THÀNH QUẢ SAU 4 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỒNG RỪNG SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUẾ PHONG CỦA BQL KHU BTTN PÙ HOẠT

PHO
Sau 04 năm thực hiện chương trình trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Quế Phong, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện tốt vai trò của chủ đầu tư các dự án lâm sinh trên địa bàn trong việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón cho người dân trong công tác trồng rừng sản xuất.

Huyện Quế Phong là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An, là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Huyện có 13 xã và 01 thị trấn. Diện tích đất tự nhiên là 189.086,54 ha, diện tích đất lâm nghiệp là 152.834,17ha trong đó diện tích rừng đặc dụng là 34.589 ha, diện tích rừng phòng hộ 51.171, diện tích rừng sản xuất 67. 074 ha; Địa hình huyện Quế Phong chủ yếu là đồi núi chiếm tới 90% diện tích tự nhiên. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên do xuất phát điểm thấp và sự phát triển không đồng đều nên Quế Phong vẫn là huyện nghèo của tỉnh. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông lâm nghiệp.

Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được thành lập theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/04/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An. Trong có có nhiệm vụ là Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng; nhiệm vụ dịch vụ công trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quản lý các dự án đầu tư lâm nghiệp …trên địa bàn huyện theo quy định của Pháp luật.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, BQL Khu BTTN Pù Hoạt xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là bảo vệ giữ vững ổn định rừng và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế xã hội nghề rừng trên địa bàn nhằm gia tăng thu nhập cho người dân đồng thời phát triển các mô hình sinh kế bền vững. Trong đó có nhiệm vụ chủ trì chương trình trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Quế Phong.

Được triển khai từ năm 2014 đến 2017, chương trình trồng rừng sản xuất của Khu BTTN Pù Hoạt đến nay đã thực hiện được 1.820,60 ha; 916 ha trồng cây phân tán; 158,9 ha trồng cây gỗ lớn theo phương thức nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật; Người dân thực hiện trồng theo sự hướng dẫn của cán bộ BQL khu bảo tồn.

Mặc dù có nhiều khó khăn về phong tục tập quán và nhận thức của người dân nơi đây song Dự án triển khai đã được rất đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và đất nương rẫy bạc màu.

Kết quả sau 4 năm nhờ chính sách hỗ trợ đầu tư của nhà nước, từ một huyện chưa có phong trào trồng rừng, đến nay chương trình trồng rừng ở huyện Quế Phong đã đem lại những kết quả rõ rệt.

Đến thăm các hộ gia đình điển hình trong phong trào trồng rừng. Chúng tôi gặp ông Lương Văn Khuê, bản Na Bón, xã Tiền Phong. Một trong những người hưởng ứng tham gia phong trào trồng rừng ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện dự án. Với diện tích vườn rừng 3,5 ha, anh Khuê đã thực hiện trồng cây Keo tai tượng Úc do BQL Khu BTTN Pù Hoạt hỗ trợ, đến nay sau 3 năm trồng, rừng keo của anh Khuê đang phát triển rất tốt đạt đường kính từ 10-15 cm và anh cho biết khoảng 2 năm nữa sẽ cho khai thác, nhìn thành quả trước mắt ông Khuê rất cảm ơn các cán bộ Khu bảo tồn Pù Hoạt đã tích cực tuyên truyền và hỗ trợ bà con trong công tác trồng rừng và mong muốn nhà nước sẽ nghiên cứu áp dụng hỗ trợ thêm nhiều mô hình kinh tế cho bà con nhân dân miền núi để có thể ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Khuê chăm sóc vườn keo nguyên liệu 3 năm tuổi của gia đình mình

Đến xã Đồng Văn, một trong những xã có diện tích trồng rừng lớn và phong trào trồng rừng phát triển mạnh. Chúng tôi gặp ông Lô Văn Tiến, cán bộ Lâm nghiệp xã Đồng Văn, ông đánh giá rất cao hiệu quả mà chương trình trồng rừng BQL Khu BTTN Pù Hoạt đem lại, ông cho biết, hiện tại cây keo là cây trồng chủ đạo mà người dân tham gia trồng rừng lựa chọn, đến nay phần lớn diện tích đất trống đồi trọc của xã Đồng Văn đã được phủ xanh và rừng phát triển tốt, không lâu nữa sẽ cho khai thác và giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương nơi đây.

 

Vườn rừng ông Lô Văn Tiến, cán bộ Lâm nghiệp xã Đồng Văn

Đến bản Đồng Mới xã Đồng Văn chúng tôi gặp Ông Hà Minh Địa tham gia trồng rừng từ năm 2015 với diện tích 4,3 ha đến nay rừng Keo của ông cũng đang phát triển rất tốt. Gia đình ông có hai người con trai cũng tích cực hưởng ứng phong trào trồng rừng theo ông. Ông và gia đình rất biết ơn nhà nước đã quan tâm hỗ trợ kịp thời cho bà con nơi đây:

 

Rừng keo 3 năm tuổi của gia đình ông Hà Minh Địa bản Đồng Mới xã Đồng Văn

Kể từ khi thực hiện chương trình trồng rừng đến nay, diện tích đất trống đồi trọc, diện tích đất thoái hóa sau nương rấy trên địa bàn huyện Quế Phong đã giảm đi đáng kể. Dự án vừa tạo sinh kế cho người trồng rừng và tạo công ăn việc làm cho người lao động, tư thương và dịch vụ trên địa bàn, tạo nên một chuỗi giá trị liên hoàn giải quyết vấn đề lao động, dân sinh kinh tế xã hội tại địa phương.

Để đạt được kết quả trên là sự quyết tâm rất lớn của tập thể Lãnh đạo, cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự hưởng ứng đồng lòng của người dân đối với chủ trương chính sách của nhà nước.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được BQL Khu BTTN Pù Hoạt đang không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng các mô hình sinh kế mới cho bà con nhân dân trên địa bàn trong thời gian ngắn hạn và dài hạn, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế vùng đệm và hướng tới bảo vệ rừng bền vững./.

Trần Thanh - Phòng KHHTQT

lên đầu trang