Thúc đẩy hợp tác nhằm bảo tồn hiệu quả loài Vượn đen má trắng và các loài nguy cấp ở vùng cảnh quan Xuân Liên – Pù Hoạt

PHO
Ngày 30 tháng 11 năm 2020, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp với hai khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và Pù Hoạt tổ chức cuộc họp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ở vùng cảnh quan bảo tồn Xuân Liên-Pù Hoạt, trong đó tập trung cho bảo tồn vượn và các loài động, thực vật nguy cấp.

 Tại buổi họp, ông Lã Quang Trung – Điều phối viên bảo tồn của CCD đã trình bày kết quả điều tra, giám sát Vượn đen má trắng tại Xuân Liên và Pù Hoạt trong giai đoạn 2019 – 2020; chia sẻ các bài học kinh nghiệm tốt về quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các loài nguy cấp; thúc đẩy việc phối hợp giữa hai khu bảo tồn trong tuần tra, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh; và định hướng lập kế hoạch bảo tồn loài Vượn đen má trắng và các loài động, thực vật nguy cấp khác ở vùng cảnh quan Xuân Liên – Pù Hoạt.

Trong hai năm 2019 và 2020, CCD đã thực hiện giám sát thường xuyên tại các điểm nghe cố định ở Xuân Liên, thiết lập và điều tra mới tại 31 điểm nghe ở Pù Hoạt. Kết quả giám sát ở Xuân Liên đã ghi nhận được có ít nhất 42 đàn với 111 cá thể tại 11 điểm nghe (so với 19 đàn với 56 cá thể trong giai đoạn 2011-2012). Điều này cho thấy quần thể vượn ở Xuân Liên đã tăng theo chiều hướng tích cực thông qua sự gia tăng cả về số đàn vượn và số lượng cá thể vượn so với số liệu điều tra giai đoạn 2011 – 2012. Nếu tính cả số lượng vượn ở 07 điểm nghe chưa được giám sát, quần thể vượn ở Xuân Liên có ít nhất là 64 đàn với 182 cá thể so với 41 đàn và 127 cá thể cách đây gần 10 năm. Sự gia tăng về số lượng các cá thể và các đàn Vượn đen má trắng là sự minh chứng tốt cho nỗ lực quản lý và bảo vệ của khu bảo tồn cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Tại Pù Hoạt, kết quả điều tra của CCD đã ghi nhận được 67 đàn với 161 cá thể vượn đen má trắng. Đây là số liệu đầy đủ và cũng là chi tiết nhất về quần thể vượn đen má trắng ở Pù Hoạt cho đến nay. Tổng số vượn đen má trắng ở vùng cảnh quan Xuân Liên – Pù Hoạt qua hoạt động điều tra và giám sát này thì, ít nhất có 131 đàn với 343 cá thể vượn đã được ghi nhận. Kết quả này khẳng định thêm một lần nữa giá trị bảo tồn cũng như tầm quan trọng của vùng cảnh quan Xuân Liên – Pù Hoạt đối với loài vượn đen má trắng. Có lẽ đây là vùng phân bố và bảo tồn quan trọng nhất cho loài vượn cực kỳ nguy cấp này. Mối đe dọa chính đối với vượn đen má trắng vẫn là săn bắn. Ngoài ra, việc phát triển một số thủy điện mới (ví dụ thủy điện Nậm Xâm) cũng là một mối đe dọa lâu dài vì đập thủy điện sẽ làm mất rừng, tăng khả năng xâm nhập và làm chia cắt vùng sống của vượn.

Tại hội thảo, CCD cũng chia sẻ một số kinh nghiệm tốt và bài học thành công về hợp tác bảo tồn vượn ở một số khu vực như việc thiết lập cơ chế hợp tác xuyên biên giới giữa Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao vít Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam với Khu bảo tồn Bang Lượng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; và việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý khu bảo tồn, theo dõi diễn biến rừng, các tác động tới tài nguyên theo thời gian thực.

Dựa trên các kết quả đạt được trong 2 năm thực hiện dự án và các mối đe dọa cũng như vấn đề bảo tồn và quản lý đã xác định được, CCD đã đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả bảo tồn giữa 2 khu bảo tồn trong thời gian tới bao gồm: (i) tiếp tục giám sát vượn ở các điểm nghe cố định đã xác lập nhằm theo dõi diễn biến quần thể; (ii) tiếp tục điều tra ở các khu vực còn trống thông tin ở Pù Hoạt gồm các vùng giáp Lào và khu vực giáp đỉnh Pù Gió; (iii) tăng cường truy quét các hoạt động săn, bẫy bắt thú rừng trái phép ở vùng giáp ranh với rừng phòng hộ và Khu bảo tồn Pù Hoạt; (iv) đẩy mạnh truyền thông cộng đồng về bảo vệ rừng và động vật hoang dã; (v) Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin thường xuyên giữa hai khu bảo tồn nhằm có các biện pháp quản lý và tuần tra phù hợp nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi.

Vượn đen má trắng (tên khoa học là Nomascus leucogenys) là loài linh trưởng được xếp vào nhóm Cực kỳ nguy cấp (CR) vì có nguy cơ tuyệt chủng rất cao (theo Danh lục đỏ của IUCN năm 2020). Trước kia, loài này phân bố ở phía Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía Bắc của Lào và phía Tây Bắc đến Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Năm 2013, loài này đã được xác nhận là đã tuyệt chủng ở Trung Quốc, trong khi đó không có thông tin về quần thể ở Lào. Mất rừng, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã làm suy giảm và thậm chí làm tuyệt chủng nhiều quần thể vượn đen má trắng ở một số vùng rừng của Việt Nam, Trung Lào và Nam Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Vượn đen má trắng trước kia được ghi nhận từ Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến Pù Huống (phía Bắc sông Cả / sông Lam). Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, loài này chỉ còn ghi nhận được ở Pù Huống, Pù Hoạt – Xuân Liên, một số khu vực nhỏ ở Sơn La (chỉ còn vài cá thể) và Mường Nhé, Điện Biên.

 

Ảnh 1: Ông Nguyễn Mạnh Hà – GĐ CCD trình bày ý kiến tại cuộc họp

Ảnh 2: Ông Lã Quang Trung – đại điện CCD, trình bày các kết quả nghiên cứu và giám sát vượn tại Xuân Liên và Pù Hoạt. Ảnh: CCD

 

Ảnh 3: Ông Ngô Xuân Thắng-PGĐ KBTTN Xuân Liên nêu ý kiến trong cuộc họp. Ảnh: CCD

Ảnh 4: Ông Nguyễn Văn Hiếu-PGĐ KBTTN Pù Hoạt phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: CCD

Nguồn: TRUNG TÂM BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ PHÁT TRIỂN

Tổng hợp: NVC

lên đầu trang