Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học được tài trợ bởi Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐVN): Ứng dụng phương pháp thông tin địa lý (GIS) và kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ phát triển loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) ở Việt Nam. Trong những ngày trung tuần tháng 8/2020, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã phối hợp với cán bộ của Khu BTTN Pù Hoạt tiến hành điều tra, khảo sát thực địa để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ cho các nội dung nghiên cứu của đề tài. Các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phân bố loài Sa mu dầu tại KTTN Pù Hoạt đã được tiến hành ở các khu vực có ghi nhận phân bố của loài cây này, trong đó tập trung chủ yếu điều tra ở khu vực xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Đây là khu vực ghi nhận nhiều quần thể Sa mu dầu xuất hiện – cũng là nơi phân bố quần thể Sa mu dầu được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam.
Trong các nội dung triển khai cho năm 2020, các cán bộ khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phân bố loài Sa mu dầu và thu các mẫu sinh học (lá hoặc vỏ cây) phục vụ cho phân tích đa dạng di truyền nguồn gen nhằm ứng dụng trong công tác bảo tồn, nhân giống và pháp triển loài này. Kết quả bước đầu khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động phối hợp trong triển khai công tác nghiên cứu thực địa giữa 02 đơn vị.
Khảo sát thực địa, 8/2020
Qua một số tuyến điều tra, đoàn nghiên cứu đã thu 30 mẫu sinh học (lá hoặc vỏ cây) trên các cá thể Sa mu dầu trưởng thành khác nhau và được chuyển về phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để tiến hành phân tích ADN. Kết quả nghiên cứu sẽ chỉ ra mức độ đa dạng di truyền quần thể và loài Sa mu dầu, đây là cơ sở khoa học để so sánh mức độ đa dạng di truyền của các vùng lập quần Sa mu dầu ở Việt Nam.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm
Các phiếu thu thập thông tin về điều kiện tự nhiên, sinh cảnh lập quần, độ cao, độ dốc, khoảng cách đến sông suối, mức độ che phủ của thảm thực vật, loại đất, độ dầy tầng đất, thành phần cơ giới đất, một số thông số khí hậu điển hình (số giờ nắng mùa sinh sản, số giờ nắng mùa tăng trưởng, lượng mưa trung bình năm, nhiệt độ trung bình năm, lượng mưa của tháng khô nhất….), tất cả được đánh giá và đưa vào mô hình phân tích sự tương quan giữa các biến môi trường tới sự phân bố của loài.
Thu mẫu sinh học ngoài thực địa
Kết quả bước đầu khẳng định độ cao, mức độ che phủ của tán rừng, tầng dầy lớp đất, số giờ nắng trung bình mùa sinh sản ảnh hưởng lớn đến sự phân bố của loài. Bản đồ đánh giá thích nghi sinh thái cho loài Sa mu dầu phục vụ công tác bảo tồn và phát triển loài đã được thành lập ở quy mô tỷ lệ lớn, là tiền đề lựa chọn và khoanh vùng khu vực có đầy đủ các tiêu chí về môi trường phục vụ xúc tiến tái sinh loài.
Chuyến khảo sát thực địa tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã giúp cho sự gắn kết giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga với KBTTN Pù Hoạt trong hoạt động triển khai nghiên cứu khoa học nói riêng cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đơn vị thêm bền chặt. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể thật nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng được thực hiện nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái rừng tại KBTTN Pù Hoạt.
An Nhiên