Ghi nhận một số loài mới trong Khu hệ Chim (Aves) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

PHO
Kết quả điều tra, nghiên cứu về khu hệ Chim (Aves) năm 2019 đã ghi nhận và bổ sung thêm 10 loài Chim vào danh lục các loài chim của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

 Khu BTTN Pù Hoạt là một trong 03 vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển Miền tây Nghệ An với tổng diện tích quản lý là 85.761,43 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là khu vực còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chiụ tác động của con người và được xem như là đại diện của kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Khu BTTN Pù Hoạt được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng.

Khu BTTN Pù Hoạt được thành lập tương đối muộn so với các Khu bảo tồn và Vườn quốc gia trong khu vực. Vì vậy, các thông tin và dữ liệu khoa học về đa dạng sinh học về động, thực vật đang rất thiếu và chưa có tính hệ thống. Đặc biệt các nghiên cứu về giá trị đa dạng của khu hệ Chim tại Khu BTTN Pù Hoạt chưa được nghiên cứu nhiều. Một số công trinh nghiên cứu của tổ chức Frontier-Việt Nam và Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga mới chỉ có tính chất khảo sát, đánh giá sơ bộ bước đầu.

Để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về tính đa dạng khu hệ Chim, năm 2019, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có đề tài khoa học nghiên cứu, đánh giá đặc điểm Khu hệ Chim (Aves). Kết nghiên cứu bước đầu đã ghi nhận bổ sung mới hết sức quan trọng cho dữ liệu khoa học về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và của khu hệ Chim nói riêng tại Khu BTTN Pù Hoạt.

1. Đa dạng của taxon trong Khu hệ Chim

Từ kết quả điều tra, nghiên cứu thực địa đã ghi nhận được dữ liệu về khu hệ Chim (Aves) tại Khu BTTN Pù Hoạt với 170 loài, 51 họ thuộc 16 bộ. Hầu hết các loài đều được ghi nhận qua quan sát ngoài thực địa và phân tích mẫu chim thu được qua quá trình điều tra. Từ đó có thể khẳng định được rằng cơ sở dữ liệu về tính đa dạng của các loài thuộc khu hệ chim ở Khu BTTN Pù Hoạt có cơ sở khoa học rất chắc chắn.

Kết quả phân tích về đa dạng taxon của khu hệ Chim (Aves) tại Khu BTTN Pù Hoạt được thể hiện tại bảng 01. Cụ thể như sau:

               Bảng 01. Tổng hợp độ phong phú của các taxon chim ở KBTTN Pù Hoạt

Từ kết quả bảng 01 cho thấy, trong số 16 bộ chim ghi nhận được ở Khu BTTN Pù Hoạt thì bộ Sẻ (Passeriformes) có số họ và số loài đa dạng nhất với 115 loài và 31 họ; tiếp đến các bộ như: Bộ Sả (Coraciiformes), Bộ Gõ kiến (Piciformes), Bộ Cu cu (Cuculiformes) có tính đa dạng tương đối cao. Các bộ còn lại chỉ có từ 1 – 4 loài đại diện.

Theo Nguyễn Lân Hùng Sơn và Nguyễn Thanh Vân (2011), toàn Việt Nam có 887 loài chim thuộc 88 họ và 20 bộ. Như vậy, so với khu hệ Chim của Việt Nam thì khu hệ chim ở KBTTN Pù Hoạt tương đối đa dạng và phong phú với 19,17 % tổng số loài, 57,95 % tổng số họ và 80 % tổng số bộ chim của khu hệ Chim Việt Nam. Kết quả này cho thấy được giá trị bảo tồn cao của khu hệ chim ở KBTTN Pù Hoạt.

2. Đánh giá tình trạng bảo tồn của các loài chim ở KBTTN Pù Hoạt

Từ danh lục các loài Chim đã điều tra, nghiên cứu và ghi nhận ở KBTTN Pù Hoạt. Qua đối chiếu với các danh lục các loài nguy cấp quý hiếm đã được đưa vào danh lục các sách đỏ và các Nghị định của Chính phủ để ưu tiên bảo vệ thì khu hệ Chim của Khu BTTN Pù Hoạt có 17 loài. Danh sách các loài này được thể hiện ở bảng sau:

                     Bảng 02. Các loài chim có giá trị bảo tồn cao tại KBTTN Pù Hoạt

Ghi chú: SĐTG- Sách Đỏ của IUCN, 2019; SĐVN- Sách Đỏ Việt Nam, 2007 (EN- Nguy cấp, VU- Sẽ nguy cấp, LR- Ít nguy cấp, NT- Gần bị đe doạ); NĐ06-Nghị định 06/2019/NĐ-CP ( IB- Nghiêm cấm khai thác sử dụng, IIB- Hạn chế khai thác sử dụng); NĐ160-Nghị định 160/2013/NĐ-CP

Từ kết quả bảng 02 cho thấy, khu hệ Chim của Khu BTTN Pù Hoạt có 17 loài chim có giá trị bảo tồn cao, chiếm 10% tổng số loài của toàn khu hệ. Trong đó: 06 loài trong Danh lục đỏ IUCN (2019), 04 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 14 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 02 loài trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP.

Với số loài có giá trị bảo tồn cao nêu trên cho thấy, KBTTN Pù Hoạt đang chứa đựng những nguồn gen Chim hoang dã vô cùng quý hiếm không chỉ ở cấp quốc gia mà cả quốc tế. Hầu hết các loài này đều được pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế bảo vệ.

3. Ghi nhận mới một số loài của khu hệ Chim tại Khu BTTN Pù Hoạt

Kết quả điều tra, nghiên cứu về khu hệ Chim (Aves) tại Khu BTTN Pù Hoạt năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt khoa học nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng. Kết quả điều tra, nghiên cứu đã ghi nhận và bổ sung thêm 10 loài Chim vào danh lục các loài chim của Khu BTTN Pù Hoạt. Trong đó, đã ghi nhận và bổ sung 07 loài riêng cho Khu BTTN Pù Hoạt và 03 loài cho vùng Bắc Trung Bộ. Danh lục các loài mới được ghi nhận và bổ sung cụ thể như sau:

                     Bảng 03: Các loài chim lần đầu được ghi nhận tại KBTTN Pù Hoạt

Ghi chú: * Loài bổ sung cho KBTTN Pù Hoạt; ** Loài bổ sung cho vùng Bắc Trung Bộ.

Nguồn thông tin: PV- Phỏng vấn; MTD- Mẫu vật trong dân; MBB- Mẫu vật bẫy bắt được; QS- Quan sát/nhìn thấy; NT- Nghe thấy

Gà so (Bambusicola fytchii), Di xanh (Erythrura prasina) và Chích đầu nhọn phương đông (Acrocephalus orientalis) là 03 loài mới phát hiện tại KBTTN Pù Hoạt mà chưa từng được ghi nhận ở vùng Bắc Trung Bộ (Robson. C, 2008; Nguyễn Lân Hùng Sơn và Nguyễn Thanh Vân, 2011). Tuy nhiên các loài này đều đã được ghi nhận tại các vùng địa lý sinh học lân cận như: Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Trung Bộ. Do đó sự có mặt của các loài này tại khu vực Bắc Trung Bộ, cụ thể là tại KBTTN Pù Hoạt là hoàn toàn hợp lý. Như vậy, kết quả điều tra đã bổ sung thông tin về đặc điểm phân bố ở Việt Nam cho 03 loài chim này. Mặt khác, với kết quả lần đầu tiên ghi nhận được 03 loài chim này trong khu vực Bắc Trung Bộ tại Khu BTTN Pù Hoạt đã khẳng định thêm giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn, đồng thời cũng ghi những nỗ lực cố gắng của đơn vị trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đạ dạng về sinh cảnh sống cho các loài động thực vật, đặc biệt các loài chim.

Như vậy, chương trình điều tra, nghiên cứu khu hệ chim tại Khu BTTN Pù Hoạt đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận, bổ sung vào danh lục các loài chim của khu BTTN Pù Hoạt nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung được một số loài mới, đồng thời xây dựng được một bức tranh tổng thể về đặc điểm của khu hệ chim tại Khu BTTN Pù Hoạt. Đây là dữ liệu khoa học quan trọng làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu BTTN Pù Hoạt. Mặt khác, từ kết quả nghiên cứu này cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học nói chung và đa dạng của khu hệ Chim nói riêng của khu BTTN Pù Hoạt rất lớn cần tiếp tục có những điều tra nghiên cứu thêm để bổ sung thêm những thông tin về đa dạng sinh học của Khu bảo tồn.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC LOÀI CHIM TẠI KHU BTTN PÙ HOẠT

                                            Gà so (Bambusicola fytchii)

                                           Di xanh (Erythrura prasina)

                                           Diều Ấn độ (Butastur indicus)

                              Cao cát bụng trắng (Anthracoceros albirostris)

Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt

lên đầu trang