Hiệu quả từ một số hoạt động do Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam hỗ trợ, phối hợp cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt triển khai thực hiện

PHO
Từ năm 2014 đến hết năm 2017, đơn vị Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đã hỗ trợ và phối hợp với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thực hiện hiệu quả một số hoạt động cụ thể.

 Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được chuyển đổi từ Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND, ngày 02/04/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, là một đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng Nhà nước, đồng thời tổ chức nghiên cứu khoa học, áp dụng các biện pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng... Căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ đã được giao, từ những năm đầu đi vào hoạt động, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, đơn vị cũng rất quan tâm đến việc phối kết hợp với các dự án trong và ngoài nước nhằm quảng bá đơn vị, thu hút đầu tư cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học cũng như một số lĩnh vực liên quan. Một trong những đối tác có khá nhiều hoạt động phối hợp với đơn vị là Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam. Từ năm 2014 đến hết năm 2017, đơn vị Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đã hỗ trợ vốn và phối hợp với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thực hiện hiệu quả một số hoạt động như:

1. Phối hợp tổ chức triển khai các lớp tập huấn đa dạng sinh học

Nhằm phổ biến các kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học, nội dung, cách thức triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn.

2. Phối hợp tổ chức triển khai hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học.

Hoạt động giám sát đa dạng sinh học đã tiến hành triển khai 2 năm liên tục tại địa bàn 2 xã Nậm Giải và Hạnh Dịch, với các mục tiêu:

- Giám sát vị trí, số lượng của một số loài động, thực vật chính ở Khu BTTN Pù Hoạt trên các tuyến giám sát và là hoạt động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện các loài mới.

- Giám sát sự tác động của con người đến Khu bảo tồn, thống kê mức độ tác động và vị trí tác động để tìm ra điểm nóng về đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn.

- Từ kết quả thống kê giám sát lập báo cáo cụ thể về công tác giám sát đa dạng sinh học. Đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật trong Khu bảo tồn.

3. Phối hợp tổ chức các tập huấn PCCCR tại các thôn bản, các xã

Các lớp tập huấn về công tác PCCCR và tổ chức thực hành chữa cháy rừng đã được tổ chức tại Bản Na Chạng, xã Tiền Phong; bản Pù Khóong, xã Đồng Văn; bản Lốc, xã Thông Thụ; bản Chiềng, xã Hạnh Dịch; bản Pòng, xã Nậm Giải... Mục đích chính của các lớp tập huấn PCCCR này là:

Chuyển giao kiến thức, kỹ năng công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho cán bộ cấp xã, bản và bà con nông dân các xã, bản thuộc vùng trọng điểm hàng năm dễ xảy ra cháy rừng;

Thay đổi tập quán, nhận thức của cán bộ cấp xã, bản và nông dân thông qua việc tập huấn và khuyến khích họ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, qui phạm, phương án phòng cháy chữa cháy rừng vào cuộc sống hàng ngày;

Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế, đời sống, cơ sở vật chất, nhằm bảo vệ rừng và môi trường;

Sau khi tập huấn, cán bộ cấp xã, bản và người dân sử dụng kiến thức và kỹ năng đã học để phục vụ việc bảo vệ rừng họ đang quản lý, bảo vệ tính mạng và hạn chế những rũi ro do thiên tai và hoạt động hàng ngày của con người gây ra;

Nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật của KBT thiên nhiên Pù Hoạt, UBND các xã, bản trong huyện Quế Phong trong việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Hình ảnh tập huấn và thực hành về công tác PCCCR

4. Phối hợp triển khai thực hiện hoạt động xác định ranh giới, cắm mốc, bảng

Hoạt động xác định ranh giới đã triển khai thực hiện hoàn thành trên địa bàn tất cả các thôn bản thuộc 04 xã: Nậm Giải, Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch, với các nội dung:

- Xác định được ranh giới của Khu BTTN Pù Hoạt trên bản đồ và ngoài thực địa.

- Thống nhất được với cộng đồng thôn bản, chính quyền xã về ranh giới khu bảo tồn.

- Nâng cao ý thức người dân về vai trò trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ rừng.

