Lâm sản ngoài gỗ là một tiềm năng to lớn của tài nguyên rừng Việt Nam, có vai trò quan trọng trong đời sống, sản xuất và xuất khẩu. Nhiều loại cây lâm sản ngoài gỗ là điều kiện sinh tồn và là yếu tố làm giàu cho các cộng đồng dân cư vùng cao. Không ít cây lâm sản ngoài gỗ là nguồn nguyên liệu quan trọng cho việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống như: thủ công mỹ nghệ, dệt vải, nhuộm, y học cổ truyền; nhiều lâm đặc sản như tinh dầu quế, cánh kiến, dầu thông, nhựa trám đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp, thực phẩm và hoá chất. Bên cạnh các giá trị về kinh tế và giá trị sử dụng, LSNG còn có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Truyền thống từ xưa đến nay, người dân sống trong rừng và gần rừng thường phụ thuộc vào tài nguyên rừng, họ khai thác lâm sản để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, từ khi Khu BTTN Pù Hoạt được thành lập thì việc quản lý các loài lâm sản và lâm sản ngoài gỗ được tiến hành chặt chẽ hơn, đất canh tác nương rẫy bị thu hẹp... trong khi đó khu vực này là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái, H’Mông, Khơ mú. Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc rất rõ vào tài nguyên rừng, nhất là nguồn LSNG là chủ yếu. Tại khu vực các hoạt động khai thác và buôn bán LSNG là hoạt động thường xuyên mang tính không bền vững, rất nhiều loài LSNG đã cạn kiệt, không còn để khai thác mặc dù trước đây có rất nhiều với trữ lượng lớn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do người dân chỉ khai thác các sản phẩm của chúng mà chưa chú ý tới việc bảo tồn, gây trồng, chăm sóc hoặc khai thác một cách hợp lý.
Khu BTTN Pù Hoạt là một trong 03 vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển Miền tây Nghệ An; là một trong những khu Bảo tồn thiên nhiên có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với tổng diện tích quản lý là 85.761,43 ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã, thuộc khu vực phía Tây và Tây Bắc của huyện Quế Phong. Khu BTTN Pù Hoạt là khu vực ở Việt Nam còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chiụ tác động của con người và được xem như là đại diện của kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Nơi đây được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam. Cánh cung Pù Hoạt được xem như là điểm giao thoa của các luồng thực vật Himalaya – Vân Nam Quý Châu, Ấn Độ - Mianma, Malaisia-Indonesia với Đông Nam Á nên thành phần thực vật phong phú và đa dạng, đặc biệt về tài nguyên LSNG.
Đa dạng về thành phần loài thực vật cho LSNG tại Khu BTTN Pù Hoạt
Qua quá trình điều tra tại thực địa giám định mẫu vật và kết hợp kế thừa số liệu chúng tôi đã xác định được tại Khu BTTN Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An có 1.224 loài thực vật bậc cao có mạch cho LSNG, chúng thuộc 621 chi, 174 họ trong 6 ngành: Quyết lá thông; Thông đất; Cỏ tháp bút; Dương xỉ; Thông và Ngọc Lan.
Qua bảng 1 cho thấy lâm sản ngoài gỗ tại Khu BTTN Pù Hoạt khá đa dạng về các bậc phân loại. Trong đó, tỷ trọng của các ngành tập trung chủ yếu vào ngành Ngọc lan – Magnoliophyta, đây là ngành đa dạng nhất với tổng số 1.112 loài, 571 chi của 144 họ chiếm 90,85% tổng số loài, 91,95% tổng số chi và 82,76% tổng số họ. Ngành Dương xỉ đứng thứ 2 với 77 loài, 33 chi, 20 họ. Các ngành còn lại như Thông đất, Ngành Thông, Cỏ tháp bút và Quyết lá thông có số họ, chi loài ít, số loài lần lượt là 17, 15, 2, 1. Tỷ lệ số lượng taxon thực vật cho LSNG trong các bậc phân loại tại Khu BTTN Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An cũng khá tương đồng với tỷ lệ số lượng taxon trong các bậc phân loại của hệ thực vật Khu BTTN Pù Hoạt (nguồn sách: Đa dạng thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, 2019).
