Rừng đặc dụng Pù Hoạt, 10 năm chặng đường phát triển

PHO
Khu BTTN Pù Hoạt có tính đa dạng sinh học cao, hiện nay đã phát hiện được 763 loài thực vật. Trong 763 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 427 chi và 124 họ có 30 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt nam

 1) Tài nguyên rừng, đa dạng sinh học của rừng đặc dụng Pù Hoạt:

Rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên (Khu BTTN) Pù Hoạt nằm trong ranh giới hành chính của 5 xã thuộc huyện Quế Phong (Thông Thụ, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Nậm Giải và Tri Lễ), dọc theo biên giới Việt - Lào với chiều dài 47 km, giáp huyện Thường Xuân - Thanh Hóa với chiều dài 25 km.

Rừng đặc dụng của Khu BTTN Pù Hoạt chạy theo hướng từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Bề ngang rộng nhất là phía Bắc sông Chu (25km), nơi hẹp nhất là ở giữa và phía Nam (12km) bao gồm một phần núi cao và núi trung bình. Độ cao trung bình của các đỉnh núi trong khu bảo tồn là từ 800- 1400m, các đỉnh cao nhất tập trung ở phía núi Pù Hoạt - Pu Nha Lâng (phía Nam khu bảo tồn). Các hệ suối xâm thực giật lùi về phía Tây với dòng chảy mạnh, sườn núi dốc và hiểm trở. Ba hệ suối ở độ cao 150m với 3 đường phân thuỷ ở độ cao trên 1.500 m đã tạo nên sự hiểm trở, đi lại khó khăn từ Bắc đến Nam khu bảo tồn.

Địa hình Pù Hoạt hiểm trở với các đỉnh núi cao, đỉnh núi cao nhất là đỉnh Pù Hoạt 2.452m (Là một trong những ngọn núi cao nhất dãy núi Trường Sơn Bắc). Trong khu bảo tồn có 3 hệ thống sông suối chính chảy ra là: Sông Chu, Nậm Việc và Nậm Giải. Đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước và hạn chế lũ lụt của vùng đồng bằng Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An.

Về mặt khoa học đây là vùng đầu của cánh cung Pù Hoạt hình thành và tồn tại trong kỷ Permien (Kỷ cuối cùng của đại cổ sinh) cách đây chừng 252 triệu năm. Pù Hoạt là phần còn lại cánh cánh cung này và cũng đang còn giữ lại được các mẫu rừng điển hình của Bắc Trung Bộ và của vùng núi cao với các loài thực vật cổ còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên do tác động của con người nó đã và đang bị suy thoái ở nhiều nơi.

Pù Hoạt đang bảo tồn được một diện tích rừng nguyên sinh và rừng rất ít bị tác động. Pù Hoạt cũng là phần còn lại của cánh cung Pù Hoạt - Hải Nam còn bảo tồn nhiều loài thực vật hạt trần của thời kỳ đó, các thực vật cổ được gọi là các loài Tàn Di như: Pơ Mu, Bách Xanh .Và ở đây đặc biệt đã phát hiện được các quần thể loài Sa Mu quý hiếm với kích thước cực kỳ to lớn phản ánh ngoại mạo của các khu rừng lá kim cổ xưa mà nó đã biến mất về cơ bản trên toàn trái đất.

Rừng đặc dụng Pù Hoạt được chia thành 3 kiểu chính:

* Rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới núi cao, hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim: Kiểu rừng này ít bị tác động, tính nguyên sinh còn cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim có một số loài với kích thước lớn nhưng mật độ và sinh khối không vượt quá 30%. Các loài cây chiếm ưu thế của rừng này là: Re, Chắp, Bời Lời, Kháo, Cà ổi, Dẻ, Lá Tre, Thích, Côm, Trám, Mây Châu, Tô Hạp ... .

* Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình: Phân bố ở độ cao từ 800 m đến 1.500 m, trải rộng khắp vùng sườn núi từ các tiểu khu giáp Thanh Hóa, sông Chu cho tới sườn Pu Pha Nha, Pu Cao Mạ và phía đông núi Pù Hoạt. Kiểu rừng này cũng còn giữ được tính nguyên sinh về cơ bản, đôi chỗ bị làm nương rẫy với từng đám nhỏ. Thực vật chiếm ưu thế sinh thái là cây lá rộng, sinh trưởng tốt với các loài tiêu biểu là các họ: Sau Sau, Dẻ, Sồi, Re, Dầu, Hồng Xiêm, Xoan, Bồ Hòn. Cây lá kim có Thông Nàng, Kim Giao rải rác trên sườn dông và rất dốc. Rừng chia làm 4 tầng trong đó tầng vút tán ở đây không phải là các cây lá kim như kiểu trên mà là các loài Chò chỉ, Sến Mật ... .

* Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đồi núi thấp: Phân bố ở độ cao dưới 800m, trên đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá Granit, Sa phiến thạch, tầng đất mỏng đã bị rửa trôi mạnh ở một số lớn diện tích. Thảm thực vật kiểu rừng này không đồng đều với nhiều họ và nhiều đại diện ưa sáng của các họ: Thầu Dầu, Sim, Xoan, Dâu Tằm, Cánh Bướm, Vang, thị Re, Dẻ, Côm ... Rừng chia 3 tầng, tầng ưu thế sinh thái tạo thành tán rộng với các loài điển hình: Chẹo, Bứa, Vạng, Lim Xẹt, Mọ, Muồng, Đa, Ngát ... .

Khu BTTN Pù Hoạt có tính đa dạng sinh học cao, hiện nay đã phát hiện được 763 loài thực vật. Trong 763 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 427 chi và 124 họ có 30 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt nam trong đó có những loài có giá trị đáng chú ý như: Sến Mật, Trai, Táu Mật, Chò Chỉ, Tô Hạp ... . Thực vật hạt trần bước đầu đã khảo sát được 7 loài thì có 4 loài quý hiếm: Pơ Mu (Fokienia Hodginsii), Kim Giao (Nagenia Fleuryi), Sa Mu (Cunninghamia Konishii), Bách Xanh ( Calocedrus macrolepis Kurz).

Điều đáng quan tâm là những quần thể Sa Mu phát hiện ở Pù Hoạt gồm những cây có đường kính rất lớn, đường kính trung bình là 1,5m, chiều cao trung bình 45 m. Trong khu bảo tồn còn một số cây với D> 2 m, Ha > 50 m, trong số đó có một số ít cây Sa Mu có D1.3 = 2,8 m và Hvn= 50 m. Với chiều cao và đường kính này thì Sa Mu ở Pù Hoạt là loài cây to lớn nhất trong rừng tự nhiên, là biểu tượng không chỉ riêng cho Pù Hoạt mà cho cả toàn bộ Sa Mu Việt Nam.

Khu hệ động vật của Pù Hoạt thuộc khu hệ động vật Bắc Trường Sơn. Về cấu trúc và thành phần loài nó gần gũi với khu hệ động vật Tây Bắc Việt Nam. hiện tại đã điều tra được 295 loài động vật có xương sống thuộc 4 lớp: Thú có 67 loài, Chim có 176 loài, Bò sát có 35 loài, Lưỡng cư có 17 loài. Đáng kể là các loài động vật quý hiếm như: Voi, Voọc Xám, Hổ, Báo Hoa Mai, Báo Gấm, Gà Tiền mặt vàng, Gà Lôi Trắng, Công, Niệc Hung...

Lớp thú và chim có các loài đặc trưng cho cả 2 khu hệ là: Bò Tót, Voọc xám, Sóc, cầy và các loài chim trong họ Khiếu. Bước đầu đã phát hiện được 45 loài thú chiếm 25% tổng số loài thú của toàn quốc. Thành phần loài chim và thú ghi nhận được ở đây tương đương với các khu Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát và hơn hẳn khu BTTN Pù Huống, Vườn quốc gia Bến En, Bạch Mã, Ba Vì ... .

Trong quá trình điều tra, các nhà khảo sát đã thu thập được một số mẫu vật lạ của loài Mang Nhỏ đây là một loài thú mới ở Việt Nam và được đặt tên là: Muntiacus PuHoattensis.

Về Voi (Elephan Maximus): Các đàn Voi của Pù Hoạt thường xuyên di chuyển qua lại với khu bảo tồn Nậm Xam của tỉnh Hửa Phan (Lào) và huyện Thường Xuân - Thanh Hóa.

Khu hệ chim đã ghi nhận được 176 loài, các loài tiêu biểu và quý hiếm đã gặp ở Pù Hoạt như: Gà Tiền Mặt Vàng, Gà Lôi Trắng, Công, Hồng Hoàng, Cao Cát Bụng Trắng.

Về Bò Sát: Ghi nhận được 8 loài quý hiếm: Rùa Núi Viền, Rùa Hộp Trán Vàng, Rùa Đầu To, Rùa Đất, Hổ Mang, Hổ Mang Chúa, Trăn Đất, Trăn Gấm...

2) Tính đúng đắn trong việc chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt:

Rừng đặc dụng Pù Hoạt là một phần của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận, có diện tích hơn 36 ngàn ha. Trước tháng 4 năm 2013 toàn bộ diện tích rừng đặc dụng giao cho hạt Kiểm lâm Quế Phong và chính quyền địa phương các xã phối hợp quản lý.

Ban QL rừng PH Quế Phong (Tiền thân của Ban QL Khu BTTN Pù Hoạt) được thành lập theo Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 14/2/2003 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chuyển đổi lâm trường Phú Phương thuộc Công ty lâm nông nghiệp sông Hiếu thành Ban QL rừng PH Quế Phong. Ban QL rừng PH Quế Phong được giao quản lý bảo vệ và xây dựng rừng trên 54 ngàn ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn 8 xã Đồng Văn, Cắm Muộn, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ. Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đều nằm kề cận khu rừng đặc dụng Pù Hoạt vì vậy nếu quản lý bảo vệ tốt các khu rừng phòng hộ thì rừng đặc dụng Pù Hoạt cũng được bảo vệ.

Từ thực trạng tài nguyên rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Quế Phong nói chung Ban QL rừng PH Quế Phong nói riêng, vai trò vị trí của rừng đặc dụng Pù Hoạt và các khu rừng phòng hộ ngày 2/4/2013 UBND tỉnh Nghệ An đạ ra Quyết định số 1109/QĐ-UBND chuyển đổi Ban QL rừng PH Quế Phong thành Ban QL Khu BTTN Pù Hoạt. Ban QL Khu BTTN Pù Hoạt được giao quản lý bảo vệ và xây dựng rừng với 90.741 ha đất lâm nghiệp (Rừng đặc dụng 36.226 ha, rừng phòng hộ 54.475 ha) thuộc địa bàn 8 xã Đồng Văn, Cắm Muộn, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ.

Đến nay, quan 10 năm hoạt động Ban QL Khu BTTN Pù Hoạt đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua chương trình, dự án. Công tác quản lý bảo vệ và xây dựng rừng đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng như Kiểm lâm huyện, Bộ đội Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương các xã. Chính vì vậy, trong những năm qua đã hạn chế được nạn khai thác rừng trái phép, đốt nương làm rẫy sai quy hoạch. Thông qua công tác giao khoán thực hiện các nhiệm vụ lâm sinh hàng năm đã từng bước làm đổi thay về nhận thức, về ứng dụng khoa học kỹ thuật và đặc biệt là tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân sống gần các khu rừng đặng dụng, phòng hộ. Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng việc chuyển đổi Ban QL rừng PH Quế Phong thành Ban QL Khu BTTN Pù Hoạt là phù hợp và kịp thời để quản lý bảo vệ và xây dựng rừng đặc dụng Pù Hoạt một cách bền vững.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do phần lớn diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Ban QL Khu BTTN Pù Hoạt đều tiếp giáp với biên giới Việt - Lào, tỉnh Thanh Hóa, các huyện trong tỉnh nên điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn. Việc thực hiện tái định cư cho các hộ dân nằm trong lưu vực các lòng hồ thuỷ điện (Đặc biệt là Tái định cư thủy điện Hủa Na), khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và cần phải có sự quan tâm của các cấp ngành liên quan ở Trung ương và tỉnh.

Nguồn tin: Nguyễn Cảnh Cẩn - Trưởng đoàn ĐTQH lâm nghiệp Nghệ An

lên đầu trang