Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) là một loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học. Ở Việt Nam hiện nay, Sa mu dầu đã được ghi nhận phân bố trong rừng tự nhiên với số lượng không nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều nhất là tại Nghệ An (Khu BTTN Pù Hoạt). Trong tự nhiên, Sa mu dầu chỉ xuất hiện ở các khu vực đai cao trong kiểu rừng kín hỗn giao cây lá rộng với lá kim ẩm nhiệt đới và á ẩm nhiệt đới.
Trong những thập kỷ qua, cùng với khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác động của con người ở các khu rừng nhiệt đới đã làm suy thoái nghiêm trọng môi trường sống tự nhiên của loài C. konishii. Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu khoa học trước đây của của Đài Loan được công bố đều khẳng định: Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) là một loài đặc hữu của đất nước Đài Loan phân bố ở độ cao trên 800m. Vì vậy, việc nghiên cứu và bảo tồn loài Sa mu dầu ở Việt Nam đang là một vấn đề cấp thiết đặt ra cho giới khoa học trong ngành Lâm nghiệp cũng như các đia phương nơi có loài phân bố.
Nhận thức được tầm quan trong đó, trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường Đại học đã có những công trình điều tra, nghiên cứu về loài Sa mu dầu. Các đề tài đã tập trung điều tra, nghiên cứu phân bố, đặc điểm sinh thái và đánh giá khả năng tái sinh…. của loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) ở Khu BTTN Pù Hoạt để làm cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển loài đặc hữu, quý hiếm này.
Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu với việc áp dụng các phương pháp khác nhau như: Điều tra thực địa, phân tích qua các ảnh vệ tinh …. Đã phát hiện và xác định được tổng số lượng cá thể Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) hiện có tại Khu BTTN Pù Hoạt khoảng 2.097 cá thể. Trong đó, có 1,404 cá thể Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) đã được xác định vị trí và đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng trực tiếp ở ngoài thực địa; 693 cá thể Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) đã được xác định vị trí, tọa độ phân bố thông qua phân tích dữ liệu từ ảnh vệ tinh, đây là những cá thể được phân bố ở các khu vực hiểm trở, các nhà điều tra, nghiên cứu chưa thể tiếp cận được.
Ở Khu BTTN Pù Hoạt, loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) có giải phân bố tương đối rộng so với các loài cây lá kim khác trong khu vực, nhưng gián đoạn, tạo thành những quần thể Sa mu dầu gần như thuần loài và thường xuất hiện ở độ cao từ 1.219 –1.851m so với mực nước biển. Loài Sa mu dầu thường xuất hiện trong kiểu rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá kim - lá rộng núi trung bình và núi cao á ẩm nhiệt đới.
Tại Khu BTTN Pù Hoạt, loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) đã ghi nhận phân bố chủ yếu tại các khu vực thuộc địa giới hành chính của các xã: Hạnh Dịch (931 cá thể), Nậm Giải (780 cá thể) Tri Lễ (341 cá thể), dọc theo các tuyến giáp ranh với biên giới Việt Nam - Lào. Ở khu vực thuộc địa giới hành chính của xã Thông Thụ chỉ mới phát hiện được 45 cá thể, phân bố dọc theo tuyến giáp ranh với Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Các khu vực khác như khu vực Đồng Văn, Cắm Muộn và Na Khích chưa bắt gặp và ghi nhận thấy Sa mu dầu phân bố.
Số lượng cá thể Sa mu dầu đã điều tra, nghiên cứu và ghi nhận tại Khu BTTN Pù Hoạt đều là những cây đã trưởng thành, có kích thước rất lớn. Chiều cao vút ngọn trung bình: 31,47m, độ biến động của chiều cao vút ngọn 7,20m; Đường kính ngang ngực trung bình: 1,22 m, độ biến động của đường kính ngang ngực: 0,67 m. Số lượng cá thể Sa mộc dầu tập trung nhiều tại cỡ kính từ 1 -1,5m có 483 chiếm tỷ lệ khoảng 36% tổng số cả thể điều tra được.
Chiều cao tập trung ở cấp từ 30 -35m chiếm tỷ lệ khoảng 24% tổng số cá thể điều tra được. Có thể do đã quá tuổi thành thục nên nhiều cây có kích thước lớn thường đã bị rỗng ruột (bộng). Trong các quần thể Sa mu dầu đã được điều tra, nghiên cứu hầu hết chỉ phát hiện cây trưởng thành, rất ít gặp cây tái sinh hoặc cây nhỏ.
Qua kết quả của các công trình điều tra, nghiên cứu về loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) đã được tiến hành tại Khu BTTN Pù Hoạt cho thấy, tình hình tái sinh của Sa mu dầu rất kém. Tỷ lệ cây con tái sinh có triển vọng trong rừng rất thấp. Đây là một vấn đề và là một thách thức lớn đang đặt ra trong công tác bảo tồn loài cây quý hiếm này. Trong quá trình điều tra, nghiên cứu chỉ bắt gặp cây con Sa mu dầu tái sinh ở các khu vực sườn dốc đất sạt lở và hầu như không có tầng gỗ hoặc cây bụi. Số lượng cây tái sinh ở giai đoạn cây mạ rất lớn, nhưng hầu như ít khi bắt gặp cây tái sinh có triển vọng (cây cao 0,5 – 1,5 m).
Khu vực có Sa mu dầu phân bố, thành phần loài cây đi kèm thường xuyên xuất hiện các loài thực vật như: Dẻ gai ấn độ, Giổi đá, Sồi dẻ, Dẻ lá đào, Dung chè, Cà lồ, Dẻ cau, Tô hạp, Re xanh, Vải thiều rừng ...; tầng cây tái sinh: Hồng quang, Mắc niễng, Re Côm, Mạ sưa, Phân mã, Re xanh, Sồi dẻ, Súm, Vối thuốc ...; tầng cây bụi thảm tươi: Ráng tây sơn, Cỏ ba cạnh, Dương xỉ thân gỗ, Lãnh công, Mua bà, Cỏ lá tre, Hàm ếch, Dây cậm cang, Dây củ mỡ, Dương xỉ thân gỗ ..., đây là những loài thường xuyên mọc cùng Sa mu dầu và giữa chúng có mối quan hệ nhất định.
Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) là loài gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, nhưng chủ yếu phân bố dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào. Bên kia biên giới của nước bạn Lào, rừng gần như đã bị các bản làng người H’mông (Lào) tàn phá để canh tác nương rẫy. Mặt khác, hiện nay gỗ của loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) đang rất được ưa chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế (chủ yếu là Đài Loan và Trung Quốc) với mục đích tâm linh (gỗ Ngọc Am). Vì vậy, các quần thể Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) tại Khu BTTN Pù Hoạt đang phải đối diện với rất nhiều mối đe doạ tác động của con người.
Qua các dữ liệu khoa học và kết quả nghiên cứu cho thấy loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) là một trong những loài thực vật quý hiếm ở Việt Nam nói chung và Khu BTTN Pù Hoạt nói riêng. Tuy nhiên, do số lượng cá thể trong tự nhiên còn rất ít, khả năng tái sinh rất kém và đang chịu nhiều áp lực tác động của con người từ ngoài vào. Vì vậy, nếu chúng ta không sớm có những giải pháp hữu hiệu và có những hành động cần thiết, cấp bách để bảo vệ, bảo tồn thì nguy cơ tuyệt chủng của loài cây quy hiếm này trong tự nhiên là một điều hiễn hữu.
Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt