Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông lâm, thủy sản tại huyện Quế Phong

PHO
(Baonghean.vn) - Làm việc với huyện Quế Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị huyện cần tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển kinh tế rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp chế biến...

Ngày 3/3, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo, sản xuất nông lâm, thủy sản tại địa bàn huyện Quế Phong.

Trước khi làm việc với UBND huyện Quế Phong, đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ thủy điện Hủa Na thuộc xã Thông Thụ, mô hình trồng rừng tại xã Hạnh Dịch.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Trường.

Theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, trong năm 2020 mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, huyện đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 3,1%, nhiều mô hình kinh tế trong nông nghiệp đã dần hình thành theo hướng tập trung, gắn với sản xuất an toàn.

Trên địa bàn đã có 2 HTX được cấp chứng chỉ VietGAP đó là: HTX chuyên giống cây, giống con và nông nghiệp Quế Sơn và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hủa Na.

Đồng chí Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong phát triển KT-XH của huyện Quế Phong thời gian qua. Ảnh: Văn Trường

Về một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo huyện cho biết, cây chanh leo đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chanh leo Quế Phong” cho 2 sản phẩm: Chanh leo quả và Nước ép chanh leo.

Có 839,3 ha rừng lùng tại xã Đồng Văn, Thông Thụ được tổ chức rừng quốc tế cấp chứng chỉ FSC. Sản phẩm chè Hoa vàng Quế Phong đã được bình bầu là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu thăm mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Hủa Na xã Thông Thụ, Quế Phong. Ảnh: Văn Trường

Phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, năm 2020, có 4 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt có 1 bản thuộc xã biên giới đã được công nhận là bản đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, huyện Quế Phong vẫn còn gặp khó khăn như sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập và đã xuống cấp hư hỏng...

Năm 2021, huyện Quế Phong phấn đấu trồng mới 950 ha rừng, nuôi trên 315 lồng cá tại các hồ đập thủy điện Hủa Na, Châu Thắng. Phấn đấu có thêm ít nhất 7 thôn bản đạt chuẩn NTM. Tập trung tham mưu thu hút các nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh; chỉ đạo tổ chức lại sản xuất chăn nuôi trên địa bàn theo chuỗi liên kết. Đồng thời, tăng cường tham mưu xúc tiến đầu tư, mời gọi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã với doanh nghiệp...

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra vườn ươm dược liệu của Khu BTTN Pù Hoạt -xã Đồng Văn, Quế Phong. Ảnh: Văn Trường

Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà huyện Quế Phong đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã trao đổi một số nhiệm vụ trọng tâm đối với địa phương huyện Quế Phong.

Theo đó, thời gian tới huyện cần tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển kinh tế rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp chế biến.

Đoàn công tác thăm mô hình rừng gỗ lớn tại xã Đồng Văn, Quế Phong do khu BTTN Pù Hoạt quản lý. Ảnh: Văn Trường

Tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất chăn nuôi trên địa bàn theo chuỗi liên kết, phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp và hợp tác xã, nhằm kiểm soát tốt hơn vận chuyển tiêu thụ sản phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện Quế Phong đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, giảm dần chăn nuôi thả rông; Tiếp tục nhân rộng nuôi cá lồng bè trên các đập thủy điện để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Chuyển đổi đất kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị, như cam, bưởi, khai thác tiềm năng trồng cây dược liệu dưới tán rừng, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để phát triển cây dược liệu.

Ngoài ra, huyện cần tăng cường xúc tiến đầu tư, mời gọi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm./.

Văn Trường

lên đầu trang