Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) là một loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học. Ở Việt Nam hiện nay, Sa mu dầu đã được ghi nhận phân bố trong rừng tự nhiên với số lượng không nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều nhất là tại Nghệ An (Khu BTTN Pù Hoạt). Trong tự nhiên, Sa mu dầu chỉ xuất hiện ở các khu vực đai cao trong kiểu rừng kín hỗn giao cây lá rộng với lá kim ẩm nhiệt đới và á ẩm nhiệt đới.
Trong những thập kỷ qua, cùng với khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác động của con người ở các khu rừng nhiệt đới đã làm suy thoái nghiêm trọng môi trường sống tự nhiên của loài C. konishii. Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu khoa học trước đây của của Đài Loan được công bố đều khẳng định: Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) là một loài đặc hữu của đất nước Đài Loan phân bố ở độ cao trên 800m. Vì vậy, việc nghiên cứu và bảo tồn loài Sa mu dầu ở Việt Nam đang là một vấn đề cấp thiết đặt ra cho giới khoa học trong ngành Lâm nghiệp cũng như các địa phương nơi có loài phân bố.
Cây non 20 ngày và 90 ngày tuổi. Nguồn giống: Hoàng Su Phì - Hà Giang và KBTTN Pù Hoạt - Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Thị Thu Trang, Vũ Đình Duy)
Cây non 120 ngày tuổi. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).
Nhận thức được tầm quan trong đó, trong thời gian qua, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường Đại học đã có những công trình điều tra, nghiên cứu về loài Sa mu dầu ở Việt Nam. Đặc biệt từ năm 2020 - 2022, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng phương pháp thông tin địa lý và kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ phát triển loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) ở Việt Nam” nhằm điều tra, nghiên cứu phân bố, đặc điểm sinh thái và đánh giá khả năng chống chịu môi trường, thích nghi sinh thái, đa dạng di truyền…tại các khu vực phân bố của loài đề làm cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển. Trong nội dung khuôn khổ của đề tài, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai thành công nhân giống hữu tính loài Sa mu dầu.
Đại diện Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt tiếp nhận cây giống từ đại diện Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (Ảnh: Nhóm nghiên cứu TTNĐ Việt-Nga)
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã được tiếp nhận bàn giao 500 cây giống Sa mu dầu, đồng thời đơn vị ứng dụng công nghệ tự gieo ươm thử nghiệm được 1.000 cây giống. Để tiếp tục phát triển những kết quả nghiên cứu này, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã cùng phối hợp với Ban dân vận Huyện uỷ Quế Phong đưa ra ý tưởng xây dựng “Con đường Sa mu dầu” ở bản Piềng Lâng, xã Nậm Giải nhằm bảo tồn loài Sa mu dầu kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với nét đặc trưng của địa phương.
Cây giống Sa mu do BQL Khu BTTN Pù Hoạt ứng dụng công nghệ tự gieo ươm thử nghiệm
Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, Ban dân vận huyện uỷ Quế Phong đã phối hợp cùng với Đảng uỷ, UNBD xã Nậm Giải, Đồn biên phòng Hạnh Dịch và các cơ quan chức năng trên địa bàn vận động nhân dân bản Piềng Lâng nhận trồng, chăm sóc 01- 02 cây/hộ gia đình, trên trục đường chính từ bản ra trung tâm xã. Với chủ trương đúng đắn, đến nay đã có 180 cây Sa mu dầu được người dân nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ. Ngày 08/11/2022, BQL Khu BTTN Pù Hoạt, Ban dân vân Huyện uỷ, Đảng uỷ, UBND xã Nậm Giải, Đồn biên phòng Hạnh Dịch và nhân dân bản Piềng Lâng đã đồng loạt ra quân tổ chức trồng cây dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt.
Trồng cây Sa mu dầu tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải
Bản Piêng Lâng là một bản vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn nhất của xã Nậm Giải nằm sát với ranh giới rừng của Khu BTTN Pù Hoạt nơi được xem là trung tâm phân bố của loài Sa mu dầu trong tự nhiên. Việc triển khai cho người dân tham gia trồng cây Sa mu dầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, thông qua hoạt động này góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thực, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ, bảo tồn loài Sa mu dầu nói riêng. Thứ 2, khu vực Piềng Lâng có điều kiện sinh thái tự nhiện khá tương đồng nơi phân bố của loài trong tự nhiên, kết hợp với những kiến thức bản địa của người dân địa phương nên khả năng thành công trong việc trồng và phát triển loài Sa mu dầu rất khả thi, góp phần quan trọng để bảo tồn nguồn gen quý hiếm này.
Cùng chung tay trồng và bảo vệ loài Sa mu dầu tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải
Với những thành công bước đầu, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt sẽ cùng với Ban dân vận Huyện uỷ tiếp tục vận động nhân dân bản Piêng Lâng và các bản lân cận để phát triển và nhân rộng mô hình, nhằm bảo tồn loài Sa mu dầu trong nhân dân, gắn với xây dựng nông thôn mới mang đậm đặc trưng của địa phương.
Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt