Hiệu quả kinh doanh từ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

PHO
Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Theo Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt số liệu hiện trạng rừng năm 2014, thì toàn tỉnh có 1.166.060,27 ha đất lâm nghiệp (chiếm 70,72% diện tích tự nhiên), trong đó diện tích rừng tự nhiên là 737.762,72 ha, diện tích rừng trồng là 166.880,17 ha, diện tích chưa có rừng 261.417,38 ha, đây là một tiềm năng lớn về đất đai để phát triển rừng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.

 • Trong những năm gần đây gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các dự án đầu tư, sản xuất lâm nghiệp đã thu được những thành quả đáng kể. Người dân đã thực sự quan tâm và phát triển nghề rừng đặc biệt là công tác trồng rừng. Mặc dù vậy diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chủ yếu áp dụng phương thức trồng kinh doanh gỗ nhỏ, nguyên liệu giấy, dăm gỗ với chu kỳ từ 5-7 năm theo hình thức quảng canh là chủ yếu. Do việc khai thác sớm rừng trồng nên năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp. Bên cạnh đó các mô hình trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế với diện tích còn ít, vì vậy sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là gỗ nhỏ phục vụ cho chế biến dăm gỗ và nguyên liệu giấy, còn sản lượng gỗ lớn chiếm rất ít (chỉ đạt từ 12-18%) nên chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong địa bàn tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung.

 

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, cung cấp cho các nhà máy và làng nghề chế biến gỗ trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 3060/UBND-NN ngày 13/5/2014 về việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng giai đoạn 2014-2020 phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

Hiện nay, Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệpđã phối hợp với UBND các huyện, thị và các chủ rừng trên địa bàn tiến hành điều tra, khảo sát, tổng hợp các số liệu liên quan và xây dựng Quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 với quy mô dự kiến khoảng 150.000 ha, trong đó: diện tích trồng mới để kinh doanh gỗ lớn dự kiến 72.000 ha; diện tích chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn 20.000 ha; diện tích trồng lại để kinh doanh gỗ lớn 58.000 ha.

 

Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất… góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được nhiều mô hình thí điểm khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế.

Rừng trồng gỗ lớn tại Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu.

Theo quan điểm của các chủ rừng, phát triển gỗ nhỏ (5 – 7 năm) đem lại hiệu quả kinh tế do có nguồn thu nhanh hơn, có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp, thay vì chỉ nhận một lần thu nhập nếu phát triển gỗ lớn. Hơn nữa, thu hoạch từ rừng chồi cũng được người trồng rừng cho là hiệu quả hơn so với chờ khai thác gỗ lớn. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra tại các chủ rừng trên địa bàn tỉnh nếu bán gỗ dăm hoặc gỗ nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt khoảng 1,0 triệu đồng/tấn (khoảng 1,2 m3), nhưng nếu bán gỗ lớn, đường kính đầu nhỏ càng cao giá trị càng lớn (ĐK 15cm giá 1,1-1,2 triệu đồng/m3; ĐK 25 – 30 cm khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/m3; ĐK trên 35cm khoảng 3 triệu đồng/m3)… từ đó cho thấy phương án gỗ lớn có hiệu quả cao hơn so với phát triển rừng gỗ nhỏ. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu cho biết, 1ha rừng keo trồng 12 năm có trữ lượng lớn, sản lượng gỗ ước đạt 250m3/ha, trị giá 400 triệu đồng. Trong khi đó, một chu kỳ khai thác rừng trồng keo gỗ nhỏ (bình quân 6 năm sẽ khai thác) chỉ đạt sản lượng 80-100m3, trị giá 70-80 triệu đồng. Việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn.

 

Lợi ích kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn cao, nhưng hiện nay đa số chủ rừng lại lựa chọn mô hình rừng gỗ nhỏ thay vì rừng gỗ lớn. Nguyên nhân do đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn. Do có thu nhập thấp nên nhiều người trồng rừng cũng khó đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Nếu tiếp cận được vốn vay, thì khoản vay cũng thấp hơn nhu cầu đầu tư, thời hạn vay ngắn hơn so với chu kỳ kinh doanh rừng, lãi suất cao… Điều này khiến họ phải khai thác gỗ khi đáp ứng được yêu cầu băm dăm và làm bột giấy để có thể trả lãi, vốn vay từ ngân hàng hoặc vay tư nhân.

 

Để phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong điều kiện hiện nay cần phải chú trọng công tác quy hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ về đất đai, khoa học kỹ thuật, lâm sinh và quản lý tổ chức sản xuất đến việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Ngoài ra cần triển khai thực hiện hiệu quả mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn kết hợp với kinh doanh nguyên liệu giấy, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất. Đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn.

 Ngô Trí Đạt - Phòng KHTC

Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Toàn – Phó Phòng KHTC Sở NN & PTNT

lên đầu trang