Hành trình phát triển Ngành Lâm nghiệp Việt Nam
Ngành Lâm nghiệp Việt Nam ra đời từ rất sớm trong lịch sử cách mạng. Vào ngày 14 tháng 11 năm 1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông, đây là cơ quan của Chính phủ được giao quản lý ngành Lâm chính của nước ta trong suốt thời kỳ kháng chiến – kiến quốc. sau đó, vào ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký xác lệnh số 69 xác nhận đưa cơ quan Lâm chính trong toàn cõi Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Canh nông. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông bao gồm các ngành: Trồng trọt, chăn nuôi (thú y), lâm nghiệp, nuôi cá, khẩu khoán, tín dụng nông thôn.
Năm 1955, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết đổi tên Bộ Canh nông thành Bộ Nông lâm, chịu trách nhiệm quản lý 2 lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp.
Năm 1960, hệ thống các Nông - Lâm trường được hình thành, phát triển dưới sự quản lý của Bộ Nông lâm.
Cuối 4/1960, Hội đồng Bộ trưởng đã họp, thảo luận và ra Nghị quyết, đề nghị Quyết định tách Bộ Nông lâm thành 4 tổ chức gồm: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp. Ngày 28/4/1960, Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Thời kỳ 1963-1964, Chính phủ đã Quyết định thành lập thêm 3 Cục quản lý chuyên ngành mới trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó có Cục Bảo vệ Lâm nghiệp. Đến thời kỳ 1971- 1975, chuyển Cục Bảo vệ Lâm nghiệp thành Cục Kiểm lâm nhân dân (Cục Kiểm lâm ngày nay).
Trước ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, ngành Lâm nghiệp nước ta có ba cơ quan quản lý trực thuộc khác nhau đó là: Tổng cục Lâm nghiệp ở Hà Nội, là cơ quan trực thuộc Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ ở thành phố Đà Nẵng, trực thộc Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Trung Bộ; Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam tại Sài Gòn, trực thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa IV, đã phê duyệt thành phần Hội đồng Chính phủ, trong Hội đồng Chính phủ có Bộ Lâm nghiệp. Toàn bộ cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp ở Hà Nội, Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ và Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, đều đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Lâm nghiệp.
Từ ngày 3/10 – 28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm và Bộ Thủy lợi. Ngày 31/7/2007, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã Quyết định hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT).
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2017/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp là tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý nhà nước, tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp trong phạm vi cả nước, tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Ý Nghĩa Ngày Lâm nghiệp Việt Nam
Ngày 28 tháng 11 hàng năm là dịp để cả nước cùng nhau kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển ngành lâm nghiệp, ngành đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế và văn hóa cho đất nước.
Đây không chỉ là dịp để nhìn lại những thành quả đã đạt được mà còn là dịp để vinh danh những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Lâm nghiệp trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, phát triển rừng trồng và khai thác lâm sản bền vững. Ngày này còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với môi trường và cuộc sống con người. Rừng không chỉ là nơi cung cấp gỗ, lâm sản mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ nguồn nước, ngăn ngừa lũ lụt, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Bởi vậy, Ngày Lâm nghiệp Việt Nam trở thành một dịp quan trọng để kêu gọi sự chung tay của toàn dân trong công tác bảo vệ rừng và phát triển bền vững.
Năm 2024 là dịp kỷ niệm 79 năm thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam (1/12/1945 – 1/12/2024), trong suốt gần 8 thập kỷ qua, ngành lâm nghiệp đã có những bước tiến dài, từ việc quản lý và bảo vệ các khu rừng nguyên sinh, đến việc phát triển bền vững các mô hình kinh tế lâm nghiệp, đồng thời đóng góp vào chiến lược phát triển quốc gia về bảo vệ tài nguyên rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xanh.
Những Thành Tựu Nổi Bật của Ngành Lâm Nghiệp
Từ những ngày đầu thành lập, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc phục hồi và bảo vệ rừng sau chiến tranh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, công nhân viên trong ngành, lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào:
Tăng trưởng diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng: Việt Nam đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong việc phục hồi diện tích rừng. Từ một đất nước có tỷ lệ che phủ rừng thấp vào những năm 1990, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt trên 42%, một trong những mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng: Hệ sinh thái rừng Việt Nam ngày càng được bảo vệ và phát triển mạnh mẽ. Các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu rừng đặc dụng đã và đang phát huy tác dụng lớn trong việc bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, góp phần duy trì đa dạng sinh học.
Ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật: Ngành lâm nghiệp Việt Nam không ngừng nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc cải thiện giống cây rừng, nâng cao năng suất lâm sản, và phát triển các mô hình kinh tế rừng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: Rừng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp gỗ, lâm sản mà còn là yếu tố then chốt trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ngành Lâm nghiệp đã và đang thực hiện các dự án trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
Những Thách Thức
Dù đạt được nhiều thành tựu, ngành Lâm nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là tình trạng phá rừng trái phép, khai thác gỗ không bền vững, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng rừng và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn đối với ngành, khi các cơn bão, hạn hán và lũ lụt ngày càng trở nên khó lường và khốc liệt hơn.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững còn nhiều hạn chế. Các hoạt động lâm nghiệp cần phải gắn liền với lợi ích của người dân địa phương, nhằm duy trì sự phát triển bền vững của rừng và cộng đồng.
Chúc mừng Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 và kính chúc ngành Lâm nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh!
Trần Hồng Biển