Đặc biệt, trong đợt nghiên cứu này chúng tôi đã bổ sung cho danh lục thực vật Khu BTTN Pù Hoạt 12 loài thực vật cho LSNG gồm: Nóng nepan (Saurauia napaulensis) thuộc họ Dương đào (Actinidiaceae), Nóng sổ (Saurauia tristyla) thuộc họ Dương đào (Actinidiaceae), Ngân đằng (Codonopsis celebica) thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae), Bánh lái (Pentaphragma sinense) thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae), Mai rùa (Peripterygium quinquelobum) thuộc họ Mai rùa (Cardiopteridaceae), Mỏ bao trứng ngược (Rhynchotechum obovatum) thuộc họ Tai voi (Gesneriaceae), Bã thuốc (Lobelia nicotianifolia) thuộc họ Bã thuốc (Lobeliaceae), Áo cộc (Liriodendron chinense) thuộc họ Ngọc lan (Magnoliaceae), Me nguồn đài tơ (Phyllagathis setotheca) thuộc họ Mua (Melastomataceae), Thanh mai (Myrica esculenta) thuộc họ Thanh mai (Myricaceae), Rum thơm (Poikilospermum suaveolens) thuộc họ Gai (Urticaceae), Cau chuột ba vì (Pinanga baviensis) thuộc họ Cau (Arecaceae).
Qua bảng 2 cho thấy, họ có nhiều chi và nhiều loài nhất là họ Đậu (75 loài, 37 chi); Thầu dầu (67 loài, 29 chi); Long não (48 loài, 10 chi); Cà phê (42 loài, 19 chi); Cúc (40 loài, 28 chi); Cỏ roi ngựa (32 loài, 9 chi); Dâu tằm (31 loài, 7 chi); Cam (30 loài, 12 chi) ... Các họ thống kê trong bảng 2 cũng đều là những họ có nhiều loài, đặc trưng cho khu vực nhiệt đới Châu Á cũng như tại Khu BTTN Pù Hoạt, Nghệ An. Đặc biệt, trong nghiên cứu này cũng đã bổ sung thêm 02 họ mới cho danh lục loài của Khu BTTN Pù Hoạt là họ Thanh mai (Myricaceae) và họ Mai rùa (Cardiopteridaceae) tăng tổng số họ ghi nhận tại khu vực nghiên cứu lên 210 họ.
Qua thống kê trong bảng 3 cho thấy, chi có số loài nhiều nhất là chi Sung – Ficus có 20 loài, chi Long não – Cinnamomum có 15 loài, chi Bời lời - Litsea có 13 loài, Các chi: Quyển bá, Tổ điểu, Bứa, Móng bò, Tu hú, Ngọc nữ đều có 9 loài. Các chi trong bảng 4.3 đều là những chi khá đại diện cho thực vật nhiệt đới.
Đa dạng về dạng sống và giá trị sử dụng
Các loài thực vật cấu thành một hệ thực vật khác nhau về tính thích nghi với điều kiện bất lợi để tồn tại, điều đó được thể hiện qua dạng sống của chúng. Cơ sở để sắp xếp các nhóm dạng sống đó là xem trong thời kỳ khó khăn cho cuộc sống loài đó tồn tại dưới dạng sống nào; là hạt nghỉ hay hạt có cả chồi, nếu có chồi thì nằm ở vị trí nào so với mặt đất và có được bảo vệ hay không... Theo thang phân loại dạng sống của Raunkiaer (1934) lâm sản ngoài gỗ tại khu vực nghiên cứu có 6 dạng sống
Kết quả bảng 4 cho thấy trong 6 nhóm dạng sống thì nhóm cây chồi trên chiếm tỷ lệ lớn nhất với 870 loài, với 6 kiểu dạng sống, chiếm 71,1% tổng số loài. Nhóm cây chồi sát đất có 141 loài chiếm 11,5%; nhóm cây chồi nửa ẩn có 88 loài, chiếm 7,2%; nhóm cây một năm có 70 loài, chiếm 5,7%; nhóm cây chồi ẩn có 49 loài, chiếm 4,0% và thấp nhất là nhóm cây thuỷ sinh có 6 loài, chiếm 0,5%.