- Hoàn thành hồ sơ ranh giới Khu bảo tồn trên địa bàn xã Nậm Giải, Thông Thụ, Đồng Văn và xã Hạnh Dịch.

- Cắm các mốc bê tông tại những nơi khó phân biệt, giúp nhân dân nhận biết ranh giới dễ dàng hơn, cắm bảng chỉ dẫn nội quy, quy chế về khu bảo tồn để nâng cao ý thức nhân dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng.

 

Hình ảnh cắm mốc giả định và cắm mốc bê tông tại ranh giới

5. Phối hợp triển khai thực hiện hoạt động Khảo sát nhu cầu sử dụng đất

Khảo sát nhu cầu sử dụng đất đã thực hiện tại 4 thôn bản (Na Câng, Huồi Muồng, Piêng Cu 1 và Piêng Cu 2) thuộc xã Tiền Phong – Quế Phong, với các mục tiêu

- Giúp cho Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt cũng như chính quyền xã, thôn bản, cộng đồng dân cư vùng tái định cư giáp ranh Khu bảo tồn, xác định nhu cầu và thực trạng sử dụng đất của mình. Từ đó giúp cho công tác đề xuất giải pháp sử dụng đất và quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được tốt hơn.

- Giúp cho chính quyền địa phương đánh giá được nhu cầu sử dụng đất đai của các cộng đồng thôn bản tái định cư của mình, từ đó có biện pháp thích hợp hỗ trợ cộng đồng.

- Xác định được thực trạng nhu cầu sử dụng đất của cộng đồng tái định cư.

- Tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của người dân về nhu cầu sử dụng đất đai tại các cộng đồng thôn bản tái định cư, đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho người dân đang sinh sống tại các cộng đồng thôn bản tái định cư.

6. Phối hợp triển khai thực hiện hoạt động Tập huấn máy tính bảng và bàn giao máy tính bảng

Hoạt động tập huấn máy tính bảng và tổ chức bàn giao một số máy tính bảng đã được triển khai nhằm tiến hành thực nghiệm việc điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, hỗ trợ cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt sử dụng thành thạo máy tính bảng, đồng thời thiết lập và tiến hành ứng dụng máy tính bảng để cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cụ thể đến từng lô, từng khoảnh, từng tiểu khu qua hàng ngày, hàng tháng và hàng năm, phân tích nguyên nhân của diễn biến, thu thập ảnh hiện trường, kịp thời lập các báo cáo về diễn biến tài nguyên rừng.

7. Phối hợp triển khai thực hiện Tổng kết phương án QLBVR giai đoạn 2013-2015, xây dựng phương án QLBVR giai đoạn 2016-2020

Đây là một trong những hoạt động quan trọng, nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện phương án quản lý BVR trong giai đoạn đầu của khu bảo tồn, giai đoạn 2013 – 2015, công tác tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Phương án QLBVR giai đoạn 2013- 2015, xây dựng kế hoạch QLBVR giai đoạn 2016- 2020 có sự đóng góp tham gia của các cộng đồng thôn bản, các tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng, các cơ quan chức năng ban ngành, giúp đơn vị xây dựng phương án QLBVR phù hợp với thực tế hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

 

Hình ảnh tại cuộc Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Phương án QLBVR giai đoạn 2013- 2015, xây dựng kế hoạch QLBVR giai đoạn 2016- 2020 tại Khu BTTN Pù Hoạt.

8. Phối hợp tổ chức lễ “Triển khai chương trình trồng Quế Quỳ, bảo tồn nguồn cây dược liệu bản địa quý tại huyện Quế Phong”

Chương trình lễ tổ chức tại sân vận động bản Chàm, xã Hạnh Dịch với sự có mặt tham dự của nhiều đại biểu các cấp, các ngành trong tỉnh, trong huyện cùng đông đảo cán bộ cùng bà con nhân dân trong xã Hạnh Dịch tham gia, chương trình đã phát động công tác trồng cây Quế Quỳ cho toàn thể bà con nhân dân trên toàn huyện Quế Phong. Đồng thời trực tiếp triển khai trồng cây Quế Quỳ cho các hộ dân bản Chàm, xã Hạnh Dịch, đã bàn giao 11.120 cây Quế Quỳ cho 40 hộ dân trồng, đến nay cây Quế đã phát triển tốt.

