BQL Khu BTTN Pù Hoạt triển khai thực hiện tốt, hiệu quả, đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng

PHO
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đa dạng các hình thức tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, thời gian qua BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và phát triển tốt

Khu BTTN Pù Hoạt là một trong 03 vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển Miền tây Nghệ An; là một trong những khu Bảo tồn thiên nhiên có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với tổng diện tích quản lý là 85.761,43 ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã, thuộc khu vực phía Tây và Tây Bắc của huyện Quế Phong. Diện tích rừng chủ yếu chủ yếu được phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với 73 km biên giới Việt – Lào, 63 km với ranh giới tỉnh Thanh Hóa. Vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt có 9 xã với tổng số 74 thôn bản (sau khi sáp nhập), trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới Việt Lào. Đời sống của nhân dân trên địa bàn vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt còn gặp nhiều khó khăn.

 

Đỉnh Pù Hoạt - “nóc nhà” của vùng Bắc Trung bộ

Khu BTTN Pù Hoạt là khu vực ở Việt Nam còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chiụ tác động của con người và được xem như là đại diện của kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Khu BTTN Pù Hoạt được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều loài động vật mới được phát hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX trong khu vực này như: Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis), Mang lớn trường sơn (Muntiacus truongsonnensis) .... Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được phân bố ở dọc biên giới Việt - Lào trên những sườn núi thấp đến núi cao với đỉnh cao nhất là Pù Hoạt 2.457 m. Cánh cung Pù Hoạt được xem như là điểm giao thoa của các luồng thực vật Himalaya – Vân Nam Quý Châu, Ấn Độ - Mianma, Malaisia-Indonesia với Đông Nam Á nên thành phần thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài đặc hữu quý hiếm như: Sa mu dầu, Pơ Mu, Kim Giao….. Vì vậy, đây cũng được xem là một trong những khu vực cần ưu tiên bảo tồn giá trị đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện Quế Phong. Xác định được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng, trong thời gian qua, tập thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị đã không ngừng nổ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và đã đạt được kết nhiều quả đáng ghi nhận. Diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên đã được bảo vệ và phục hồi, phát triển tốt, hạn chế tối đa các hoạt động tiêu cực tác động trực tiếp, gián tiếp vào khu bảo tồn.

 

Tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho bà con nhân dân

Để đạt được những kết quả nêu trên, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được đơn vị đặc biệt quan tâm. Cụ thể, hàng năm BQL khu BTTN Pù Hoạt đã tích cực xây dựng và triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phổ biến Luật Lâm nghiệp, công tác PCCCR, công tác bảo tồn đa dạng sinh học; lồng ghép tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt thôn bản; tập huấn kỹ năng truyền thông bảo tồn ĐDSH cho đội ngũ giáo viên công tác và ban quản lý các thôn bản trên địa bàn; kết hợp phát các tờ rơi, poster có in nội dung tuyên truyền; xây dựng các bảng tuyên truyền, đóng các bảng nội quy, quy định tại các tuyến đường, khu vực giáp ranh với lâm phần đơn vị quản lý hoặc tại những khu vực có nhiều người dân thường đi qua; xây dựng các video, phóng sự tuyên truyền…. Cụ thể trong năm 2023, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã tổ chức 25 cuộc Hội nghị vùng đệm, 28 cuộc tập huấn bảo vệ rừng, 18 cuộc diễn tập bảo vệ rừng, 15 cuộc tuyên truyền PCCCR, 25 cuộc tuyên truyền bảo vệ rừng, 20 cuộc tuyên truyền chính sác chi trả DVMTR và thường xuyên lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp thôn bản tại 9 xã vùng đệm với hàng nghìn người tham gia; phát hơn 3.300 tờ rơi, hơn 300 poster và nhiều ấn phẩm tuyên truyền.

Cán bộ Kiểm lâm tới các hộ gia đình để tuyên truyền, phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ rừng

 

Triển khai dán các poster tuyên truyền về công tác BVR và bảo tồn đa dạng sinh học tại nhà công đồng các thôn bản

Phối hợp tổ chức tuyên truyền lưu đ

Đặc biệt trong năm 2023, đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách pháp luật từng bước ăn sâu vào đời sống của mỗi người dân. Điển hình BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với 12 trường, điểm trường TH & THCS đóng trên địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức vào vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho các em học sinh. Đây là một hoạt động khá mới mẻ, tập trung vào đối tượng học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng nơi các em sinh sống. Song song với hoạt động sinh hoạt ngoại khóa trong trường học, BQL Khu BTTN Pù Hoạt tiếp tục mở các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông cho đội ngũ giáo viên cộng tác và cán bộ ban quản lý các thôn bản. Trên cơ sở những kiến thức và kỹ năng được tiếp thu sau đợt tập huấn, các giáo viên cộng tác, Ban quản lý thôn bản có thể độc lập xây dựng và thực hiện các hoạt động giáo dục môi trường phù hợp với khả năng và điều kiện của từng đơn vị.

 

Tổ chức Truyền thông giáo dục môi trường rừng tại trường học

 

Tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên công tác và cán bộ BQL thôn bản

Bên cạnh đó, hàng năm BQL Khu BTTN Pù Hoạt thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế ĐDSH, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất… bằng những hành động thiết thực, hiệu quả như thu gom rác thải trên địa bàn; phát động và duy trì các phong trào: Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh; thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

 

Tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (05/6/2023)

Có thể nói, công tác tuyên truyền vận động có một vai trò cực kỳ quan trọng trong tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong đó có lĩnh vực bảo vệ rừng. Chính việc đổi mới, đa dạng hoá phương pháp và hình thức tuyên truyền nên trong những năm gần đây đã góp phần hạn chế đáng kể các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Hình ảnh cán bộ công chức của lực lượng kiểm lâm ngày càng trở nên gần gũi, và tạo được sự đồng thuận của xã hội để cùng nhau đưa công tác bảo vệ rừng đi vào nền nếp và ổn định.

Trần Hồng Biển - Phòng Khoa học và HTQT

lên đầu trang