Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An. Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 82.417,24 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 09 xã, huyện Quế Phong. Diện tích rừng chủ yếu chủ yếu được phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với 73 km biên giới Việt – Lào, 63 km giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, 33 km tiếp giám với huyện Quỳ Châu và Tương Dương và hơn 400 km ranh giới tiếp giáp với rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Quế Phong quản lý. Vùng đệm của Khu BTTN Pù Hoạt có 9 xã với tổng số 74 thôn bản, trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới Việt – Lào; tổng dân số 47.609 nhân khẩu với thành phần dân tộc đa dạng bao gồm: Thái, Kinh, Khơ mú, Thổ và Hmông. Đời sống của Nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện sản xuất và thu nhập chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Vì vậy, đây là một áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đối với Khu BTTN Pù Hoạt.
Xác định được nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ổn định tình hình Quốc phòng - An ninh trên địa bàn, trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chất chiến lược, trong đó xác định phải làm tốt công tác Dân vận là một trong những giải pháp quan trọng, then chốt, bền vững, hiệu quả. Từ đó, đơn vị đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai sâu, rộng các mô hình “Dân vận khéo trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học” nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và tạo được sự hài hòa giữa quyền lợi của cộng đồng dân cư với Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Từ việc phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền đại phương để thực hiện tốt công tác Dân vận, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng trên địa bàn đã có những bước chuyển biến tích cực, diện tích rừng được giao quản lý dần đi vào ổn định, các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và săn bắt động vật rừng hoang dã trái pháp luật đã được kiểm soát; người dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng và có sinh kế bên vững trên cơ sở sống dựa vào rừng, nhưng không phá rừng. Đơn vị chỉ đạo các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm cụ thể hoá bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể.
Phối hợp cắm biển cảnh báo cháy rừng
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân: BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã xác định rõ để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thì trước hết phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân trong công đồng về rừng; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Vì vậy, hàng năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí các nguồn lực để phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện linh hoạt với nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện, trình độ dân trí của người dân trên địa bàn với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, đơn vị đã tổ chức được 2.456 cuộc hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn 09 xã vùng đệm của Khu BTTN Pù Hoạt với sự tham gia của trên 73.000 lượt người tham gia.
Tuyên truyền bảo tồn ĐDSH
Tuyên truyền bảo vệ rừng
Diễn tập PCCCR
Vận động người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra rừng: Để tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập chính đáng cho người dân từ nghề rừng, trong những năm qua, đơn vị đã tranh thủ các nguồn lực, các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho người dân và vận động người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Cùng với việc nhận khoán bảo vệ rừng, đơn vị đã tổ chức cho người dân cùng tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc. Thông qua các hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra rừng để người dân nhận thức rõ hơn về giá trị, nguồn lợi từ rừng mang lại, từ đó mọi người có trách nhiệm và tự nguyện để bảo vệ rừng. Hàng năm, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng hơn 65.000 ha cho 44 công đồng thôn bản với hơn 7.000 hộ gia đình tham gia. Trong giai đoạn 2018- 2022, đơn vị đã tổ chức 3.285 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn và tuần tra truy quét bảo vệ rừng tại gốc với sự tham gia của các hộ gia đình, BQL thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng. Trong giai đoạn 2018 - 2022, từ những nguồn tin báo của nhân dân, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt đã xử lý 99 vụ vi phạm mua bán vận chuyển, cất giữ trái phép lâm sản, tịch thu có 129,646 m3 gỗ các loại, 1,2 tấn lâm sản ngoài gỗ, 550 kg gốc gỗ các loại, 906 cây nứa lùng. Thu nộp Ngân sách Nhà nước số tiền 1.626.310.000 đồng (trong đó tiền phạt vi phạm hành chính là 496.950.000 đồng, tiền bán phát mại lâm sản là 1.129.360.000 đồng).
Phối hợp tuần tra bảo vệ rừng
Dân vận phát triển kinh tế: Từ việc thu hút các chương trình dự án đầu tư, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và áp dụng vào trong sản suất phát triển các cây trồng vật nuôi phù hợp từ đó nâng cao được năng xuất cây trông, vật nuôi góp phần phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân. Trong giai đoạn từ 2018 – 2022, đơn vị đã thực hiện việc thiết kế và chỉ đạo trồng tổng diện tích rừng tập trung là 354,91 ha, trong đó trồng rừng sản xuất bằng cây Quế Quỳ là 27,00 ha; trồng rừng gỗ lớn được 327,91 ha; xây dựng các mô hình trồng cây Dược liệu dưới tán rừng cho người dân; thực hiện 06 mô hình cải tạo vườn tạp; xây dựng mô hình trồng cây Khoai sọ tại 02 xã: Nậm Giải và Hạnh Dịch; hỗ trợ và hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây Lùng bền vững trên địa bàn xã Đồng Văn và Thông Thụ.... Thông qua việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và đầu tư phát triển sản xuất kinh kinh tế cây và con phù hợp, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, dần thay đổi tập quán trong sản xuất, nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi. Người dân đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng đối với việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, coi rừng của Khu BTTN Pù Hoạt như tài sản của mỗi gia đình cần phải bảo vệ, giữ gìn, góp phần phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương. Cộng đồng đã ý thức trong việc bảo tồn, phát huy, tự hào với giá trị văn hóa, bản sắc của dân tộc mình từ đó giáo dục thế hệ con cháu, thế hệ tương lai của đất nước bảo vệ tài sản của quốc gia.
Hướng dẫn người dân khai thác Lùng
Kiểm tra kết quả hỗ trợ Nhân dân thực hiện mô hình trồng Khoai sọ
Hỗ trợ và trồng cây ăn quả thực hiện mô hình hỗ trợ Nhân dân cải tạo vườn tạp
Ngoài các hoạt động nêu trên, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ công đồng vùng đệm thực hiện các nội dung trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 - 2022, đơn vị đã hỗ trợ 20 công trình như: Làm đường nông thôn, tu sửa nhà văn hoá cộng đồng, công trình nước sạch .... cho các công đồng vùng đệm góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và cải thiện đời sống sinh hoạt cho Nhân dân.
Hỗ trợ và giúp Nhân dân làm đường giao thông nông thôn
Với việc triển khai thực hiện tốt công tác dân vận trong quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, trong thời gian qua, diện tích rừng được giao cho BQL BTTN Pù Hoạt quản lý đã dần đi vào ổn định; các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép đã được kiểm soát chặt chẽ; ý thức trách nhiệm của người dân đã từng bước được nâng cao, tạo được động lực trong việc tham gia bảo vệ rừng, không có hiện tượng phá rừng làm nương rẫy, không có hiện tượng cháy rừng xẩy ra. Các vụ vi phạm đã được xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng không xảy ra trên địa bàn quản lý.
Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt