá trị về đa dạng sinh học và các dữ liệu nghiên cứu về các loài động, thực vật của Khu BTTN Pù Hoạt đã liên tục được cập nhật, bổ sung thông qua các chương trình, đề tài nghiên cứu.
- Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã thực hiện, đơn vị đã bước đầu nghiên cứu chuyên sâu theo hướng bảo tồn gắn với phát triển, trước mắt tập trung nghiên cứu thử nghiệm gieo ươm, nhân giống và phát triển các loài quý hiếm và các loài có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu gieo ươm, nhân giống thành công nhiều loài như: Sa mu dầu, Củ bình vôi vàng, Cây Mú từn, Lá Khôi tía, Mắc Khẻn …. Các loài cây này sau khi được gieo ươm thành công đã được đưa ra trồng thử nghiệm ở thực địa.
Qua 10 năm đi vào hoạt động, công tác nghiên cứu khoa học bước đầu được quan tâm, chú trọng và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống thông tin, giữ liệu khoa học về đa dạng sinh học của khu hệ động, thực vật đã từng bước được hoàn thiện, bổ sung rất nhiều so với thời gian đầu mới thành lập. Những kết quả nghiên cứu bước đầu đã tạo tiền đề cho các công tác nghiên cứu khoa học những năm tiếp theo. Thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, điều tra Đa dạng sinh học với các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế, trình độ và kinh nghiệm của cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đang từng bước được nâng cao.
2.2. Hoạt động hợp tác quốc tế
Các hoạt động hợp tác nói chung và hợp tác quốc tế nói riêng về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đa dạng sinh học đã được đơn vị hết sức quan tâm. Trong thời gian qua, Khu BTTN Pù Hoạt đã kết nối, làm việc và phối hợp với nhiều tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế như: Viện Sinh thái và thiên nhiên sinh vật, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm môi trường và phát triển của hiệp hội khoa học Nghệ An, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Vinh, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, Dự án rừng và đồng bằng, Dự án Enrich... Trong giai đoạn này, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả như sau:
- Phối hợp với Dự án Enrich và tổ chức SNV đã cung cấp, hỗ trợ 45.500 cây giống Giổi xanh cho 1.315 hộ gia đình, tổ chức; Phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học trong Khu BTTN Pù Hoạt; Phối hợp với Trung tâm lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp triển khai xây dựng mô hình vườn giống Quế Quỳ vừa bảo tồn cây Quế Quỳ và cung cấp giống chất lượng cao cho vùng Bắc Trung Bộ; Phối hợp với Trung tâm Khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học Nghệ An nghiên cứu, phát triển cây Mú Từn, Cây Bình vôi.
- Phối hợp với dự án Rừng và Đồng Bằng tổ chức điều tra giám sát đa dạng sinh học Khu BTTN Pù Hoạt làm cơ sở xuất các giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật trong Khu Bảo tồn; Phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức điều tra, giám sát quần thể Vượn đen má trắng; Phối hợp với Viện nhiệt đới Việt - Nga nghiên cứu đa dạng sinh học nói chung và nghiên cứu sinh thái phát sinh của loài Sa mu dầu.
- Xây dựng và triển khai đề án trồng Quế Quỳ trên địa bàn huyện Quế Phong nhằm bảo tồn nguồn gen quý của loài cây Quế Quỳ trên địa bàn.
- Phối hợp với Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để triển khai hoạt động điều tra, khảo sát và lập hồ sơ công nhận cây Di sản Việt Nam.
- Phối hợp với Phân viện điều tra Bắc Trung bộ khảo sát, điều tra và xây dựng dự án trồng cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng tại 03 xã: Đồng Văn, Thông Thụ và Tiền Phong của huyện Quế Phong.
