BQL Khu BTTN Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT đóng quân trên địa bàn huyện Quế Phong. Đơn vị được giao quản lý 88 tiểu khu với tổng diện tích 85.257,29 ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã phía Tây và Tây Bắc huyện Quế Phong, thuộc một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghê An. Diện tích rừng được giao quản lý rất lớn, chủ yếu nằm ở vị trí vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với 73 km biên giới Việt - Lào, 63 km với ranh giới tỉnh Thanh Hóa. Vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt có 9 xã với tổng số 74 thôn bản, trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới Việt Lào. Đời sống của nhân dân trên địa bàn vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt còn gặp nhiều khó khăn.
Tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho bà con Nhân dân
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trính trị được giao, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ổn định tình hình Quốc phòng - An ninh trên địa bàn. Trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tập trung thực hiện một số nội dung chiến lược quan trọng sau:
- Một là: Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Sở ban ngành cấp tỉnh, đặc biệt là Sở NN&PTNT Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Huyện uỷ và UBND huyện Quế Phong; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị chức năng, cấp uỷ và chính quyền, Nhân dân các xã trên địa bàn để thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng.
- Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
- Ba là: Xây dựng các mô hình phát triển nghề rừng, tạo lập sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đồng thời có sự chia sẽ lợi ích từ rừng cho công đồng dân cư địa phương, nhằm gắn chặt giữa quyền lợi với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của công đồng địa phương với rừng.
BQL Khu BTTN Pù Hoạt ký quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Quế Phong
Từ chủ trương, định hướng chiến lược nêu trên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2023, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã xác định việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng: Công an, Quân sự, Kiểm lâm huyện, Biên phòng, Chủ rừng và Chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn là giải pháp hết sức quan trọng, quyết định cho sự thành công trong công tác QLBVR và PCCCR. Kết quả triển khai cụ thể các hoạt động như sau:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: BQL Khu BTTN Pù hoạt đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác QLBVR và PCCCR với các đơn vị chức năng trên địa bàn huyện Quế Phong và với UBND các xã vùng đệm, đặc biệt là Quy chế phối hợp với các Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn, Quy chế phối hợp với Hạt Kiểm Lâm huyện và Công an huyện. Trên cơ sở quy chế phối hợp, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung phối hợp theo quy định, thường xuyên có trao đổi thông tin, họp giao ban để báo cáo tình hình liên quan đến lĩnh vực phối hợp; Chỉ đạo các trạm QLBVR đã chủ động tham mưu cho UBND xã tổ chức phối hợp các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ QLBVR và PCCCR trên địa bàn; Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giao ban định kỳ theo quy chế; tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết Quy chế và sửa đổi, bổ sung kịp thời các nội dung chưa phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Phối hợp với lực lượng Biên phòng và Nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng
- Công tác phối hợp thực hiện truyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR: Thực hiện nội dung quy chế, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho quần chúng Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Cụ thể: Năm 2023, đơn vị đã tổ chức được 407 cuộc tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với 20.350 lượt người tham gia; phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn và cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt phong trào Dân vận khéo để vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật, nắm tình hình bảo vệ rừng qua thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, công tác phối hợp để nắm bắt tình hình về an ninh rừng khu vực vùng biên giới Việt – Lào; các khu vực vùng giáp ranh với tỉnh Thanh Hoá. Thông qua nghiệp vụ của các Đồn biên phòng trên địa bàn để phối hợp với lực lương biên phòng, chính quyền địa phương huyện Mườm Quắm và Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào để nắm bắt thông tin, tình hình và tuyên truyền cho người dân Lào sống ở vùng biên không xâm lấn, tiếp tay cho các hoạt động khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã trên đất Việt Nam.
- Công tác phối hợp tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm trong công tác QLBVR: Trong 2023, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức 925 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn có sự tham gia của các hộ gia đình và các thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng. Theo quy chế phối hợp, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã thường xuyên phối hợp với lực lượng bộ đội Biên phòng thuộc các Đồn Biên phòng: Tri Lễ, Hạnh Dịch, Thông Thụ, dân quân tự vệ công an các xã sở tại và người dân ở các thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra diện tích rừng dọc tuyến biên giới Việt - Lào kết hợp với kiểm tra tình hình an ninh khu vực biên giới và các dấu hiệu đường biên, cột mốc. Năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các Đồn Biên phòng tổ chức 36 cuộc tuần tra, kiểm tra khép mốc dọc biên giới Việt - Lào. Từ các thông tin phản ánh của nhân dân trên địa bàn cung cấp và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trên địa bàn, năm 2023, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phát hiện và xử lý 07 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tịch thu 1,451m3 gỗ các loại. Xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 36.500.000 đồng.
Nhờ việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các lực lượng: Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Biên phòng, Chủ rừng và Chính quyền địa phương, năm 2023, công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR được thực hiện tốt, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trong vùng quản lý được kiểm soát chặt chẽ, ý thức trách nhiệm của người dân, của chính quyền địa phương từng bước được nâng cao, tạo được động lực trong việc tham gia bảo vệ rừng, không có hiện tượng phá rừng làm nương rẫy, không có hiện tượng cháy rừng xẩy ra. Các vụ vi phạm đã được xử lý kịp thời, răn đe hiệu quả, công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đặc biệt là tinh hình an ninh rừng ở các khu vực vùng biên giới, vùng giáp ranh đã từng bước đi vào ổn định góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định Quốc phòng - An ninh trên địa bàn.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR trên địa bàn trong thời gian tới, BQL Khu BTTN đề xuất một số giải pháp như sau:
- Tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung phối hợp trong các Quy chế để phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan chủ động tham mưu tổ chức thực hiện các nội dung phối hợp đã được ký kết.
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rưng và PCCCR. Đặc biệt cần tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương để tổ chức xây dựng kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm cụ thể.
- Tăng cường phối hợp, trao đổi, nắm bắt thông tin giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn liên quan đến các hoạt động khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt xây dựng, khai thác hiệu quả các cơ sở nguồn tin từ quần chúng nhân dân.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đặc biệt là xử lý kịp thời và dứt điểm các vụ việc phức tạp, đối tượng vi phạm có dấu hiệu chống đối, manh động.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung theo Quy chế phối hợp giữa Chủ rừng với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR thì diện tích rừng được giao cho BQL Khu BTTN Pù Hoạt quản lý nói riêng và diện tích rừng của huyện Quế Phong nói chung sẽ dần đi vào ổn định.
Nguyễn Văn Sinh