Đa dạng Sinh học của Khu BTTN Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

PHO

 Khu BTTN Pù Hoạt là một trong 03 vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Miền tây Nghệ An; là một trong những Khu Bảo tồn thiên nhiên có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với tổng diện tích quản lý là 86.414,38 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây được xem là khu vực còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chiụ tác động của con người, đại diện cho kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Khu BTTN Pù Hoạt được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều loài động vật mới được phát hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX trong khu vực này như: Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis), Mang lớn trường sơn (Muntiacus truongsonnensis) .... Khu BTTN Pù Hoạt được phân bố ở dọc biên giới Việt - Lào trên những sườn núi thấp đến núi cao với đỉnh cao nhất là đỉnh Pù Hoạt (2.457m). Cánh cung Pù Hoạt được xem như là điểm giao thoa của các luồng thực vật Himalaya - Vân Nam - Quý Châu, Ấn Độ - Mianma, Malaisia -Indonesia với Đông Nam Á nên thành phần thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài đặc hữu quý hiếm như: Sa mu dầu, Pơ Mu, Kim Giao….. Trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có nhiều nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài gen quý hiếm.

1. Đa dạng về thảm thực vật

Thảm thực vật tại Khu BTTN Pù Hoạt được chia thành các kiểu rừng chính như sau:

- Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi cao hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim: Kiểu rừng này thường phân bố ở đai cao trên 1.600 m của các khối núi chính là: Pù Hoạt, Pù Pha Lông, Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ và một phần nhỏ ở biên giới phía Bắc giáp huyện Thường Xuân - Thanh Hóa. Kiểu rừng này phần lớn nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn cho nên ít bị tác động, tính nguyên sinh còn cao. Trong kiểu rừng này xuất hiện các loài thực vật Hạt trần như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mu dầu (Cunninghamia konishii), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Kim giao (Nageia wallichiana), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Thông lông gà (Podocarpus imbricatus).... hầu hết là những loài đã được đề nghị xếp vào danh sách những loài cần được ưu tiên bảo tồn. Loài ưu thế trong kiểu rừng này là các loài trong họ: Giẻ (Fagaceae), Long não (Lauraceae), Mộc lan (Magnoliaceae), Hoàng đàn (Cupressaceae), Kim giao (Podocarpaceae), Thích (Aceraceae), Dầu (Dipterocarpaceae)...

- Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình: Kiểu rừng này phân bố ở độ cao 800 - 1.500 m, tập trung ở các sườn núi từ các tiểu khu giáp tỉnh Thanh Hóa, sông Chu cho tới sườn Pù Pha Nhà, Pù Cà Mạ, Pù Pha Lâng và phía Đông núi Pù Hoạt. Các loài đặc trưng trong kiểu rừng này như: Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), Giổi (Michelia balansae), Re hương (Cinnamomum parthenoxylon), Sao Hải nam (Hopea hainanensis), Trám trắng (Canarium album), Nhọc (Polyanthia lanii), Giẻ lá tre (Quercus bambusaefolia), Chò chỉ (Shorea chinensis) - Re gừng (Cinnamomum iners) - Trâm (Syzygium odoratum), Máu chó (Knema pierrei), Dung (Symplocos lancifolia)…..

- Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp: Kiểu rừng này phân bố ở độ cao dưới 800 m. Các loài thực vật chiếm ưu thế ở đây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), Mua (Melastomaceae), Xoan (Meliaceae), Cà phê (Rubiaceae), Bồ hòn (Sapindaceae), Dầu (Dipterocarpaceae), Long não (Lauraceae)…

- Rừng kín thường xanh lá rộng mưa mùa trên núi đá vôi (kiểu phụ này nằm trong vành đai rừng lá rộng thường xanh núi thấp dưới 800 m, phát triển trên núi đá vôi, phân bố ở xã Thông Thụ phía Bắc sông Chu và một diện tích nhỏ rải rác ở Pù Pha Nhà và Pù Ca Tũn) và một kiểu phụ rừng lùn (ở độ cao trên 2.300 m của đỉnh Pù Hoạt).

2. Đa dạng về hệ sinh vật

2.1. Đa dạng thực vật rừng

- Đa dạng về bậc nghành: Hệ sinh thái rừng Khu BTTN Pù Hoạt ít nhiều đã bị tác động của con người. Tuy nhiên, thực vật rừng tại đây vẫn rất đa dạng và phong phú. Từ kết quả các công trình nghiên cứu cho thấy, hệ thực vật Khu BTTN Pù Hoạt đã xác định được 2.425 loài và dưới loài (2.367 loài và 58 đơn vị dưới loài) thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch là: Khuyết lá thông (Psilotophyta), Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Equisetophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta).

Bảng 01. Phân bố của các bậc taxon ở Khu BTTN Pù Hoạt

Khu hệ thực vật của Khu BTTN Pù Hoạt rất phong phú, đa dạng với sự có mặt của tất cả các ngành thực vật. Trong đó, các Taxon chủ yếu tập trung trong ngành Ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta) với số lượng loài và dưới loài chiếm 88,49% tổng số loài và dưới loài của cả hệ thực vật, số lượng chi chiếm 88,70% tổng số chi của cả hệ thực vật, số lượng họ chiếm 81,25% tổng số họ của cả hệ thực vật. Tiếp đến là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có số loài và dưới loài là 233 chiếm 9,61% tổng số loài và dưới loài thực vật của cả hệ, thuộc 83 chi chiếm 9,38% tổng số chi thực vật của cả hệ, 27 họ chiếm 12,98% tổng số họ thực vật của cả hệ thực vật. Các ngành còn lại là Khuyết lá thông (Psilotophyta), Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Equisetophyta) chiếm tỷ lệ không đáng kể về số lượng họ, chi loài. Đặc biệt, trong ngành Thông có 10 loài quý hiếm như: Pơ mu (Forkienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepis), Tuế lược (Cycas pectinata), Hoàn đàn giả (Dacrydium elatum), Kim giao (Nageia fleuryi), Thông núi (Nageia wallichiana), Sam bông sọc trắng (Amentotaxus chinensis), Sa mu dầu (Cunninghamia konishii), Du sam núi đất (Keteleeria evelyniana Mast.), Dẻ tùng Vân Nam (Amentotaxus yunnanensis H.L.Li).

Sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật ở Khu BTTN Pù Hoạt ngoài yếu tố bản địa, thì vị trí địa lý thuận lợi đã tạo nên sự du nhập dễ dàng của nhiều luồng thực vật từ các vùng khác nhau. Đó là luồng thực vật Hymalaya - Vân Nam - Quý Châu di cư xuống với các loài đại diện trong ngành Thông (Pinophyta) và các loài lá rộng rụng lá. Luồng thực vật Malaysia - Indonesia từ phía Nam di chuyển lên với các đại diện thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae). Luồng thực vật India - Myanmar từ phía Tây di cư sang với các đại diện thuộc họ Tử vi (Lythraceae), Bàng (Combretaceae).

Không chỉ đa dạng về thành phần loài, tại Khu BTTN Pù Hoạt còn thể hiện sự đa dạng trong giá trị sử dụng của các loài thực vật, đa số các loài trong nhóm này đều là thực vật quý hiếm, có giá trị về kinh tế, sinh thái, cũng như văn hóa của các đồng bào dân tộc tại địa phương. Theo kết quả nghiên cứu về thực vật Một lá mầm (Monocotylendons) tại Khu BTTN Pù Hoạt đã xác đinh được 432 loài, trong đó có 283 loài đã xác định được giá trị sử dụng chiếm 65,51% tổng số loài. Cụ thể: nhóm cây làm thuốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 197 loài chiếm 45,60% tổng số loài; tiếp đến là nhóm cây làm cảnh với 94 loài chiếm 21,76% tổng số loài; nhóm cây cho tinh dầu với 38 loài chiếm 8,08%; nhóm cây ăn được với 48 loài chiếm 11,11%; nhóm cây làm thức ăn gia súc với 35 loài chiếm 8,10%; các nhóm cây đan lát, làm gia vị, lấy gỗ, cây cho sợi chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Thành phần và số lượng các loài thực vật quý, hiếm của Khu BTTN Pù Hoạt khá cao, ít nhất đến nay đã thống kê, ghi nhận được 130 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong đó: có 112 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 25 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ (2019) và 15 loài trong IUCN (2017).

Bảng 02. Phân bố của các loài thực vật theo các mức độ bị đe dọa

 

2.2. Đa dạng động vật rừng

Khu BTTN Pù Hoạt mới được thành lập nên các nghiên cứu về khu hệ động vật chưa được tiến hành nhiều chỉ ở mức điều tra, khảo sát nên chưa đánh giá đầy đủ về giá trị đa dạng sinh học của khu hệ động vật của vùng. Tuy vậy, những nghiên cứu bước đầu cũng đã cho thấy được tiềm năng đa dạng về động vật của Khu BTTN Pù Hoạt rất lớn.

Kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thống kê, hệ động vật của Khu BTTN Pù Hoạt có 1.315 loài thuộc 221 họ, 56 bộ. So với một số VQG và Khu BTTN khác trong cả nước, khu hệ động vật của Khu BTTN Pù Hoạt được đánh giá là khu vực có tính đa dạng cao. Khu hệ động vật của Khu BTTN Pù Hoạt mang tính chất đặc trưng của Khu hệ động vật vùng Bắc Trung bộ Việt Nam. Đặc biệt là sự có mặt của một số loài đặc hữu của Việt Nam, một số loài có phạm vi phân bố hẹp, hiện được thế giới đặc biệt quan tâm.

Bảng 03. Tổng hợp tài nguyên động vật Khu BTTN Pù Hoạt

Qua kết quả trên cho thấy Khu BTTN Pù Hoạt có hệ động vật khá phong phú về thành phần loài, đặc biệt lớp thú tại Pù Hoạt có mặt đầy đủ các bộ trong lớp thú (12/12 bộ) với số lượng loài chiếm 50% so với cả nước. Điều đặc biệt là, khu hệ động vật Khu BTTN Pù Hoạt có tính đa dạng các yếu tố đặc hữu cao. Trong số đó có những loài đặc trưng như : Chào Vao (Sus bucculenus), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Chà vá chân nâu (Pygatherix nemaeus), Vượn má vàng (Hylobates leucogenys), Voọc xám (Trachypithecus phayrei), Thỏ vằn (Nesolagus temminsii), Cầy vằn (Chrotogale owstoni), Trĩ sao (Rheinardia ocellate), Khướu mỏ dài (Jaboulleia danjoui).

Thành phần và số lượng loài động vật quý hiếm của Khu BTTN Pù Hoạt khá cao, ít nhất đến nay ghi nhận có 91 loài đã ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (2007), 123 loài ghi nhận trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, 110 loài ghi nhận trong danh lục IUCN (2021). Điều đặc biệt quan trọng là quần thể một số loài thú và chim đang có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng cao ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn xuất hiện ở Khu BTTN Pù Hoạt như: Sao la (Pseudoyx nghetinhensis), Mang Trường Sơn(Megamuntiacus vuquangensis), Thỏ vằn (Nesolagus temminsii), Cầy Vằn (Chrotogale owstoni), Gấu chó (Ursus malayanus), Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Trĩ sao (Rheinardia ocellate).

Bảng 04. Phân bố của các loài động vật theo các mức độ bị đe dọa

3. Một số giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Pù Hoạt trong thời gian tới

Khu BTTN Pù Hoạt là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Việc bảo tồn và pháp huy các giá trị đa dạng sinh học đang được đặt ra như là một nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của Khu BTTN Pù Hoạt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong thời gian tới Khu BTTN Pù Hoạt đã xác định một số giải pháp trong tâm như sau:

1. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; bảo vệ nguyên vẹn hiệng trạng tài nguyên rừng tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của Khu BTTN Pù Hoạt. Thông qua đó bảo vệ môi trường sống của các loài động thực vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao.

Xác định rõ các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, những khu vực có phấn bố các loài động thực vật quý, hiếm và những vùng có tính nhạy cảm, dễ bị tác động để có sự ưu tiên trong công tác bảo vệ, bảo tồn loài như: sắp xếp hợp lý, bố trí tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí các Trạm QLBVR; xây dựng các chương trình giám sát, điều tra, nghiên cứu ….

2. Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản để cũng cố, bổ sung các cơ sở dữ liệu khoa học, đồng thời đánh giá đầy đủ các giá trị đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

3. Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để tổ chức sản xuất, nhân giống đối với các loài quý hiếm, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế kết hợp với bảo tồn các nguồn gen; nghiên cứu, áp dụng kho học, kỹ thuật để phục hồi lại rừng, làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng bằng các loài cây bản địa, cây có giá trị kinh tế cao, các cây quý hiếm để bảo tồn nguồn gen.

4. Chủ động phối hợp với các tổ chức nghiên cứu, các trường Đại học trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này ... Bên cạnh đó cần quan tâm các nghiên cứu ứng dụng các giá trị đa dạng sinh học để phục vụ cho đời sống con người và cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

5. Xây dựng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Đặc biệt xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên sâu, có khả năng độc lập trong nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, chú trọng đạo tạo, tập huấn chuyên sâu về những kiến thực về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

Khu BTTN Pù Hoạt mới chỉ thành lập được 10 năm, chưa có nhiều các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu và hệ thống về đa dạng sinh học, nhưng kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy khu hệ động, thực vật của Pù Hoạt có tính độc đáo cao và rất phong phú, đa dạng về số lượng loài cũng như giá trị bảo tồn với góp mặt của nhiều loài quý hiếm và nguy cấp cần được ưu tiên bảo tồn. Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học sẽ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra cho đơn vị; đòi hỏi Tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức của Khu Bảo tồn phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện các giải pháp cần thiết bảo tồn, phát triển các giá trị đa dạng sinh học vốn có của mình. Trước mắt, Khu BTTN Pù Hoạt đang có những khó khăn nhất định trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng với sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ban ngành liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của UBND huyện và sự quyết tâm của Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức thì công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học sẽ đạt được những kết quả khả quan, góp phần quan trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.

Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt

lên đầu trang