9. Phối hợp tổ chức thực hiện tập huấn kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây Quế Quỳ

Đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật: Gieo ươm, trồng, chăm sóc, bảo vệ cũng như kỹ thuật khai thác cây Quế Quỳ, cho người dân của 9 xã :(Hạnh Dịch; Nậm Giải; Tiền Phong; Thông Thụ; Đồng Văn; Nậm Nhóong; Tri Lễ; Châu Thôn; Cắm Muộn) thuộc huyện Quế Phong, được đông đảo bà con nhân dân nhiệt tình tham gia và rất mong muốn được cung cấp cây Quế để triển khai thực hiện.

 

Hình ảnh triển khai trồng cây Quế Quỳ tại bản Chàm, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.

10. Phối hợp xây dựng, lắp đặt bảng truyền thông chỉ dẫn du lịch sinh thái huyện Quế Phong và du lịch tại một số địa điểm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Bảng truyền thông chỉ dẫn du lịch sinh thái huyện Quế Phong và du lịch tại một số địa điểm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đã được xây lắp và đặt tại ngã 3 Truông Bành – Quế Phong, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thập phương về tham gia các Lễ hội, tham gia du lịch tại địa bàn Quế Phong.

11. Phối hợp xây dựng đề án trồng Quế Quỳ trên địa bàn huyện Quế Phong

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp cùng Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tiến hành tổ chức các cuộc họp thống nhất chủ trương xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây Quế Quỳ với 13 xã trên toàn huyện Quế Phong, tổ chức Hội thảo tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Thông qua kết quả điều tra khảo sát quỹ đất, thống nhất số liệu xây dựng đề án phát triển cây Quế Quỳ giai đoạn 2017 – 2020. Kết quả năm 2017 Đề án phát triển cây Quế Quỳ đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.

12. Phối hợp triển khai mở lớp đào tạo tiếng dân tộc Thái cho CBCC, VC người lao động trong Khu bảo tồn

Đã triển khai hoàn thành lớp đào tạo tiếng dân tộc Thái cho hơn 40 CBCC, VC người lao động trong BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, sau khi được tham gia học, đa số cán bộ Khu Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã giao tiếp thành thạo tiếng dân tộc Thái, quá trình triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia QLBV và phát triển rừng, cũng như các hoạt động liên quan khác rất thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

13. Phối hợp triển khai hoạt động điều tra, khảo sát và lập hồ sơ công nhận cây Di sản Việt nam

- Hoạt động này đã giúp đơn vị điều tra tỉ mỉ về số lượng, chất lượng, phạm vi phân bố các quần thể cây Sa mu dầu, quần thể cây Phay sừng trên địa bàn BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thiện về các quần thể cây Sa mu dầu, quần thể cây Phay sừng như (Số liệu thống kê, bản đồ phân bố, đánh số hiệu các cây, ap phích...)

- Đề xuất thành công việc cấp bằng công nhận quần thể cây Sa mu dầu, quần thể cây Phay sừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là cây di sản Việt Nam.

 

Hình ảnh buổi Lễ đón nhận bằng công nhận cây Di sản Việt Nam

Ngoài ra các hoạt động nói trên, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho CBCC, VC Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tham gia một số đợt tham quan, hội thảo, tập huấn như: Tổ chức cho CBCC, VC Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đi tham quan, học hỏi tại Quảng Bình và Huế, tham gia Hội thảo về ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu; Hội thảo về nguyên nhân làm suy giảm rừng và mất rừng; Tập huấn kỹ thuật gieo ươm cây giống Lâm nghiệp; Tập huấn truyền thông canh tác trên nương dốc; Tập huấn về công tác tài chính; Tập huấn về đồng quản lý rừng đặc dụng...

Trong thời gian từ 2014-2017 đơn vị Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã phối kết hợp cùng Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam triển khai thực hiện đạt hiệu quả một số hoạt động trên, khởi đầu tốt đẹp trong việc kêu gọi thu hút các đối tác trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư, kết hợp Khu bảo tồn triển khai các hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Khắc Hảo (Tổng hợp)

lên đầu trang