Sử dụng kiến thức bản địa trong bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

PHO

Kiến thức bản địa có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen. Nét đặc thù của cộng đồng các dân tộc ít người ở miền núi là sống gần rừng và sống dựa vào rừng. Vì vậy, họ có một hệ thống kiến thức và kinh nghiệm sản xuất rất phong phú trong việc bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng. Tuy nhiên, đặc trưng của kiến thức bản địa là phạm vi sử dụng hẹp. Nó phù hợp với điều kiện về văn hoá, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương nhất định nhưng có khi lại không phù hợp với địa phương khác, dân tộc khác. Kiến thức bản địa được hình thành và biến đổi liên tục qua các thế hệ trong mỗi cộng đồng; kiến thức bản địa có khả năng thích ứng cao với môi trường và điều kiện của từng địa phương nơi kiến thức bản địa được hình thành và phát triển. Chính vì vậy, hệ thống kiến thức bản địa trong quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng rất khác nhau giữa các địa phương, giữa các dân tộc. Do đó, để quản lý tài nguyên rừng một cách bền vững cũng như duy trì và bảo tồn hệ thống kiến thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, chúng ta cần coi trọng, tìm hiểu và nghiên cứu về hệ thống kiến thức bản địa của từng địa phương, của từng dân tộc. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể kế thừa, sử dụng và phát huy những ưu điểm của hệ thống kiến thức bản địa trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững.

I. KIẾN THỨC BẢN ĐỊA LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC QLBVR VÀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

1.1. Các quy ước về quản lý bảo vệ rừng

Ở các xã vùng đệm của Khu BTTN Pù Hoạt, huyện Quế Phong, các cộng đồng thôn bản ý thức rất rõ vai trò của rừng trong việc cung cấp nước cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và cho sản xuất nông nghiệp của công đồng. Vì vậy, từ xa xưa trong các công đồng đã hình thành nên tập tục, ý thức bảo vệ những diện tích rừng đầu nguồn, các khu rừng gần thôn bản. Phong tục tập quán này thể hiện rất rõ nét đối với các khu vực, các bản vùng cao như: Khu vực các bản người H’Mông, xã Tri Lễ; các bản thuộc xã Nậm Nhóng, Cắm Muộn, Nậm Giải …. Các khu vực rừng đầu nguồn khe suối được bảo vệ tốt và được quy ước là khu vực bảo vệ chung của cộng đồng. Các cộng đồng ý thức rất rõ vai trò của rừng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống của người dân miên núi. Những quan điểm, tập tục văn hoá tâm linh về thờ thần núi, thần rừng từ đó được hình thành.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Quế Phong, những kiến thức bản địa trong công tác bảo vệ rừng ở mỗi vùng cũng có những nét khác biết, tuỳ thuộc vào địa phương và nhóm dân tộc. Vì vậy, kiến thức bản địa của mỗi dân tộc, mỗi vùng trên địa bàn về bảo vệ rừng cũng có những khác biệt nhất định. Mỗi vùng, mỗi nhóm dân tộc họ có những quy định riêng trong việc quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ở huyện Quế Phong, hầu hết các thôn bản đều có những quy ước, hương ước của thôn bản về công tác quản lý bảo vệ rừng. Đây là một trong những sản phẩm được kết hợp giữa kiến thức, phong tục, văn hoá bản địa của người dân với kiến thức hiện đại. Dưới sự hướng dẫn của lực lượng Kiểm Lâm, các thôn bản đã xây dựng các quy ước, hương ước dựa trên quy định của pháp luật áp dụng vào thực tiễn của thôn bản với sự kết hợp hài hoà của kiến thức, phong tục, văn hoá bản địa. Các quy ước, hương ước vẫn còn tồn tại và được điều chỉnh, bổ sung hàng năm ở nhiều thôn bản.

1.2. Kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt và khai thác

a) Trồng cây Quế Quỳ

Cây Quế Quỳ được xem là một trong những cây đặc hữu và biểu tượng đặc trưng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Đây là giống Quế cho lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt hơn rất nhiều so với các giống Quế khác ở các vùng sinh thai khác của Việt Nam như: huyện Trà Mi, tỉnh Quảng Nam hoặc vùng Yên Bái. Cây Quế Quỳ đã gắn bó với người dân địa phương từ thời xa xưa và được sử dụng như một vị thuốc. Ngày nay, Quế được xem như một loài cây đa mục đích trong hệ thống cây trồng của ngành Lâm nghiệp. Hiện nay, giống Quế Quỳ trong tự nhiên rất hiếm gặp, vì vậy việc gieo trồng loài cây này trong cộng đồng vừa có tác dụng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có tác dụng bảo tồn nguồn gen quý hiếm này.

Hiện nay, phong trào trồng rừng, phát triển rừng ở các huyện miền núi nói chung và huyện Quế Phong nói riêng đang phát triển mạnh mẽ, nhiều cây trồng mới được đưa vào để trồng rừng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân Quế Phong vẫn rất thích trồng cây Quế Quỳ. Kinh nghiệm về trồng, sử dụng cây Quế Quỳ là một trong những kinh nghiệm quý giá cần được duy trì và phát huy. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu dược liệu quan trọng chế xuất các sản phẩm tinh dầu quan trọng phục vụ cho nhu cầu đời sống con người.

b) Trồng và phục hồi cây Lùng

Cùng với cây Quế Quỳ, cây Lùng đã trở thành loài cây đặc hữu, biểu tương cho vùng đất Quế Phong và có ý nghĩa rất lớn đối với thu nhập của người dân trên địa bàn. Cây Lùng phân bố ở phạm vi sinh thái rất hẹp (vùng núi của Nghệ An và Thanh Hoá).

Ở Nghệ An, cây Lùng chỉ xuất hiện ở một số xã của huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Tuy nhiên, hiện nay Diện tích rừng Lùng tự nhiên lớn nhất chỉ còn ở xã Thông Thụ và Đồng Văn của huyện Quế Phong. Để duy trì được diện tích rừng Lùng này, người dân đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc khai thác, sử dụng bên vững. Cụ thể: Người dân không được phép khai thác cây Lùng trong thời gian sinh trưởng của Măng; Lượng khai thác tối đa không quá 1/3 số lượng cây …. Những kinh nghiệm này có giá trị rất lớn đối với việc duy trì và phát triển diện tích rừng Lùng, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu bền vững cho nhu cầu của thị trường.

c) Kinh nghiệm sử dụng, trồng và khai thác các loài cây dược liệu

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quế Phong từ lâu đã biết khai thác và sử dụng cây thuốc có nguồn gốc trong rừng tự nhiên để phục vụ cho việc bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh trong cộng đồng. Nhiều loài cây dược liệu quý đã được sử dụng, nhiều bài thuốc dân gian hay đã được lưu truyền và vẫn có tác dụng tốt đến ngày nay. Nhiều loài cây rừng thuộc nhiều dạng sống như: cây gỗ, cây bụi, dây leo, thân thảo… đã được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Nhiều bài thuốc hay chữa các bệnh như: chữa gãy xương, chữa thoái hoá khớp xương; chữa đau bụng, đầy hơi; chữa đau bụng, kiết lỵ; chữa rắn cắn; chữa đau đầu, sốt rét … đã được lưu truyền trong các cộng đồng. Kiến thức sử dụng các loài cây thuốc của cồng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong rất phong phú. Tuy nhiên, do sự phát triển của Y học hiện đại, nên giá trị, vai trò của những bài thuốc dân gian này đang bị suy giảm. Trong các thôn bản chỉ có một số ít người già có kinh nghiệm trong việc sử dung các loài cây dược liệu để chữa bênh. Đây là vấn đề cần quan tâm để duy trì, phát huy các bài thuốc hay, kinh nghiệm quý của những bài thuốc dân gian.

Người dân địa phương có kinh nghiệm rất nhiều về các loài cây thuốc và có kinh nghiệm khai thác bền vững để duy trì, bảo tồn các loài dược liệu này. Khi khai thác các loài cây này, người dân chỉ khai thác một phần không khai thác triệt để cây tiếp tục phát triển bền vững.

Ngoài việc sử dụng các cây dược liệu trong tự nhiên, người dân ở các thôn bản đã biết trồng các loài cây dược liệu như: Bon bo, Đẳng sâm, Ba kích tím, Mú từn, Chè hoa vàng, Sâm …. Các loài dược liệu này đã được trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Ngoài các loài cây này, một số loài cây dược liệu khác đã được người dân đưa từ rừng tự nhiện về trồng rải rác quanh vườn nhà. Những kinh nghiệm của người dân rất cần để nghiên cứu để phát triển các loài cây dược liệu trên địa phương.

d) Trồng cây ăn quả và cây nông nghiệp

Với điều kiện khí hậu của vùng Quế Phòng, nhiều loài cây trồng nông nghiệp, cây ăn quả đặc trưng đã được người dân trồng và duy trì qua các thế hệ, tạo nên những kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng.

- Giống nếp nương (Nọi Cày): Giống nếp nương truyền thống của người dân vùng cao Quế Phong được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đặc biệt là ở các khu vực như: Tri Lễ, Nâm Giải, Nâm Nhoong … Đây là giống nếp cho chất lượng, năng suất cao với hương thơm đặc trưng và dẻo. Từ kinh nghiệm thực tiễn, người dân đã dần thuần hoá để trồng cả trên các nương rẩy và xuống các cánh đồng. Ngày nay, các công đồng đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.

- Trồng dưa nại: Người dân H’Mông ở xã Tri Lễ đã có kinh nghiệm trong việc trồng, phát triển cây Dưa nại với chất lượng cao. Từ kinh nghiệm của người H’Mông xã Tri Lễ, người dân Thái ở xã Nậm Giải đã học tập phát triển cây Dưa nại trên đất Nâm giải.

- Trồng cây Khoai Sọ: Cây Khoai sọ đã gắn bó với người dân H’Mông xã Tri Lễ từ lâu, trở thành một sản phẩm đặc trưng của vùng. Người dân H’Mông đã có nhiều kinh nghiệm trồng và phát triển loại cây này theo hướng hàng hoá. Những năm gần đây, người Thái xã Nâm Giải đã phát triển thành công cây Khoai Sọ ở khu vực Piềng Lâng. Theo Kinh nghiệm của người dân, cây Khoai sọ chỉ phát triển tốt ở vùng có khi hậu mát quanh năm, nơi đất xốp, thoát nước.

- Trồng cây Đào: Người dân công đồng H’Mông của xã Tri Lễ đã trồng và phát triển cây Đào trở thành cây đặc sản của vùng. Với kinh nghiệm của mình, người dân đã trồng và phát triển cây Đào trên đất nương rẫy, đất vườn và trở thành nguồn thu nhập chính cho họ hàng năm.

1.3. Kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi

- Chăn nuôi Gà đen của người H’Mông: Giống Gà den là giống gà truyền thống của người H’Mông cho thịt ngon, thơm rất khác biệt so với giống gà thông thường và được xem như một nguồn gen quý cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, đến nay giống gà này chỉ mới phát triển vùng người H’Mông của xã Tri Lễ với kiến thức kinh nghiệm của người H’Mông, các nỗ lực để mở rộng vùng chăn nuôi vẫn chưa thành công.

- Chăn nuôi gà Ri, gà Cồ của người Thái: các giống Gà ri đã được người Thái nuôi từ lâu đời, cho thịt thơm ngon, chất lượng. Giống gà có trọng lượng nhỏ (lớn nhất 1-1,5kg/con). Kết hợp kinh nghiệm bản địa và tiến bộ khoa học, nhiều hộ gia đình đã phát triển thành trang trại, chăn nuôi với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường.

- Vịt Bầu: Đây là giống vịt đặc sản của vùng Quỳ Châu, Quế Phong với chất lượng thịt thơm ngon, trọng lượng khi trưởng thành lớn hơn so với giống vịt thường. Với những kinh nghiệm chăn nuôi của mình, nhiều hộ gia đình người Thái đã phát triển, mở rộng đàn thành hình thức hàng hoá.

1.4. Vận dụng kiến thức bản địa vào quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

a) Vận dụng kiến thức bản địa vào quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Các kiến thức bản địa trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của công đồng dân tộc thiểu số ở huyện Quế Phong là những kinh nghiệm được đúc rút và trải qua nhiều thế hệ thông qua thực tiễn sản xuất. Đó là những hiểu biết về các loài cây, các loài động vật trong rừng, kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi, chu kỳ của thời tiết và những đặc điểm khác của tự nhiên.

Đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, kiến thức bản địa của người dân thực sự phát huy hiệu quả, như các kiến thức về sử dụng đất trong trồng trọt, nhận biết các loại cây rừng, động vật rừng, nhận biết các loài cây dược liệu kiến thức về khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng một cách bền vững. Đây là một nhân tố thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương.

Hiện nay, các công đồng dân bản trên địa bàn huyện Quế Phong đã tham gia tích cực các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với BQL khu BTTN Pù Hoạt. 100% thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng theo các chính sách, chương trình của Nhà nước, cùng tham gia tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR . Tham gia các chương trình dự án trồng trừng, trồng Quế và trồng dược liệu dưới tán rừng để bảo tồn giá trị đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội để giảm áp lực vào rừng.

b) Xây dựng các mô hình trồng rừng và dược liệu ở Quế Phong.

- Mô hình trồng Quế Quỳ: Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen Quế Quỳ tại huyện Quế Phong” do BQL Khu BTTN Pù Hoạt triển khai, người dân các thôn bản trên địa bàn 09 xã đã thực hiện trồng được gần 300ha rừng Quế, bước đầu đã cho thu nhập từ thu hoạch cành, lá.

- Mô hình trồng Bon bo dưới tán rừng: BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với các dự án hỗ trợ người dân các xã: Nậm Nhoong, Nâm Giải trồng và phát triển cây Bon Bo dưới tán rừng. Mô hình phát huy hiệu quả và mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

- Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: trồng Đẳng sâm ở xã Thông Thụ; trồng Mú Từn ở xã Tiền Phong; trồng Ba Kích ở xã Đồng Văn đã được triển khai với sự tham gia tích cực của người dân.

- Mô hình trồng cây Khoai Sọ đã được trồng thử nghiệm ở bản Piềng Lâng, xã Nậm Giải bước đầu đã cho thấy sự thành công và đang được người dân tiếp tục mở rộng.

- Mô hình trồng thử nghiệm cây Sâm bố chính ở xã Nậm Giải bước đầu cho thấy triển vọng sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhượng của địa phương.

II. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

2.1. Giải pháp gìn giữ và phát huy kiến thức bản địa vào công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu BTTN Pù Hoạt

Các giá trị kiến thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quế Phong đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cần phải được gìn giữ và phổ biến sâu rộng trong cộng đồng. Cần có các dự án độc lập hoặc lồng ghép với các dự án phát triển khác để nghiên cứu, đánh giá và bảo tồn giá trị của các kiến thức bản địa của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Quế Phong về một số lĩnh vực:

- Nghiên cứu các kinh nghiệm về bảo tồn các giống vật nuôi đặc hữu của vùng như: Vịt Bầu, Già Đen, Gà Ri Nậm Giải và Gà cồ Hạnh Dịch.

- Nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trong cộng đồng, có hình thức bảo vệ phát triển các loài cây thuốc trong tự nhiên cũng như thử nghiệm gây trồng trong vườn nhà.

- Nghiên cứu văn hoá truyền thống của người Thái, người Hmong gắn với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Bảo tồn các giá trị văn hoá của người Thái, người Hmong gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Rà soát, bổ sung và xây dựng lại quy ước bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở các công đồng thôn bản, từ đó có thể nhân rộng sang các cộng đồng khác ở các địa phương khác.

2.2. Kiến nghị và đề xuất

Các kiến thức bản địa của công đông các dân tộc thiểu số ở Quế Phong rất phong phú, đa dạng và có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này trên địa bàn huyện Quế Phong còn ít được quan tâm và chưa có nhiều chương trình, dự án để phát triển những kiến thức bản địa này phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói riêng và phổ biến, áp dung cho các địa phương khác nói chung.

Để phát huy tốt hơn các giá trị kiến thức, kinh nghiệm bản địa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong, chúng tôi đề xuất một số vấn đề phục vụ cho công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa ban như sau:

- Hỗ trợ BQL khu BTTN Pù Hoạt xây dựng và triển khai các Dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, kiến thức bản địa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong để phục vụ cho công tác QLBVR và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Hỗ trợ các nghiên cứu, đánh giá tổng thể về giá trị kiến thức bản địa của các cộng động dân tộc thiểu số huyện Quế Phong để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng.

- Hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài cây, giống con đặc sản trên địa bàn huyện Quế Phong trên cơ sở áp dụng hài hoà khoa học kỹ thuật với kiến thức bản địa.

- Hỗ trợ nghiên cứu sự phụ thuộc cũng như tác động của người dân, cộng đồng vào tài nguyên rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt

lên đầu trang