Thực tế từ 1.224 loài cây lâm sản ngoài gỗ tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt người dân đã khai thác và sử dụng chúng lâu nay, trong đó bộ phận lá có số loài cho LSNG nhiều nhất với 452 loài. Khai thác toàn bộ cây có 300 loài; sử dụng rễ có 272 loài; thân cành 253. Ngoài ra còn các bộ phân khác của thực vật cho LSNG, tuy nhiên số lượng loài ít hơn như: Vỏ, Chồi ngọn, Hoa, Củ, Hạt, Nhựa.
Trên cơ sở các kết quả điều tra nghiên cứu, xử lý số liệu và lập Danh lục thực vật cho lâm sản ngoài gỗ tại Khu BTTN Pù Hoạt cũng như tài liệu tham khảo chuyên ngành và phỏng vấn người dân địa phương, đã thống kê trong số 1.224 loài thực vật có tới 2.083 lượt loài cây có các giá trị về lâm sản ngoài gỗ khác nhau. Số loài LSNG làm thuốc, dược liệu chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.033 loài (chiếm tỷ lệ 84.4% tổng giá trị sử dụng) sau đó là nhóm thực vật làm thực phẩm có 410 loài (chiếm tỷ lệ 33,5% tổng giá trị sử dụng) và nhóm cây cho các sản phẩm khác ngoài gỗ có 413 loài cũng chiếm tỷ lệ khá cao là 33,74% tổng giá trị sử dụng. Nhóm cây cho các sản phẩm chiết xuất có 181 loài. Nhóm cây cho sợi có 46 loài.
Như vậy, giá trị nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt rất đa dạng và phong phú, trong tổng số 1.224 loài đã được xác định có loài có tới 2-4 công dụng. Điều này cho thấy tiềm năng lớn về nguồn lâm sản ngoài gỗ cần được khai thác bền vững phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Đa dạng về nguồn gene quý hiếm
Căn cứ vào bảng phân loại theo tiêu chí của Danh lục đỏ IUCN (2013), Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ kết hợp với kết quả điều tra thực tế, đề tài đã ghi nhận có 160 loài thực vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn tại khu vực nghiên cứu. Các loài thực vật cho LSNG có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 có 70 loài, chiếm 5,7% tổng số loài cây lâm sản ngoài gỗ tại khu vực (trong đó có 01 loài thuộc nhóm Rất nguy cấp (CR); nhóm Nguy cấp (EN) có 19 loài; nhóm Sẽ nguy cấp (VU) có 50 loài). Các loài nằm trong nghị định 84/2021 có 49 loài chiếm 4,0% tổng số loài cây lâm sản ngoài gỗ tại khu vực. Nhóm nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại (nhóm IA) có 3 loài; nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại (nhóm IIA) có 46 loài. Đặc biệt nhóm thực vật cho LSNG đặc hữu mới chỉ phát hiện có phân bố tại Việt Nam tại khu vực nghiên cứu có 53 loài.
Kết quả thống kê này là cơ sở giúp Khu bảo tồn có chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thực vật cho LSNG nơi đây. Số lượng nhiều các loài cây nguy cấp và quý hiếm trong danh lục cây LSNG là tiềm năng của Khu BTTN Pù Hoạt, nhưng cũng chính là những thách thức đối với các nhà quản lý.
Một số hình ảnh đa dạng thực vật cho LSNG tại Khu BTTN Pù Hoạt:
Nóng nepan (Saurauia napaulensis)
Nóng sổ (Saurauia tristyla)
Ngân đằng (Codonopsis celebica)
Bánh lái (Pentaphragma sinense)
Mai rùa (Peripterygium quinquelobum)
Mỏ bao trứng ngược (Rhynchotechum obovatum)
Bã thuốc (Lobelia nicotianifolia)
Áo cộc (Liriodendron chinense)
Me nguồn đài tơ (Phyllagathis setotheca)
Thanh mai (Myrica esculenta)
Rum thơm (Poikilospermum suaveolens)
Cau chuột ba vì (Pinanga baviensis)
Trần Hồng Biển - Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế