Điều tra, khảo sát đa dạng khu hệ Chim (Aves) và khu hệ lưỡng cư (Amphibia), Bò sát (Reptilia) tại Khu BTTN Pù Hoạt

PHO
Thực hiện Kế hoạch năm 2019, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển Lâm nghiệp bền vững - Trường Đại học Lâm nghiệp và Công ty Cổ phẩn Khoa học và Công nghệ Môi trường Hải Anh tiến hành điều tra, khảo sát đa dạng khu hệ Chim (Aves) và khu hệ lưỡng cư (Amphibia), Bò sát (Reptilia) tại Khu BTTN Pù Hoạt

 Khu BTTN Pù Hoạt là một trong 3 khu rừng đặc dụng nằm trong "Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An" đã được UNESCO công nhận vào ngày 20/9/2007, có giá trị đa dạng sinh học cao chứa đựng nhiều hệ sinh thái, cảnh quan, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen cao.

Rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

Về tài nguyên hiện động vật, theo số liệu cập nhật được, hiện Khu BTTN Pù Hoạt có 797 loài thuộc 471 chi, 147 họ. Tuy nhiên đây chỉ là những số liệu được tổng hợp lại qua các nghiên cứu sơ bộ và chưa có nghiên cứu chuyên biệt nào về tính đa dạng các loài động vật tại khu vực.

Ngày 29 tháng 3 năm 2019, Sở NN&PTNT Nghệ An đã có Quyết định số 227/QĐ-SNN.QLKTKHCN về việc phê duyệt Đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí Nghiên cứu đặc điểm khu hệ Lưỡng cư (Amphibia), Bò sát (Reptilia) tại Khu BTNN Pù Hoạt; số 228/QĐ-SNN.QLKTKHCN về việc phê duyệt Đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí Nghiên cứu đặc điểm khu hệ Chim (Aves) tại Khu BTTN Pù Hoạt.

Theo danh lục động vật tại Khu BTTN Pù Hoạt lớp Chim có 362 loài thuộc 192 chi, 54 họ; lớp Lưỡng cư có 77 loài thuộc 33 chi, 7 họ; lớp Bò sát có 82 loài thuộc 54 chi, 15 họ. Với rất nhiều loài nằm trong SĐVN 2007 thuộc nhóm CR( cực kỳ nguy cấp): Niệc cổ hung (Aceros nipalensis), Rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata),...; nhóm EN (nguy cấp): Công (Pavo muticus), Kỳ đà hoa (Varanus salvator),.....; nhóm VU (sẽ nguy cấp): Gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum), Ba ba nam bộ (Amyda cartilaginea),.......

Bước đầu nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát sơ bộ tại các tuyến thuộc xã Đồng Văn và Thông Thụ và đã xác định được sự hiện diện, phân bố của một số loài thuộc chi Hylarana, Ordorrana (Họ Ếch nhái Ranidae), chi Gallus (Họ Trĩ Phasianidae), chi Acanthosaura, Calotes (Họ Nhông Agamidae), ... Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ tại các tuyến điều tra các loài Chim, Lưỡng cư, Bò sát tại Khu BTTN Pù Hoạt có sự đa dạng về số lượng loài lẫn thành phần loài khá cao. Đây là những cơ sở quan trọng cho việc ban đầu xác định thành phần, phân bố các loài phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát tại các tuyến tra tiếp theo và góp phần hoàn thiện báo cáo.

- Một số hình ảnh từ các hoạt động điều tra, khảo sát:

 

Đo đếm, mô tả và ghi biểu thông tin mẫu vật

Xử lý mẫu vật

Gà rừng - Gallus gallus gallus

 Ngọc Anh

lên đầu trang