Hiện tượng chết "khuy" của cây Lùng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao tại huyện Quế Phong

PHO

Thực hiện phương án QLBVR và PCCCR năm 2025 của BQL Khu BTTN Pù Hoạt; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 20/3/2025 của UBND tỉnh Nghệ An về tăng cường quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2025. Thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm và các Trạm QLBVR tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc kết hợp với việc xác định trọng điểm cháy. Qua quá trình kiểm tra cho thấy, trên diện tích rừng được giao cho BQL Khu BTTN Pù Hoạt quản lý có rất nhiều diện tích rừng nứa, lùng bị chết “Khuy” tự nhiên, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Diện tích cây Lùng chết “Khuy” diễn ra đồng loạt, trên diện rộng, liền vùng, liền khoảnh đang gây ra nguy cơ xẩy ra cháy rừng trên diện rộng. Diện tích này tập trung chủ yếu tại rừng phòng hộ và rừng sản xuất của vùng đệm thuộc địa bàn các xã: Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn. Đây là vùng sinh thái phát triển tập trung của cây Lùng.

Diện tích cây Lùng chết “Khuy” xẩy ra nghiêm trọng nhất tại các tiểu khu gồm: 5, 9, 10, 11, 22, 41, 48 dọc tuyến Biên giới Việt - Lào thuộc địa giới hành chính xã Thông Thụ. Cây Lùng trên diện tích rừng này đang trong giai đoạn ra hoa và có dấu hiệu chết đồng loạt. Mặt khác, qua kiểm tra, khu vực biên giới thì phía bên nước bạn Lào, người dân đang có hoạt động phát nương làm rẫy. Các vị trị phát rẫy của người dân rất gần với đường biên giới của Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan rất cao, đặc biệt là vào thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2025.

Trước những khó khăn và thách thức nêu trên, lãnh đạo BQL Khu BTTN Pù Hoạt nhận định nguy cơ xẩy ra cháy rừng trên địa bàn rất cao, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm 2025. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu các nguy cơ cháy rừng nêu trên, thời gian qua BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể như sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các Trạm QLBVR trên địa bàn các xã: Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ tổ chức tổng kiểm tra, thống kê và khoanh vùng toàn bộ diện tích Nứa, Lùng chết khuy; xác định đây là những vùng trọng điểm cháy rừng và tập trung triển khai các biện pháp cần thiết theo phương án PCCCR năm 2025 để phòng ngừa, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất, phương tiện ứng cứu khi cháy rừng xẩy ra. Tổ chức họp BQL các thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn, phân công, bố trí lực lượng canh trực PCCCR ở các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là các tiểu khu có Nứa, Lùng chết khuy.

Hai là, Tăng cường phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ để nắm bắt tình hình, diễn biến trên địa bàn; thông qua nghiệp vụ ngoại biên của lực lượng Biên phòng để tuyên truyền, thông tin cho các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong công tác PCCCR; làm việc với BQL các bản Mường Phú, Mường Piệt xã Thông Thụ là cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng khu vực giáp Biên giới, thông qua việc thăm thân giữa Nhân dân 2 nước để trao đổi tình hình và tuyên truyền bà con Nhân dân Lào nâng cao ý thức PCCCR; trong thời điểm mùa đốt rẫy của Nhân dân Lào, thì phối hợp trao đổi thông tin và có biện pháp bảo vệ để tránh cháy lan qua biên giới (các bản Mương Phú, Mương Piệt kiết nghĩa với bản Nậm Táy nước Lào).

Ba là, Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng cho cộng đồng các bản vùng đệm, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không đốt nương rẫy, thực hiện các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng vào thời gian cao điểm nắng nóng.

Bốn là, Làm việc với BQL thôn bản được giao nhận khoán diện tích rừng trong các khu vực nêu trên để chủ động có phương án đề phòng cháy rừng, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xẩy ra; Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm Pù Hoạt và các cơ quan chức năng trên địa bàn để tổ chức canh trực tại cửa rừng vào những ngày nắng nóng để kiểm soát người vào rừng.

Hiện tượng chết “khuy” của cây Lùng trên địa bàn huyện Quế Phong là một hiện tượng tự nhiên, diễn ra trong chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây Lùng nói riêng và các loài thuộc Họ Tre trúc nói chung. Với diện tích lớn Nứa, Lùng trên địa bàn đang bị chết khuy đã tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng trên địa bàn, đặc biệt là những thời điểm nắng nóng kéo dài.

Nguyễn Văn Sinh

lên đầu trang