BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt làm việc với BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An.

PHO
BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt làm việc với BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An.

 Ngày 10/7/2018, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có buổi làm việc với Đoàn tư vấn của Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An. Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong, phòng Nông nghiệp; về phía BQL Khu BTTN Pù Hoạt có Ban Giám đốc và các trưởng phó các phòng cùng Đoàn Tư vấn của BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An.

Nội dung chính của buổi làm việc xoay quanh 2 nhiệm vụ quan trọng đó là:

1. Góp ý xây dựng “Chiến lược quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017 - 2027, tầm nhìn đến năm 2030”.

2. Góp ý xây dựng “Quy chế hoạt động của Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An (Theo hướng dẫn của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban MAB Việt Nam).

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Như chúng ta đã biết Khu DTSQ thế giới miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận ngày 20/9/2007, là khu DTSQ trên cạn lớn nhất Việt Nam, có diện tích 1.303.285 ha, được phân thành 3 khu chức năng là vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp; có dân số 437.882 người, nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi là Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ. Đây còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 6 dân tộc: Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu và H’ Mông.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Khu DTSQ miền tây Nghệ An đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với danh hiệu đã được công nhận, việc bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học trên diện tích hơn 800.000ha rừng và sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn và rất nặng nề.

Làm thế nào để biến danh hiệu Khu DTSQ miền tây Nghệ An dần trở thành một thương hiệu, một biểu tượng sinh động không chỉ ở sự đa dạng sinh học mà còn bao hàm cả tính đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc. Để thực hiện tốt mục tiêu đang đặt ra: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong khu DTSQ nhưng phải gắn liền với việc phải bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học cả trước mắt và lâu dài là không hề đơn giản.

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng phân tích những khó khăn, thuận lợi khi có thêm danh hiệu khu dự trữ sinh quyển, đánh giá thế mạnh hiện có của địa phương. Để từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp cho việc xây dựng và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới miển Tây Nghệ An trong thời gian tới tại địa phương mình quản lý và miền Tây xứ Nghệ nói chung.

Theo đó, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta sẽ đưa ra cơ chế, chính sách gì để người dân ở đây vừa khai thác được tài nguyên thiên nhiên để phát triển theo hướng bền vững vừa có ý thức tự bảo vệ môi trường và tự giác tác động tích cực để nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị cạn kiệt mà ngược lại còn phát triển ngày một bền vững hơn.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, về phía chính quyền địa phương và BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể các tầng lớp, đặc biệt là người dân sinh sống gần rừng hiểu được về Khu dự trữ sinh quyển. Xây dựng một quy chế hoạt động của khu dự trữ sinh quyển đồng bộ từ trên xuống dưới, đảm bảo hoạt động

Thứ hai là phải tận dụng các nguồn lực, tiềm năng hiện có và có giải pháp đồng bộ về chính sách đối với đồng bào đang sống gần rừng, tạo điều kiện để họ có thể sống ổn định nhờ rừng... bằng việc “lồng ghép” các chương trình dự án được nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ.

Thứ ba, để Khu DTSQ làm tốt công tác bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học, bắt buộc chính quyền phải tạo được sinh kế cho người dân đang sinh sống trong Khu DTSQ. Tạo được sinh kế cho người dân thì mới giúp họ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây là điều kiện tiên quyết để bà con không tác động tiêu cực vào tính đa dạng sinh học trong Khu DTSQ.

 

Lễ hội đền chín gian

Thứ tư, là phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch sinh thái, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển hình thức du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách trong và ngoài nước về Khu DTSQ. Một khi lượng du khách về Khu DTSQ tăng thì các loại hình dịch vụ tại chỗ mới có điều kiện phát triển thì mới giúp người dân tăng thêm thu nhập...

 

Ảnh lưu niệm cùng đoàn tư vấn khu DTSQ Tây Nghệ An

Văn Mạnh

lên đầu trang