3. Công tác phát triển rừng
Bên cạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao, Khu BTTN Pù Hoạt đã chú trọng công tác phát triển rừng, tích cực vận động nhân dân tham gia công tác trồng rừng nhằm từng bước đưa công tác xã hội hóa nghề rừng đến với Nhân dân. Trong giai đoạn năm 2013 - 2023, Khu BTTN Pù Hoạt đã tiến hành thiết kế, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán kinh phí trồng rừng tập trung tổng diện tích là 3.101,18 ha và 1.521.872 cây phân tán phân bổ trên toàn huyện Quế phong. Trong đó:
- Trồng rừng đặc dụng: 66,0 ha.
- Trồng rừng phòng hộ: 461,4 ha.
- Trồng rừng sản xuất: 1.889,3 ha.
- Trồng rừng gỗ lớn: 684,48 ha.
- Trồng cây phân tán: 1.521.872 cây.
Song song với công tác trồng rừng là công tác chăm sóc bảo vệ rừng, trong những năm qua Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng với tổng khối lượng là 527,4 ha. Trong đó: Chăm sóc rừng trồng đặc dụng: 66,0 ha; Chăm sóc rừng trồng phòng hộ: 461,4 ha.
Tiến hành gieo tạo hơn 4 triệu cây giống các loại đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của Khu Bảo tồn trong việc thực hiện một số dự án và nhu cầu của người dân trên địa bàn.
4. Công tác tổ chức bộ máy và hành chính
Trong 10 năm xây dựng và phát triển của Khu BTTN Pù Hoạt, đơn vị đã từng bước xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra qua từng giai đoạn cụ thể, dựa trên các quy định cụ thể của pháp luật hiện hành. Đến nay, tổ chức bộ máy của đơn vị đã cơ bản được sắp xếp, vận hành hoạt động ổn định theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 2941/QĐ-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh Nghệ An.
Trên cơ sở quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và điều kiện thực tiễn, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã xây dựng và ban hành các quy chế hoạt động trên các lĩnh vực được giao để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị được thực hiện theo đúng các Quy chế đã ban hành, đảm bảo nguyên tắc thống nhất, tập trung và dân chủ. Hiện nay, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã xây dựng hệ thống quy chế tương đối đầy đủ, toàn diện với 24 Quy chế. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chủ động xây dựng các quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương từ cấp huyện đến xã.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng và kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động luôn được đơn vị quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hàng năm, đơn vị đã thực hiện tốt công tác ra soát quy hoạch để phát hiện, bổ sung những nhân tố mới, có triển vọng và có kế hoạch đào tạo làm nguồn kế cận cho những năm tiếp theo. Kết quả cụ thể:
- Về bổ nhiệm, điều động, luân chuyển: Đơn vị đã tổ chức thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cho 28 lượt công chức, viên chức đối với các vị trí như: Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng, Phó trường phòng và tương đương; tổ chức điều động, luân chuyển vị trí việc làm cho 123 lượt công chức, viên chức từ cấp phòng đến cấp Trạm.
- Về đào tạo, bồi dưỡng: Đơn vị đã cử đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị từ Cao cấp đến sơ cấp cho 46 công chức, viên chức; Cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 108 lượt công chức, viên chức.
- Về thi đua, khen thường: Trong 10 năm xây dựng và phát triển, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã nhận được 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 02 Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 01 Bằng khen của Tổng cục Lâm nghiệp, 04 Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 03 cờ thi đua của UBND tỉnh. Đặc biệt năm 2023, đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đơn vị đã có 18 lượt công chức, viên chức được nhận Bằng khen các cấp.
Lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức luôn được chấn chỉnh, trang thiết bị làm việc cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc, tài sản của đơn vị được quản lý tốt, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm,… Các chế độ chính sách của người lao động được đảm bảo theo quy định hiện hành; lương, các loại phụ cấp được chi trả cho người lao động kịp thời đầy đủ, bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp được đóng góp đầy đủ.
5. Công tác kế hoạch tài chính
Hàng năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch tài chính trình Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính duyệt và cấp kinh phí hoạt động. Sau khi có quyết định phân bổ kinh phí của cấp trên, đơn vị đã thực hiện phân khai chi tiết để thực hiện; kế hoạch tài chính đã được công khai cho các công chức, viên chức và người lao động, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng các quy định hiện hành.
Hàng năm, đơn vị xây dựng, sửa đổi và bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ; thực hiện công khai tài chính hàng tháng, quý tại các kỳ họp bằng văn bản cho các bộ phận biết; Các chế độ như lương, phụ cấp, thanh toán cá nhân được thực hiện nghiêm túc, chính xác, kịp thời, đảm bảo đúng định mức, đúng quy chế chi tiêu nội bộ và đúng nguyên tắc quản lý tài chính; Công tác quản lý kho, quỹ đã đảm bảo tốt, việc chi trả cũng như xuất, nhập kho tài sản được thực hiện đúng quy định.
III. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT
Tuy đã nỗ lực cố gắng để đạt được những kết quả như hôm nay, nhưng nhiệm vụ trước mắt của BQL Khu BTTN Pù Hoạt còn rất nhiều khó khăn, phức tạp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể:
1. Hiện nay, cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã được sắp xếp, bố trì phù hợp với Quyết định số 2941/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL Khu BTTN Pù Hoạt. Tuy nhiên, do thiếu các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để xác định cụ thể cơ cấu công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp như: Danh mục vị trí việc làm; Mức độ phức tạp của công việc của vị trí việc làm; Tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.... Vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm cho giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo đang gặp nhiều khó khăn và bất cập.
2. Đơn vị được giao quản lý diện tích 86.414,38 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 73km giáp ranh với đường biên giới Việt - Lào. Diện tích rừng được giao quản lý rộng, địa hình phức tạp, khó khăn. Bên cạnh đó lực lượng bảo vệ rừng còn rất mỏng, thiếu so với định mức theo quy định của Nhà nước, chế độ chính sách cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng còn rất thấp và bất cập; phương tiện, thiết bị còn thiếu thốn, kinh phí phục vụ cho việc tuần tra rừng, kiểm tra sâu trong rừng còn eo hẹp, khó khăn. Vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của đơn vị đang còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các khu vực rừng giáp ranh với đường biên giới Việt - Lào và vùng giáp ranh với tỉnh Thanh Hoá.
3. Diện tích rừng được giao cho BQL Khu BTTN Pù Hoạt quản lý có giá trị đa dạng sinh học cáo với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đời sống của cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm đang còn rất nhiều khó khăn và các nguồn thu nhập chủ yếu vẫn phụ thuộc vào rừng. Vì vậy, các hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép và đốt rừng làm nương rẫy… vẫn còn xẩy ra.
4. Toàn bộ diện tích rừng nay mới được xác định trên bản đồ mà chưa được cắm mốc trên thực địa, đặc biệt là mốc ranh giới với các vùng đệm và khu dân cư. Vì vậy, vấn đề này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; hiện tượng xâm canh, xâm cư vùng các bản Mông xã Tri Lễ, người dân Bản Vịn, xã Bạt Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn diễn ra nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
5. Đội ngũ cán bộ khoa học của đơn vị đang còn rất mỏng, non trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm thực tiễn chỉ mới đáp ứng được một phần yêu cầu thực tiễn đề ra. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, tuyên truyền phổ biến pháp luật còn quá ít; không đủ tiềm lực để thực hiện các hoạt động mang tính chiến lược phát triển lâu dài của Khu Bảo tồn. Các hoạt động nghiên cứu khoa học đang còn manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu tính toàn diện, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, đơn vị vẫn chưa xây dựng được một chiến lược nghiên cứu khoa học tổng thể theo từng giai đoạn cho Khu Bảo tồn.
6. Việc xây dựng, thu hút và kêu gọi các dự án đầu tư trung hạn và dài hạn trong nước và quốc tế vào Khu BTTN Pù Hoạt đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các chương trình, dự án triển khai chủ yếu vẫn là dự án nhỏ lẻ.
7. Việc triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học vẫn chưa thực hiện được trong Khu Bảo tồn.
IV. ĐỊNH HƯỚNG CÁC NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của BQL Khu BTTN Pù Hoạt chưa phải là thời gian dài để có thể làm được nhiều việc, xây dựng đơn vị trở nên lớn mạnh và thu hút được nhiều hơn các công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, 10 năm cũng không phải là ngắn khi nhìn lại những kết quả ban đầu mà công chức, viên chức và người lao động của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã cố gắng nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành quả đáng tự hào như ngày hôm nay. Từ một Ban quản lý rừng phòng hộ còn ít người biết đến, hôm nay vị thế, vai trò của Khu BTTN Pù Hoạt đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã được Trung ương, UBND tỉnh, chính quyền địa phương và Nhân dân ghi nhận. Hiện nay, Khu BTTN Pù Hoat đã trở thành địa chỉ được rất nhiều nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến nghiên cứu và đầu tư.
Để tiếp tục bảo vệ tốt diện tích tích 86.414,38 ha rừng và đất Lâm nghiệp được giao quản lý, phát huy các giá trị đa dạng sinh học và tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh trên địa bàn, BQL Khu BTTN Pù Hoạt định hướng một số nhiệm vụ chính đến năm 2030 và những năm tiếp theo với một số nội dung trong tâm như sau:
1. Quản lý bảo vệ rừng
- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững giai đoạn 2022 - 2030 của BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1803/QĐ-UBND ngày 24/6/2022. Các nội dung của Phương án là những định hướng chiến lược của đơn vị để tổ chức triển khai các hoạt động hàng năm nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.
- Phối hợp với các cơ chuyên ngành để thực hiện trích đo, lập bản đồ địa chính đối với toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho đơn vị quản lý để làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị được quy hoạch ổn định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy chế và các biện pháp quản lý Khu BTTN Pù Hoạt theo đúng Luật lâm nghiệp 2017, Nghị đinh số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Trong đó, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng mạnh cả về chất và lượng; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường công tác tuân tra, kiểm tra rừng kết hợp với thực thi pháp luật. Đặc biệt, tập trung các nguồn lực để bảo vệ tốt diện tích rừng phân bố dọc biên giới Việt - Lào, các khu vực giáp ranh với tỉnh Thanh Hoá.
- Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các tiên bộ của khoa học công nghệ vào phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, trọng tâm là bảo vệ môi trường sống tự nhiên cho các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu của Khu Bảo tồn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc theo dõi diến biến rừng; Thu hút, khai thác các nguồn vốn đầu tư để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện khoán bảo vệ những khu rừng có nguy cơ bị xâm hại cao, khu vực gần dân cư.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị đóng quân trên địa bàn trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
2. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
- Tiếp tục thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu cơ bản để cũng cố, bổ sung các cơ sở dữ liệu khoa học, đồng thời đánh giá đầy đủ các giá trị đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
- Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để tổ chức sản xuất, nhân giống đối với các loài quý hiếm, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế kết hợp với bảo tồn các nguồn gen; nghiên cứu, áp dụng kho học, kỹ thuật để phục hồi lại rừng, làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng bằng các loài cây bản địa, cây có giá trị kinh tế cao, các cây quý hiếm để bảo tồn nguồn gen.
- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án được phê duyệt; Tăng cường kêu gọi các Dự án đầu tư để phát triển sinh kế vùng đệm cho người dân nhằm phát triển kinh tế một cách bền vững từng bức làm giảm áp lực vào rừng.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế; hàng năm phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, phát triển nguồn gen các loài động, thực vật có giá trị để chống lại suy thoái loài, giá trị về dược liệu, thực phẩm, giữ vững nguồn gen quý hiếm các loài quý hiếm, bổ sung, củng cố vào bộ số liệu của Khu Bảo tồn.
- Xây dựng phòng mẫu trưng bày tiêu bản động, thực vật; Phát huy và khai thác có hiệu quả Vườn ươm và Vườn thực vật ngoại vi,…nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm.
- Xây dựng, đạo tạo và bố trí đội ngũ cán bộ khoa học có đủ năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ khoa học đặt ra trong thời kỳ mới; sắp xếp, bố trí cán bộ được đào tạo cơ bản tại các chuyên ngành phù hợp, thông thạo ngoại ngữ; tin học; khai thác sử dụng thành thạo các phần mềm, thiết bị hiện đại, ứng dụng vào thực tiễn công việc.
3. Xây dựng, phát triển Khu Bảo tồn
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động của BQL Khu BTTN Pù Hoạt theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Xây dựng đề án vị trí việc làm cho giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo trên cơ sở xác định cụ thể cơ cấu công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp; Tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm....
- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động của đơn vị, trên cơ sở tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội vào các hoạt động của đơn vị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các hoạt động của đơn vị phải tuân thủ nghiêm túc các quy định theo các Quy chế đã ban hành để đảm bảo tính tập trung, dân chủ.
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động. Công tác quy hoạch phải gắn liền với công tác đào tạo để xây dựng thế hệ kế cận có đủ năng lực, uy tín và đạo đức, sẵn sang đảm nhiệm các vị trí cao hơn khi có yêu cầu đặt ra.
- Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính và kỷ luật, kỷ cương để góp phần xây dựng và phát triển Khu BTTN Pù Hoạt thực sự xứng đáng là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; tiếp tục cũng cố và xây dựng tổ chức Đảng, các Đoàn thể và đơn vị vững mạnh, xuất sắc.
- Tăng cường xây dựng phóng sự, viết tin, bài về các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh của Khu Bảo tồn thông qua trang Website của đơn vị.
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã dần khẳng định được vai trò, vị thế và trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An; cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng, mua sắm khá đồng bộ, khang trang, bề thế đáp ứng cơ bản cho việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Qua 10 năm hình thành và phát triển, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triên chung của huyện Quế Phong và ngành Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An, ghi nhận những thành tích đạt được các cấp lãnh đạo từ Trung ương, tỉnh và địa phương đã tặng nhiều nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2023, đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng Ba”. Trong số công chức, viên chức trước đây nhiều người đã trưởng thành, giữ trọng trách cao hơn ở các đơn vị trong tỉnh, trong ngành. Vì vậy, chúng ta phải luôn ghi nhớ và biết ơn những người đi trước, những người đã có công xây dựng và củng cố phát triển Khu BTTN Pù Hoạt để có được như ngày hôm nay. Như câu nói của Bác Hồ về công tác dân vận “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói đó của Bác đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng những cán bộ công chức, viên chức, người lao động BQL Khu BTTN Pù Hoạt trong chặng đường xây dựng và phát triển. Để bảo vệ tốt được 86.414,38 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao cho BQL Khu BTTN Pù Hoạt quản lý, ngoài sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, Khu Bảo tồn cần và rất cần đến sự đồng lòng hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính mỗi người dân sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm của Khu Bảo tồn.
Kỷ niệm 10 năm thành lập BQL Khu BTTN Pù Hoạt cũng là dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm đẹp của một thời gian nan, vất vả trong công tác QLBVR, củng cố và phát triển đơn vị. Đây cũng là dịp để chúng tôi tri ân đến những cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện Quế Phong đã chia sẻ, giúp đỡ BQL Khu BTTN Pù Hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản …
Nhân dịp này, chúng tôi thiết tha kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước và đặc biệt là sự giúp đỡ của Lãnh đạo huyện Quế Phong, UBND tỉnh Nghệ An để Rừng Pù Hoạt xứng đáng là khu rừng đặc dụng giàu tính Đa dạng sinh học, xứng đáng là một trong ba vùng lõi quan trọng của Khu DTSQ Thế giới miền Tây Nghệ An.
Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt